Thiếu tướng Lê Văn Cương: Hàn Quốc đang chuẩn bị cho một cuộc chiến có thể xảy ra

(Baonghean.vn)- Tướng Cương cho rằng, song song với đối thoại, Hàn Quốc đang chuẩn bị cho một cuộc chiến có thể xảy ra nhưng xác suất là rất thấp.

Từ đầu năm 2017, cộng đồng quốc tế đổ dồn quan tâm vào diễn biến căng thẳng tại khu vực Đông Bắc Á. Và người ta lo ngại rằng, tình hình tại đây đã vượt qua khỏi tầm kiểm soát và có nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh quân sự lớn. Cục diện của Đông Bắc Á sẽ như thế nào?. Liên quan tới vấn đề này, Báo Nghệ An có cuộc phỏng vấn với PGS-TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương, Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược và khoa học Bộ Công an.

PGS-TS Thiếu tướng Lê Văn Cương tại trường quay Báo Nghệ An ngày 30/3/2017.
PGS-TS Thiếu tướng Lê Văn Cương tại trường quay Báo Nghệ An ngày 30/3/2017.


PV: Dư luận quốc tế cho rằng, chưa bao giờ, tình hình trên bán đảo Triều Tiên nói riêng, và Đông Bắc Á nói chung trở nên căng thẳng như hiện nay. Thiếu tướng có thể giải thích rõ hơn vấn đề này ?

PGS-TS Thiếu tướng Lê Văn Cương: Kể từ năm 2006 đến nay, Triều Tiên đã tiến hành 5 vụ thử vũ khí hạt nhân cùng một loạt vụ thử tên lửa, bất chấp lệnh cấm và trừng phạt của Liên Hợp quốc. Trong những năm vừa qua, điểm nóng Đông Bắc Á xoay quanh diễn biến chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo tại Triều Tiên. Cho tới thời điểm hiện tại, đã có nhiều cuộc họp diễn ra với 6 quốc gia tham gia: Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên, Mỹ, Nga và Nhật Bản nhưng đều không thu lại kết quả gì.

Nhưng kể từ đầu năm 2017, tình hình tại Đông Bắc Á đã bước sang một giai đoạn khác. Vấn đề xoay quanh chương trình phát triển tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) giữa Mỹ và Hàn Quốc. Điều này đã dẫn đến nảy sinh mâu thuẫn mới giữa Trung Quốc với Mỹ - Hàn Quốc.

PV: Liệu việc Mỹ và Hàn Quốc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc làm bùng phát phản ứng dữ dội từ Trung Quốc và đẩy tình hình Đông Bắc Á ngày càng căng thẳng, thưa thiếu tướng?

PGS-TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương: Đầu tháng 3 vừa qua, các lực lượng của Mỹ đã đưa các bộ phận của THAAD đến Hàn Quốc để thực hiện việc lắp ráp. Theo Mỹ,Triều Tiên đang tạo ra mối đe doạ hạt nhân rất nghiêm trọng trên. Do đó hệ thống này không nhằm vào nước thứ 3 nào, mà được triển khai để đối phó và bảo vệ Hàn Quốc trước mối đe doạ từ Triều Tiên.

Tuy nhiên, Trung Quốc liên tục lên tiếng phản đối động thái này của Mỹ và Hàn Quốc. Vì sao vậy? Khác với các tên lửa phòng thủ thông thường, THAAD được trang bị công nghệ radar dò tìm hồng ngoại, tự động dò tìm mục tiêu, va chạm trực diện và phá huỷ hoàn toàn. Hệ thống radar kèm theo của THAAD rất tiên tiến, trong trường hợp đặc biệt, có khả năng phát hiện mục tiêu cách xa 3000- 4000km. Chính điều này đã khiến Trung Quốc lo ngại, bởi một khi hệ thống THAAD đi vào hoạt động, toàn bộ vùng Đông Bắc của Trung Quốc đều nằm trọn trong phạm vi giám sát của radar.Khả năng do thám của THAAD sẽ gây thiệt hại cho lợi ích anh ninh chiến lược của Trung Quốc.

Cho nên, việc Trung Quốc kịch liệt phản đối THAAD là điều dễ hiểu. Kéo theo đó đã đẩy tình hình ở Đông Bắc Á ngày càng trở nên căng thẳng.

Mỹ đang đẩy nhanh quá trình triển khai THAAD tại Hàn Quốc.
Mỹ đang đẩy nhanh quá trình triển khai THAAD tại Hàn Quốc.

PV: Trước sức ép của Trung Quốc, liệu rằng Hàn Quốc có lùi bước bằng việc trì hoãn triển khai THAAD không, thưa Thiếu tướng?

PGS-TS Thiếu tướng Lê Văn Cương: Ngay sau khi Hàn Quốc triển khai THAAD, Trung Quốc đã đưa ra những biện pháp “trả đũa" Hàn Quốc từ ngoại giao đến kinh tế. Ví dụ, Trung Quốc khuyến cáo các công ty du lịch không đưa khách sang Hàn Quốc. Hay như tập đoàn Lotte Hàn Quốc đã dành khu đất của họ cho Mỹ - Hàn triển khai THAAD. Do đó, họ trở thành mục tiêu tấn công của Trung Quốc. Bắt đầu từ tháng 11/2016, Lotte bắt đầu chịu ảnh hưởng từ các biện pháp “trừng phạt” của Hàn Quốc. Hiện tại, 50 cơ sở của Lotte tại Trung Quốc đã phải đóng cửa.

Nhưng Hàn Quốc là một nước công nghiệp hiện đại, việc phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc là không đáng kể. Kể từ cuối năm 2016, Hàn Quốc đã chuyển sang tiếp cận sâu các thị trường khác như Mỹ, Nhật Bản, ASEAN.

Do đó, mặc dù chịu sức ép từ Trung Quốc về kinh tế, nhưng chắc chắn Hàn Quốc vẫn giữ vững lập trường kiên định trong việc triển khai chương trình THAAD với Mỹ.

PV: Ngày 9/5 tới đây, Hàn Quốc tiến hành cuộc bầu cử Tổng thống mới. Dư luận cho rằng, số phận của hệ thống THAAD phụ thuộc rất nhiều vào cuộc bầu cử này. Thiếu tướng có thể làm rõ vấn đề này được không ạ?

PGS-TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương: Hiện tại, ông Moon Jae-in, là người dẫn đầu cho vị trí Tổng thống trong các cuộc khảo sát gần đây. Vị đại diện của Đảng đối lập này có quan điểm chính trị hoàn toàn khác với chính quyền hiện tại. Nếu như các nhà lãnh đạo đương nhiệm của Hàn Quốc cương quyết triển khai chương trình THAAD với Hoa Kỳ nhằm đối phó với tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, thì ông Moon Jae-in lại đưa ra những đối sách trao đổi, thương lượng hoà bình dựa trên luật pháp quốc tế với Triều Tiên.

Như vậy, ngày 9/5 tới đây, nếu cử tri Hàn Quốc lựa chọn ông Moon làm Tổng thống thì chắc chắn bàn cờ Đông Bắc Á sẽ rung chuyển theo một chiều hướng khác. Quan hệ Hàn Quốc – Hoa Kỳ sẽ thay đổi theo chiều hướng mà Hoa Kỳ không mong muốn. Và khả năng cao việc triển khai THAAD có thể bị trì hoãn, để đối lấy việc bình thường hoá với Trung Quốc. Cán cân quyền lực tại Đông Bắc Á sẽ thay đổi theo chiều hướng bất lợi cho Hoa Kỳ, có lợi cho Trung Quốc.

Ngày 3-3 vừa qua, Bình Nhưỡng đã đe dọa sẽ phóng tên lửa đạn đạo để đáp trả cuộc tập trận chung mang tên “Đại bàng non” giữa quân đội Mỹ và Hàn Quốc.
Ngày 3-3 vừa qua, Bình Nhưỡng đã đe dọa sẽ phóng tên lửa đạn đạo để đáp trả cuộc tập trận chung mang tên “Đại bàng non” giữa quân đội Mỹ và Hàn Quốc.

PV: Thưa Thiếu tướng, trước sự trỗi dậy của chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã có chiến lược gì mới để đối phó hay chưa?

PGS-TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương: Trong quá trình tranh cử và ngay sau khi trở thành vị Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, Donald Trump nhiều lần tuyên bố sẽ gây sức ép lên Trung Quốc để Trung Quốc gây sức ép với Triều Tiên. Ông cho rằng, đây chính là cách để tạo ra con đường “phi hạt nhân” trên bán đảo Triều Tiên. Nhưng khó khăn ở chỗ, hiện nay chính quyền Donald Trump vẫn đang hết sức lúng túng, chưa đưa ra được “quân bài” nào đối với Trung Quốc. Chính vì vậy, trong tay Trump không có nhiều công cụ để giải quyết vấn đề hạt nhân và tên lửa đạn đạo ở Triều Tiên.

PV: Tình hình bán đảo Triều Tiên sẽ đi về đâu và liệu có xảy ra chiến tranh không, thưa Thiếu tướng?

PGS-TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương: Lãnh đạo Mỹ và Hàn Quốc vẫn sẽ kiên trì đối thoại với Triều Tiên. Nhưng khác với trước đây, song song với đối thoại, họ đang chuẩn bị cho một cuộc chiến có thể xảy ra. Theo đó, Hàn Quốc sẽ tổ chức “đánh nhanh thắng nhanh”, đưa tất cả tên lửa hiện đại nhất đánh thẳng vào cơ quan đầu não của Triều Tiên. Nhưng xác suất xảy ra chiến tranh là rất thấp. Bởi nếu cuộc chiến tranh xảy ra thì sẽ là một thảm hoạ lớn. Bởi khi Triều Tiên bị dồn đến chân tường, họ sắn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân hạng nặng.

Nhưng chính Triều Tiên cũng phải tự xem xét lại, vì những hoạt động thử bom nguyên tử hay phóng tên lửa đạn đạo của nước này đang đặt thế giới trong một thách thức rất lớn.

Sự căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sẽ còn kéo dài. Bởi đằng sau chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên là sự mâu thuẫn lợi ích của các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản. Vì vậy, việc giải quyết điểm nóng tại Đông Bắc Á là vấn đề cực kỳ khó khăn và không thể xong trong một sớm một chiều.

Mỹ Nga

(Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới