Thiết thực hỗ trợ đồng bào vùng biên phát triển chăn nuôi

(Baonghean) - Thực hiện từ năm 2015, Đề án "Xây dựng cơ sở chăn nuôi lợn nái địa phương sinh sản cung cấp con giống cho nhân dân khu vực biên giới Việt - Lào của tỉnh Nghệ An giai đoạn  2015 - 2018" đã đạt được nhiều kết quả khả quan, đúng mục đích đề ra.

Niềm vui ở Nậm Càn 

Vào ngày diễn ra “sự kiện” cán bộ chiến sỹ bộ đội biên phòng tặng lợn giống cho người dân các bản trên địa bàn xã Nậm Càn (Kỳ Sơn), bà con dân bản ở đây vô cùng phấn khởi. Không chỉ những hộ được nhận lợn giống hồ hởi khăn gói đến trung tâm xã từ sáng sớm mà cả những hộ khác cũng theo đến để chứng kiến, chia vui.

Những hộ được nhận con giống là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thiếu đất sản xuất nhưng có khả năng lao động và là những người cần cù, siêng năng, đáp ứng tốt khả năng chăm sóc vật nuôi và phát triển đàn, giúp phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. 

Bộ đội Đồn Biên phòng Nậm Càn chăm sóc đàn lợn giống. Ảnh: Hoài Thu
Bộ đội Đồn Biên phòng Nậm Càn chăm sóc đàn lợn giống. Ảnh: Hoài Thu

Anh Lầu Dua Dìa, bản Nậm Khiên 2 là 1 trong 5 hộ được nhận lợn giống đợt thứ nhất, vừa xách hai rọ lợn giống, miệng luôn nở nụ cười, cho biết: “Mình vui lắm, lần này có lợn giống để nuôi rồi. Cảm ơn chính quyền và bộ đội biên phòng đã cho gia đình có cơ hội thoát nghèo. Gia đình mình sẽ chăm sóc thật tốt đôi lợn giống này cho nó nhanh sinh sản, thành đàn”.

Cùng với Lầu Dua Dìa còn có nhiều hộ khác của xã Nậm Càn được tặng lợn giống như: Và Chờ Thái, Và Chờ Cớ ở bản Nậm Càn, Lầu Nhìa Xồng, Lầu Xây Chù ở bản Nậm Khiên 1, Mùa Pá Rê ở bản Sơn Thành, Xồng Bá Lù ở bản Huồi Nhao, Và Bá Xênh ở bản Liên Sơn… 

Tại Đồn Biên phòng Nậm Càn, thực hiện đề án từ năm đầu tiên, đồn được đầu tư toàn bộ hệ thống chuồng trại và cung cấp con giống với 10 con lợn nái và 1 con lợn đực giống. Trong hệ thống 18 đồn biên phòng của toàn tỉnh, thì Đồn Biên phòng Nậm Càn được đánh giá là đơn vị có mặt bằng đáp ứng tương đối tốt để thực hiện hiệu quả đề án này. Đây cũng là một trong những tiêu chí để đánh giá điều kiện thực hiện tại các đơn vị khác trong hệ thống 18 đồn biên phòng mà đề án đã và đang triển khai.

Trung tá Nguyễn Tư Hóa - Chính trị viên Đồn Biên phòng Nậm Càn cho biết: “Sau khi tiếp nhận con giống, cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng Nậm Càn đã lên kế hoạch cụ thể trong phân công công việc, vừa đảm bảo nhiệm vụ chính trị, vừa đảm bảo tăng gia sản xuất, nhân giống, chăm sóc đàn vật nuôi để đến cuối năm 2017 ngoài 2 đợt đã cấp, sẽ có ít nhất 2 đợt trao tặng con giống cho bà con”. 

Tính đến đầu tháng 3/2017, Đồn Biên phòng Nậm Càn phối hợp với UBND xã Nậm Càn dưới sự chứng kiến của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã tiến hành 2 đợt bàn giao con giống cho các hộ gia đình, đợt thứ nhất trao 10 con lợn giống cho 5 hộ, mỗi hộ 2 con với trọng lượng 11kg/con.

Tiếp đó, đầu tháng 5/2017, đồn tiếp tục trao tặng 10 con lợn giống cho 5 hộ gia đình khác ở các bản: Nậm Khiên 1 và 2, Thăm Hín, Liên Sơn và Nậm Càn, mỗi hộ 2 con, trọng lượng mỗi con 10kg. So với mục tiêu mỗi cơ sở đồn biên phòng mỗi năm hỗ trợ ít nhất 10 - 20 hộ gia đình, mỗi hộ 1 cặp lợn giống mà đề án quy định thì đến cuối năm Đồn Biên phòng Nậm Càn sẽ vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Chứng kiến sự vui mừng của người dân khi được nhận sự hỗ trợ thiết thực của các cấp chính quyền, đặc biệt là món quà từ bàn tay chăm sóc của các cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Nậm Càn, ông Và Lìa Nênh - Bí thư Đảng ủy xã Nậm Càn xúc động cho biết: “Để có được niềm vui cho nhiều hộ dân khi được nhận lợn giống, tôi đã được chứng kiến rất nhiều lần các nỗ lực, cố gắng của cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Nậm Càn, các cấp hội nông dân; đặc biệt là quá trình các cán bộ, chiến sỹ của đồn chăm sóc, nuôi dưỡng và nhân đàn lợn giống thật dày công sức, từ khâu dinh dưỡng đến kỹ thuật chăn nuôi, công tác phòng trừ dịch bệnh. Hy vọng chương trình phối hợp này sẽ được duy trì lâu dài, giúp nhiều hơn nữa các hộ dân xã Nậm Càn có cái để thoát nghèo. Chính quyền địa phương hứa sẽ quan tâm, giúp đỡ các hộ được nhận lợn giống chăm sóc tốt, phát huy hiệu quả, không phụ sự quan tâm, ưu ái của Đảng và Nhà nước đối với bà con dân bản”.

Năm 2015, có 3 đồn biên phòng đã cấp con giống cho người dân, gồm: Đồn Cao Vều (Anh Sơn), đồn Môn Sơn (Con Cuông) và đồn Nậm Càn (Kỳ Sơn). Năm 2016 thực hiện ở 5 đồn: Cửa khẩu Thanh Thủy (Thanh Chương), Na Loi, Na Ngoi, Keng Đu và Mỹ Lý đều ở huyện Kỳ Sơn với tổng số 42 con lợn giống bản địa”.

Giúp người dân tự vươn lên

Hiện nay, khu vực biên giới Việt - Lào của tỉnh ta có hơn 25 nghìn hộ dân sinh sống, đời sống chủ yếu phụ thuộc nương rẫy, tập quán canh tác còn lạc hậu; nhiều gia đình khó khăn không có điều kiện để chăn nuôi vì không có vốn và nguồn giống khan hiếm. Bởi vậy, khi có sự hỗ trợ về con giống làm “cần câu” phát triển kinh tế thì sẽ dần kéo theo các phong trào văn hóa, xã hội cũng được nâng lên, giúp người dân an cư lạc nghiệp.

Đây là cơ sở quan trọng để thực hiện chính sách quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia. 

Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Nậm Càn trao tặng lợn giống cho người dân. Ảnh: Khánh Ly
Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Nậm Càn trao tặng lợn giống cho người dân. Ảnh: Khánh Ly

Ông Trần Văn Hường - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, đến thời điểm hiện nay, qua quá trình phối hợp giữa Hội Nông dân với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các ban, ngành liên quan, đặc biệt là các đồn biên phòng, đề án đã cho thấy nhiều ưu điểm đáng khích lệ, đảm bảo đúng mục tiêu đề ra. Trước hết là duy trì và phát triển nguồn giống lợn địa phương phù hợp với điều kiện khí hậu, đặc điểm tự nhiên của vùng biên giới phía Tây, tạo nên đàn lợn giống chất lượng cao cung cấp cho bà con nông dân khu vực biên giới.

Đây là biện pháp không chỉ góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển chăn nuôi cả về tổng đàn, chất lượng, sản lượng sản phẩm và đảm bảo tính bền vững mà còn giúp khai thác các tiềm năng lợi thế của địa phương để tạo nguồn thu nhập, nâng cao đời sống cho nhân dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng khu vực biên giới ổn định, vững mạnh.

Ngoài ra, còn giúp dân xóa bỏ tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ bao cấp của Nhà nước và cộng đồng, giúp người dân tích cực tham gia lao động sản xuất vươn lên để thoát nghèo. Đồng thời hỗ trợ lực lượng này hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đặc biệt là trong công tác vận động quần chúng. Vì vậy, đây là đề án được xây dựng với nhiều mục đích thiết thực, có ý nghĩa không chỉ về kinh tế - xã hội mà còn góp phần thực hiện chính sách quốc phòng - an ninh, giữ yên an ninh chính trị khu vực biên giới phía Tây của tỉnh; góp phần cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, Nhà nước, của tỉnh đối với phát triển miền Tây Nghệ An. 

Đề án "Xây dựng cơ sở chăn nuôi lợn nái địa phương sinh sản cung cấp con giống cho nhân dân khu vực biên giới Việt - Lào của tỉnh Nghệ An giai đoạn  2015 - 2018" triển khai tại 18 đồn biên phòng trên tuyến biên giới Việt - Lào với quy mô: hỗ trợ 198 con lợn giống (mỗi cơ sở 10 con lợn nái, 1 con lợn đực giống). Thời gian thực hiện trong 4 năm (2015 - 2018) với tổng kinh phí hơn 4 tỷ đồng.


Khả thi, nhưng vẫn nhiều trở ngại

Song, quá trình triển khai đề án, bên cạnh những thuận lợi và những ưu điểm tích cực của đề án, mà lực lượng trực tiếp thực hiện là các đồn biên phòng trên địa bàn tỉnh, trong quá trình triển khai cũng có những vấn đề đặt ra cần giải quyết. Theo ghi nhận của chúng tôi tại một số đồn biên phòng ở Mường Típ, Nậm Càn, Mỹ Lý… việc chăn nuôi, gây dựng nguồn giống đàn lợn còn gặp khó khăn nhất định về mặt bằng và quỹ đất để xây dựng chuồng trại.

Tại Đồn Biên phòng Mỹ Lý, xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn), để có được mặt bằng theo quy định, cán bộ, chiến sỹ của đồn phải thuê máy móc bạt núi, hạ độ cao và san lấp đất đá với kinh phí khá tốn kém. Hoặc như Đồn Biên phòng Tam Quang, xã Tam Quang (Tương Dương), theo như đồng chí Đồn trưởng Phan Thanh Hồng cho biết, hiện chưa tìm được quỹ đất để xây dụng chuồng trại, bởi địa hình nơi đồn đóng quân khá dốc, cheo leo lưng chừng núi.

Một khó khăn khác đó là do điều kiện khí hậu khắc nghiệt, địa bàn biên giới xa trung tâm nên công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn lợn bị hạn chế. Vì thế, đã có một số cơ sở đàn vật nuôi bị chết khá nhiều do dịch bệnh. 

Bên cạnh đó, vì vị trí chuồng trại ở vùng núi cao, nên việc giữ vệ sinh môi trường cũng là vấn đề nan giải, đòi hỏi phải có đầu tư kinh phí lớn và lâu dài. Quá trình thực hiện đề án này, theo chia sẻ của một số đồn biên phòng đã thực hiện và cung cấp lợn giống cho người dân, thì việc chỉ tiêu giao mỗi đơn vị 1 năm phải cung cấp ít nhất 20 con lợn giống cho người dân với trọng lượng là 20kg/con là chưa hợp lý, cần điều chỉnh bởi các giống lợn thích hợp với địa phương như giống lợn đen khá chậm lớn, để đạt được trọng lượng quy định phải mất thời gian có khi cả năm trời. 

Tuy nhiên, theo như đánh giá của Hội Nông dân tỉnh, của lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và chính quyền địa phương, thì việc triển khai đề án này là có tính khả thi và có nhiều ý nghĩa thiết thực cần duy trì. Các vướng mắc, khó khăn sẽ được điều chỉnh hợp lý, đảm bảo mục tiêu của đề án luôn đạt hiệu quả cao nhất.

Hoài Thu

TIN LIÊN QUAN

Tin mới