Thiếu tướng Lê Văn Cương: Ba động cơ sâu xa khiến Mỹ tấn công Syria

(Baonghean.vn) - Xung quanh việc Mỹ không kích vào Syria, Báo Nghệ An có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và Chiến lược Bộ Công an về những nhận định đối với sự việc này.

PV: Dư luận thế giới rất nghi ngờ về vụ sử dụng chất độc hóa học tại thị trấn Douma và xem đây là cái cớ do Mỹ tạo ra để tiến hành không kích quân sự Syria. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Một tuần nay dư luận thế giới đang xoay quanh vụ việc mà theo chính quyền Mỹ và phương Tây nói rằng Chính quyền Assad đã sử dụng vũ khí hóa học ở thị trấn Douma, vì thế chính quyền Mỹ với các đồng minh phương Tây, chủ yếu là Pháp và Anh, phát động không kích đối với Syria. Xung quanh việc sử dụng vũ khí hóa học ở Douma dư luận thế giới có rất nhiều ý kiến khác nhau.

Nói chung người ta nghi ngờ đây là việc Mỹ tạo cớ để tiến hành biện pháp quân sự đối với chính quyền Assad. Tôi cho rằng dư luận thế giới hết sức tỉnh táo và khách quan, bởi đến giờ phút này không có một cứ liệu chứng cứ nào chứng tỏ rằng tại Douma sử dụng vũ khí hóa học cả. Và Nga có trong tay đầy đủ chứng cứ chứng minh  tại Douma không hề có dấu hiệu sử dung vũ khí hóa học. Việc loan tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về vụ việc này là màn dàn dựng  của Mỹ để tạo cớ phát động xung đột quân sự đối với Syria.

Về lý luận mà nói thì thị trấn Douma này là nơi trú ngụ cuối cùng của lực lượng đối lập mà Mỹ hậu thuẫn. Mà thị trấn Douma lại đang bị chính quyền Assad vây hãm, trên chiến trường Syria hiện nay chính quyền Assad được Nga và Syria hậu thuẫn họ đang làm chủ chiến trường, đang giành thế thượng phong. Tại thị trấn Douma việc vu cáo sử dụng vũ khí hóa học là hoàn toàn vô nghĩa, bởi thị trấn này chính quân đội Syria đang vây hãm và đang ở thế thắng thì họ không cần sử dụng vũ khí hóa học.

Vì thế vụ việc này dư luận quốc tế nghi ngờ là hoàn toàn đúng. Có thể thấy đây là việc làm quen thuộc của Mỹ, ví như trước đây 15 năm để phát động chiến tranh xâm lược Iraq Mỹ đã nghĩ ra cớ chính quyền Saddam Hussein dùng vũ khí giết người hàng loạt và quan hệ với Al-Queda để thực hiện cuộc tấn công vào Mỹ; và từ sau năm 1945 đến nay Mỹ đã có hàng chục cuộc tạo cớ để tiến hành xâm lược nước khác.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và cuộc chiến ở Syria.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và cuộc chiến ở Syria.

PV: Dư luận cũng nghi ngờ về động cơ quân sự khi Mỹ tấn công Syria lần này, Thiếu tướng giải thích như thế nào?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Trước đây, ông Donald Trump tuyên bố rút khỏi Syria để mặc cho người khác quản lý, ý nói là Nga. Theo tôi có 3 động cơ thúc đẩy Mỹ thực hiện cuộc tấn công Syria lần này. Mục đích chủ yếu, trực tiếp đó là sau 7 năm Mỹ và các đồng minh đã ném vào đây khoảng 120 tỷ đô la để hậu thuẫn cho lực lượng đối lập vừa chống IS vừa phục vụ mục đích cuối cùng quan trọng nhất của Mỹ đó là loại bỏ chính quyền Assad như đã từng làm với Saddam Hussein năm 2003, như đã làm với Gaddafi năm 2011.

Mục tiêu cuối cùng quan trọng nhất của Mỹ ở Syria là thông qua chống khủng bố để loại bỏ chính quyền Assad. Nhưng dù đã mất hơn 100 tỷ đô la nhưng Mỹ và liên minh vẫn không đạt được mục đích; thậm chí chính quyền Assad được Nga và Iran hậu thuẫn hiện đã giành thế thắng lợi, làm chủ chiến trường. Có thể nói “bàn cờ Syria” hiện nay là do Nga chủ đạo, cùng với Nga là Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này giới tinh hoa ở Mỹ và giới “diều hâu” của Đảng dân chủ và Đảng cộng hòa không muốn chấp nhận, không bao giờ muốn Assad tồn tại và ở thế thắng. Cho nên họ cản trở giải pháp quân sự, chính thức khuyến khích kéo dài cuộc xung đột Syria để nhấn chìm Nga ở đây.

Nguyên nhân tiếp nữa, đó là sau 1 năm cầm quyền, chính quyền của ông Donald Trump đã giảm uy tín, giảm lòng tin trong cộng đồng cư dân Mỹ, trong cử tri Mỹ cả trong chính sách đối nội và đối ngoại. Chính quyền Donald Trump đã không được người dân ủng hộ, và ngay cả trong 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ  nhiều thượng nghị sỹ, hạ nghị sỹ cũng phản đối quyết liệt. Uy tín của chính quyền Donald Trump sau 1 năm cầm quyền đã suy giảm nghiêm trọng.

Tên lửa phòng không S-400 ở Syria. Ảnh Internet.
Tên lửa phòng không S-400 ở Syria. Ảnh Internet.

Tháng 11/2018, Mỹ sẽ bước vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, nếu tình hình này kéo dài nguy cơ Đảng Cộng hòa sẽ mất quyền kiểm soát ở Thượng viện và Hạ viện. Cho nên trong một tình huống chính trị rất khó khăn phức tạp về mặt uy tín, lòng tin của người dân đối với chính quyền Donald Trump thì ông ta sử dụng biện pháp quân sự với Syria để chứng tỏ với cử tri Mỹ, với người Mỹ, với đồng minh của Mỹ rằng Donald Trump là chính quyền mạnh.

Thông qua cuộc không kích vào Syria, chính quyền của ông Trump muốn gửi đến cử tri Mỹ, đến 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ là ông Trump vẫn nắm chắc quyền lực và thực thi đúng quyền hành của một tổng thống Mỹ với khẩu hiệu “nước Mỹ trên hết, làm cho nước Mỹ hùng mạnh trở lại”.

Tiếp đó, trong 2 tháng gần đây, Tổng thống Donald Trump đang phải lùm xùm đối phó với rất nhiều dư luận không có lợi cho ông ta. Đó là việc bản thân ông Trump  cũng như con trai, con gái, con rể có quan hệ với Đại sứ quán Nga; việc Nga tác động vào bầu cử Mỹ năm 2016. Cách đây hơn 1 tháng, truyền hình Mỹ đưa một số phóng sự nói về một số phụ nữ đã tỏ thái độ bất bình với ông Trump vì đã quấy rối tình dục đối với họ.

Donald Trump có rất nhiều đối thủ chính trị, nếu các đối thủ đó tận dụng những vụ này để luận tội tổng thống, nghĩa là tổng thống không đủ tư cách lãnh đạo, thông qua Hạ viện họ sẽ có thể lật đổ tổng thống Trump. Vì thế, việc tấn công Syria cũng là một hành động nhằm “lên gân”, để nói với cử tri Mỹ rằng chính quyền Donald Trump là chính quyền đúng đắn, đánh lạc hướng dư luận Mỹ đang bủa vây ông Trump nói trên.

PV: Ông có thể đánh giá phản ứng của Nga đối với sự kiện này như thế nào?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Trước khi xảy ra không kích, Tổng thống Nga đã tuyên bố rằng quân đội Nga luôn đặt trong trạng thái sẵn sàng trên toàn bộ lãnh thổ Nga và Syria; nếu các căn cứ quân sự của Nga tại Syria bị tấn công thì Nga có quyền đáp trả, truy đuổi, không những bắn hạ các tên lửa đối với các căn cứ quân sự của Nga mà còn truy đuổi cả nơi phát ra, tức là tàu sân bay, tàu ngầm, tàu khu trục của Mỹ mà tên lửa phát ra.

Trước những tuyên bố của Putin, chính quyền Donald Trump buộc lòng phải tính toán để không đụng đến dù một “gót chân” quân sự của Nga. Vì thế Nga luôn giữ bình tĩnh, và Nga cũng không muốn lao vào cuộc chiến với Mỹ hiện nay. Nhưng nếu Mỹ đụng chạm đến dù là 1 người Nga hay 1 binh sỹ Nga thì họ sẵn sàng đáp trả. Và theo Nga, việc Mỹ tấn công Syria là hành động chà đạp lên luật pháp quốc tế và họ phải chịu phần trách nhiệm. Phản ứng của Nga hiện nay cũng xuất phát từ hành động của Mỹ khi chưa có sự động chạm đến Nga.

PV: Theo ông, hậu quả đối với Syria, các nước Trung Đông và đối với Mỹ sẽ ra sao nếu chính quyền Mỹ tiếp tục không kích?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Dư luận cho rằng sẽ hết sức phức tạp sau lần không kích này, làm cho giải pháp chính trị về Syria ngày càng xa vời. Bản thân Mỹ không muốn có giải pháp chính trị, mặc dù họ nói một đằng nhưng lại làm một nẻo. Bởi giải pháp chính trị hiện nay nằm trong tay Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.

Vì thế họ khuấy động xung đột và làm cho xung đột vào xoáy mới; làm cho mâu thuẫn giữa hai dòng hồi giáo Shia và Sunni ở Trung Đông đã cả ngàn năm nay càng trở nên quyết liệt. Mối quan hệ Israel và Palestine càng khó khăn để ổn định.

Mối quan hệ giữa Mỹ và thế giới Hồi giáo ngày càng  khoét sâu mâu thuẫn, càng nguy hiểm hơn nếu chính quyền Trump tiếp tục không kích sẽ khiến lực lượng thánh chiến Hồi giáo càng phát triển. Cho nên, nếu Mỹ khôn ngoan, tỉnh táo dừng cuộc không kích vào Syria thì tình hình Trung Đông và Syria còn có khả năng kiểm soát được, tránh được việc người Mỹ phải chịu trách nhiệm và cử tri Mỹ phải chịu trách nhiệm về hậu quả lịch sử này.

PV: Cảm ơn Thiếu tướng!

Tin mới