Cần có giải pháp đột phá thực hiện các chỉ tiêu KT-XH

(Baonghean.vn) - Chiều 8/7,  tổ thảo luận số 8 với thành phần là 10 đại biểu HĐND được bầu ở các huyện Nghi Lộc, Quỳnh Lưu đã bước vào phần thảo luận cho ý kiến về báo cáo kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của UBND tỉnh và góp ý vào dự thảo các nghị quyết của HĐND tỉnh. 

Ông Nguyễn Bằng Toàn - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, đại biểu huyện Nghi Lộc chủ trì. Cùng tham dự có bí thư huyện ủy, Thường trực HĐND, chủ tịch UBND các huyện Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, đại diện lãnh đạo các đơn vị: Cục Thuế tỉnh, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Ban Tôn giáo tỉnh, Ngân hàng đầu tư và Phát triển Việt Nam - chi nhánh Nghệ An.

Các đại biểu tham gia thảo luận tại tổ 8
Các đại biểu tham gia thảo luận tại tổ 8

Tham gia ý kiến vào báo cáo kinh tế - xã hội 6 tháng đấu năm của UBND tỉnh, các đại biểu đều thống nhất rằng: 6 tháng cuối năm một số mức chỉ tiêu còn quá cao (về chỉ tiêu về giá trị công nghiệp cao hơn 6 tháng đầu năm 1,6 lần, về giá trị dịch vụ cao hơn 1,5 lần…). Tuy nhiên, các giải pháp để thực hiện chung chung, chưa có đột phá lớn để có thể thực hiện được các chỉ tiêu đã đề ra. 

Đại biểu Nguyễn Bằng Toàn (huyện Nghi Lộc) chủ trì thảo luận tại tổ 8
Đại biểu Nguyễn Bằng Toàn (huyện Nghi Lộc) chủ trì thảo luận tại tổ 8

Đại biểu Phạm Văn Tấn (huyện Quỳnh Lưu) cho rằng trong báo cáo cần bổ sung đánh giá khó khăn chung của doanh nghiệp và từng loại doanh nghiệp; xác định khả năng tác động, điều kiện của tỉnh bằng các cơ chế chính sách cho DN của tỉnh. Ông Tấn cũng đề nghị UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo việc triển khai thực hiện Luật HTX (sửa đổi) năm 2012 do hiện nay ở Nghệ An, tốc độ chuyển đổi mô hình HTX theo yêu cầu Luật HTX rất chậm.

Đại biểu Nguyễn Đình Minh (huyện Quỳnh Lưu) lại bày tỏ băn khoăn về việc hoàn trả đầu tư ban đầu về trạm hạ áp lưới điện nông thôn còn quá chậm. Trong khi đó, ở huyện Quỳnh Lưu nói riêng và nhiều địa phương khác nói chung, lưới điện nông thôn hiện đang nằm trong tình trạng xuống cấp, nhiều nơi xuống cấp rất trầm trọng, không an toàn trong vận hành và cần được cải tạo mới đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế nông thôn. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, các hợp tác xã ghi chép không đầy đủ các khoản đầu tư nên việc đánh giá tài sản để bàn giao việc bán điện về cho ngành điện đang rất khó. Do đó, UBND tỉnh cần có ý kiến lên các bộ, ngành liên quan để có biện pháp tháo gỡ khó khăn này. 

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Phấn Phượng (huyện Nghi Lộc) cho rằng công tác quản lý thị trường còn lỏng lẻo. Toàn tỉnh chỉ có một đội quản lý thị trường, nhân lực còn mỏng, chế tài xử phạt còn nhiều bất cập, trong khi công tác quản lý thị trường chưa đề cao vai trò,trách nhiệm của chính quyền cấp huyện, cấp xã. Vì vậy, cần có chính sách cụ thể, huy động sự tham gia của chính quyền các cấp này để nâng cao hiệu quả việc chống hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng - vấn đề gây nhiều bức xúc trong xã hội hiện nay.

Đai biểu Nguyễn Phấn Phương cho rằng cần có cơ chế huy động sự tham gia của chính quyền cấp huyện, xã vào công tác quản lý thị trường
Đai biểu Nguyễn Phấn Phương cho rằng cần có cơ chế huy động sự tham gia của chính quyền cấp huyện, xã vào công tác quản lý thị trường

Về dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh, các đại biểu tập trung đóng góp ý kiến vào các về trang bị phương tiện cho công an xã, về công tác dân số - KHHGĐ. Về Nghị quyết trang bị phương tiện cho công an xã, đại biểu Phạm Văn Tấn cho rằng nên bỏ quy định được phép trang bị xe máy, máy pho tô, máy fax, giường ngủ... Ý kiến này đã nhận được sự đồng tình của đa số các đại biểu trong tổ. Về Nghị quyết công tác Dân số -  KHHGĐ, đại biểu Hồ Phúc Hợp (Quỳnh Lưu) cho rằng cần rà soát, đánh giá lại hiệu quả của việc quy định thưởng đối với các xã có từ 3 năm trở lên không có trường hợp sinh con thứ 3 trở lên, bởi trên thực tế không áp dụng được. Thay vào đó, cần có cơ chế khen thưởng cho những khối, xóm, thôn, bản 4 năm trở lên không có trường hợp sinh con thứ 3.

Về mức phụ cấp cho cán bộ lâm nghiệp cấp xã, hầu hết các đại biểu đều tán thành với ý kiến của đại biểu Hoàng Viết Đường (Nghi Lộc) cho rằng chế độ phụ cấp  200 ngàn đồng/người/tháng được phê duyệt từ năm 2000 là quá thấp, không còn phụ hợp với yêu cầu nhiệm vụ thực tế. Mức phụ cấp mới mà dự thảo đưa ra (632.500đ/người/tháng đối với các xã biên giới và vùng đặc biệt khó khăn, 402.500đ/người/tháng đối với các địa phương còn lại) sẽ có tác dụng động viên lực lượng cán bộ lâm nghiệp cấp xã nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Đại biểu Hoàng Viết Đường
Đại biểu Hoàng Viết Đường khẳng định mức phụ cấp 200 ngàn đồng/người/tháng hiện nay đối với cán bộ lâm nghiệp xã  là quá thấp, không còn phù hợp với yếu cầu nhiệm vụ thực tế

Minh Quân

TIN LIÊN QUAN

Tin mới