Thỏa thuận không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, người lao động chịu trách nhiệm gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) -  Tôi ký hợp đồng lao động với công ty khai thác đá. Tôi không muốn trích nộp tiền bảo hiểm xã hội hàng tháng, mà muốn nhận tiền bảo hiểm xã hội trả vào lương. Vậy, nếu tôi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì tôi có phải chịu trách nhiệm gì không?

(Lê Văn Hậu, xã Châu Thái, Quỳ Hợp)

Trả lời:

1. Căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và Nghị định 143/2018, đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm người lao động; gồm người lao động là công dân Việt Nam và người lao động là người nước ngoài và người sử dụng lao động.

Cụ thể: Đối tượng người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

- Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

- Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng;

- Cán bộ, công chức, viên chức;

- Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;

- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;

- Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;

- Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

- Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;

- Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.

Người lao động vi phạm quy định bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp cũng bị xử phạt. Ảnh minh hoạ: Diệp Thanh

Người lao động vi phạm quy định bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp cũng bị xử phạt. Ảnh minh hoạ: Diệp Thanh

2. Căn cứ Nghị định 12/2022/NĐ-CP, người lao động vi phạm các quy định về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp sẽ bị xử phạt như sau:

Các lỗi về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

Căn cứ khoản 1, Điều 39, Nghị định 12/2022/NĐ-CP, phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với người lao động có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, tham gia không đúng đối tượng hoặc tham gia không đúng mức quy định.

BAN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT - QUAN HỆ LAO ĐỘNG

LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH NGHỆ AN

(ĐT: 09 1974 2006; 0375 037 037)

Tin mới