Thiếu dịch vụ sấy khô - nông sản 'mất mùa' ngay trong nhà

(Baonghean) - Hàng năm, vào thời điểm thu hoạch hè thu, trời mưa nhiều gây ngập lúa, ngô và làm gián đoạn việc phơi, bảo quản sau thu hoạch. Trong khi, trên địa bàn tỉnh hiện chưa có dịch vụ sấy khô nông sản. 
“Mất mùa” trong nhà

Đợt mưa kéo dài vừa qua làm ruộng lúa của gia đình ông Trần Thế Quý, xóm 9, xã Xuân Hòa (Nam Đàn)  bị ngâm trong nước 5 ngày. Ông Quý cho biết: “Lúa nằm dưới nước thì không lên mộng được nhưng sau khi nước rút, gặt xong lại gặp trời lại mưa. Bởi thế, tôi xếp đống thêm 3 ngày nữa ngoài ruộng rồi mới đưa về tuốt vì mang lúa về nhà không có nắng phơi cũng sẽ bị hư. Vụ hè thu năm nay, cả 3 sào lúa mà gia đình tôi chỉ thu về được vài chục kg".  

Không có dịch vụ sấy khô, lúa mùa gặp mưa phải sử dụng làm thức ăn gia súc.
Không có dịch vụ sấy khô, lúa mùa gặp mưa phải sử dụng làm thức ăn gia súc.
Xã Xuân Hòa có 325 ha lúa hè thu thì có 35,5 ha bị thiệt hại trên 70%. Tuy nhiên, theo bà Trương Thị Thành, cán bộ nông nghiệp xã, con số đó mới chỉ phản ánh thiệt hại nhìn thấy trên đồng ruộng còn những thiệt hại sau khi lúa được đưa về không thể tính hết. “Nhiều hộ dân bán luôn cả ruộng để thả vịt, có nhà 6 sào lúa bán được 2 triệu đồng. Còn lại, bà con đưa lúa về rồi cố quây tôn che chắn, nhà nào cẩn thận thì dùng quạt sấy nhưng đều không ăn thua. Giá mà có cái máy sấy thì đỡ thiệt hại hơn rất nhiều”. 
Nhiều năm qua, huyện Nam Đàn luôn kiên quyết chỉ đạo bà con thực hiện nghiêm lịch thời vụ và cơ cấu giống để có thể thu hoạch lúa hè thu trước ngày 30/8, ở các xã vùng thấp và ngày 5/9 đối với các xã vùng cao. Tuy nhiên, năm nay, do thời tiết cực đoan nên lịch sản xuất hè thu bị lùi lại, đến ngày 30/8 huyện Nam Đàn mới bắt đầu có một ít lúa hè thu được gặt và phần lớn diện tích chỉ có thể thu hoạch từ sau ngày 5/9, đúng thời điểm bắt đầu mùa mưa lụt.
Ông Nguyễn Đình Thắng - Phó Phòng Nông nghiệp huyện cho biết: “Việc “mất mùa trong nhà” hầu như năm nào cũng có. Dù lúa đã có thể gặt, nhưng nếu mưa thì thà để lúa ngâm nước ngoài đồng chứ không ai dám gặt vì nếu đưa về chất đống trong nhà không có nắng để phơi còn thiệt hại nặng nề hơn...”. 
Hàng năm, Nghệ An có sản lượng 1,2 triệu tấn lương thực, 400 tấn rau, củ quả, 145 nghìn tấn thủy, hải sản. Nếu chỉ tính mức thiệt hại do bảo quản không đảm bảo ở mức bình quân là 5% thì hàng năm toàn tỉnh đã bị mất trắng 60 nghìn tấn lương thực,30 nghìn tấn rau, củ, quả... Như vậy, giá trị kinh tế bị thiệt hại lên đến trên 400 tỷ đồng và bằng 8% giá trị của ngành Nông nghiệp.
Không chỉ ở Nam Đàn, mà hầu hết các địa phương khác trong tỉnh, tổn thất sau thu hoạch đã là chuyện quen thuộc với người nông dân mỗi khi mùa mưa lụt đến.
Chỉ tính riêng đợt mưa lớn từ ngày 10 - 14/9/2016, Nghệ An đã có trên 9.000 ha lúa bị ngập và ước tính thiệt hại trên 8.800 ha, trong đó gần 4.800 ha thiệt hại hoàn toàn. Ngoài những nguyên nhân bất khả kháng, còn có một lý do chủ quan là đến nay trên địa bàn toàn tỉnh chưa có hệ thống sấy nông sản để bà con có thể chủ động hơn trong thu hoạch và bảo quản lúa hè thu. 
Không chỉ mất mùa nặng do ngập lụt, mà nhiều hộ dân sau khi thu hoạch xong do không có chỗ phơi sấy, đã phải chấp nhận bán thóc tươi ngay tại ruộng với giá trị thấp hơn từ 4 - 5 lần.
Cấp thiết trong đầu tư sấy, bảo quản nông sản

Là đơn vị tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ những loại gạo chất lượng cao như AC5, thảo dược, ngoài đầu tư các dây chuyền công nghệ hiện đại khác, Công ty TNHH Vĩnh Hòa (Yên Thành) đầu tư một hệ thống dây chuyền đánh bóng gạo, dây chuyền máy sấy tách ẩm của tổ chức phi chính phủ Mỹ, với tổng kinh phí 15 tỷ đồng và kho cất trữ lúa. Sản phẩm lúa thu mua về được sấy đúng quy trình, đạt chất lượng yêu cầu. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh hiện nay, những “mô hình” như thế “chỉ có một” và “tự cung tự cấp”, chủ yếu phục vụ hoạt động của doanh nghiệp chứ chưa mặn mà với việc phục vụ nhu cầu trong dân.

Từ năm 2009, Quyết định số 08/QĐ- UBND, Nghệ An đã có chính sách hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng các lò sấy nông sản, nhằm giảm tổn thất và nâng cao năng lực xử lý và bảo quản các sản phẩm nông sản sau thu hoạch, với kinh phí mỗi năm từ 500 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng. Thế nhưng đến nay, sau 7 năm, trên địa bàn toàn tỉnh vẫn chưa có lò sấy nông sản nào được xây dựng. Vì vậy, việc bảo quản nông sản vẫn đang bằng phương pháp thủ công và phụ thuộc vào thời tiết.

Lúa ngập lụt gặt về lên mầm ở góc vườn (ảnh chụp ở Xuân Hòa, Nam Đàn)
Lúa ngập lụt gặt về lên mầm ở góc vườn.
Ông Phan Văn Thiều - Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Sở NN&PTNT chia sẻ: Chính sách này không triển khai được trong thực tế, trước hết là vì dù đã tích cực thực hiện dồn điền, đổi thửa nhưng sản xuất nông nghiệp của Nghệ An vẫn còn khá manh mún và nhỏ lẻ, rất khó tập trung lượng lớn sản phẩm để đưa vào lò sấy. Trong khi người sản xuất chưa thấy hết nhu cầu bức thiết của hệ thống sấy nông sản do thiệt hại, nếu có cũng không phải quá lớn đối từng hộ gia đình, nên các “nhà đầu tư” cũng còn rất ngại ngần.
Không chỉ khó có nguồn nông sản tập trung để làm dịch vụ thì máy sấy coi như “ế”. Sau 2 năm thực hiện Quyết định 68 của Thủ tướng Chính phủ về cho vay giảm tổn thất sau thu hoạch, hệ thống Ngân hàng NN&PTNT tỉnh đã giải ngân gần 200 tỷ dồng cho các hộ dân, nhưng nguồn vốn chỉ tập trung vào mua máy móc phục vụ sản xuất, thu hoạch, còn lĩnh vực chế biến, bảo quản nông sản thì chưa giải ngân được đồng nào.
Trong khi chưa có được hệ thống sấy cho nông sản, các địa phương đã có những giải pháp nhằm né tránh và giảm thiểu các thiệt hại do thời tiết bất lợi gây ra. Tuy nhiên, những năm gần đây, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, sản xuất thường xuyên phải chịu những thiệt hại do mưa bão do vậy nhu cầu về sấy nông sản lại càng trở nên cấp thiết. Để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sấy, chế biến nông sản sau thu hoạch, rất cần những cơ chế, chính sách đủ mạnh về thuế, vốn vay, mặt bằng và cả những tâm huyết của các cấp ngành ... 
Phú Hương

Tin mới