Thị trường hàng hoá Tết Quý Mão: Nguồn cung dồi dào, giá cả ổn định

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Nhìn chung, dịp Tết Quý Mão 2023, giá cả các mặt hàng thiết yếu không tăng nhiều so với Tết Nguyên đán năm 2022; một số mặt hàng giữ nguyên giá để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, không có hiện tượng sốt giá hay tăng giá đột biến.

Theo ghi nhận của P.V, ngày mồng 6 Tết, hầu hết các hệ thống phân phối, chợ truyền thống trở lại hoạt động bình thường. Giá các mặt hàng thực phẩm tại chợ tăng giá hơn so với ngày thường, nhưng ngày đầu năm nên người đi mua hàng chấp nhận trả giá cao hơn.

Tại các siêu thị, trưa mồng 2 Tết đã hoạt động, so với mặt bằng giá ở chợ, giá rau, củ, thực phẩm ở các siêu thị không biến động nhiều.

Trưa mồng 2 Tết, một số siêu thị trên địa bàn thành phố Vinh đã mở cửa hoạt động trở lại. Ảnh: Thu Huyền

Trưa mồng 2 Tết, một số siêu thị trên địa bàn thành phố Vinh đã mở cửa hoạt động trở lại. Ảnh: Thu Huyền

Đánh giá chung, thị trường hàng hoá, nhất là hàng hoá thiết yếu dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 nhộn nhịp nhưng không có biến động nhiều. Các siêu thị, trung tâm thương mại, doanh nghiệp kinh doanh, phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh đảm bảo nguồn hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2023, chủ động nghiên cứu thị trường, xây dựng kế hoạch sản xuất, dự trữ hàng hóa hợp lý và kịp thời đáp ứng nhu cầu thị trường trong các dịp cao điểm, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá hoặc tồn đọng hàng hóa sau Tết. Các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thương mại đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giữ vững ổn định thị trường, đảm bảo cân đối cung - cầu dịp cuối năm, Tết Nguyên đán.

Hàng hóa phục vụ Tết năm nay được siêu thị, trung tâm thương mại, doanh nghiệp kinh doanh, phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh chuẩn bị dồi dào, mẫu mã phong phú, đa dạng, giá cả hầu hết các mặt hàng tương đối ổn định, một số mặt hàng có nhu cầu tăng cao vào những ngày giáp Tết như hoa quả, cây cảnh phục vụ Tết... giá bán tăng khoảng 10-30% so với ngày thường.

Đối với nhóm hàng lương thực, tổng nhu cầu tiêu thụ gạo bình quân toàn tỉnh khoảng 16.000 tấn/tháng (mức tiêu thụ bình quân cá nhân 5 kg/người/tháng), tháng Tết nhu cầu khoảng 18.000 tấn/tháng.

Tình hình giá lúa gạo ổn định do nguồn cung dồi dào. Tuy nhiên, thời gian trước và sau Tết Nguyên đán giá gạo tăng nhẹ, tập trung vào các mặt hàng gạo đặc sản và gạo nếp ngon. Mức tăng không đáng kể do nguồn cung gạo sản xuất tại địa phương và nguồn gạo miền Nam luôn dồi dào.

Đoàn công tác của UBND tỉnh kiểm tra tình hình cung ứng lương thực, thực phẩm dịp Tết Quý Mão 2023 tại chợ Vinh. Ảnh: Thu Huyền

Đoàn công tác của UBND tỉnh kiểm tra tình hình cung ứng lương thực, thực phẩm dịp Tết Quý Mão 2023 tại chợ Vinh. Ảnh: Thu Huyền

Cụ thể: Các loại gạo ngon sản xuất trên địa bàn tỉnh giá bán lẻ dao động từ 10.500 -12.000 đồng/kg (tại các huyện, thị) và tại TP Vinh giá bán khoảng từ 11.000-15.000 đồng/kg; gạo thơm lài sữa (miền Nam) có giá từ 14.800-15.000 đồng/kg, nếp Hà Nội 24.300-28.000 đồng/kg, nếp Thái 28.200- 30.000 đồng/kg…

Các loại nông sản giữ mức ổn định so với cùng kỳ năm ngoái, cụ thể: Vừng đen loại 1: 50.000 - 55.000 đồng/kg,… Riêng đối với lạc nhân bóc vỏ loại 1 và đậu xanh (bóc vỏ) loại 1 có tăng khoảng 5.000 đồng/kg: 50.000-60.000 đồng/kg...

Nhóm thịt gia súc, gia cầm và thủy, hải sản:

Tổng nhu cầu thực phẩm tươi sống bình quân toàn tỉnh khoảng 13.000 tấn/tháng (tương đương 4kg/người/tháng), nhu cầu Tết khoảng 16.000 tấn/tháng.

Các loại thịt gia súc, gia cầm: Giá bán lẻ gà ta sống có giá bán ổn định so với cùng kỳ năm ngoái, tại các huyện, thị đồng bằng có giá khoảng 100.000-120.000 đồng/kg; tại các chợ trên địa bàn thành phố Vinh giá dao động từ 130.000-150.000 đồng/kg; thịt bò thăn giá dao động từ 240.000-270.000 đồng/kg, thịt bò bắp 250.000-280.000 đồng/kg; thịt lợn mông sấn giá bán lẻ có giảm so với cùng kỳ năm trước và tăng nhẹ khoảng 10.000 - 20.000 đồng/kg so với tháng trước, giá bán lẻ dao động từ 120.000-150.000 đồng/kg.

Các loại hải sản nguồn cung dồi dào, giá bán lẻ vẫn giữ mức ổn định so với cùng thời điểm của kỳ năm trước (tùy từng loại), cụ thể: Cá thu loại 1 giá bán lẻ tăng cao nhất, tăng 50.000 đồng/kg, giá bán bình quân dao động từ 270.000-310.000 đồng/kg; Cá trắm to loại 5-7 kg/con giá bán từ 80.000-100.000 đồng/kg, tôm sông loại vừa có giá từ 170.000-200.000 đồng/kg...

Nhóm rau xanh, củ, quả:

Nhu cầu khoảng 32.000 tấn rau, củ, quả các loại/tháng (tương đương khoảng 10 kg/tháng). Nguồn cung cấp chủ yếu trong tỉnh, dự kiến sản lượng tại chỗ có thể đáp ứng khoảng: 39.947 tấn/tháng.

Nguồn cung rau, củ, quả tại các địa phương dồi dào, có tăng nhẹ từ 10-20% so với năm ngoái, cụ thể: Rau cải 10.000-15.000 đồng/kg; ngọn mồng tơi 8.000-12.000 đồng/bó, ngọn khoai 8.000-10.000 đồng/bó, bí xanh 15.000-20.000 đồng/kg,...

Ra Tết, thời tiết mưa lạnh, mặt hàng rau xanh tăng giá. Ảnh: Thu Huyền

Ra Tết, thời tiết mưa lạnh, mặt hàng rau xanh tăng giá. Ảnh: Thu Huyền

Nhóm hàng công nghệ phẩm tiêu dùng:

Tổng nhu cầu (đường, sữa, nước mắm, bột canh, mỳ chính, mỳ tôm; lương khô; dầu ăn; muối I-ốt) ước khoảng 9.000 tấn/tháng.

Đến gần dịp sát Tết, do nhu cầu của người dân tăng cao nên các loại bia có chữ Chúc mừng năm mới giá bán tăng từ 5.000-20.000 đồng/thùng (tùy từng hãng). Cụ thể: Bia lon Hà Nội có giá 245.000-260.000 đồng/thùng, Halida, Huda Gold 270.000-280.000 đồng/thùng, Huda thường 220.000-240.000 đồng/thùng, Heiniken 425.000 – 435.000 đồng/thùng.

- Đường: Giá bán lẻ trên thị trường có mức giá ổn định so với cùng kỳ năm ngoái, dao động từ 18.000-22.000 đồng/kg.

Hàng công nghệ phẩm nguồn cung dồi dào, giá cả ổn định. Ảnh: Thu Huyền

Hàng công nghệ phẩm nguồn cung dồi dào, giá cả ổn định. Ảnh: Thu Huyền

- Dầu ăn và các mặt hàng như bột nêm, muối, mỳ tôm có tăng nhẹ so cùng kỳ năm trước, cụ thể: Giá bán lẻ dầu đậu nành Tường An: 69.700 đồng/lít; dầu đậu nành Simply 65.500 đồng/lít; dầu Neptune 65.000 đồng/lít; hạt nêm Aji-ngon 900g: 81.000 đồng/gói; hạt nêm thịt xương tủy Knorr 900g: 78.000 đồng/gói, mỳ tôm dao động từ: 95.000 đồng- 110.000 đồng /thùng.

Nhóm thực phẩm chế biến:

Ngoài các nhóm hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, trong dịp Tết Nguyên đán nhu cầu tiêu dùng còn tập trung vào các mặt hàng truyền thống như bánh mứt kẹo, nước giải khát...

Bánh, mứt, kẹo các loại khoảng 400 tấn tiêu thụ trong dịp Tết. Nguồn cung cấp hàng hóa chủ yếu từ Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Một số loại bánh, mứt, kẹo, rượu, bia cao cấp được các doanh nghiệp nhập khẩu, chiếm khoảng 10-15% tổng số lượng hàng tiêu thụ trong dịp Tết. Các siêu thị, cửa hàng chuyên doanh tại các tuyến phố là nơi bày bán các mặt hàng này.

Tết năm nay, các loại chậu cây cảnh rất đa dạng, phong phú với nhiều mức giá khác nhau, tăng từ 10-15% so với cùng kỳ năm ngoái. Hoa quả tăng từ 20 – 30% so với cùng thời điểm năm ngoái, cụ thể, chuối thắp hương từ 150.000 – 300.000 đồng/nải, bưởi từ 40.000 – 50.000 đồng/kg.

Có phương án đảm bảo nguồn cung xăng, dầu:

Sở Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối xăng, dầu trên địa bàn, ngoài việc chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ xăng, dầu phục vụ Tết kịp thời hướng dẫn các thương nhân, các cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối thực hiện đúng các quy định hiện hành về kinh doanh xăng, dầu, đảm bảo nguồn cung ứng xăng, dầu phục vụ nhân dân trong dịp Tết.

Theo báo cáo của các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng, dầu trên địa bàn tỉnh, trước áp lực vì sự khan hàng hóa do nguồn cung trong nước bị hạn chế và nhu cầu đi lại tăng vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, các thương nhân đã chủ động có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng phục vụ dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2023, cụ thể: Trong quý I/2023, các thương nhân có kế hoạch dự trữ khoảng 211.940 m3,trong đó, các thương nhân đầu mối gồm Công ty Xăng dầu Nghệ An khoảng 105.500 m3, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức khoảng 60.100m3, Công ty CP Vận tải và Dịch vụ Petrolimex Nghệ Tĩnh khoảng 31.000 m3 và các thương nhân phân phối như Công ty Cổ phần Kinh doanh Tổng hợp Đô Lương 4.200 m3, Công ty CP Hàng Hải Phúc An khoảng 2.250m3 , Công ty TNHH Lưu Nga 2.400 m3, Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Tiến Nhật khoảng 1.490 m3.

Trong thời gian từ 29 tháng Chạp đến mùng 4 Tết các cửa hàng xăng, dầu hoạt động 24/24 giờ, đảm bảo phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Dịp Tết, các đơn vị phân phối như Công ty Cổ phần Lương thực Thanh Nghệ Tĩnh, Công ty TNHH Nông sản- Thực phẩm Nghệ An, Công ty TNHH TM Nam Long, hệ thng các siêu thị: BigC, MM Mega Market, Winmart,...các cửa hàng tiện ích như Vinmart+, Bibi green,.. và trung tâm thương mại, các nhà phân phối hàng hóa đã chủ động xây dựng kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết, nhất là đối với một số mặt hàng có nhu cầu tăng cao như: Thực phẩm tươi sống (thịt bò, thịt gà, rau, củ, quả..), công nghệ phẩm (bánh, kẹo, bia, rượu, nước giải khát...) với tổng lượng hàng hóa dự trữ đạt trên 1.000 tỷ đồng.

Ông Phạm Văn Hoá - Giám đốc Sở Công Thương cho biết, thời điểm trước Tết, Sở đã phối hợp với các hợp tác xã, đơn vị quản lý, kinh doanh chợ và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn kịp thời theo dõi, cập nhật sát tình hình thị trường, biến động giá cả. Nhờ đó, đã nắm bắt nguồn cung một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ trực tiếp nhu cầu của người dân trên địa bàn, nhất là nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống, dịch vụ,... và các mặt hàng thiết yếu khác liên quan đến sản xuất để kịp thời tham mưu phương án cân đối cung - cầu, ổn định thị trường khi cần thiết.

Đồng thời, Sở Công Thương cũng phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, nhất là đối với các mặt hàng vũ khí, chất cháy nổ nguy hiểm, hàng hóa vi phạm môi trường hay các mặt hàng có nhu cầu tăng cao trong dịp Tết như thuốc lá, rượu, bia, gia cầm, thịt lợn, thực phẩm; kiểm soát chặt chẽ chất lượng thực phẩm tươi sống nhập khẩu; nhất là ở những khu vực địa bàn trọng yếu, giáp biên giới.

Tin mới