Những hoạt động nổi bật trong tuần của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

(Baonghean.vn) - Ổn định mặt bằng lãi suất, giảm lãi suất cho vay; chưa xem xét phê duyệt Dự án tuyến giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng; hỗ trợ khẩn cấp người dân thiệt hại do hải sản chết bất thường; chế độ hưu trí đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 9-13/5/2016.

1- Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2016

Theo đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương kiên định thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô để có nền tảng tăng trưởng cao trong dài hạn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao mức sống, chất lượng sống cho người dân, quyết tâm phấn đấu đạt tăng trưởng GDP khoảng 6,7% và kiểm soát lạm phát dưới 5%.

 

Đồng thời, tích cực thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CPngày 07/1/2016, các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ từ đầu năm đến nay và Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020.

Các Bộ, ngành, địa phương tích cực khai thác thế mạnh, tiềm năng của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa bàn, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển; tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế và các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực trọng tâm.

Bên cạnh đó, khẩn trương thực hiện và giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ đã giao trong kế hoạch năm 2016. Các Bộ quản lý chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu sớm hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi 2 Chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

2- Chế độ hưu trí đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp

Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, CAND và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân vừa được Chính phủ ban hành.
Theo đó, người lao động thuộc diện hưởng lương tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội, bao gồm: Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ và sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật CAND; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân (người làm công tác cơ yếu).

 

Người lao động thuộc diện hưởng phụ cấp quân hàm hoặc sinh hoạt phí tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội, bao gồm: Hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ CAND; học viên CAND đang theo học được hưởng sinh hoạt phí; học viên cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí.

Mức lương hưu hằng tháng của quân nhân, CAND người làm công tác cơ yếu (người lao động) được tính bằng tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu hằng tháng nhân với mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội. Nghị định có hiệu lực thi hành từ 26-6-2016.

3- Quy định về quản lý độ cao chướng ngại vật hàng không

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định về quản lý độ cao chướng ngại vật hàng không và các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời tại Việt Nam.

 

Nghị định này quy định về giới hạn độ cao chướng ngại vật hàng không đối với sân bay quân sự, sân bay dân dụng, sân bay dùng chung, sân bay chuyên dùng, bãi cất hạ cánh trên mặt đất, mặt nước, công trình nhân tạo, các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời và các đài, trạm vô tuyến điện hàng không; cảnh báo chướng ngại vật hàng không; quy hoạch xây dựng sân bay quân sự, sân bay dân dụng, sân bay dùng chung, các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời và các đài, trạm vô tuyến điện hàng không; độ cao công trình; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc quản lý độ cao chướng ngại vật hàng không và các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời tại Việt Nam.

Theo đó, khu vực xây dựng sân bay quân sự, sân bay dân dụng, sân bay dùng chung, sân bay chuyên dùng, bãi cất hạ cánh trên mặt đất, mặt nước, công trình nhân tạo, các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời và các đài, trạm vô tuyến điện hàng không phải tuân theo quy định của pháp luật về đất đai, bảo vệ công trình quốc phòng, khu quân sự và quy định về độ cao chướng ngại vật hàng không quy định tại Nghị định này.

Về thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, Nghị định quy định Thủ tướng Chính phủ sẽ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống sân bay dùng chung, sân bay dân dụng, sân bay quân sự.

Còn Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt quy hoạch hệ thống sân bay chuyên dùng, bãi cất hạ cánh trên mặt đất, mặt nước, công trình nhân tạo và quy hoạch trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời. Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam ban hành quy hoạch các bề mặt tĩnh không cơ bản của sân bay quân sự, sân bay dân dụng, sân bay dùng chung, khu vực bay đặc biệt để làm cơ sở cho UBND cấp tỉnh, các cơ quan, đơn vị khi quy hoạch không gian đô thị, khu nhà ở cao tầng, khu hạ kỹ thuật công nghiệp bảo đảm thực hiện đúng về quản lý độ cao công trình theo quy định của pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt quy hoạch chi tiết cảng hàng không, sân bay toàn quốc, trừ sân bay chuyên dùng; phê duyệt quy hoạch hệ thống các đài, trạm vô tuyến điện hàng không.

4- Rà soát hệ thống văn bản quy định về phí, lệ phí

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Chỉ thị về việc triển khai thi hành Luật phí và lệ phí. Theo đó, Luật phí và lệ phí đã được Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIII đã thông qua và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017.

 

Theo đó,Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn để các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện ngay việc rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về phí, lệ phí đang còn hiệu lực thi hành thuộc lĩnh vực mà Bộ, ngành mình đang thu, quản lý và sử dụng. Việc này nhằm đối chiếu với Danh mục phí và lệ phí ban hành kèm theo Luật phí và lệ phí và các quy định khác của Luật này để thực hiện phân loại làm cơ sở đề xuất ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật về phí, lệ phí, bảo đảm thực hiện đúng Luật phí và lệ phí; gửi kết quả rà soát về Bộ Tài chính trước ngày 31/5/2016.

Trên cơ sở kết quả rà soát và trao đổi, thống nhất với Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chủ động chỉ đạo xây dựng Đề án thu phí, lệ phí và đề xuất các nội dung quy định về phí, lệ phí đối với lĩnh vực Bộ, ngành mình phụ trách gửi Bộ Tài chính trước ngày 30/6/2016.

5- Chưa xem xét phê duyệt dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng

Thủ tướng Chính phủ chưa xem xét việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án vì chưa đủ căn cứ, cơ sở theo quy định của pháp luật.

 

Xét đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 26/4/2016 về chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện theo hình thức xây dựng, sở hữu và vận hành, ngày 9/5, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến như sau:

Thủ tướng Chính phủ chưa xem xét việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án vì chưa đủ căn cứ, cơ sở theo quy định của pháp luật. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức xây dựng quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng, để đảm bảo phát triển bền vững.

Việc xây dựng quy hoạch nêu trên phải được thực hiện một cách kỹ lưỡng, khoa học và phải có sự tham gia của các địa phương liên quan, các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội khác là đại diện cho lợi ích của người dân trong lưu vực Đồng bằng sông Hồng.

Trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất cách thức triển khai thực hiện dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

6-Hỗ trợ khẩn cấp người dân thiệt hại do hải sản chết bất thường

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định 772/QĐ-TTg hỗ trợ khẩn cấp cho người dân tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế bị ảnh hưởng do hiện tượng hải sản chết bất thường.

 

Cụ thể, hỗ trợ hộ nông dân, ngư dân, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản (gọi chung là cơ sở nuôi trồng thủy sản) bị ảnh hưởng do hiện tượng hải sản chết bất thường theo quy định tại Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg ngày 31.12.2009 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh và Quyết định số 49/2012/QĐ-TTg ngày 08.11.2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg. 

Hỗ trợ 15kg gạo/người/tháng trong thời gian 1,5 tháng đối với các nhân khẩu thuộc hộ gia đình chủ tàu và hộ gia đình của lao động trên tàu khai thác hải sản ở vùng ven bờ, vùng lộng không lắp máy hoặc lắp máy có công suất dưới 90 CV và các hộ gia đình làm dịch vụ hậu cần nghề cá bị ảnh hưởng trực tiếp. 

Hỗ trợ một lần tối đa 5 triệu đồng/tàu không lắp máy hoặc lắp máy có công suất dưới 90 CV đánh bắt ven bờ và vùng lộng do phải tạm ngừng ra khơi khai thác hải sản. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định mức hỗ trợ cụ thể theo từng loại tàu, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. 

Các doanh nghiệp, chủ vựa, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá có hoạt động thu mua, dịch vụ hậu cần nghề cá được vay vốn tín dụng tại các tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định với lãi suất thấp nhất áp dụng cho lĩnh vực ưu tiên, kỳ hạn ngắn và được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất trong thời gian tạm trữ tối đa 6 tháng để thu mua, tạm trữ hải sản từ ngày 05.5-5.6.2016. 

Hải sản khai thác trong vùng biển từ 20 hải lý trở vào bờ thuộc các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế khi cơ quan có thẩm quyền xác nhận không bảo đảm an toàn buộc phải tiêu hủy thì được hỗ trợ không quá 70% giá trị. 

Hỗ trợ khắc phục hậu quả môi trường (chi phí tiêu hủy hải sản chết bất thường như: chi phí vận chuyển, thu gom, vật tư, hóa chất khử trùng, tiêu độc; hỗ trợ tiền công tiêu hủy, bảo hộ lao động, trang thiết bị,....).

7- Quy định hỗ trợ kinh phí cho hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định ban hành quy định hỗ trợ kinh phí cho hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và thanh toán chi phí quản lý, xử lý tài sản bị tịch thu theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Quyết định có hiệu lực thi hành từ 26/6/2016.

 

Theo quy định mới này, ngoài kinh phí quản lý hành chính được ngân sách nhà nước cấp hàng năm cho các cơ quan, đơn vị chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả (bao gồm quỹ tiền lương, chi hoạt động thường xuyên, chi nghiệp vụ đặc thù, chi mua sắm tài sản, trang thiết bị làm việc), các cơ quan, đơn vị chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả còn được ngân sách nhà nước bố trí thêm kinh phí hỗ trợ hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

Nguồn kinh phí hỗ trợ gồm kinh phí từ ngân sách nhà nước và kinh phí hỗ trợ tự nguyện từ các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp, các dự án, chương trình hỗ trợ chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đóng góp trực tiếp cho cơ quan, đơn vị chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

8- Triển khai chiến lược bảo vệ môi trường biển

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

 



Theo đó, các cơ quan chức năng sẽ triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch quản lý chất thải; kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường từ đất liền và các hoạt động trên biển; tăng cường công tác thanh, kiểm tra về bảo vệ môi trường đối với các hoạt động có nguy cơ và đang gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường biển, đặc biệt là các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, cơ sở nuôi trồng và chế biến thủy sản, các hoạt động thương mại, dịch vụ du lịch dọc theo bờ biển, trên các đảo.

Bên cạnh đó là lập danh mục và kế hoạch xử lý các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường biển; tổ chức triển khai quan trắc, giám sát tổng hợp tài nguyên và môi trường các khu vực biển Việt Nam theo quy định của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

9- Điều chỉnh Quy hoạch Vùng Thủ đô Hà Nội

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 768/QĐ-TTg, phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

 


Theo đó, phạm vi Vùng Thủ đô Hà Nội gồm Hà Nội và 9 tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang; trong đó Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang là 3 tỉnh được mở rộng (so với quyết định phê duyệt quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ). Tổng diện tích toàn vùng khoảng 24.314,7km2. Trên cơ sở vị trí, vai trò, điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội, các tỉnh trong vùng tạo thành các mối liên kết với những đặc trưng và lợi thế riêng; chia sẻ chức năng, hỗ trợ phát triển để khai thác tối đa các tiềm năng, động lực của địa phương trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của từng tỉnh và toàn vùng. 

Thủ đô Hà Nội, tỉnh Vĩnh Phúc và Bắc Ninh là các địa phương có tốc độ đô thị hóa cao; có vị trí trung tâm của toàn vùng trên cơ sở vị thế của Thủ đô Hà Nội. Các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên và Hà Nam phát triển dịch vụ công nghiệp - đô thị kết nối trung tâm Vùng Thủ đô Hà Nội với cửa ngõ kinh tế biển; phát triển các khu công nghiệp sạch, công nghiệp hỗ trợ, logistics, trung tâm thương mại, y tế, đào tạo, thể dục thể thao, chế biến nông phẩm cấp vùng. 

Hòa Bình đóng vai trò là vùng sinh thái, đảm trách chức năng chính về hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia, liên vùng. Phú Thọ phát triển du lịch văn hóa - di sản, du lịch sinh thái… Thái Nguyên phát triển về y tế, giáo dục - đào tạo chất lượng cao cho Vùng Thủ đô Hà Nội và toàn quốc... Bắc Giang là cửa ngõ xuất nhập khẩu, trung tâm tiếp vận - trung chuyển hàng hóa của Vùng Thủ đô Hà Nội với Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn)...

10- Tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công

   Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 14/2/2015 về tăng cường công tác quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công một cách nghiêm túc, đầy đủ và thực hiện theo đúng quy định các nhiệm vụ chưa hoàn thành.

 

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục đổi mới cơ chế cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ nhằm tăng cường trách nhiệm của người vay lại; nghiên cứu Đề án mở rộng cho chương trình, dự án đầu tư vay lại qua cơ quan cho vay lại chịu rủi ro tín dụng để báo cáo Chính phủ, làm cơ sở xây dựng Nghị định mới về cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ trong khuôn khổ hướng dẫn Luật Quản lý nợ công sửa đổi.

Đồng thời xây dựng cơ chế huy động vốn vay IBRD (Ngân hàng Tái thiết Phát triển Quốc tế)/OCR (vốn vay thông thường) để tạo bước đệm khi chuyển đổi phương thức huy động vốn vay ODA (vốn hỗ trợ phát triển chính thức), vay ưu đãi sang vay theo điều kiện thị trường sau khi Việt Nam tốt nghiệp IDA (vốn vay ưu đãi). Xây dựng phương án cân đối nguồn trả nợ tăng thêm khi Việt Nam chính thức bước sang giai đoạn tốt nghiệp IDA.

11-Quyết liệt phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL

Đó là nhận định của Bộ NN-PTNT tại hội nghị “Phòng chống hạn và xâm nhập mặn các tỉnh ĐBSCL” diễn ra vào sáng nay, 17-2, tại TP Cần Thơ. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự và chỉ đạo hội nghị.

 

Theo Bộ NN-PTNT, năm 2015, do ảnh hưởng của hiện tượng El-Nino nên mùa mưa đến trễ, kết thúc sớm, tổng lượng mưa thiếu hụt từ 20-50% so trung bình nhiều năm. Mùa khô năm 2015-2016, do thiếu nước ngọt, mặn đã xuất hiện sớm hơn so với cùng kỳ hàng năm khoảng 2 tháng và xâm nhập sâu vào nội đồng các tỉnh ĐBSCL.

Cụ thể, vào đầu tháng 2-2016, độ mặn ở khu vực các cửa sông thuộc sông Hậu cao hơn cùng kỳ từ 5,4- 11,7g/l; ở khu vực các cửa sông Tiền cao hơn cùng kỳ từ 1,7- 9g/l… Từ giữa tháng 2 trở đi, các vùng cách biển từ 25-45km đã bị nước mặn xâm nhập, gây ra tình trạng thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp và nguồn nước sinh hoạt của người dân.

Thống kê mới nhất, ở Kiên Giang đã có 57.899ha lúa trên đất nuôi tôm bị ảnh hưởng hạn mặn, trong đó gần 30.000ha bị thiệt hại. Khoảng 32.000ha lúa thu đông muộn ở Cà Mau và Bạc Liêu bị mặn tấn công. Tại Bến Tre cũng có khoảng 4.000ha lúa đông xuân bị thiệt hại do hạn, mặn; trong khi ở Tiền Giang đã có khoảng 900ha lúa mất trắng, gần 10.000ha khác có nguy cơ thiệt hại trong những ngày tới…

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát nhận định, đợt xâm nhập mặn lần này ở ĐBSCL là đặc biệt nghiêm trọng trong vòng khoảng 100 năm qua, với ba đặc điểm “sớm, xâm nhập sâu vào đất liền và kéo dài ngày”; có những nơi chưa từng bị xâm nhập mặn như Vĩnh Long thì nay đã bị mặn tấn công.

Ước tính sơ bộ thì đến thời điểm này hạn, mặn đã làm thiệt hại về cây lúa của nông dân vùng ĐBSCL cả ngàn tỷ đồng và nguy cơ lúa chết còn tiếp tục xảy ra. Lo ngại nhất, không chỉ vụ đông xuân hiện tại mà cả vụ hè thu tới cũng bị ảnh hưởng. Vì vậy, Bộ NN-PTNT, các bộ ngành liên quan và các tỉnh ĐBSCL phải quyết liệt vào cuộc.

Thái Bình (Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới