“Thiết bị lạ” trên tàu tên lửa Molniya 1241.RE Việt Nam

Hải quân nhân dân Việt Nam hiện có trong biên chế 4 tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya 1241.RE, hay còn được gọi bằng cái tên thông dụng là Tarantul.

Tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya 1241.RE là những chiến hạm hiện đại đầu tiên của Hải quân Việt Nam, chúng ta đã tiếp nhận tổng cộng 4 tàu loại này vào đầu những năm 2000 để bổ sung sức chiến đấu cho 8 chiếc Osa II đã tương đối cũ.

So với Molniya 1241.8 thì Molniya 1241.RE có lượng giãn nước nhỏ hơn một chút, chỉ đạt 480 tấn khi mang đầy tải.

Vũ khí của lớp tàu này cũng đơn giản hơn khi chỉ được trang bị 4 tên lửa hành trình chống hạm P-15 Termit có tính năng kỹ chiến thuật không bằng Kh-35 Uran-E.

Về trang thiết bị điện tử, Molniya 1241.RE sử dụng radar trinh sát bề mặt Garpun-Bal bố trí trên đỉnh tháp radar để lấy tham số dẫn bắn cho tên lửa P-15, đi kèm radar MR-123 Vympel để kiểm soát hỏa lực pháo AK-176 và AK-630.

“Thiết bị lạ” trên tàu tên lửa Molniya 1241.RE Việt Nam ảnh 1
Tàu tên lửa Molniya 1241.RE số hiệu 373 của Hải quân Việt Nam

Với cấu hình vũ khí và trang thiết bị như trên, rõ ràng 4 chiếc Molniya 1241.RE cần được nâng cấp, hiện đại hóa để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của chiến tranh hiện đại.

Đã có đề xuất thay thế tên lửa P-15 Termit có tốc độ chậm, kích thước lớn, khả năng cơ động kém bằng loại Uran-E hay thậm chí là Yakhont hoặc BrahMos mạnh hơn nhiều.

Tuy nhiên khi điều kiện tài chính và kỹ thuật chưa cho phép thì chúng ta đã tạm thời thực hiện một số cải tiến nhỏ.

“Thiết bị lạ” trên tàu tên lửa Molniya 1241.RE Việt Nam ảnh 2
Biên đội 4 tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya 1241.RE của Hải quân Việt Nam

Trong hình ảnh được công bố, rất dễ nhận thấy một thiết bị "lạ" có màu trắng đã được tích hợp lên các tàu Molniya 1241.RE của Hải quân Việt Nam, khí tài này bố trí ngay trên nóc cabin chỉ huy, phía dưới radar điều khiển hỏa lực pháo MR-123 Vympel.

Khí tài này nhiều khả năng chính là thiết bị liên lạc kết nối với vệ tinh (tên tiếng Anh là Communications Satellite, đôi khi được viết tắt là SATCOM).

“Thiết bị lạ” trên tàu tên lửa Molniya 1241.RE Việt Nam ảnh 3
Thiết bị SATCOM trên tàu Gepard 3.9 (vòng tròn đỏ)

Thực ra việc Việt Nam trang bị khí tài SATCOM cho các tàu mặt nước đã được tiến hành từ năm ngoái, mở đầu là bộ đôi tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 số hiệu 011 và 012.

Tấm ảnh trên có thể thấy rất rõ thiết bị SATCOM được khoanh trong vòng tròn đỏ, khí tài này theo đánh giá là sản phẩm mà Việt Nam tự "độ chế" khi trên tàu nguyên bản của Nga không thấy xuất hiện.

Nhờ có thiết bị SATCOM và vệ tinh VinaSAT 1, đi kèm vệ tinh viễn thám VNREDSat-1, các tàu chiến mặt nước khi hoạt động xa căn cứ đã có thể truyền hình ảnh trực tiếp từ tàu về sở chỉ huy, cung cấp ảnh viễn thám độ phân giải cao nhằm báo cáo tình hình và nhận chỉ thị trực tiếp.

Dự báo trong tương lai không xa thiết bị SATCOM nội địa này sẽ còn được tích hợp lên nhiều con tàu khác của Hải quân Việt Nam, cả chiến hạm lẫn tàu nghiên cứu hoặc tàu hậu cần...

Tin mới