Thi nhau… nhận khuyết điểm!

(Baonghean) - Tránh tình trạng thi đua nhận khuyến điểm, nhưng sau đó là im lặng, các khuyết điểm không những không hạn chế, khắc phục, mà lại có nguy cơ tăng thêm.

Này, việc triển khai kiểm điểm cán bộ, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã về đến cấp cơ sở và dưới cơ sở. Theo đánh giá chung thì Nghị quyết lần này đi vào cuộc sống, có địa chỉ, có nội dung rõ ràng ông ạ!

- Đúng thế! Muốn xây dựng, chỉnh đốn, mà cứ “bắn chỉ thiên”, không trúng ai, thì hiệu quả sẽ không cao. Lần này nhận diện 27 biểu hiện suy thoái, “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa”, từng cán bộ, từng đảng viên không thể đứng ngoài cuộc được. Mà ai cũng phải tự nhận diện, và góp ý cho đồng chí mình nhận diện. Do đó, khó mà có ai né tránh được. Từng cá nhân, từng tập thể đã được chỉ rõ ưu nhược gắn với những mặt mạnh và mặt yếu lĩnh vực công việc mình phụ trách, đảm nhận, liên quan. 

- Tại một cơ sở mà chúng tôi đến, chúng tôi nghe phản ánh một chuyện “đảo ngược tình thế” rất thú vị. Đó là ban đầu không ai dám nhận các khuyết điểm, vì sợ nếu nhận các khuyết điểm thì sẽ bị xử lý kỷ luật. Sau khi được nghe tổ hướng dẫn của cấp trên trao đổi, hướng dẫn, biết là mục tiêu của việc nhận diện là để nhìn thẳng mặt yếu kém, thẳng thắn nhìn nhận, phân tích, tìm ra giải pháp khắc phục, sửa chữa. Chỉ khi nào ở mức độ nghiêm trọng, cá nhân hoặc tập thể không có tinh thần nghiêm túc nhận diện, không chịu tiếp thu góp ý, không chịu sửa chữa, hoặc sửa chữa không có kết quả, thì mới đề nghị có hình thức kỷ luật.

Các địa phương tổ chức kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4. Ảnh Internet
Các địa phương tổ chức kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4. Ảnh Internet

Sau khi được hướng dẫn, phân tích, có hiện tượng các đảng viên đều tự nhận diện các khuyết điểm. Thậm chí có đảng viên còn quan niệm việc nhận nhiều khuyết điểm như là một biểu hiện cao của tính nêu gương nên tự nhận rất nhiều khuyết điểm, khiến cho các đảng viên khác cảm thấy có vẻ như nhận hơi quá mức. Rằng “nhân bất thập toàn”, không ai hoàn chỉnh và hoàn thiện tuyệt đối cả, nên giả sử có khiếm khuyết nhỏ cũng là bình thường, nếu cứ liên quan là nhận khuyết điểm thì e rằng hơi quá!

- Thực ra nhận nhiều khuyết điểm cũng chẳng phải là vấn đề cần ái ngại. Mà vấn đề cần ái ngại ở đây là nhận khuyết điểm rồi thì có giải pháp khắc phục hay không, có thực sự cầu thị và có ý thức nghiêm túc trong việc sửa chữa khuyết điểm hay không.

- Tôi cũng đồng tình với quan niệm này. Thi đua nhận khuyết điểm là tốt. Nhưng sẽ tốt hơn nếu có thi đua cùng khắc phục, sửa chữa khuyết điểm. Tránh tình trạng, khi kiểm điểm thì tự nhận nhiều khuyết điểm, nhưng sau đó thì không quan tâm, đâu lại vào đó. Nếu nhận khuyết điểm mà không chịu sửa thì lại thêm một khuyết điểm nữa đó là “nói mà không làm”, “nói không đi đôi với làm”... Và cũng là biểu hiện thiếu trung thực, thiếu chân thành, chưa nghiêm túc trong việc thực hiện kiểm điểm.

-  Do đó, việc quan trọng của cấp ủy các cấp là sau khi thực hiện kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 thì cần thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện các giải pháp để khắc phục, sửa chữa chuyết điểm, tồn tại, hạn chế. Tránh tình trạng thi đua nhận khuyết điểm, nhưng sau đó là im lặng, các khuyết điểm không những không hạn chế, khắc phục, mà lại có nguy cơ tăng thêm.

Đức Dương

TIN LIÊN QUAN