Thêm một sàn giao dịch tài chính ảo biến mất, hàng trăm người chơi mất trắng tiền tỷ

(Baonghean.vn) - Sau Lion Group, đến lượt sàn giao dịch tài chính Busstrade cũng chính thức “sập”, cuốn theo hàng trăm tỉ đồng của những người chơi (nhà đầu tư) khắp trong cả nước,trong đó có Nghệ An. Những nạn nhân đã gửi đơn đến Cơ quan CSĐT công an các cấp để cầu cứu trong tuyệt vọng.

Đầu tư vào sàn ảo, mất tiền thật

Từ ngày 7/5, khi biết sàn giao dịch tài chính Busstrade không thể truy cập tài khoản, bản thân cũng bị đứt liên lạc với người của sàn, số tiền hàng trăm triệu đồng đứng trước nguy cơ "biến mất" không dấu vết, chị Trần Thị T. (SN 1971), trú tại phường Lê Lợi, TP Vinh phải nhập viện cấp cứu vì mọi việc diễn ra quá nhanh, khiến chị choáng váng. Theo lời của chị T., thông qua một người bạn, chị được mời gọi đầu tư tiền vào sàn giao dịch tài chính Busstrade, được quảng bá là sàn giao dịch tài chính quốc tế, thành lập và cấp phép ở Anh. Phần vì tin tưởng người bạn, phần nữa bản thân cũng có kiến thức về đầu tư tài chính trực tuyến nên đã mạnh dạn đầu tư với số tiền 17.700 USD (tương đương 435,7 triệu đồng). Tuy nhiên, chưa đầy một tháng, khi số tiền lãi thu về hàng ngày chưa thấy đâu, đến đầu tháng 5 vừa qua, nghe tin sàn này đóng cửa, những người đứng đầu hệ thống biến mất, không liên lạc được khiến chị rất hoang mang, sợ hãi.

Tương tự, anh Đinh Văn Q. (SN 1982), trú tại TP Vinh cũng nghe theo lời đường mật của một người bạn, bỏ ra số tiền hơn 312 triệu đồng để đầu tư vào sàn Busstrade. Tuy nhiên, may mắn hơn chị T. là anh này tham gia trước nên số tiền lãi nhận về có nhiều hơn chút ít, nhưng cũng chẳng đáng là bao so với tiền gốc đã bỏ ra. Đến nay, sàn giao dịch này đột ngột đóng cửa, anh Q. cùng với các nhà đầu tư khác đâm đơn thư tố cáo đến cơ quan điều tra Công an Nghệ An về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của sàn giao dịch Busstrade, với hy vọng mong manh là gỡ gạc lại được chút tiền gốc đã bỏ ra.

Được biết, nhóm của chị T., anh Q. có hơn 70 nhà đầu tư, phần lớn đều là những người không quen biết, hộ khẩu thường trú khắp nơi, từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng đến Bình Phước, Tiền Giang, Quảng Ninh, Bắc Giang, Nam Định… Những người này cùng có điểm chung duy nhất là đổ tiền thật vào sàn ảo Busstrade để nhận tiền lãi và tiền hoa hồng hàng tháng. Trong đó, người mất ít nhất với số tiền 24 triệu đồng (1.000 USD), còn lại đều trên 100 triệu. Cá biệt, có những nhà đầu tư như anh Đào Đức A., trú tại huyện Đông Anh (TP. Hà Nội), nguy cơ mất trắng số tiền gần 3,5 tỉ đồng; còn Vũ Quốc M. và Lê Thanh H., cùng trú tại thành phố Nam Định, lần lượt đầu tư số tiền là 2,2 và 2,3 tỷ đồng, giờ xác suất lấy lại số tiền này gần như cũng bằng con số không tròn trĩnh.

Chỉ tính riêng nhóm đầu tư nói trên, tổng số tiền mà người chơi thống kê đã mất, là xấp xỉ 26,5 tỷ đồng. Trong khi đó, từ ngày 7/5, kể từ thời điểm sàn Busstrade chính thức bị mất liên lạc, hàng trăm người chơi trong cả nước đã đến trụ sở Cơ quan công an các tỉnh, thành phố gửi đơn tố cáo.

Thủ đoạn cũ, nạn nhân mới

Chia sẻ với chúng tôi, chị Đinh Thị T.H., trú tại huyện Quỳnh Lưu, một người chơi vừa đổ vào sàn giao dịch tài chính Busstrade số tiền gần 200 triệu đồng, cho biết: Sở dĩ chị và hàng nghìn người trên khắp cả nước tin và không mảy may nghi ngờ khi đổ tiền vào Busstrade, là vì so với các sàn giao dịch khác, Busstrade không chỉ trả lãi cho người chơi cao, mà còn đánh vào tâm lý khách hàng là được bảo hiểm 100% số vốn ban đầu bỏ ra. Nghĩa là, khi có sự cố bất trắc như sập sàn giao dịch, thì người chơi vẫn được rút về toàn bộ số tiền gốc đã bỏ ra. Tuy nhiên, khi sự cố xảy ra thật, thì chị T.H. và hàng ngàn nhà đầu tư khác mới biết, đấy chỉ là chiêu trò để móc túi khách hàng.

Hàng trăm nhà đầu tư gửi đơn tố cáo Busstrade. Ảnh: Người dân cung cấp
Hàng trăm nhà đầu tư gửi đơn tố cáo Busstrade. Ảnh: Người dân cung cấp

Về bản chất, hoạt động của Busstrade không khác nhiều với các mô hình đa cấp biến tướng khác. Thời gian đầu người tham gia sẽ được trả tiền thưởng, lãi và các lợi ích khác đúng hạn, nhưng sau đó dừng lại, kịch bản ứng dụng, trang web sập diễn ra và nhóm điều hành cao chạy xa bay. Thực tế, đây là hình thức đầu tư liên quan về ngoại hối không được pháp luật Việt Nam công nhận. Sở dĩ Busstrade lôi kéo được nhiều nhà đầu tư vì ngoài cam kết lợi nhuận khủng theo ngày, được bảo hiểm 100% tiền vốn nếu xảy ra rủi ro (thực chất là lấy tiền của nhà đầu tư để tự bảo hiểm cho chính tiền của họ), hình thức tham gia cũng cực kỳ đơn giản. Người chơi thông qua một người chơi trước đó (gọi là chuyên gia), nộp tiền vào sàn lập tức sẽ được cấp một tài khoản y hệt của chuyên gia (coppytrade), từ đó dễ khiến nhà đầu tư đánh đồng với việc, mọi giao dịch từ sàn sẽ tự động chuyển vào tài khoản của mình y hệt tài khoản của chuyên gia.

Được biết, chỉ trong vòng khoảng 1 tháng qua, hàng loạt sàn giao dịch đầu tư tài chính bao lãi, bảo hiểm vốn 100% kiểu như Busstrade đã lần lượt "bốc hơi" khiến hàng trăm người chơi mất trắng tiền tỷ. Riêng trên địa bàn Nghệ An, trước sự biến mất của một số sàn giao dịch tài chính ảo, mà điển hình là Lion Group khiến hàng trăm người lao đao. Hiện nay, cơ quan CSĐT Công an nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có Nghệ An, Hà Tĩnh, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận đơn tố cáo của các nạn nhân.
Thượng tá Cao Ánh Hồng - Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an Nghệ An cho biết: Hiện nay, đơn vị đang tiếp nhận đơn của một số nạn nhân, tố cáo bị các sàn giao dịch tài chính lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với số tiền lên đến hàng tỉ đồng, trong đó có sàn Busstrade. Hiện nay, đơn vị đang phân loại đơn thư để điều tra, xác minh theo đúng thẩm quyền.
Sở Công Thương Nghệ An cũng đã có văn bản đề nghị Công an tỉnh tăng cường phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trên địa bàn tỉnh. Sở này cũng đề nghị ngành Công an thực hiện công tác đấu tranh, khởi tố đối với hoạt động bán hàng đa cấp không phép và hoạt động lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để thực hiện các hoạt động huy động tài chính trái phép, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản./.

Tin mới