Để nâng cao chất lượng đại biểu

Chất lượng hoạt động của Quốc hội và HĐND các cấp phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó yếu tố quan trọng mang tính quyết định đó là chất lượng của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND được bầu ra trong mỗi kỳ bầu cử.

Chất lượng đại biểu được thể hiện trên 2 phương diện: một là, cơ cấu thành phần đại biểu; hai là, chất lượng của từng đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân. Cơ cấu thành phần đại biểu phản ánh mối quan hệ tỷ lệ về số lượng đại biểu giữa các thành phần, tầng lớp, giới trong xã hội.

Cơ cấu đại biểu hợp lý phản ánh mối quan hệ hài hoà về tỷ lệ số lượng tương xứng với từng thành phần, tầng lớp, giới trong xã hội. Chất lượng của từng đại biểu phản ánh phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ các mặt, kỹ năng, kinh nghiệm, tác phong, thái độ, tinh thần trách nhiệm... của từng đại biểu.

Mục tiêu cao nhất của mọi cuộc bầu cử là làm thế nào
để lựa chọn, bầu ra được những người đại biểu với cơ cấu hợp lý, đảm bảo tính đại diện cho tinh thần đại đoàn kết toàn dân, có đủ phẩm chất, trình độ năng lực và khả năng thực hiện tốt nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân trong nhiệm kỳ công tác.


Trong các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp gần đây cho thấy, nhìn chung chất lượng đại biểu ngày một nâng cao, song còn thấp so với yêu cầu cả về cơ cấu thành phần và chất lượng từng đại biểu. Xuất phát từ yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong nhiệm kỳ 2011 -2016, nhằm nâng cao chất lượng của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, Đảng và Nhà nước ta định hướng: trên cơ sở bảo đảm các tiêu chuẩn chung, coi trọng tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, có quan điểm quần chúng, có đủ năng lực và điều kiện thực hiện nhiệm vụ của người đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Đồng thời đảm bảo cơ cấu hợp lý về số đại biểu là đại diện cho các cơ quan Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Đối với đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ này phấn đấu đại biểu trẻ dưới 35 tuổi đạt tỷ lệ chung khoảng 15 % trở lên, đại biểu nữ đạt tỷ lệ chung khoảng 30% trở lên, đại biểu là người ngoài đảng không dưới 10%.


Để đạt được mục tiêu trên, các cấp uỷ đảng phải tập trung chỉ đạo; Uỷ ban nhân dân các cấp phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban MTTQ cùng cấp và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của cuộc bầu cử. Chuẩn bị tốt công tác nhân sự, trên cơ sở kết quả nhân sự của Đại hội Đảng các cấp và quy hoạch cán bộ, để lựa chọn và giới thiệu người ra ứng cử. Tạo điều kiện để những người có đủ đức, tài, không phân biệt tự ứng cử hay do cơ quan, tổ chức giới thiệu, thực hiện tốt quyền công dân theo quy định của pháp luật. Tạo mọi điều kiện để người ứng cử tiếp xúc với cử tri, trình bày chương trình hành động của mình nếu được trúng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.

Lê Đình Lý

Tin mới