Những ý kiến tâm huyết cho đời sống dân sinh

(Baonghean)- Trong ngày làm việc thứ nhất của kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa XVI, trong phiên thảo luận tổ, trên tinh thần dân chủ, trách nhiệm, các đại biểu HĐND tỉnh và khách mời kỳ họp đã phân tích, mổ xẻ nhiều vấn đề; đồng thời gợi mở, đưa ra nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm tạo sự chuyển động chung mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong thu hút đầu tư

Thảo luận về tình hình thực hiện kinh tế - xã hội năm 2015, nhiệm vụ, giải pháp năm 2016, tại tổ 2, các đại biểu tập trung đánh giá, khẳng định: Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới, khu vực và trong nước có nhiều biến động, việc tỉnh Nghệ An hoàn thành tốt 24/27 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã chứng tỏ hiệu quả lãnh đạo, thực hiện của đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà.

Toàn cảnh phiên khai mạc kỳ họp.
Toàn cảnh phiên khai mạc kỳ họp.

Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa thể thỏa mãn, bởi năm 2016 - năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVIII với các chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra rất cao, đòi hỏi phải có sự phấn đấu cao hơn nữa, đặc biệt là phải tạo ra được sự bứt phá. Đại biểu Hồ Đức Phớc - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: Để bứt phá, cần hài hòa giữa lĩnh vực kinh tế và văn hóa. Kinh tế làm cho chúng ta phát triển nhanh, còn văn hóa giúp sự phát triển đó được bền vững. Trong giai đoạn tới, cần tập trung giải quyết những nút thắt trong phát triển kinh tế. Trong lĩnh vực thu hút đầu tư cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó cần xóa bỏ sự nhiêu khê, cứng nhắc để tạo thiện cảm cho các nhà đầu tư.

Đồng tình về vấn đề đại biểu Hồ Đức Phớc nêu, đại biểu Tôn Thị Cẩm Hà - Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh nêu ý kiến: “Qua thực tế tiếp xúc cử tri, nhân dân rất băn khoăn về việc ổn định cuộc sống, sinh kế sau thu hồi đất để thực hiện các dự án. Làm thế nào để hài hòa giữa thu hút đầu tư và đời sống dân sinh là điều chúng ta cần quan tâm”.

Có giải pháp để đảm bảo nguồn thu

Một trong những vấn đề được đại biểu HĐND tỉnh đặt ra tại phiên thảo luận tổ, đó là thu - chi ngân sách. Tại tổ 5, đại biểu Nguyễn Chí Nhâm (huyện Nam Đàn), cho rằng: Kết quả thu ngân sách trên địa bàn tỉnh năm 2015 ghi thu ghi chi quá nhiều. Theo báo cáo của UBND tỉnh tại kỳ họp, thu ngân sách năm 2015 ước đạt 10.038 tỷ đồng, nhưng thực thu chỉ có 8.729 tỷ đồng, còn 1.300 tỷ đồng là ghi thu. Luật Ngân sách cho phép vấn đề này nhưng cần hạn chế, và cần có giải pháp tích cực, hiệu quả hơn trong công tác thu ngân sách trong năm 2016.

Cũng liên quan đến ngân sách, tại tổ 1, đại biểu Cụt Thị Nguyệt (huyện Kỳ Sơn) đề nghị cần kịp thời hơn trong việc cấp nguồn kinh phí để thực hiện chế độ bảo trợ xã hội theo Nghị định 136/2013/NĐ-CP; chế độ cho học sinh, sinh viên theo Nghị định 49/2010/NĐ-CP, bởi hiện nay, các nguồn này thường rất chậm, gây bất bình trong nhân dân...

Chú trọng chất lượng xây dựng nông thôn mới

Liên quan đến Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, nhiều đại biểu quan tâm đến kết quả chưa đạt kế hoạch đề ra và chất lượng, tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới chưa cao. Ở tổ 3, đại biểu Lê Văn Cầm (huyện Diễn Châu), nêu: “Kết quả xây dựng nông thôn mới ở một số nơi đang có sự châm chước, bởi thực tiễn đang xảy ra một số trường hợp, các xã đã được công nhận nhưng vẫn còn nợ tiêu chí, nợ chính sách (nợ tiền thưởng công trình, nợ tiền công bố)...”. Đồng tình với quan điểm của đại biểu Lê Văn Cầm, đại biểu Trương Văn Hiền (huyện Yên Thành) cho rằng: “Song song với các tiêu chí thì cần quan tâm đi vào thu nhập để đảm bảo xây dựng nông thôn mới bền vững hơn”...

Đồng chí Võ Viết Thanh phát biểu thảo luận tổ.
Đồng chí Võ Viết Thanh phát biểu thảo luận tổ.

Liên quan đến vấn đề đại biểu HĐND tỉnh quan tâm đối với xây dựng NTM, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Hải cho biết: “Đối với vấn đề “nợ” của các địa phương, tháng 9/2015 vừa qua Sở Tài chính đã có Hướng dẫn số 2356/HD-STC để tập trung giải quyết vấn đề này. Theo đó, các xã có công trình đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng và có quyết toán thì được xử lý 100% giá trị công tình; hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng mà chưa có quyết toán thì xử lý 80%; các công trình khởi công mới là 50%. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã xử lý được nợ cho 27 xã. Riêng tiền thưởng công bố trao Bằng công nhận 50 triệu đồng/xã thì khi công bố là sẽ được cấp tiền ngay”.

Trên cơ sở băn khoăn về tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới chưa tạo ra bước chuyển, các đại biểu tại các tổ cũng đã sôi nổi thảo luận gợi mở ra một số giải pháp thiết thực nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp; đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù riêng đối với các xã thuộc huyện miền núi nghèo trong xây dựng NTM.

Các vấn đề “nóng” của giáo dục

Đề cập đến lĩnh vực giáo dục, ở tổ 3, đại biểu Phan Văn Tuyên (huyện Yên Thành), nêu băn khoăn: Hiện tại chỉ tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia không đạt. Khó khăn nhất là cơ sở vật chất. Trong đó, ngân sách huyện và xã hầu như không có gì, đơn cử như huyện Yên Thành hàng năm, ngân sách thu chỉ bằng 5% so với tổng chi trên toàn địa bàn... Tại tổ 4, đại biểu Lữ Văn Bích (huyện Con Cuông) đề nghị tỉnh cần quan tâm và có giải pháp quyết liệt hơn nữa trong việc giải quyết tình trạng dôi dư giáo viên hiện nay. Chia sẻ với sự quan tâm của đại biểu, người đứng đầu ngành Giáo dục - Đào tạo Nghệ An, đại biểu Nguyễn Thị Kim Chi cho hay để giải quyết vấn đề giáo viên dôi dư, sở đã tham mưu cho UBND tỉnh hạn chế tuyển dụng mới, khuyến khích giáo viên THCS và tiểu học đi học thêm văn bằng, chứng chỉ để chuyển đổi sang cấp học mầm non, nhằm đảm bảo cân đối cả về số lượng và chất lượng chuyên môn.

Cũng liên quan đến giáo dục, một số đại biểu đề cập đến tình trạng sinh viên ra trường thiếu việc làm; vấn đề hướng nghiệp và đào tạo nghề tại các trường nghề đang còn khó khăn; chất lượng liên kết đào tạo đại học tại các trung tâm giáo dục cấp huyện còn nhiều bất cập...

Cần quyết liệt hơn đối với các dự án chậm triển khai

Một vấn đề được nhiều đại biểu HĐND tỉnh đề cập, đó là tình trạng chậm triển khai nhiều dự án trên địa bàn tỉnh. Tại tổ 7, đại biểu Mai Văn Minh - Phó Chủ tịch HĐND thị xã Cửa Lò, nêu: Hiện tại, trên địa bàn thị xã Cửa Lò có một số dự án chưa được triển khai thực hiện, như Dự án BM sit - Hồng Thái, gây ảnh hưởng đến chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đại biểu Phạm Quang Toản (Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã Thái Hòa) thì phản ánh: Việc thu hồi đất đai của nông trường sông Hiếu để thực hiện các dự án cho Tập đoàn TH chưa có thời hạn nên đã gây hoang mang cho bà con, gây khó khăn trong việc tiếp tục đầu tư thâm canh sản xuất. Còn đại biểu Đoàn Hồng Vũ - Bí thư Thị ủy Hoàng Mai cho biết, đối với việc thực hiện các dự án “treo” trên địa bàn và việc di dời các công trình điện trên địa bàn thị xã Hoàng Mai hiện chưa được đơn vị thi công hỗ trợ nên các công trình này còn cần một nguồn lực về vốn để giải quyết triệt để, đó cũng là một khó khăn trong việc đầu tư các công trình chiếu sáng, mương thoát nước gây ảnh hưởng đến việc đảm bảo ATGT trên địa bàn.

Các đại biểu thảo trao đổi bên lề phiên họp.
Các đại biểu trao đổi bên lề phiên họp.

Cũng liên quan về công trình, dự án, tại tổ 8, đại biểu Đinh Thị An Phong (huyện Nghi Lộc), nêu ý kiến: Dự án cầu Phương Tích tiến độ xây dựng chậm so với kế hoạch, một số hạng mục thi công dang dở làm cản trở dòng chảy, đồng thời gây ra tình trạng ngập úng, lầy lội về mùa đông và bụi bặm về mùa hè, ảnh hưởng đến môi trường và đời sống dân sinh.

Quan tâm đến các vấn đề đại biểu HĐND tỉnh nêu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thanh Điền cho biết: Năm 2015 tỉnh rà soát 70 dự án trên địa bàn tỉnh và đã thu hồi 11 dự án. Với một số dự án nào còn khó khăn thì tỉnh tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho họ. Một số dự án xác định không thể tiếp tục được thì thu hồi nhưng trong thực tế việc thu hồi dự án treo gặp nhiều khó khăn, từ việc rà soát thủ tục đến việc thực hiện quy trình thu hồi phải đảm bảo đủ 24 tháng, vì vậy, cần sự chia sẻ của địa phương và sự hỗ trợ của các ban, ngành để đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Quan tâm về tái định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số

Nội dung được đại biểu tổ 6 quan tâm, đó là vấn đề tái định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi. Đại biểu Lữ Kim Duyên (huyện Tương Dương) phản ánh việc xây dựng khu tái định cư cho người Đan Lai còn chồng chéo, thiếu trách nhiệm nên dân không đến ở. Hay như khu tái định cư xã Châu Thành (Quỳ Hợp) cũng không phát huy tác dụng, chậm triển khai nhiều hạng mục. Đại biểu kiến nghị tỉnh cần kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan, đồng thời làm rõ nguyên nhân để khắc phục.

Đại biểu Moong Văn Hợi - Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh chia sẻ những băn khoăn tại phiên thảo luận.
Đại biểu Moong Văn Hợi - Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh chia sẻ những băn khoăn về các dự án tái định cư dang dở.

Tiếp đó, đại biểu Moong Văn Hợi - Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh cho rằng: Một số dự án tái định cư dang dở, thiếu hiệu quả như dự án ở Thọ Sơn (Anh Sơn) đã phê duyệt 6-7 năm với vốn đầu tư 2,7 tỷ đồng, đã giải ngân nhưng đến giờ vẫn chưa biết địa điểm ở đâu, đường giao thông thì đã xuống cấp.

Hoặc khu tái định cư ở Thọ Hợp (Quỳ Hợp), đường ống đã được kéo về gần đến nơi, nhưng do 5-6 năm không triển khai nên đã thất thoát, hư hỏng gần hết. Đề nghị cần xem xét không nên đầu tư nhiều, mà cần dứt điểm để vừa tránh tốn kém kinh phí Nhà nước, vừa tốn công sức bảo vệ mà lại khiến người dân mất lòng tin.

Khu tái định cư Thung Chanh sau 6 năm khởi công, đến nay chưa thấy hình hài.
Khu tái định cư Thung Chanh sau 6 năm khởi công, đến nay chưa thấy hình hài.

Cũng thảo luận về vấn đề này, ông Hồ Ngọc Sỹ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: Việc thực hiện các dự án di dân ra khỏi vùng sạt lở, thời gian qua có một số dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả tốt. Tuy nhiên vẫn còn 10 dự án chưa hoàn thành do nguồn vốn, trách nhiệm này thuộc về chủ đầu tư các dự án.

Nhiều vấn đề dân sinh được kiến nghị

Thảo luận tại tổ 8, đại biểu Đinh Thị An Phong (huyện Nghi Lộc) quan tâm đến tình trạng ô nhiễm từ Nhà máy bia Hà Nội, Nhà máy sản xuất phân NPK đang chậm được khắc phục, ảnh hưởng đến môi trường và đời sống dân sinh. Đại biểu cũng đề nghị các cơ quan chức năng cần kiểm tra, xử lý dứt điểm công ty sản xuất nước giải khát làm ô nhiễm môi trường trên địa bàn các xã Nghi Long, Nghi Quang (Nghi Lộc). Đại biểu Phan Văn Tuyên (huyện Yên Thành) kiến nghị, cần có giải pháp giải quyết ô nhiễm môi trường trong khai thác khoáng sản, nhất là các mỏ đá, vật liệu xây dựng.

Ở tổ 5, các đại biểu cũng đề cập đến hàng loạt vấn đề môi trường, như công tác quy hoạch bãi rác còn nhiều bất cập, nhiều nơi không có bãi rác nên xảy ra tình trạng các bãi rác tự phát và nhiều điểm trở thành điểm tập kết rác như đường ven sông Lam; tránh nhiệm quản lý và giám sát, đôn đốc việc khắc phục, xử lý ô nhiễm môi trường của các cơ quan chức năng và doanh nghiệp chưa cao.

Ngoài ra, nhiều vấn đề liên quan đến nâng cao chất lượng y tế tuyến huyện và xã; xử lý việc sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc cỏ trong sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến an toàn vệ sinh thực phẩm; khó khăn trong nhà ở công nhân... cũng đã được đề cập đến trong phần thảo luận tổ...

Nhóm P.V

TIN LIÊN QUAN

Tin mới