Thiếu tướng Lê Văn Cương: Cắt viện trợ cho Pakistan, Mỹ tự “gậy ông đập lưng ông“

(Baonghean.vn) - Việc Tổng thống Donald Trump chỉ trích và tuyên bố cắt viện trợ cho Pakistan sẽ khiến Mỹ gặp nhiều bất lợi trong cuộc chiến chống khủng bố tại chiến trường Afghanistan, cũng như trong chính sách an ninh, tài chính và ngoại giao.

Báo Nghệ An điện tử có cuộc trao đổi với PGS.TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học, Bộ Công an về vấn đề này.

Thiếu tướng Lê Văn Cương tại trường quay Báo Nghệ An
Thiếu tướng Lê Văn Cương tại trường quay Báo Nghệ An. Ảnh tư liệu

PV: Lịch sử quan hệ Mỹ - Pakistan đã được hình thành như thế nào, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Pakistan là quốc gia của người Hồi giáo, được tách ra từ Ấn Độ từ năm 1947. Cho đến nay, quan hệ giữa Pakistan -  Ấn Độ chưa bao giờ êm ấm. Giữa hai quốc gia đã diễn ra nhiều cuộc xung đột quân sự, khiến hàng triệu người thiệt mạng.

Tại thời điểm đấy, trong khi Ấn Độ dựa vào Liên Xô cũ, thì Pakistan thiết lập quan hệ đồng minh với Mỹ. Như vậy quan hệ giữa Pakistan và Mỹ được hình thành trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Pakistan trở thành quốc gia có địa chính trị và chiến lược quan trọng, mà hai cường quốc Liên Xô và Mỹ tranh giành ảnh hưởng.

Song kể từ khi Liên Xô tan rã từ năm 1991, quan hệ Mỹ - Pakistan bắt đầu rạn nứt. Trên bề nổi, hai nước vẫn duy trì thiết lập đồng minh, nhưng thực chất đã không còn “mặn mà”.

Chính trong bối cảnh này, Trung Quốc đã phát hiện ra vị trí địa chính trị quan trọng của Pakistan tại khu vực Nam Á, và ngay lập tức “chen chân” vào giữa mối quan hệ Mỹ - Pakistan.

Đặc biệt, từ năm 2001, khi Mỹ triển khai chiến dịch chống lực lượng khủng bố, Pakistan trở thành nơi đụng đầu bí mật giữa Mỹ và Trung Quốc. Về hình thức, Pakistan vẫn là đồng minh của Mỹ, song nước này vừa ngấm ngầm, vừa công khai thắt chặt quan hệ với Trung Quốc. Pakistan bắt đầu chịu ảnh hưởng kinh tế chủ yếu từ Trung Quốc.

Quân đội Pakistan. Ảnh: Indian Defence Review.
Quân đội Pakistan. Ảnh: Indian Defence Review
 PV: Các thời tổng thống tiền nhiệm có biết Pakistan thực hiện chính sách "hai mang" không? Nếu có, tại sao không có một biện pháp cứng rắn nào được đưa ra đối với Pakistan, thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Trên thực tế, các tổng thống Mỹ tiền nhiệm như Clinton, G. Bush, đều đã phát hiện ra Pakistan thực hiện chính sách này. Đặc biệt, trong suốt 8 năm cầm quyền của mình, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhiều lần chỉ trích “tính hai mặt” của Pakistan trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, đặc biệt là đối với nhóm phiến quân Taliban tại quốc gia láng giềng Afghanistan mà Mỹ đang hỗ trợ truy quét từ năm 2001.
Thậm chí Barack Obama đã có thái độ rõ ràng, yêu cầu Pakistan chấm dứt hậu thuẫn đối với Taliban cũng như lực lượng khủng bố khác, điển hình lực lượng đặc nhiệm của Mỹ đã tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden trên lãnh thổ Pakistan hồi tháng 5/2011.

Đối với Mỹ, đây như một cách để "nhắc nhở" Pakistan rằng, Mỹ sẵn sàng hành động và có thể hành động đơn phương để bảo vệ được lợi ích của nước Mỹ.

Dẫu vậy, các lợi ích và quan tâm chung đã khiến cả hai nước dù "bằng mặt nhưng không bằng lòng" về nhau đã phải gác lại những hiềm khích để mối quan hệ không bị đẩy tới bước đổ vỡ hoàn toàn.

Thêm vào đó, Mỹ nhận thấy rằng, cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan muốn giành thắng lợi, dứt khoát phải sử dụng "lá bài" Pakistan. Do đó, mặc dù phát hiện ra "tính hai mặt" của Pakistan nhưng không một chính quyền tiền nhiệm nào đưa ra biện pháp cứng rắn. 
Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif trong cuộc gặp tại phòng bầu dục, Nhà Trắng ở Washington. Ảnh: Reuters.
Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif từng có cuộc gặp tại phòng Bầu dục, Nhà Trắng ở Washington. Ảnh: Reuters
 PV: Ai sẽ là người chịu thiệt thòi, và ai sẽ là người được hưởng lợi trong "canh bạc" này, thưa Thiếu tướng? Ông có thể dự đoán cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ và Khối Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Afghanistan trong thời gian tới?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Khi mối quan hệ Mỹ - Pakistan đứng bên bờ vực thẳm, Ấn Độ sẽ là quốc gia chịu thiệt thòi. Pakistan sẽ trút “cơn giận dữ” xuống Ấn Độ bằng cách tạo ra căng thẳng trong mối quan hệ đôi bên.

Đối lập với đó, Trung Quốc sẽ trở thành "ngư ông đắc lợi". Theo đó, Trung Quốc sẽ dang tay kéo Pakistan về phía mình. Nói một cách khác, đây tiếp tục là thất bại của Mỹ tại khu vực địa chính trị Pakistan.

Việc chính quyền Donald Trump cắt viện trợ cho Pakistan sẽ tạo ảnh hưởng xấu đến cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ và đồng minh NATO tại chiến trường Afghanistan. Bởi lẽ, chắc chắn, Pakistan sẽ phản ứng gay gắt với Mỹ.

Về hình thức, trong tương lai Pakistan vẫn giữ quan hệ đồng minh với Mỹ, tiếp tục tuyên bố kề vai sát cánh với cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống lực lượng khủng bố, song Pakistan sẽ trả đũa bằng cách hậu thuẫn mạnh mẽ, quyết liệt hơn cho các tổ chức khủng bố như Taliban, Al-Qaeda, hay IS tại chiến trường Afghanistan, khiến cho chính quyền Donald Trump ngày càng sa vào “vũng lầy”.

Trong lời bình đăng trên tài khoản Tweeter vào sáng 1-1, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng: “Mỹ đã dại dột trao Pakistan hơn 33 tỷ USD viện trợ trong vòng 15 năm trở lại đây, và họ đã không cho chúng ta điều gì ngoài những lời dối trá và lừa dối, xem các nhà lãnh đạo của chúng ta như kẻ ngốc”.
Trong lời bình đăng trên tài khoản Twitter vào sáng 1/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng: “Mỹ đã dại dột trao Pakistan hơn 33 tỷ USD viện trợ trong vòng 15 năm trở lại đây, và họ đã không cho chúng ta điều gì ngoài những lời dối trá và lừa dối, xem các nhà lãnh đạo của chúng ta như kẻ ngốc”. Ảnh: Twitter
Như vậy, Mỹ sẽ là quốc gia chịu tổn thương nhiều nhất, "hao người tốn của". Khi đó, để ổn định tình hình tại Afghanistan, có thể Mỹ bắt buộc phải chi gấp 10 lần hoặc hơn thế nữa số tiền 255 triệu USD cắt viện trợ cho Pakistan. Đây chính là thảm họa của Mỹ. Không ai khác, chính Mỹ đã tự tạo ra kịch bản “gậy ông đập lưng ông” khi tuyên bố cắt viện trợ cho Pakistan.

Trong bối cảnh hiện nay, xét về mọi phương diện, Tổng thống Donald Trump đã mắc sai lầm lớn nhất về chiến lược trong năm đầu tiên cầm quyền, và chắc chắn sẽ dẫn đến những hậu quả cả về chính trị, an ninh, tài chính và ngoại giao. Chắc chắn sai lầm này khiến chính quyền Trump chịu ảnh hưởng xấu cả về chính trị, an ninh, tài chính, chính trị và ngoại giao.

Tin mới