Thêm một trường hợp tử vong do chữa bệnh dại bằng thuốc nam

(Baonghean.vn) - Nghe nhiều người nói tiêm vắc-xin làm giảm trí nhớ, anh Châu chở con đến thầy lang để khám bằng cách dùng đồng xu cào lên vết cắn để xác định xem có phải chó dại cắn hay không.

» Nóng: Xuất hiện ổ dịch bệnh dại, 40 người bị chó cắn, 1 người tử vong

Vào lúc 9h ngày 26/9/2016, Bệnh viện đa khoa huyện Tân Kỳ tiếp nhận bệnh nhi Nguyễn Văn Tuấn (7 tuổi) con anh Nguyễn Văn Châu ở xóm Đồn Kén, xã Tây Thành (Yên Thành).

Cháu Tuấn nhập viện trong tình trạng bị đau bụng cấp, nôn mửa, ngứa toàn thân. Bệnh viện chẩn đoán là cháu bị đau bụng cấp.

Đến 14h ngày 26/9/2016, cháu Tuấn bắt đầu có biểu hiện bệnh bất thường như sốt, ăn ít, sợ nước, sợ gió, sợ cánh quạt trần quay…

Bố cháu bé cho biết cách đây một tháng cháu Tuấn bị chó cắn, con chó đã chết sau 4 ngày cắn cháu, gia đình đã đưa cháu đi tiêm nhưng chỉ tiêm phòng uốn ván chứ không tiêm phòng dại.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Anh Châu cho biết, vì nghe nhiều người quen bảo tiêm vắc-xin sẽ làm giảm trí nhớ nên anh chở con đến thầy lang, khám bằng cách dùng đồng xu cào lên vết cắn để xác định xem có phải chó dại cắn hay không, sau đó sắc lá thuốc nam uống.

Sau đó cháu Tuấn được chuyển đến Bệnh viện sản nhi Nghệ An điều trị. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán cháu Tuấn bị mắc bệnh dại. Tuy nhiên, lúc này bệnh nhân đã lên cơn dại điển hình, không thể điều trị được.

Sau 1 ngày vật lộn với những cơn dại hành hạ, cháu Tuấn được bệnh viện trả về. Sáng 28/9/2016, cháu tử vong.

Ông Hoàng Văn Sâm - Phó giám đốc bệnh viện đa khoa Tân Kỳ: "Việc cào đồng xu lên vết căn để “chẩn đoán” bệnh nhân có bị nhiễm vi-rút dại hay không là phương pháp hoàn toàn phản khoa học. Trên thực tế việc sử dụng thuốc nam để chữa bệnh dại khiến nhiều người tử vong do tin tưởng vào các thầy lang vườn.

Cách tốt nhất để phòng bệnh dại khi bị chó, mèo cắn là tiêm vắc-xin ngay trong những giờ đầu tiên. Đặc biệt, khi phát hiện con vật có biểu hiện bệnh dại hoặc vết thương ở gần đầu, mặt, cổ hoặc ở vùng có nhiều dây thần kinh như đầu chi, bộ phận sinh dục, cần phải tiêm cả huyết thanh kháng dại. Nếu không điều trị kịp thời, khi đã lên cơn dại hầu như 100% ca bệnh đều tử vong.

Sau khi bị chó, mèo cào, cắn, bệnh nhân nên rửa sạch vết thương với nước xà phòng đặc hoặc nước muối, sau đó sát khuẩn vết thương bằng cồn và đến cơ sở y tế gần nhất để được tiêm vắc-xin phòng bệnh dại. Hiện nay chưa có cơ sở khoa học nào khẳng định việc tiêm vắc-xin phòng bệnh dại sẽ gây giảm trí nhớ cho bệnh nhân".


Phương Hảo

TIN LIÊN QUAN

Tin mới