Thêm hàng nghìn ha cao su trồng trên đất chưa được cấp thẩm quyền cho thuê

4.363 ha là diện tích mà Công ty CP đầu tư phát triển cao su Nghệ An đã trồng cao su (từ năm 2010 đến năm 2017) trên địa bàn 3 huyện Anh Sơn, Thanh Chương, Quế Phong. Nhưng tất cả diện tích này đều chưa được cấp thẩm quyền giao đất, cho thuê đất!.

Sau khi Báo Nghệ An điện tử ngày 4/9/2020 đăng tải bài “Trồng hàng nghìn ha cao su, doanh nghiệp “chưa được” thuê đất!” nêu thực trạng ở huyện Quế Phong, Công ty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An trồng hàng nghìn ha cây cao su nhưng chưa được UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất, một công dân ở huyện Thanh Chương cho biết địa bàn này cũng có chuyện tương tự.

Theo người này, tại huyện Thanh Chương, Công ty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An thực hiện dự án trồng cao su trên địa bàn hai xã Thanh Đức và Hạnh Lâm. Hiện nay, diện tích trồng cây cao su đã lên đến cả nghìn ha, nhưng cũng chưa được UBND tỉnh cho thuê đất.

Tìm hiểu, thông tin công dân huyện Thanh Chương cung cấp là chính xác. Cụ thể, theo Tờ trình số 212/HĐQT-RBN ngày 8/10/2019 của Công ty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An gửi Sở TN&MT thì dự án trồng cao su của công ty này được thực hiện trên địa bàn 3 huyện Anh Sơn, Thanh Chương và Quế Phong với tổng diện tích quy hoạch là 8.947 ha (theo Quyết định số 6665/QĐ.UBND.NN của UBND tỉnh về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển cây cao su tỉnh Nghệ An đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030).

Về tiến độ trồng cây cao su, từ năm 2010 đến thời điểm kết thúc vụ trồng mới năm 2018, diện tích cao su đã trồng được hơn 4.363 ha cao su (năm 2010: 124,68 ha, năm 2011: 119,59 ha, năm 2012: 624,99 ha, năm 2013: 1202,93 ha, năm 2014: 1801,87 ha, năm 2015: 300,75 ha, năm 2016: 180 ha, năm 2017: 8,71 ha).

Liên quan việc thuê đất, tại Tờ trình số 212/HĐQT-RBN thông tin Công ty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An đã thuê đơn vị tư vấn lập hồ sơ trích lục bản đồ, đo vẽ bổ sung bản đồ địa chính khu đất trồng cao su, lập hồ sơ thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích lập hồ sơ giai đoạn 1 là 1.203,2 ha.

Đây là phần diện tích đất trồng cao su của Nông trường cao su TNXP 2 và Nông trường cao su 12/9 trên địa bàn xã Thanh Đức và Hạnh Lâm.

Tuy nhiên, do “Quá trình kiểm tra, thẩm định hồ sơ thuê đất của công ty, Phòng Quản lý đất đai (Sở TN&MT) yêu cầu phải có bản đồ quy hoạch chi tiết đất trồng cao su tỷ lệ 1/5.000 kèm theo các quyết định phê duyệt quy hoạch được UBND tỉnh ký tên đóng dấu.

Trên thực tế, UBND tỉnh mới chỉ ký quyết định phê duyệt quy hoạch, còn bản đồ quy hoạch trồng cao su kèm theo các Quyết định số 5990/QĐ-UBND ngày 11/11/2009, Quyết định 5334/QĐ-UBND ngày 6/12/2011, Quyết định 4081/QĐ-UBND ngày 13/9/2013,  Quyết định 6665/QĐ.UBND.NN của UBND tỉnh về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển cây cao su tỉnh Nghệ An đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 được xây dựng trên nền bản đồ tỷ lệ 1/25.000 và thành phần ký là: Đoàn ĐTQHNN&TL; Đoàn ĐTQHLN (đơn vị tư vấn); UBND huyện, Sở NN&PTNT (cơ quan quản lý nhà nước) và chủ đầu tư, UBND tỉnh không trực tiếp ký trong bản đồ quy hoạch đất trồng cao su”.

Vì lý do này nên “đến nay hồ sơ xin thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Công ty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An vẫn chưa hoàn thành”.  Để hoàn thiện được hồ sơ xin thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Công ty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An đề nghị Sở TN&MT tại Tờ trình số 212/HĐQT-RBN là cho phép sử dụng bản đồ quy hoạch tỷ lệ 1/25.000  để trích lục bản đồ, trích đo biến động địa chính, lập hồ sơ thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…

Cây cao su của Công ty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An trồng trên địa bàn huyện Quế Phong.
Cây cao su của Công ty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An trồng trên địa bàn huyện Quế Phong.

Theo đại diện Sở TN&MT, Công ty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An giải thích nguyên nhân việc chậm hoàn thành hồ sơ xin thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Tờ trình số 212/HĐQT-RBN là không chính xác. Vì chủ đầu tư phải có trách nhiệm lập bản đồ quy hoạch tỷ lệ 1/5.000 để được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.

Chính vì vậy, dù Công ty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An dù có Tờ trình số 212/HĐQT-RBN  nhưng sau đó đã lập bản đồ quy hoạch chi tiết trồng cao su tỷ lệ 1/5.000 đối với phần diện tích đã sử dụng trồng cao su ở Thanh Chương. Vị đại diện trao đổi: “Đến nay, Công ty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An đã hoàn thành hồ sơ thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích khu vực đã trồng cao su ở Thanh Chương. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một phần nhỏ trong số diện tích họ đã sử dụng trồng cao su trên địa bàn tỉnh…”.

Đại diện Sở TN&MT cũng khẳng định, phần diện tích đất mà Công ty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An đã hoàn thiện hồ sơ cũng chưa thể được UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất vì không phù hợp các quy định của Luật Tài sản công và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

Sở dĩ như vậy bởi  khu đất đề nghị thuê bao gồm: 6.891 ha đất của Công ty Lâm nghiệp Anh Sơn đã được UBND tỉnh có Quyết định số 55/QĐ-UBND ngày 13/4/2009 về việc thu hồi đất tại các huyện Anh Sơn, Thanh Chương để Công ty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An thực hiện dự án; 15.068,8 ha đất của Tổng đội TNXP 2 đã thực hiện chuyển giao cho Công ty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An theo Quyết định số 2953/QĐ-UBND ngày 11/7/2013 của UBND tỉnh.

Tờ trình số 212/HĐQT-RBN, Công ty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An; Văn bản số 4834/STC-QLG&CS ngày 31/12/2019 của Sở Tài chính; Văn bản số 2802/STNMT-QLĐĐ của Sở TN&MT.
Tờ trình số 212/HĐQT-RBN, Công ty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An; Văn bản số 4834/STC-QLG&CS ngày 31/12/2019 của Sở Tài chính; Văn bản số 2802/STNMT-QLĐĐ của Sở TN&MT.

Trong khi đó, Sở Tài chính khi được hỏi đã trả lời (tại các Văn bản số 4834/STC-QLG&CS ngày 31/12/2019  và 1208/STC-QLG&CS ngày 24/4/2020) như sau: Đối với diện tích đất thu hồi từ Công ty Lâm nghiệp Anh Sơn là do hiện nay phần diện tích đất vẫn đang do UBND các huyện Anh Sơn, Thanh Chương tạm thời quản lý chưa giao đất, cho thuê đất nên việc xử lý theo quy định của Nghị định 167/2017/NĐ-CP.

Nếu Công ty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An có nhu cầu sử dụng khu đất này thì phải mua với hình thức đấu giá. Đối với đất nhận chuyển giao từ Tổng đội TNXP 2, hình thức xử lý về đất được UBND tỉnh phê duyệt là chuyển giao không thu tiền (điều chuyển).

Tại thời điểm chuyển giao, các văn bản về tài sản công có hiệu lực vào lúc đó như Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg về sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước; Nghị định số 52/2009/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Quản lý tài sản nhà nước 2008 và Nghị định 13/2006/NĐ-CP không có quy định điều chuyển tài sản (đất và tài sản trên đất) cho doanh nghiệp. Nếu chuyển nhượng cho doanh nghiệp thì phải thông qua bán đấu giá.

Sở Tài chính cũng đưa ra một hình thức xử lý khác, nhưng phải có quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đó là, theo Công văn số 125/HĐTV/CSVN-KHĐT ngày 4/3/2020 của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam thì tỷ lệ vốn nhà nước tại Công ty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An do Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam nắm giữ là 67% chiếm tỷ lệ chi phối, vì vậy đủ điều kiện để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét theo quy định tại điểm đ, khoản 4, Điều 41, Luật Tài sản công 2017 để được giao đất hoặc cho thuê đất theo cơ chế Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư và sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp theo quy định tại Chương V, Luật Tài sản công và Chương VIII, Nghị định số 151/2017/NĐ-CP.

“Để đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp, Sở Tài chính đề nghị Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xem xét theo quy định. Nếu không được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận thì phải tổ chức giao đất, cho thuê đất thông qua đất giá. Vì vậy, từ ngày 16/6/2020, Sở TN&MT đã có Văn bản số 2802/STNMT-QLĐĐ báo cáo UBND tỉnh việc xử lý hồ sơ thuê đất của Công ty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An…” – đại diện Sở TN&MT thông tin.