Nguyễn Thế Anh - thủ thành đa tài

(Baonghean) - Nghệ An là cái nôi sản sinh ra nhiều thủ môn xuất sắc cho bóng đá nước nhà, cũng là nơi chứng kiến nhiều cầu thủ thành đạt trên thương trường. Tuy nhiên, xét một cách toàn diện, khó ai vượt qua cựu thủ thành Nguyễn Thế Anh - người đang là HLV thủ môn tại Đội tuyển U16 và U22 Việt Nam. 

Là người con trai duy nhất trong một gia đình gia giáo ở Thành phố Vinh, Nguyễn Thế Anh khiến cha mẹ bị bất ngờ khi anh đăng ký thi tuyển và vào học lớp bóng đá trẻ của CLB Quân khu 4. Khi đó, Thế Anh mới học xong lớp 11 và gia đình cũng không hề định hướng cho anh theo nghiệp quần đùi áo số. Phải tìm đủ mọi cách, Thế Anh mới có được chữ ký của phụ huynh để việc theo học bóng đá được trót lọt. 

Tập luyện tại Quân khu 4 ở vị trí tiền đạo, nhưng chỉ một năm sau, mọi thứ quay ngoắt 180 độ khi anh trở thành một thủ môn chính hiệu. Tình cờ trong một lần CLB dự giải toàn quân năm 1999, cả 3 thủ môn của đội đều không thể ra sân. Trong bối cảnh thiếu người, thấy Thế Anh cao ráo, vừa mắt, HLV không ngại ngần giao cho anh đôi găng để thử sức. Điều đáng ngạc nhiên hơn là chỉ sau 6 tháng đóng thế vai thủ môn, Thế Anh chơi “xuất quỷ nhập thần”, từ vị trí người gác đền bất đắc dĩ, anh trở thành sự lựa chọn số 1 của đội.

Thủ môn Nguyễn Thế Anh . Ảnh: Internet
Năm 2000, Nguyễn Thế Anh đạt danh hiệu Thủ môn xuất sắc nhất giải U21. Ảnh minh họa

Từng bước khẳng định được tài năng ở Quân khu 4, năm 2000, cầu thủ sinh năm 1981 này được SLNA chiêu mộ và những thành công đầu tiên của Thế Anh cũng đến từ đây. Sau khi cùng lứa cầu thủ Huy Hoàng, Minh Đức... vô địch giải U18 năm 1999, ở tuổi 20, Thế Anh đã là nhà vô địch V.League mùa 2000 - 2001 và sau đó là danh hiệu Thủ môn xuất sắc nhất giải U21 năm 2000 khi anh cùng U21 SLNA đăng quang đầy thuyết phục.

Sau 1 năm trui rèn tại LG. HNACB theo dạng cho mượn, Thế Anh trở lại đội bóng quê hương và đóng vai chính tỏa sáng trong mùa giải 2002 - 2003, anh được HLV Calisto triệu tập vào đội tuyển quốc gia để tham dự Tiger Cup 2002. Tuy nhiên, mãi đến LG Cup 2003 và SEA Games 22 (năm 2003), tên tuổi của thủ môn Thế Anh mới bắt đầu được biết đến trong tiềm thức người hâm mộ bóng đá nước nhà dưới thời HLV Alfred Riedl.

Từng là “sát thủ” ghi bàn với đôi chân rất ngoan, chuyển sang luyện thêm tay khi trở thành thủ môn nên Thế Anh được xem là một thủ môn khá toàn diện. Thời điểm đó, sự nghiệp cầu thủ của Thế Anh đang lên như diều gặp gió. Đứng lên từ “tai nạn” nhớ đời trong trận bán kết SEA Games 22 (2003) với Malaysia khi anh để bóng bật qua đầu, cũng như nghịch cảnh ở NH Đông Á sau đó không làm cho Thế Anh dễ dàng đánh mất mình, thay vào đó, những ngày tháng này càng khiến cho chàng thủ môn xứ Nghệ cứng cáp, bản lĩnh hơn.

Với những bản hợp đồng tiền tỷ, lương, thưởng cũng tăng vọt và đi kèm là chức vô địch cùng B. Bình Dương, Thế Anh trở thành “tỷ phú” trong giới cầu thủ ở Việt Nam. Không những khẳng định được tài năng, vai trò trong khung thành, tầm ảnh hưởng với các đồng đội, Thế Anh còn rất nhạy bén với những cơ hội kinh doanh. Khi còn là cầu thủ, Thế Anh đã dồn toàn bộ vốn vào đầu tư sân cỏ nhân tạo cho thuê đầu tiên tại TP Vinh lẫn Bình Dương.

Gia đình hạnh phúc của Thế Anh. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Gia đình hạnh phúc của Thế Anh. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đón đầu được nhu cầu của thị trường, Thế Anh thuộc diện những cầu thủ Việt Nam đầu tiên khai phá, đặt nền móng cho lĩnh vực mới mẻ này. Sân cỏ nhân tạo Thế Anh rộng 1.000m2 tại Bình Dương và cụm sân cỏ nhân tạo ở Vinh mang lại nguồn thu cao, ổn định. Không dừng lại ở việc kinh doanh sân cỏ nhân tạo, khi công việc làm ăn ngày càng khấm khá, Thế Anh trở thành ông chủ của chuỗi nhà hàng kinh doanh đồ ăn nhanh ở khu vực phía Nam. Với 2 cậu con trai kháu khỉnh cùng cô vợ hiền, Thế Anh đang sống một cuộc sống trọn vẹn mà nhiều cầu thủ mơ ước. 

Là một cầu thủ và doanh nhân thành đạt trên sân cỏ lẫn thương trường, nhưng Thế Anh cũng không quên nhiệm vụ học tập. Ngay khi còn thi đấu đến khi giải nghệ trong màu áo XSKT Cần Thơ cuối mùa 2015, “người gác đền” của đội tuyển quốc gia ngày nào đã kịp hoàn tất những bằng huấn luyện cao nhất của Liên đoàn bóng đá châu Á - AFC, kể cả bằng HLV thủ môn. Đồng thời, tốt nghiệp Đại học Thể dục - Thể thao II với thành tích đáng nể.

Nguyễn Thế Anh (trang phục đen) trong vai trò HLV thủ môn. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nguyễn Thế Anh (trang phục đen) trong vai trò HLV thủ môn. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Vì vậy, không lấy làm ngạc nhiên khi vừa giã từ sự nghiệp cầu thủ, năm 2016 vừa qua, Nguyễn Thế Anh được các đồng nghiệp tín nhiệm đề bạt lên làm HLV thủ môn ở đội tuyển U16 Việt Nam, và giờ đây là đội U22 Việt Nam. 

Hiện tại, khi đã có được gần như tất cả, Thế Anh có thể dồn toàn sức cho công việc huấn luyện, tiếp tục sống với đam mê của mình. Cùng với thế hệ Dương Hồng Sơn, Nguyễn Minh Đức, Lê Công Vinh... thủ thành Nguyễn Thế Anh là hình mẫu cho thế hệ cầu thủ trẻ noi theo, học tập.

Trung Kiên

TIN LIÊN QUAN

Tin mới