Thi đấu giao hữu dưới tay huấn luyện viên Philippe Troussier

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Thi đấu giao hữu lâu nay thường là dịp để hội quân, kiểm tra, đánh giá lực lượng trước một giải đấu trong nước hay quốc tế.

Các đội tuyển quốc gia hay câu lạc bộ, chuyên nghiệp hay bán chuyên, phong trào đều luôn có “cữ dượt” này như một “mặc định” để đưa ra những lựa chọn, quyết định, phục vụ cho các nhiệm vụ lâu dài.

Trong dịp FIFA Day tới đây, đội tuyển Indonesia không tiếc tiền để tổ chức một trận đấu giao hữu với đội bóng đương kim vô địch thế giới, đội bóng của Messi, là đội tuyển Argentina. Màn quảng bá vượt bậc này của những người làm bóng đá xứ vạn đảo nhằm khích lệ một nền bóng đá đang phát triển, tạo cơ hội để các tuyển thủ quốc gia được cọ xát với các đội bóng hàng đầu thế giới, các cầu thủ lừng danh năm châu. Từ đó nâng cao niềm tin, sự cống hiến của cầu thủ, tạo điều kiện cho đông đảo người hâm mộ được tận mắt chứng kiến bằng “người trần, mắt thịt”- các ngôi sao mà ngay trong giấc mơ họ cũng khó gặp nổi, tạo cú hích để Indonesia đua tranh sòng phẳng với các đối thủ khu vực và châu lục!

Huấn luyện viên Philippe Troussier yêu cầu các học trò có sự tập trung tối đa, cần quên nhanh V-League bởi SEA Games mới là giải đấu quan trọng ở phía trước. Ảnh tư liệu Hải Hoàng

Huấn luyện viên Philippe Troussier yêu cầu các học trò có sự tập trung tối đa, cần quên nhanh V-League bởi SEA Games mới là giải đấu quan trọng ở phía trước. Ảnh tư liệu Hải Hoàng

Bóng đá Việt Nam cũng đang trong quá trình vươn lên, đặt ra tham vọng rất cao nhưng dịp này lại bắt đầu từ điểm xuất phát khá thường, là chỉ lựa chọn những đội bóng trung bình của châu lục để đá giao hữu, là đội tuyển Hong Kong - Trung Quốc và đội tuyển Syri, đi từ dễ đến khó mà không chọn một cuộc thi đấu “vượt cấp” nào. Cách làm cũng khác hoàn toàn so với trước đây như chúng ta từng chứng kiến và ghi nhận.

Đó là hầu như từ thời ông Park Hang-seo về trước, mỗi lần đội tuyển tập trung đá giao hữu, giới chuyên môn và thạo tin không khó để đoán ra những gương mặt nào được triệu tập, những ai sẽ đá chính, dự bị, sai số không đáng là bao. Việc lựa chọn đối thủ cũng vừa phải, không quá khó, ảnh hưởng đến khí thế xung trận sau đó. Ví dụ như để tham gia một giải đấu sắp tới, sau khi bốc thăm chia bảng, sẽ biết được đối thủ là ai, lối đá như thế nào, người ta sẽ chọn đá giao hữu với những đối thủ tương tự, tương đồng lối chơi để làm quen, để tìm cách khắc chế đối thủ, tránh bị bất ngờ khi vào trận chính thức.

Vì thế, dù có “phù thủy” hay “ma thuật” đến đâu thì hầu như đối thủ cũng không khó nhận diện lực lượng, lối chơi, bài vở của chúng ta. Người Thái có dạo rất thích đối đầu với các đội bóng Việt Nam, đơn giản vì họ hiểu chúng ta, biết ai mạnh, ai yếu, ai mới, ai cũ. Nguyễn Hồng Sơn ở Thể Công một thời hay là thế nhưng không thể giúp Đội tuyển Việt Nam qua mặt được người Thái, đơn giản là họ biết cách bắt bài Hồng Sơn và đồng đội, khiến cho mọi sự liên kết, liên lạc bị đứt quãng, cả hệ thống sụp đổ và mang đến kết cục thất bại. Kể cả thời ông Park Hang-seo vô địch AFF Cup 2018, vào tới vòng loại thứ 3 World Cup 2023 với Quang Hải hay Hoàng Đức tài năng thì cũng phải chịu trận trước người Thái, vì ngay từ khi đá giao hữu, họ đã biết đối thủ có gì, không có gì, ngăn cản, phá lối chơi ra sao để đạt mục tiêu cuối cùng.

Huấn luyện viên Philippe Troussier muốn các cầu thủ làm quen với ý tưởng chiến thuật của mình. Ảnh tư liệu Hải Hoàng

Huấn luyện viên Philippe Troussier muốn các cầu thủ làm quen với ý tưởng chiến thuật của mình. Ảnh tư liệu Hải Hoàng

Trong rất nhiều nguyên nhân, nguyên cớ, sau chu kỳ đỉnh cao của bóng đá Việt Nam thời Park Hang-seo, mối lương duyên tưởng như bền chặt mãi mãi với vị huấn luyện viên Hàn Quốc cũng phải đến hồi dừng lại. Ai cũng hiểu bóng đá Việt đã “đụng trần” và nếu không thay đổi, không làm lại, làm mới thì nguy cơ tụt hậu, bị đối thủ bứt lên, vượt qua là vô cùng hiện hữu, có thật. Người được tin tưởng giao phó là ông thầy người Pháp Philippe Troussier như chúng ta từng biết. Chúng ta cũng từng chứng kiến U22 Việt Nam thất bại ở SEA Games 32 trước người Indonesia, mà không phải là người Thái, để thấy nếu chậm trễ thì mọi việc càng khó gỡ, khó xử hơn bao giờ hết. Và dù thất bại tạm thời ngay từ đầu nhưng đừng nghĩ là ông Troussier đang…lạc bước?

Cách để ông Troussier vào cuộc, đầu tiên chính là quan điểm, cách làm từ bóng đá giao hữu, nghĩa là từ công tác chuẩn bị. Ông Troussier không làm như những người tiền nhiệm, mà gộp 3 đội tuyển lại với nhau, tập luyện, tìm ra nhân tố phù hợp để thi đấu, để lựa chọn đường dài với quan điểm trẻ hóa mạnh mẽ, chỉ giữ lại rất ít các ngôi sao đã thành danh, quen thuộc với chúng ta cũng như…đối thủ. Chưa thể nói cách làm này là hay nhất, là tối ưu hay không, nhưng chắc chắn là không có bất cứ ai nghiễm nhiên chắc suất để lơ là tập luyện, đánh rơi phong độ hay bất cứ biểu hiện không chuyên nghiệp nào khác. Đặc biệt, chưa bao giờ cơ hội cho các nhân tố trẻ, nhất là lứa U23 được mở ra rộng như lúc này? Nguồn lực cầu thủ Việt kiều cũng được trọng dụng, thử lửa…

Chỉ là đá giao hữu nhưng ông Troussier lựa chọn từng bước một, bước sau là kết quả của bước trước và là cơ sở để lần tiếp theo được gọi, được sử dụng, nghĩa là 2 trận giao hữu khác nhau nằm trong một tổng thể chung, không tách rời nhau. Không để phí nhân tài nhưng cũng không cho phép ai “ăn mày dĩ vãng”, tất cả đều được kiểm tra, đánh giá cụ thể, bằng đá giao hữu, bằng tập luyện theo giáo án mới, nâng cao…như ông đang làm với hơn 50 cầu thủ được gọi mới đây.

Hy vọng ông Troussier đang nhen lên một ngọn lửa cống hiến trong từng tuyển thủ Việt Nam, thúc đẩy từng người phát huy cao nhất năng lực tiềm ẩn, năng lực chưa phát sáng, tạo ra một diện mạo mới, cách làm và hiệu quả mới cần thiết cho bóng đá Việt Nam. Bắt đầu từ những trận đấu giao hữu tưởng như vô bổ, hình thức, những lần tập trung theo thông lệ nhưng mọi việc hiện đang dần lộ diện, sáng rõ dần lên dưới tay huấn luyện viên Philippe Troussier./.

Tin mới