Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU: Đường vẫn còn xa

(Baonghean) - “Thổ Nhĩ Kỳ đang có những bước tiến tích cực trong quan hệ với EU” là nhận định chung của dư luận quốc tế sau cuộc đàm phán diễn ra hôm 14/12 vừa qua tại Brussels (Bỉ). Cùng với những “thỏa thuận” có được giữa hai bên trong những ngày vừa qua liên quan đến vấn đề di cư, liệu đây có mở ra cơ hội thực chất cho Thổ Nhĩ Kỳ “xích lại” gần hơn với EU hay không?

Thổ Nhĩ Kỳ muốn gia nhập EU “càng nhanh càng tốt”

Có thể nói, một chương đàm phán mới trong tiến trình để Thổ Nhĩ Kỳ trở thành thành viên EU chính thức được mở lại là một động thái tích cực. Theo ủy viên châu Âu Johannes Hahn, đây là thời điểm thích hợp để nối lại đàm phán và những đánh giá của 2 bên sau “dấu mốc” này đã cho thấy phần nào sự “thoả mãn” của mình. 
1
Các nhà lãnh đạo EU - Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Internet
Phát biểu tại cuộc họp báo sau đó, Ngoại trưởng Luxembourg Jean Asselborn, nước đang là Chủ tịch luân phiên EU nhấn mạnh đây là “động lực mới nối lại quá trình gia nhập EU” của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời khẳng định EU cần duy trì quan hệ đối tác chiến lược với Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến nhiều vấn đề quốc tế như di cư, chống khủng bố, an ninh năng lượng, kinh tế, thương mại, khí hậu. 
Đáp lại, Bộ trưởng các vấn đề châu Âu và trưởng đoàn đàm phán của Ankara, Volkan Bozkır cũng khẳng định, việc đàm phán chương 17 giúp nối lại tiến trình gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ và hy vọng đây là mối quan tâm chung của cả 2 bên. Ông cũng mong muốn tiến trình gia nhập EU của Ankara diễn ra một cách “tích cực và đáng tin cậy”.
Không khó hiểu khi cả 2 bên, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ, lại muốn “càng nhanh càng tốt” bước chân vào cánh cửa EU. Thổ Nhĩ Kỳ đã chờ đợi rất lâu để được gia nhập tổ chức này. Không chỉ vì lợi ích về kinh tế, những biến động chính trị trong những ngày vừa qua cũng là lý do không kém phần quan trọng thúc đẩy mong muốn này. Bên cạnh mối quan hệ không tốt với các nước láng giềng là Iraq và Israel, “cuộc đối đầu nẩy lửa” với Nga mới đây đang khiến Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào thế “một mình một chiến tuyến”. 
2
Cờ Thổ Nhĩ Kỳ - EU. Ảnh: Internet
Trong bối cảnh đó, gia nhập EU như “chiếc phao cứu sinh” - chưa chắc đã là tốt nhất nhưng là phương án khả thi nhất ở thời điểm hiện tại. Theo điều tra dư luận nước này, sự ủng hộ EU tăng từ mức thấp 34% năm 2009 lên tới 53% vào năm 2014. Rất có khả năng xu hướng này sẽ còn tiếp tục khi mà đàm phán giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU đang tiến triển tích cực.
Không dễ dàng tận dụng “cơ hội vàng”
Thế nhưng, tính toán là một chuyện, còn việc có đẩy nhanh tiến độ gia nhập EU được hay không lại là một chuyện khác. Nếu vấn đề di cư đang đem lại cho Thổ Nhĩ Kỳ “cơ hội vàng” mở ra cánh cửa EU thì bên cạnh đó cũng có không ít ý kiến trái ngược. Người ta cho rằng, “cuộc mặc cả” về vấn đề người di cư vừa diễn ra giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU sẽ không dễ dàng triển khai.
Thứ nhất, theo các nhà phân tích, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không dễ dàng kiểm soát số người di cư vào năm tới vì con số này sẽ tăng lên rất nhiều và rất nhanh. Thứ hai, việc huy động khoản hỗ trợ 3 tỷ euro của EU cho Thổ Nhĩ Kỳ cũng không đơn giản. Việc tăng gói hỗ trợ dự kiến từ 1 tỷ euro vào giữa tháng 10 vừa qua lên gấp ba lần đang làm khó nhiều nước thành viên EU.
Ngoài một số nước có nền kinh tế ổn định như Anh, Đức, Thụy Điển, Đan Mạch, Hà Lan... nhiều quốc gia thành viên đang chật vật xoay xở cho khoản tiền này. Thêm vào đó, mối quan hệ giữa Ankara và Nga hiện nay cũng giảm sức ép lên EU: nếu như trước đây, EU luôn sợ “mất” Thổ Nhĩ Kỳ vào tay Nga, thì nay cục diện đã khác, chính Ankara đang phải tích cực “ngả” về phía EU bởi quan hệ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” với Moscow.
Bên cạnh những thách thức như đã nêu trên thì nền tảng đàm phán gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ vốn dĩ không êm ả và bị đình trệ đến tận bây giờ sau khi khởi động vào năm 2005. Đầu tiên có thể kể tới sự phản đối quyết liệt của một nước thành viên EU là Cyprus. Trở ngại thứ 2 là vấn đề nhân quyền khiến Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên bị quốc tế chỉ trích. 
Rõ ràng, mong muốn tận dụng cơ hội vàng của Thổ Nhĩ Kỳ không dễ dàng như người ta vẫn tưởng. Giới phân tích cho rằng, đàm phán về chương 17 mới chỉ dừng lại ở vấn đề chính trị, kinh tế, tiền tệ chứ chưa đàm phán về tư pháp và các quyền tự do công dân (chương 23, 24) như Thổ Nhĩ Kỳ kỳ vọng. Mối quan hệ với các phe phái quốc tế đang hồi căng thẳng, con đường đến với EU của Thổ Nhĩ Kỳ vì thế mà còn nhiều trở ngại…
Thanh Hiền
TIN LIÊN QUAN

Tin mới