Italy - Tây Ban Nha: Máu và nước mắt ở Euro 2016

Họ là hai trong số những cái nôi lớn của văn hóa nhân loại. Họ cùng nằm ở vùng Nam Âu và nhìn ra Địa Trung Hải. Nhưng cứ mỗi lần họ gặp nhau trên sân cỏ là nước mắt rơi và máu lại đổ. 

Tây Ban Nha - Italy là một trận cầu giữa những kỳ phục địch thủ, thậm chí nó đã thay thế cặp Anh - Đức để trở thành cuộc chiến được chờ đợi nhất ở lục địa già. Đấy không phải là trận đấu mà người ta có thể gặp nhau sau trận để uống rượu. Bởi tình bằng hữu là thứ không tồn tại ở đây.

italy-tay-ban-nha-mau-va-nuoc-mat-o-euro-2016

Italy (áo xanh) và Tây Ban Nha có những sự đối lập đặc biệt về phong cách bóng đá, dù không cách xa nhau là mấy về mặt địa lý.

Sau khi ghi bàn vào lưới Tây Ban Nha, giúp Croatia giành trọn ba điểm và xếp trên đội đương kim vô địch ở bảng đấu của mình, Ivan Perisic gặp một nhà báo Italy trên đường rời sân. Và anh đã nói: "Các anh nợ tôi một lời cám ơn đấy nhé".

Perisic có hai ý. Thứ nhất mang hàm ý kiêu ngạo, cho rằng Italy đã không phải gặp Croatia ở vòng 1/8. Thứ hai, mang tính văn hóa và lịch sử anh đã trao cho Italy một cơ hội để báo thù. Trong bóng đá, người ta rất kỵ hai chữ "báo thù", bởi vì đâu thể lấy hiện tại để bù đắp lại cho những mất mát trong quá khứ. Nói về báo thù cũng là vô tình tự đặt ra gánh nặng cho mình, như cái cách Argentina thất bại trước Chile tại chung kết Copa America diễn ra sáng nay 27/6. Nhưng các cầu thủ Italy chẳng giấu diếm làm gì. Giorgio Chiellini thừa nhận là anh muốn báo thù. Anh còn gọi đó là một từ ngữ... dễ thương.

Hai kỳ Euro gần nhất, Italy gặp Tây Ban Nha là thất bại. Năm 2012 họ nhận thất bại thảm hại 0-4 ở chung kết. Còn năm 2008, họ thua ở tứ kết sau loạt sút luân lưu. Một lần là thua tâm phục khẩu phục, một lần tiếc nuối tức tưởi. Nhưng nhìn chung tất cả đều quy về một sự thật rằng Italy đã phải ngồi ở chiếu dưới so với Tây Ban Nha. Thế nhưng nước mắt của Andrea Pirlo và Mario Balotelli có là gì, so với những nỗi đau trải dài suốt... 74 năm của những người Tây Ban Nha trước đó.

Suốt hơn bảy thập kỷ, Tây Ban Nha cứ gặp Italy là hòa hoặc thua. Tứ kết World Cup 1934, Tây Ban Nha hòa Italy 1-1. Trận đấu lại, Tây Ban Nha bị trọng tài tước mất hai bàn hợp lệ, đành chịu thua với pha ghi bàn duy nhất của Giuseppe Meazza huyền thoại. Vòng bảng Euro 1988, Tây Ban Nha lại thua sít sao với bàn duy nhất của Gianluca Vialli. Ở đó, chàng hậu vệ có gương mặt đẹp như thiên thần Paolo Maldini đã kèm chết ngôi sao Michel bên đối thủ. Năm ấy, Maldini mới 19 tuổi.

Tứ kết World Cup 1994, Tây Ban Nha bị loại sau khi thua 1-2 với hai bàn thua đến hai cầu thủ cùng mang tên Baggio. Dino ở đầu trận và Roberto ở cuối trận. Giữa trận, Mauro Tassotti giật chỏ vào mặt Luis Enrique. Máu đổ đầy trên gương mặt chàng tiền vệ của Tây Ban Nha, nhưng Tassotti thì ung dung đá đến hết trận. Tây Ban Nha luôn thua Italy kiểu như thế. Họ luôn đi giữa lằn ranh mong manh giữa thắng và thua nhưng cuối cùng đều thua tức tưởi, cho đến khi trận tứ kết Euro 2008 diễn ra.

italy-tay-ban-nha-mau-va-nuoc-mat-o-euro-2016-1

Tây Ban Nha và Italy có quá nhiều oán hận với nhau trên sân cỏ.

Từ sau đó, lịch sử lại xoay chiều. Số phận của họ không có chỗ cho sự giằng co, khoan nhượng. Tây Ban Nha đấu với Italia là tiki-taka đấu với catenaccio, là sự lãng mạn đấu với thực dụng, là màu đỏ nóng bỏng đấu với màu xanh điềm tĩnh. Tây Ban Nha biểu tượng là một con bò tót: cương mãnh và luôn hướng về phía trước. Catenaccio trong tiếng Italy là chiếc then, nhỏ thôi nhưng cực kỳ khó chịu. Anh đóng cửa, cài then lại, đối phương không thể ghi bàn được nữa.

Tinh hoa của Tây Ban Nha nằm hết cả ở hàng tiền vệ. Họ cất Santi Cazorla, Isco và Juan Mata ở nhà, trong khi mỗi người trong số ba cái tên vừa nêu sẽ dư sức đá chính ở bất kỳ đội tuyển nào dự Euro năm này. Italy thì mất sạch các tiền vệ. Pirlo không được gọi, Marco Verratti chấn thương, Claudio Marchisio cũng không khoẻ.

Tây Ban Nha sống dựa vào những đường chuyền nhỏ, Italy thở bằng  những đường chuyền dài - bỏ qua "trạm trung chuyển" là hàng tiền vệ. Tây Ban Nha cần bóng để yên tâm, Italy không cầm bóng nhiều để cảm thấy thoải mái. Họ thậm chí rất thích chơi với những đội ưa cầm bóng. Sự khác biệt còn đến từ những cá nhân. Như Alvaro Morata, hoàng tử của Madrid, được Juventus rước sang Italy thi đấu. Anh sẽ đối đầu với những "chàng trai lọ lem" như Graziano Pelle hay Eder, những người đã toan vào buổi "băm" rồi mới thấy cánh cửa lên tuyển mở ra với mình.

italy-tay-ban-nha-mau-va-nuoc-mat-o-euro-2016-2

Tây Ban Nha đang thắng thế gần đây, nhưng Italy luôn có thể tạo nên bất ngờ.

Italy - Tây Ban Nha là một cuộc thư hùng lớn, và thật phí khi nó diễn ra ở vòng 1/8 chứ không phải là bán kết hay chung kết. Nhưng họ đâu còn lựa chọn nào khác. Tây Ban Nha từ đỉnh cao muôn trượng đang sa sút gặp một Italy đang cố vẽ nên một phong trào Phục hưng mới ở thế kỷ 21. Và họ sẽ chơi với tất cả những gì họ có.

Pizza đấu với Paella, Opera đối đầu Flamenco, Tây Ban cầm đụng độ Mandolin. Cầm bóng cuồng tín đấu với phòng ngự nghệ thuật.

Và sẽ lại có nước mắt rơi, thậm chí máu đổ, khi hành trình khôi phục hào khí của một trong hai đội bị buộc phải dừng lại sớm!

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN

Tin mới