Thiếu tướng Lê Văn Cương: Chiến dịch quân sự đặc biệt Nga - Ukraine: 6 tháng, 6 vấn đề

(Baonghean.vn) - Đến ngày 24/8/2022, “Chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga tại Ukraine đã tròn 6 tháng (182 ngày). Nhìn lại 6 tháng, Thiếu tướng Lê Văn Cương nêu 6 vấn đề để trao đổi: 1) Nguồn gốc của cuộc chiến Nga - Ukraine; 2) Hai giai đoạn của cuộc chiến Nga - Ukraine; 3) Bất cập và tổn thất của Nga; 4) Ai được lợi trong cuộc chiến này; 5) Vấn đề Crimea và việc sử dụng bom nguyên tử; 6) Cuộc chiến này sẽ kết thúc thế nào? Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.

1. Nguồn gốc của cuộc chiến Nga - Ukraine:

Có hai nguyên nhân cơ bản, sâu xa dẫn đến cuộc chiến tranh Nga - Ukraine: 1) Từ nội bộ Ukraine; 2) Từ chiến lược của Mỹ làm suy yếu Nga.

Ukraine là một quốc gia “thiên thời, địa lợi, nhân không hòa”.

Với 603.000 km2, Ukraine có diện tích lớn nhất châu Âu (không kể Nga). Trên diện tích rộng lớn, không có vùng cực lạnh, cực nóng, đất đai phì nhiêu (Ukraine sở hữu 10% đất tốt nhất thế giới).

Về nhân học, ngôn ngữ, tôn giáo, kinh tế, Ukraine tạo thành từ hai vùng khác biệt nhau, có mặt đối lập: 9 tỉnh miền Đông giáp Nga, đa số là người Nga, tôn giáo chính thống Nga, kinh tế công nghiệp gắn với Nga (từ thời Liên Xô). Người dân ở 9 tỉnh miền Đông có tư tưởng, tình cảm gần gũi với Nga và họ muốn thúc đẩy, mở rộng quan hệ mọi mặt với Nga.

Thủ đô Kiev (Ukraine). Ảnh: Kelley Hudson

Thủ đô Kiev (Ukraine). Ảnh: Kelley Hudson

8 tỉnh miền Tây (giáp Ba Lan, Hungaria, Cộng hòa Séc, Rumania, Bungaria) theo tôn giáo La Mã, đa số người Ukraine, có tư tưởng bài Nga, thậm chí chống Nga cực đoan. 7 tỉnh miền Trung, người dân không chống Nga cực đoan, nhưng muốn hội nhập vào châu Âu.

Hai khối dân cư: miền Đông thân Nga, miền Tây bài Nga. Vì thế, kể từ năm 1911, Ukraine chưa bao giờ tồn tại như một quốc gia thống nhất. Tình hình chính trị nội bộ của Ukraine tồn tại khách quan, lâu dài. Tình hình đó đặt ra một yêu cầu khách quan: Chính quyền Kiev cần giữ cân bằng giữa Đông (Nga) và Tây (Tây Âu).

Thực tế cũng đã chứng minh điều đó: Thời kỳ nào mà chính quyền Kiev thực hiện cân bằng Đông - Tây thì đất nước ổn định và phát triển; thời kỳ nào chính quyền Kiev ngả hẳn về một bên (Nga hoặc châu Âu), đất nước mất ổn định và không phát triển được. Hiện nay, chính quyền Kiev đã ngả hẳn vào vòng tay của Mỹ chống Nga và tự chuốc lấy thảm họa(2).

Các chiến lược gia hàng đầu thế giới đã cảnh báo Kiev. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đã nêu ra luận điểm đúng đắn: “Nếu Ukraine muốn tồn tại và phát triển, họ không được phép trở thành tiền đồn của bất cứ bên nào nhằm đối đầu với bên còn lại; họ phải đóng vai trò như một cầu nối giữa hai bên”(3).

Về chiến lược của Mỹ nhằm làm suy yếu Nga:

Tốt nhất, để cho khách quan, xin dẫn ra ý kiến của các học giả, các chiến lược gia hàng đầu của Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ.

“Mục tiêu chiến lược của nước Mỹ là tìm kiếm bá quyền trên toàn thế giới, không cho phép xuất hiện bất kỳ một nước lớn nào trên hai châu lục Âu - Á đủ để cấu thành mối đe dọa đối với địa vị lãnh đạo của Mỹ” (4).

“Để duy trì bá quyền thế giới thời hậu chiến tranh thế giới thứ 2 và xóa bỏ viễn cảnh thế giới đa cực, cần phải kiểm soát khối Á - Âu, yếu tố cấu thành gồm châu Âu, Nga và Trung Quốc.

Mục tiêu lớn nhất là gây sức ép tối đa đối với Nga tại khu vực Á - Âu và loại bỏ hoặc làm suy yếu Nga như một cực”(5).

Việc NATO mở rộng phía Đông đã đặt ra những thách thức cấp bách với Nga. Ảnh: Tư liệu
Việc NATO mở rộng phía Đông đã đặt ra những thách thức cấp bách với Nga. Ảnh: Tư liệu

Để làm suy yếu Nga, việc đầu tiên và quan trọng nhất là Mỹ mở rộng NATO về phía Đông, kết nạp các nước Đông Âu và Baltic vào NATO; thu hẹp không gian chiến lược của Nga; bố trí các loại vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại tại các nước Đông Âu và Baltic, trực tiếp đe dọa an ninh quốc gia của Nga.

G.F. Kennan, cha đẻ của “Chiến lược ngăn chặn” Liên Xô(6), đã tỉnh táo nhận xét: “Việc mở rộng NATO sẽ là sai lầm chết người nhất trong chính sách của Mỹ thời kỳ hậu chiến tranh lạnh”(7).

Các chiến lược gia hàng đầu của Mỹ Kissinger, William Burns, Malcolm Fraser, Edward Luttwak, Sam Nunn, Jack Matlock, Paul Nitze, Owen Harries, William Perry, B. Brzezinski cùng có quan điểm với G.F. Kennan.

Trong các nước thuộc Liên Xô cũ, Ukraine có vị trí đặc biệt đối với an ninh quốc gia của Nga. Nếu Ukraine gia nhập NATO, tên lửa siêu thanh của Mỹ đặt ở Ukraine chỉ mất 4 phút là phá hủy Điện Kremlin mà Nga không thể chống đỡ. Do đó, việc Ukraine không gia nhập NATO là “vạch đỏ” mà Nga yêu cầu Mỹ và Ukraine không được vượt qua.

B. Brzezinski đã kịch liệt phản đối việc kết nạp Ukraine vào NATO: “Mỹ và các đồng minh nên từ bỏ kế hoạch phương Tây hóa và thay vào đó nên nhằm vào việc biến nước này (Ukraine) thành vật đệm trung lập giữa NATO và Nga giống như vị thế của Áo trong chiến tranh lạnh”; và “Phần Lan hóa Ukraine: Trung lập thực chất, về chính trị có thể có quan hệ hữu nghị với mọi quốc gia, về kinh tế có thể gia nhập EU, về quân sự không được gia nhập NATO”(8).

NATO thường xuyên tập trận ở "sân sau" của Nga. Ảnh: Tư liệu

NATO thường xuyên tập trận ở "sân sau" của Nga. Ảnh: Tư liệu

“Các chuyên gia an ninh quốc gia hàng đầu của Mỹ nhấn mạnh, cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay là do Mỹ tạo ra”(9). Nhà báo Thomas Friedman, phụ trách chuyên mục đối ngoại của tờ “The New York Times” cũng cho rằng Mỹ tự tạo ra cuộc khủng hoảng Ukraine(10).

Tóm lại, nguồn gốc sâu xa của cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay là sự cộng hưởng của yếu tố bên trong (nội bộ Ukraine) và yếu tố bên ngoài (chiến lược làm suy yếu Nga của Mỹ từ sau khi kết thúc chiến tranh lạnh (1991) để duy trì vai trò chi phối thế giới của Wasington).

2. Hai giai đoạn của cuộc chiến Nga - Ukraine

Việc phân chia hai giai đoạn của cuộc chiến Nga - Ukraine (cho đến nay) chỉ là tương đối và xét theo ý đồ của Mỹ và phương Tây.

- Giai đoạn 1 từ 24/2/2022 đến 23/4/2022:

Hai ngày đầu (24 và 25/2), Mỹ và phương Tây còn xem xét, nghe ngóng, chưa sẵn sàng lao vào cung cấp vũ khí, tài chính cho Ukraine. Tổng thống Ukraine đã công khai lên tiếng: Ukraine - nền dân chủ bị phương Tây bỏ rơi! Sau đó, Mỹ và NATO - chủ yếu là các nước châu Âu - bắt đầu viện trợ vũ khí, tài chính cho chính quyền Kiev chủ yếu để Ukraine chống lại Nga.

Đoàn xe thiết giáp của Nga ở Crimea vào tháng 1/2022. Ảnh: AP

Đoàn xe thiết giáp của Nga ở Crimea vào tháng 1/2022. Ảnh: AP

- Giai đoạn 2 từ 24/4/2022 đến nay:

Ngày 24/4/2022, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Ukraine. Tại Kiev, Tổng thống Ukraine và chính quyền Kiev cam kết với các quan chức Mỹ: Nếu Mỹ và NATO cung cấp đủ vũ khí và tài chính thì chắc chắn Ukraine sẽ đánh thắng Nga, buộc Nga phải trả lại Crimea và phải rút về nước (Nga sẽ thất bại nhục nhã!).

Xin lưu ý: 24/2 - 23/4/2022 là giai đoạn Nga chịu tổn thất lớn trên chiến trường, hơn một tháng mà quân đội Nga tiến triển chậm, không vào được Kiev, Khacop. Dư luận phương Tây cho rằng Nga đang sa lầy và sẽ thất bại! Có thể nói, đây là giai đoạn đen tối nhất của quân đội Nga ở Ukraine. Trong bối cảnh đó, chính quyền Kiev lại có quyết tâm đánh bại Nga nếu có đủ vũ khí và nguồn tài chính của Mỹ và NATO, có lẽ, Mỹ đã đổi ý định từ giúp đỡ Ukraine để chống Nga sang cung cấp vũ khí và tài chính cho Kiev để đánh bại Nga.

Ngày 25/4/2022, tại Ba Lan, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ L. Austin đã tuyên bố công khai: “Người Ukraine có suy nghĩ muốn giành chiến thắng; chúng tôi có suy nghĩ muốn giúp họ giành chiến thắng. Hơn nữa, chúng tôi muốn thấy Nga suy yếu đến mức nước này không thể làm được những điều như họ đã làm trong cuộc xâm lược Ukraine”.

Ngày 26/4/2022, tại Đức, Bộ trưởng Quốc phòng L. Austin tổ chức cuộc họp với sự tham dự của 40 bộ trưởng quốc phòng của 40 quốc gia đồng minh của Mỹ, ra tuyên bố: Hình thành mặt trận quốc tế rộng rãi ủng hộ vũ khí, tài chính cho Ukraine đánh bại Nga.

Ngày 28/4/2022, Quốc hội Mỹ thông qua (417 phiếu thuận/10 phiếu chống) “Đạo luật cho thuê tài sản bảo vệ nền dân chủ Ukraine năm 2022”. Theo đó, giai đoạn 2022 - 2023, Mỹ dành 33 tỷ đô la cho Ukraine (mua vũ khí, huấn luyện quân đội Ukraine...) đánh bại Nga.

Từ cuối tháng 4/2022, Mỹ và các nước đồng minh NATO châu Âu (Anh, Pháp, Đức, Ba Lan...) dồn dập cung cấp tài chính và các loại vũ khí hiện đại nhất hiện nay cho chính quyền Kiev để đánh bại Nga.

Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky phát biểu trước Quốc hội Mỹ vào ngày 16/3 để kêu gọi hỗ trợ. Ảnh: GETTY IMAGES
Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky phát biểu trước Quốc hội Mỹ vào ngày 16/3 để kêu gọi hỗ trợ. Ảnh: GETTY IMAGES

Mỹ cung cấp cho chính quyền Kiev tên lửa chống tăng Javelin, hệ thống phòng không Stinger, súng bắn tỉa, đặc biệt hệ thống phóng tên lửa cơ động cao HIMARS (một lúc phóng nhiều tên lửa dẫn đường với độ chính xác cao, tầm bắn 70 - 80km).

Anh đã cung cấp cho chính quyền Kiev hệ thống tên lửa chống hạm và xe bọc thép. Pháp cung cấp cho Kiev tên lửa chống tăng đời mới Milan và đại bác Caesar. Đức đã chuyển cho Ukraine xe bọc thép, tên lửa chống tăng thế hệ mới. Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp cho Kiev máy bay không người lái hiện đại nhất hiện nay TB2.

Chính quyền Kiev đang nắm giữ hầu hết các loại vũ khí hiện đại nhất của Mỹ và các đồng minh NATO. Trên chiến trường Ukraine hiện nay đang diễn ra cuộc đụng độ của hai hệ thống vũ khí: Hệ thống vũ khí Nga và hệ thống vũ khí tiên tiến của 30 quốc gia NATO, trong đó Mỹ là nòng cốt, chủ lực.

Thực chất, đây là cuộc chiến giữa Nga với 30 quốc gia NATO do Mỹ dẫn dắt. Nói cách khác, Mỹ đang cung cấp vũ khí và nguồn tài chính cho chính quyền Kiev để chính quyền Kiev đánh Nga đến người Ukraine cuối cùng. Cũng không sai khi cho rằng đây là cuộc chiến ủy nhiệm của Mỹ: Washington dùng người Ukraine để đánh Nga, làm suy yếu Nga.

Lính Ukraine bốc dỡ lô tên lửa Javelin của Mỹ. Ảnh: CNN

Lính Ukraine bốc dỡ lô tên lửa Javelin của Mỹ. Ảnh: CNN

3. Bất cập và tổn thất của Nga:

Sẽ không đề cập việc Nga có sa lầy, có thất bại trong cuộc chiến này không. Vì cuộc chiến chưa kết thúc nên chưa đánh giá hết tổn thất của Nga. Bước đầu có ý kiến về tổn thất của Nga và dành sự chú ý vào việc xem Nga đã bất cập như thế nào khi bước vào “Chiến dịch quân sự đặc biệt” từ 24/2/2022.

Sơ bộ có thể nêu ra 5 tổn thất lớn của Nga: 1) Thiệt hại về người và tài sản (vũ khí, nguồn lực tài chính...); 2) Thiệt hại về kinh tế trước mắt và lâu dài cho gần một ngàn tập đoàn kinh tế phương Tây rút khỏi Nga, thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa, vật tư thiết bị kỹ thuật cao bị thu hẹp đến 80 - 90%, cô lập về tài chính... 3) Nga bị cô lập hơn; 4) Khoét sâu hố ngăn cách Nga với châu Âu; 5) Đẩy quan hệ Nga với Ukraine xuống vực thẳm.

Bước đầu nêu ra một số bất cập của Nga trong “Chiến dịch quân sự đặc biệt”:

- Một là, mâu thuẫn ngay trong triết lý của cuộc chiến tranh: Chiến tranh không hủy diệt, không đánh vào người dân (coi người dân Ukraine là bạn của Nga), không phá hủy kinh tế, chỉ tập trung phá hủy các cơ sở hạ tầng quân sự (trung tâm thông tin, chỉ huy, nhà kho vũ khí, hệ thống giao thông phục vụ cho quân đội Ukraine, các cơ sở sản xuất vũ khí...) và lực lượng quân đội Ukraine.

Chính quyền Kiev đem vũ khí hiện đại và lực lượng tham mưu, chỉ huy vào thành phố, vào khu dân cư (cả trường học, bệnh viện) thì quân đội Nga gặp rất nhiều khó khăn. Đây là cuộc chiến trong thành phố, chính quyền Kiev tổ chức hàng chục tiểu đội ẩn nấp trong các ngõ phố bắn tỉa và dùng tên lửa chống tăng để tiêu diệt xe tăng Nga. Cuộc chiến tranh không hủy diệt trong thành phố, một lực lượng bắn tỉa rất nhỏ có khả năng ngăn chặn bước tiến của một đội quân với hàng chục xe tăng, thiết giáp.

Có lẽ, Nga không lường hết nghịch lý này trước khi phát động “Chiến dịch quân sự đặc biệt”.

Binh lính Ukraine tại một vị trí phòng ngự trên một con cầu trong thành phố Kiev. Ảnh: NPR
Binh lính Ukraine tại một vị trí phòng ngự trên một con cầu trong thành phố Kiev. Ảnh: NPR

- Hai là, tháng 3/2014, quân đội Nga vào Crimea hầu như không có sự kháng cự của quân đội Ukraine. Vào năm 2014, quân đội Ukraine khá rệu rã, sức chiến đấu rất thấp. 8 năm (2014 - 2022), chính quyền Kiev đã tổ chức lại quân đội: Khoảng trên 80% là lính mới nhập ngũ sau tháng 3/2014 (mất bán đảo Crimea); cũng trên 70% chỉ huy các cấp là mới được bổ nhiệm; NATO huấn luyện quân đội Ukraine theo phương thức tác chiến của NATO (khác phương thức tác chiến của quân đội Nga). Như vậy, về chất lượng quân đội Ukraine thể hiện ở năng lực tác chiến năm 2022 đã khác xa năm 2014.

Xét về mọi mặt, sức mạnh chiến đấu của quân đội Ukraine vào năm 2022 đã vượt trội hẳn so với năm 2014. Nga đã không đánh giá đúng về quân đội Ukraine khi triển khai “Chiến dịch quân sự đặc biệt”.

- Ba là, Nga đã không dự báo được quyết tâm và mức độ đồng thuận giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu của Mỹ thể hiện trên hai phương diện: 1) Bao vây, trừng phạt toàn diện, triệt để đối với Nga; 2) Hậu thuẫn về chính trị, cung cấp vũ khí và tài chính cho chính quyền Kiev để đánh bại Nga. Nga cũng không lường hết được hậu quả nặng nề mang tính tàn phá của gần 5.000 lệnh trừng phạt kinh tế mà Mỹ và các đồng minh đã áp đặt đối với Nga. Ngoài ra, có lẽ Nga đã đánh giá quá cao sức mạnh của “vũ khí năng lượng” của mình đối với các nước châu Âu. Thực tế, châu Âu gặp muôn vàn khó khăn nhưng kinh tế châu Âu không sụp đổ, châu Âu cũng không tan rã khi không có dầu mỏ, khí đốt từ Nga.

Từ ba vấn đề trên, có thể đưa ra nhận xét sơ bộ: Trước khi triển khai “Chiến dịch quân sự đặc biệt” 24/2/2022, Nga không đánh giá đúng đối tượng tác chiến: Không đánh giá đúng Ukraine, không đánh giá được quyết tâm của Mỹ và các đồng minh của Mỹ trong trừng phạt Nga và trong việc cung cấp vũ khí hiện đại, tài chính cho chính quyền Kiev để đánh bại Nga.

Tôn Tử dạy: “Biết mình, biết người, trăm trận đánh mà không nguy. Không biết người mà chỉ biết mình, một thắng một bại. Không biết người, không biết mình, đánh trận nào thua trận ấy”(11). Có lẽ, Nga thuộc tình huống thứ hai.

Máy bay Su-57 của Nga. Ảnh: TASS
Máy bay Su-57 của Nga. Ảnh: TASS

4. Ai được lợi trong cuộc chiến này

Cho đến nay (24/8/2022), Mỹ là quốc gia thu được lợi ích lớn nhất trong cuộc xung đột Nga - Ukraine.

- Về chính trị, lợi ích của Mỹ thể hiện ở chỗ: 1) Nga suy yếu; 2) Châu Âu suy yếu cả chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội, vì thế, cái gọi là “Châu Âu tự chủ về chiến lược” chỉ là lời nói suông và Mỹ càng có điều kiện buộc châu Âu phải “nhất cử nhất động” theo Washington; 3) Việc triệt để ủng hộ mọi mặt cho chính quyền Kiev để đánh bại Nga đã ghi thêm điểm cho chính quyền J.Biden và đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11/2022; 4) Qua cuộc xung đột Nga - Ukraine, Mỹ hiểu thêm và đánh giá đúng hơn vai trò, vị thế của Nga trên thế giới và mối quan hệ Nga - Trung Quốc.

- Về kinh tế, Mỹ thu được nhiều lợi ích lớn từ cuộc xung đột Nga - Ukraine: 1) Tổ hợp công nghiệp quân sự - tài chính Phố Wall thu lợi nhuận kếch xù trong sản xuất và bán vũ khí cho Bộ Quốc phòng Mỹ và cho hàng chục quốc gia châu Âu; 2) Các công ty dầu mỏ, khí đốt, khí hóa lỏng của Mỹ có được thị trường xuất khẩu lớn gấp 3 - 4 lần so với trước ngày 24/2/2022 (chủ yếu bán cho châu Âu); 3) Đồng đô la tăng giá so với đồng Euro, các tập đoàn kinh tế lớn, trước hết là các nước châu Âu, tìm đến Mỹ để đầu tư.

Cần lưu ý: Ukraine cách xa Mỹ. Ukraine mạnh hay yếu không ảnh hưởng đến Mỹ. Cuộc chiến tranh Nga - Ukraine cũng không đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ. Mỹ không có mục đích của Ukraine và cũng không quan tâm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Mục đích của Mỹ làm suy yếu Nga, Nga tan rã càng tốt.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy (giữa) thị sát tên lửa chống tăng Javelin do quân đội Mỹ viện trợ. Ảnh: Reuters
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy (giữa) thị sát tên lửa chống tăng Javelin do quân đội Mỹ viện trợ. Ảnh: Reuters

Mỹ cung cấp vũ khí và tài chính cho người Ukraine đánh bại Nga. Đây là cuộc chiến tranh ủy nhiệm do Mỹ thực hiện.

Nhiều học giả tài năng, trung thực ở phương Tây cũng có nhiều ý kiến như quan điểm của người viết.

Chuyên gia kinh tế Mỹ nổi tiếng - Giáo sư Jeffrey Sachs, ông đã từng cố vấn cho Tổng thư ký Liên hợp quốc trong nhiều năm đã nói: “Mỹ rất “ưa thích” leo thang xung đột. Chính phủ Mỹ muốn nắm bắt cơ hội và khiến Nga phải “quỳ gối”(12).

5. Vấn đề Crimea và việc sử dụng bom nguyên tử:

- Về vấn đề Crimea:

Cũng cần nhắc lại đôi điều về lịch sử Crimea. Từ năm 1793, Crimea đã thuộc về Nga và Crimea thuộc Nga cho đến khi Khrushchev - Tổng Bí thư Đảng CSLX, Chủ tịch Liên Xô - quyết định chuyển Crimea từ Nga về Ukraine vào cuối năm 1954. Hiến pháp Liên Xô quy định: Muốn chuyển một vùng lãnh thổ từ nước cộng hòa này sang nước cộng hòa khác phải làm hai việc: 1) Trưng cầu ý dân tại khu vực lãnh thổ đó; 2) Nếu có trên 2/3 cư dân đồng ý thì làm hồ sơ báo cáo Xô viết Tối cao (Quốc hội) quyết định.

Cây cầu nối Bán đảo Crimea và đất liền Nga. Ảnh: TASS
Cây cầu nối Bán đảo Crimea và đất liền Nga. Ảnh: TASS

Năm 1954, Khrushchev chuyển Crimea từ Nga sang Ukraine không thực hiện hai việc trên. Do đó, việc chuyển Crimea từ Nga sang Ukraine năm 1954 là hành động vi hiến(13).

Cuộc khủng hoảng nội bộ Ukraine bắt đầu từ 21/11/2013 kéo dài đến 20/2/2014, trong đó các ngày 18, 19, 20/2/2014 xảy ra đụng độ đẫm máu ở Kiev và một số thành phố lớn.

Với sự hậu thuẫn của Pháp, Đức và Nga, để cứu Ukraine ra khỏi thảm kịch đổ máu, ngày 21/2/2014, chính quyền Tổng thống V. Yanukovych và các lực lượng chính trị đối lập đã ký thỏa thuận chấm dứt xung đột, các bên hợp tác với nhau để đưa Ukraine ra khỏi khủng hoảng, phát triển đất nước.

Ngày 21/2/2014 (chiều), Liên minh châu Âu và chính quyền B. Obama ra tuyên bố ủng hộ thỏa thuận giữa chính quyền Yanukovych với các lực lượng đối lập và cho rằng đây là giải pháp duy nhất để cứu Ukraine ra khỏi khủng hoảng.

Ngày 22/2/2014, Mỹ chỉ đạo tổ chức họp Quốc hội Ukraine bất thường để phê phán Tổng thống Yanukovych và đi đến biểu quyết có 72,88% nghị sĩ quốc hội đồng ý phế truất Tổng thống Yanukovych. Hiến pháp Ukraine 2014 quy định: Khi có trên 75% nghị sĩ đồng ý thì tổng thống mới bị phế truất. Cuộc họp quốc hội bất thường do Mỹ tổ chức ngày 22/2/2014 chỉ có 72,88% nghị sĩ đồng ý. Do đó, việc phế truất Tổng thống Yunakovych ngày 22/2/2014 do Mỹ tổ chức là một hành động vi hiến.

Trước tình hình đó (Mỹ đã bội ước), Nga quyết định sáp nhập Crimea:

1/3/2014, quân đội Nga vào chốt giữ Crimea.

18/3/2014, Nga tổ chức trưng cầu ý dân về việc Crimea trở lại với Nga, kết quả 96,8% người dân đồng ý.

21/3/2014, Duma Quốc gia ra sắc lệnh xác nhận Crimea là thực thể thuộc Nga.

Hai năm 2016 - 2017, Nga xây dựng cầu Crimea. Cầu Crimea dài 19km (dài nhất châu Âu) nối Crimea với đất liền Nga (lãnh thổ Nga) có hai tuyến đường bộ và đường sắt. Chi phí xây cầu Crimea là 4 tỷ USD. Cầu Crimea là con đường duy nhất để Nga vận chuyển vật tư, lương thực thực phẩm cho 2,3 triệu người ở Crimea; cũng là con đường chủ yếu vận chuyển vũ khí, hậu cần, quân đội của Nga đến Crimea phục vụ cuộc chiến ở Ukraine.

Đã hàng chục lần, Tổng thống Ukraine và các quan chức cấp cao của chính quyền Kiev tuyên bố công khai sẽ đánh sập cầu Crimea và giải phóng Crimea.

Theo quan điểm của Moskva, Crimea thuộc Nga và không bao giờ đưa vấn đề Crimea đàm phán với Kiev. Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Medvedev tuyên bố: “Nếu chính quyền Kiev đánh sập cầu Crimea “họ sẽ ngay lập tức đối mặt với ngày phán xét, rất nhanh chóng và dữ dội. Không thể né tránh điều này”.

Nga đang bố trí lực lượng tinh nhuệ nhất với vũ khí hiện đại như S-400 để bảo vệ cầu Crimea. Nên hiểu ý kiến của Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Medvedev không phải là một lời cảnh cáo mà là một mệnh lệnh.

Cho dù cuộc chiến Nga - Ukraine sẽ tiếp tục diễn ra thế nào, thắng lợi sẽ thuộc về ai, nhưng bán đảo Crimea vĩnh viễn thuộc về Nga. Năm 2015, Tổng thống Nga V. Putin đã nói với một người đồng cấp phương Tây: “Ai dùng vũ lực lấy lại Crimea chúng tôi sẽ dùng bom nguyên tử!”.

Nếu chính quyền Kiev dùng vũ lực tấn công trực diện vào bán đảo Crimea và phá hủy cầu Crimea thì tính chất cuộc chiến sẽ thay đổi 180o: thực sự là cuộc chiến hủy diệt và sẽ dẫn đến kết thúc nhanh chóng với thất bại và thảm họa thuộc chính quyền Kiev.

- Việc sử dụng bom nguyên tử:

Ngày 1/8/2022, Tổng thống Nga V. Putin đã nói: “Không có người chiến thắng trong chiến tranh hạt nhân”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Reuters
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Reuters

Ngày 16/8/2022, tại Hội nghị An ninh hàng năm ở Moskva, Bộ trưởng Quốc phòng Nga đã đề cập đến 4 tình huống Nga sử dụng vũ khí hạt nhân: 1) Bị tấn công bằng tên lửa hạt nhân; 2) Bất kỳ vũ khí hạt nhân nào khác được sử dụng để chống Nga; 3) Một cuộc tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng trọng yếu làm tê liệt các lực lượng răn đe hạt nhân của Nga; 4) Khi xuất hiện hành động thù địch nhằm vào Nga và các đồng minh, gây nguy hiểm cho sự tồn vong của đất nước, dù chỉ bằng vũ khí thông thường chứ chưa bao gồm vũ khí hạt nhân.

Tình huống thứ 4 ở trên liên quan đến cuộc chiến tranh Nga - Ukraine hiện nay. Có thể suy đoán như sau: Nếu chính quyền Kiev thực hiện một trong hai hành động sau: 1) Dùng tên lửa bắn vào Nga, trực tiếp vào Moskva; 2) Tập trung các vũ khí hiện đại của Mỹ và các thành viên NATO tấn công dồn dập nhằm giành lại bán đảo Crimea.

Khi xảy ra một trong hai tình huống trên, có khả năng Nga sẽ dùng vũ khí hạt nhân chiến thuật để kết thúc chiến tranh.

Một đe dọa hạt nhân khác đang có dấu hiệu xuất hiện xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Đây là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu hiện do Nga kiểm soát. Khi cuộc chiến trở nên khốc liệt hơn, không một ai ngây thơ tin rằng sẽ không có quả tên lửa hoặc đạn pháo nào rơi vào “quả tim” của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Nếu nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia nổ như nhà máy Chernobyl năm 1986 sẽ gây ra thảm họa cho cả châu Âu và cũng đẩy nhanh kết thúc cuộc chiến tranh.

Quân nhân Nga tuần tra tại khu vực nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine ngày 1/5. Ảnh: AFP
Quân nhân Nga tuần tra tại khu vực nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine ngày 1/5. Ảnh: AFP

Liệu có xảy ra chiến tranh hạt nhân Mỹ - Nga?

Điều này chủ yếu phụ thuộc vào Mỹ. Quả bóng hạt nhân đang ở trên sân Washington. Nếu Mỹ quyết đẩy Nga vào chân tường thì “phản ứng của Nga sẽ ngay lập tức và sẽ khiến các bạn phải hứng chịu hậu quả chưa từng trải qua trong lịch sử”(14). Tổng thống V. Putin không đe dọa mà cảnh cáo Mỹ. Nga đang sở hữu khoảng 6.000 quả bom nguyên tử và có các phương tiện chuyển tải (tên lửa siêu thanh, tên lửa liên lục địa...) để có thể 10 lần hủy diệt Mỹ. Cho dù có căm thù Putin bao nhiêu, trước cái chết, những chính khách diều hầu ở Washington cũng biết dừng lại đúng chỗ.

6. Cuộc chiến này sẽ kết thúc thế nào:

Có thể nói ngay: Không ai biết.

Các học giả, chính khách phương Tây đưa ra hàng chục kịch bản kết thúc chiến tranh Nga - Ukraine. Cố gắng nghe tất cả, nhưng chỉ nên tin một phần!

Mỹ không đưa quân đội đến Ukraine chiến đấu chống Nga. Mỹ đang cung cấp các loại vũ khí hiện đại cho chính quyền Kiev để đánh bại Nga trên chiến trường Ukraine.

- Cho đến nay, Ukraine thực sự đã phá sản.

Kinh tế bị tàn phá, các cơ sở sản xuất vũ khí bị quân đội Nga phá hủy gần hết. Ukraine không có tiền, không đủ vũ khí. Ukraine dùng tiền và vũ khí của Mỹ và các thành viên NATO châu Âu để chống Nga. Suy cho cùng, các nước châu Âu (Anh, Đức, Ba Lan, 3 nước Baltic...) không khác gì là những con rối trong tay Mỹ.

Nếu không có viện trợ tài chính, vũ khí từ Mỹ và các thành viên NATO, sau một tháng chính quyền Kiev sẽ sụp đổ.

- Quả bóng đang ở bên sân Mỹ.

Cuộc chiến này đi đến đâu chủ yếu phụ thuộc vào việc Washington quyết đánh Nga, đẩy Nga đến đâu.

Vẻ bề ngoài của mặt trận chống Nga do Mỹ dẫn dắt vẫn có vẻ như một khối thống nhất vững chắc. Bên trong mặt trận chống Nga đã bắt đầu có các vết rạn nứt và hình thành hai phe “chủ chiến” và “chủ hòa”.

Nói chung các nước châu Âu đã bắt đầu cảm thấy quá mỏi mệt với việc theo Mỹ chống Nga. Giới tinh hoa Brussels đã bắt đầu nhận thấy việc theo Mỹ chống Nga chả đem lại lợi ích gì, còn chuốc lấy thiệt hại nặng nề mọi mặt. Chỉ còn Anh, Ba Lan, 3 nước Baltic còn “nhất cử nhất động” làm theo Mỹ và muốn kéo dài cuộc chiến khiến Nga thất bại. Đây là phái chủ chiến. Ngược lại, Pháp, Đức, Italy và nhiều quốc gia châu ÂU muốn thúc đẩy đối thoại Nga - Ukraine để kết thúc xung đột càng sớm càng tốt. Có thể xem đây là phái “chủ hòa”.

Ở Mỹ cũng đã có nhiều ý kiến cần kết thúc xung đột càng sớm càng tốt.

Một bài xã luận trên tờ New York Times cuối tháng 5/2022 cho rằng: Thất bại của Nga là phi thực tế và nguy hiểm. Đây là một đòn giáng mạnh vào phe “chủ chiến” ở Mỹ(15).

Cảnh đổ nát ở các thành phố ở Ukraine sau các cuộc không kích của Nga. Ảnh: Tư liệu

Cảnh đổ nát ở các thành phố ở Ukraine sau các cuộc không kích của Nga. Ảnh: Tư liệu

Tại một cuộc tọa đàm ở Davos trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thế giới, cựu Ngoại trưởng Mỹ H. Kissinger (99 tuổi) đã đề xuất Ukraine và Nga cần đàm phán để sớm kết thúc xung đột đổ máu. Thậm chí Kissinger kêu gọi Ukraine nên có “những nhân nhượng lãnh thổ” đối với Nga, bằng cách chấp nhận nguyên trạng, tức là việc Moskva sáp nhập Crimea và các vùng lãnh thổ miền Đông để có thể tính đến chuyện chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình(16).

Ngày 4/6/2022, Tổng thống Pháp E. Macron đã nói: “Chúng ta không được làm nhục Nga để khi ngày giao tranh dừng lại, chúng ta có thể xây dựng một lối thoát thông qua các biện pháp ngoại giao. Tôi tin rằng Pháp có vai trò là nhà trung gian”(17).

- Với chính quyền Kiev.

Hàng chục lần, Tổng thống Ukraine và các quan chức hàng đầu của chính quyền Kiev đã thề: Sẽ đánh bại Nga, thu hồi Crimea và Donbass. Đó là tuyên bố của những kẻ “điếc không sợ súng”. Tất nhiên, họ phải nói vậy thì Washington và Brussels mới bơm vũ khí và đô la cho Kiev. Có lẽ, những người tuyên bố lấy lại Crimea cũng không tin là có thể làm được nhưng vẫn phải nói để tỏ ra là “anh hùng cứu nước”!

Ở phương Tây, đã vang lên nhiều lời khuyên chân thành đối với Tổng thống Zelenski.

“Tổng thống Zelenski nhanh chóng nhận ra rằng ông ta đã bị những người bạn phương Tây lừa gạt và bị sử dụng như những con tốt trong cuộc chiến địa chính trị đầy quyết tâm chống Nga. Các phương tiện truyền thông phương Tây ca ngợi, kích động Zelenski như một anh hùng trước lực lượng Nga”(18).

“Zelenski sẽ khôn ngoan hơn nếu phớt lờ sự kích động của phương Tây nhằm leo thang chiến tranh, kêu gọi đình chiến và tha thiết tìm hiểu một cuộc đàm phán để chấm dứt chiến sự làm cho người dân đỡ khổ, đất nước đỡ tan hoang”(19).

“Tổng thống Zelenski nên tránh lấy công dân của mình làm “lá chắn sống” nhân danh lòng yêu nước”(20).

- Với Nga.

Dư luận ở phương Tây cho rằng Nga sẽ cạn kiệt nguồn lực (vũ khí, kinh tế, binh sĩ) và chắc chắn thất bại. Họ đánh giá không đúng 3 vấn đề đối với Nga: 1) Nga có nguồn lực rất lớn và có thể huy động cho cuộc chiến; 2) Tính cách Nga, sức mạnh nội tâm hết sức mãnh liệt của người Nga, khi nhận rõ kẻ thù đang đe dọa, xâm phạm đến lợi ích sống còn của nước Nga họ sẽ phản ứng mãnh liệt (ngoài dự đoán của kẻ thù); 3) Nga có sức mạnh quân sự vượt trội, họ chưa (cho đến nay) sử dụng “át chủ bài” vào cuộc chiến Ukraine.

Tổn thất to lớn mọi mặt của Nga thì đã rõ.

Nga sẽ không thất bại.

Người khôn là người biết dừng lại đúng lúc.

Quả bóng đang ở bên sân Mỹ(21).

Sẽ là khôn ngoan và còn một chút nhân đạo nếu Washington và Kiev làm theo ý kiến của chiến lược gia hàng đầu thế giới H. Kissinger.

Hà Nội, 24/8/2022

-------------

1. 90% vì ở Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ có nhiều chính khách, học giả tỉnh táo, sáng suốt và trung thực trong việc nhận định về cuộc chiến này, họ cho rằng nguyên nhân sâu xa là do chiến lược làm suy yếu Nga của Mỹ.

2. Giai đoạn 1991 - 1995, về cơ bản, Ukraine thực hiện chiến sách cân bằng Đông - Tây. Nếu tiếp tục thực hiện chính sách này từ 1994 đến nay thì Ukraine đã trở thành một cường quốc kinh tế hùng mạnh ở châu Âu.

3. Trang mạng thelill.com ngày 22/3/2022.

4. Tiên Chung: “Dự báo chiến lược thế kỷ XXI”, Học viện Quan hệ quốc tế in, Hà Nội, 2002, tr.391.

5. Tài liệu tham khảo đặc biệt (TTXVN), số tháng 4/2022 dẫn trang mạng “ccg.org.com) cuối tháng 3/2022.

6. Theo yêu cầu của Quốc hội Mỹ và Bộ Ngoại giao Mỹ, ngày 22/6/1946, G.F. Kennan (Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại Moskva) đã gửi một bức điện 6.000 chữ trong đó đề cập các giải pháp chiến lược để ngăn chặn sự “bành trướng của Liên Xô”.

7.Bài viết của G.F. Kennan đăng trên New York Times năm 1997.

8. Tạp chí Foreign Policy, Mỹ, số tháng 7/2014.

9-10. Theo “Tuần san châu Á”, số 19/2022.

11. Sài Vũ Cầu: “Mưu lược gia tinh tuyển - T5 Quân sự mưu lược gia”, NXB CAND, HN, 1999, tr.89.

12. Báo Die Wilt của Đức, ngày 1/4/2022.

13. Khrushchev là người Ukraine.

14. TTXVN: TTKTG 26/2/2022 dẫn phát biểu (Thông điệp) của Tổng thống Putin (ngày 24/2/2022) khi triển khai “Chiến dịch quân sự đặc biệt”.

15-16. “The Economist” (Anh) ngày 26/5/2022.

17. TTXVN: TTKTG ngày 6/6/2022 dẫn BBC/Sputnik/RFI, 4/6/2022.

18-19-20. Trang mạng news.cgtn.com, 28/2/2022.

21. Mỹ đã 2 lần cam kết không mở rộng NATO về phía Đông, họ đã phản bội: Ngày 9/2/1990, Ngoại trưởng Mỹ J. Baker đã cam kết với Tổng thống Gorbachev là: NATO sẽ không mở rộng dù chỉ là 1 inch! Ngày 6/3/1991, tại Boon (Thủ đô Tây Đức) diễn ra cuộc họp 6 quốc gia: Mỹ, Liên Xô, Anh, Pháp, Tây Đức và Đông Đức; Mỹ đã cam kết “Chúng tôi sẽ không mở rộng NATO ra ngoài sông Elber”.

Tin mới