Thiết thực học và làm theo Bác ở Tương Dương

(Baonghean.vn) - Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 05, huyện miền núi Tương Dương đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân.

Từ nhận thức đến hành động

Tại Chi bộ bản Khe Ngậu (xã Xá Lượng), việc thực hiện Chỉ thị 05 được cụ thể hóa qua sự nêu gương của từng cán bộ, đảng viên trong phát triển mô hình kinh tế trang trại, gia trại, lan tỏa xuống quần chúng.

Ông Kha Danh Tú - Bí thư Chi bộ bản Khe Ngậu cho hay: Chi bộ đã xây dựng mô hình lãnh đạo phát triển kinh tế trang trại, gia trại với tinh thần “đảng viên đi trước”, qua đó xuất hiện nhiều điển hình phát triển kinh tế giỏi trở thành tấm gương cho nhân dân trong bản như mô hình kinh tế gia trại chăn nuôi tổng hợp (bò, dê, gà, ao cá...) của các đồng chí Lương Văn Thái, Lương Văn Toàn, Trương Văn May, Lương Văn Châu, Kha Văn Mắn... thu nhập trung bình từ 80 - 120 triệu đồng một năm. Nhờ đó, tạo sự tin tưởng giữa nhân dân với chi bộ, bà con hăng hái trồng trọt, chăn nuôi, áp dụng mô hình hay, cách làm mới cùng giúp nhau phát triển kinh tế.
Lãnh đạo Huyện ủy Tương Dương thăm quan mô hình trồng bưởi diễn của người dân tại xã Xá Lượng. Ảnh Đ.N.j
Lãnh đạo Huyện ủy Tương Dương thăm quan mô hình trồng bưởi Diễn của người dân tại xã Xá Lượng. Ảnh tư liệu Đ.C

Chi bộ bản Khe Ngậu cũng thực hiện phân công từng đảng viên phụ trách hộ gia đình để kịp thời tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, vận động nhân dân từ bỏ phương thức canh tác lạc hậu, chuyển đổi hình thức sản xuất; từ đó có nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, có 13 mô hình kết hợp chăn nuôi và trồng trọt đem lại hiệu quả kinh tế cao trung bình 60 triệu đồng/năm. Ngoài ra, bản Khe Ngậu còn tạo ra những sản phẩm nông sản mang thương hiệu của địa phương như: Quả cà ngọt, cá ao, rau màu...

Tỷ lệ hộ nghèo của bản giảm (năm 2015 hộ nghèo trong bản có 80/149 hộ, chiếm 53,7%, đến đầu năm 2021 còn lại 4 hộ, chiếm 2,68%). Đặc biệt, từ năm 2019, Chi bộ đã chỉ đạo Ban Quản lý bản và nhân dân hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tập thể chi bộ bản được nhận Bằng khen cấp tỉnh trong dịp tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05.

Một góc nông thôn mới xã Tam Quang, Tương Dương. Ảnh: Đình Tuân
Một góc nông thôn mới xã Tam Quang (Tương Dương). Ảnh: Đình Tuân

Tương Dương là huyện 30a, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, bởi vậy, nội dung học tập và làm theo Bác được tập thể, cá nhân trên địa bàn cụ thể hóa bằng những hoạt động thiết thực tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động hướng tới mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Ví như ở Đảng bộ xã Tam Quang, thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị được gắn với triển khai hiệu quả Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Các mô hình kinh tế ở Tam Quang, Tương Dương. Ảnh: Đình Tuân
Các mô hình kinh tế ở xã Tam Quang (Tương Dương). Ảnh: Đình Tuân

Mà trước hết, như ông Nguyễn Hoàng Sơn - Bí thư Đảng ủy xã Tam Quang chia sẻ: Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải thực sự là những người có trách nhiệm “nói đi đôi với làm”;  lắng nghe và phát huy quyền làm chủ của nhân dân... Nhờ vậy, nhiều mô hình trên các lĩnh vực đã được triển khai sâu rộng và có sức lan tỏa mạnh mẽ. Nổi bật trong lĩnh vực kinh tế là phong trào trồng rừng, cải tạo vườn tạp, các mô hình trồng cỏ, chăn nuôi bò vỗ béo, thanh long ruột đỏ được phát triển nhân rộng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 518 hộ (31,28%) năm 2016 xuống còn 103 hộ tỷ lệ 2,92% năm 2020.

Người dân bản Liên Hương, xã Tam Quang làm đường bê tông. Ảnh tư liệu CTV
Người dân bản Liên Hương, xã Tam Quang làm đường bê tông. Ảnh tư liệu C.T.V

Tổng đội TNXP 9 đứng chân tại khu vực biên giới thuộc xã Tam Hợp, vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào các dân tộc ít người: Mông, Thái, Tày Poọng, trình độ dân trí còn thấp, sản xuất chủ yếu theo kiểu tự cung, tự cấp, đang phụ thuộc nhiều vào rừng, thu nhập, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Những năm qua, Chi bộ Tổng đội TNXP 9 Nghệ An đã triển khai nhiều mô hình, khảo nghiệm nhiều cây trồng, vật nuôi, triển khai đến các hộ đội viên và nhân dân như chè Tuyết Shan, chanh leo, nghệ đỏ, lúa nước bậc thang, gừng, khoai sọ, gà đen, lợn đen…

Riêng cây nghệ đỏ là loại cây phù hợp với điều kiện khí hậu đất đai tại địa bàn và cho năng suất cao, chất lượng tốt và việc canh tác, sản xuất phù hợp với trình độ và tập quán của các hộ đội viên và người dân địa phương.

Sau khi thu mua của bà con Tổng đội TNXP 9 chế biến thành tinh bột nghệ. Hiện Tổng đội đang tìm đầu ra để tiêu thụ nhằm giúp bà con phát triển kinh tế. Ảnh Vương Hưng
Sau khi thu mua của bà con Tổng đội TNXP 9 chế biến thành tinh bột nghệ. Hiện Tổng đội đang tìm đầu ra để tiêu thụ nhằm giúp bà con phát triển kinh tế. Ảnh tư liệu Vương Hưng

Sau khi khảo nghiệm và đưa vào sản xuất, cuối năm 2017 đầu năm 2018 các hộ đội viên và nhân dân trên địa bàn đã thu được sản lượng gần 127 tấn. trị giá gần 1,3 tỷ đồng, năm 2020 đơn vị thu mua cho bà con nhân dân là 370 tấn, trị giá gần 1,7 tỷ đồng, năm 2021 đơn vị đã thu mua cho bà con 224 tấn, trị giá hơn 1 tỷ đồng.

Tính tổng giá trị thu về trong 4 năm trồng cây nghệ đỏ là 6,4 tỷ đồng, thu hút 120 hộ của 2 bản Phá Lõm và Huồi Sơn tham gia, toàn bộ sản phẩm được Tổng đội TNXP 9 thu mua và chế biến tại chỗ. Không chỉ nghệ đỏ, tất cả các loại nông sản của bà con sản xuất ra trên địa bàn đều được đơn vị bao tiêu hết với giá cao hơn thị trường từ 10-15%, như: ngô,  bầu, bí…

Từ những nỗ lực của cán bộ, đảng viên Chi bộ Tổng đội TNXP 9 Nghệ An trong vận động nhân dân khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại, tích cực tăng gia sản xuất, góp phần tăng thêm nguồn thu nhập bình quân của xã Tam Hợp lên 1,5 lần.

Gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị

Ban Thường vụ Huyện ủy Tương Dương và cấp ủy cơ sở đã cụ thể hóa Chỉ thị số 05-CT/TW gắn với Nghị quyết TW 4 vào chương trình hành động thực hiện nghị quyết đại hội và nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị và của đội ngũ cán bộ, đảng viên về ý thức phục vụ nhân dân.

Qua đó, thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước, tạo làn sóng mạnh mẽ trong toàn huyện như: Đoàn thanh niên các cấp với phong trào "5 xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc", "4 đồng hành cùng thanh niên lên đường lập thân, lập nghiệp". MTTQ huyện với mô hình “Đường hoa Đại đoàn kết”; “Bảo vệ nguồn lợi thủy sản” trên địa bàn. Hội LHPN huyện với mô hình “Điểm sáng vùng biên”, “5 không, 3 sạch”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”. Hội Nông dân với mô hình “Hàng cây nhớ ơn Bác”, thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu chính đáng (trong giai đoạn 2016-2020 có 431 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi). Liên đoàn Lao động huyện với phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”...

Đáng chú ý việc triển khai Chỉ thị số 05 gắn với thực hiện quy chế dân chủ, cải cách hành chính đạt những kết quả tiến bộ, 100% cơ quan cấp huyện thành lập Ban thực hiện quy chế dân chủ cơ sở. 17/17 UBND xã, thị trấn và Văn phòng UBND huyện thực hiện cơ chế “Một cửa”, công tác cải cách thủ tục hành chính từng bước chuyển biến tích cực, nhanh gọn hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, doanh nghiệp và nhân dân thực hiện thủ tục hành chính, từng bước hạn chế sự nhũng nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết công việc.

Nhiều vấn đề bức xúc, nổi cộm trên địa bàn như công tác bồi thường giải phóng mặt bằng thủy điện, giải tỏa hành lang an toàn giao thông, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm... được tập trung chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, củng cố lòng tin của quần chúng nhân dân.

Tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05, Bí thư Huyện ủy Tương Dương Nguyễn Văn Hải yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên tiếp tục xây dựng chương trình hành động cụ thể, thiết thực trong học tập, làm theo Bác. Đổi mới công tác tuyên truyền làm nổi bật cách làm hay sáng tạo, gương tập thể, cá nhân điển hình trong thực hiện Chỉ thị để tạo sức lan tỏa sâu rộng trong hệ thống chính trị.

Tin mới