Hồ Tùng Mậu – Người hội tụ những phẩm chất cách mạng kiên cường

(Baonghean.vn) - Hồ Tùng Mậu sinh ra trong một gia đình thuộc dòng họ Hồ có truyền thống khoa bảng và yêu nước tại xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An).

Ở Quỳnh Đôi từ khi cụ Thái thủy tổ Hồ Kha, thủy tổ Hồ Hồng (2 võ tướng, quan chức đời Trần) khai cơ năm 1378 đến nay, họ Hồ Quỳnh Đôi nổi tiếng là một họ khoa bảng, yêu nước, đỗ đạt cao, có trách nhiệm với nước, với dân.

Dấu tích của những anh hùng, danh nhân, những người học hành hiển đạt sinh ra trên mảnh đất này đã được truyền tụng qua nhiều thế hệ.

Một góc xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu) - quê hương nhà cách mạng yêu nước Hồ Tùng Mậu hôm nay.
Một góc xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu) - quê hương nhà cách mạng yêu nước Hồ Tùng Mậu hôm nay.

Đây là quê hương sinh ra các nhà cách mạng (Hồ Tùng Mậu, Anh hùng Cù Chính Lan…); các nhà văn, nhà thơ (Hồ Sĩ Đống, Hồ Sĩ Dương, Hồ Xuân Hương, Hoàng Trung Thông, Hồ Phi Phục…); các nhà khoa học (Phan Cự Nhân, Phan Cự Đệ, Văn Như Cương, Hồ Sĩ Giao…).

Gia đình Hồ Tùng Mậu thuộc tiểu chi 8 trung chi 5, họ Hồ đại tộc Quỳnh Đôi là một gia đình tiêu biểu, liên tiếp các đời đều cống hiến hy sinh cho đất nước. Cụ Hồ Bá Ôn – ông nội Hồ Tùng Mậu đậu Phó bảng, làm quan án sát đã chiến đấu và hy sinh anh dũng bảo vệ thành Nam Định. Em ruột ông là cụ Hồ Bá Trị bị sát hại vì kiên quyết chống bọn phản động công giáo. Bà Trần Thị Trâm (bà Lụa, vợ cụ Hồ Bá Trị) là cộng sự đắc lực của cụ Phan Bội Châu. Con của cụ là Hồ Ngọc Lãm xuất dương tìm đường cứu nước, là chủ nhiệm Biện xứ Việt Minh hải ngoại, gia đình là cơ sở hoạt động của nhà yêu nước Phan Bội Châu, Nguyễn Ái Quốc. Hồ Bá Kiện - cha của Hồ Tùng Mậu là liệt sĩ Cần Vương. Tham gia phong trào Duy Tân và Quang Phục Hội, cụ bị giặc Pháp bắt và đày đi Lao Bảo.

Năm 24 tuổi (1920), ông đổi tên thành Hồ Tùng Mậu, thoát ly gia đình, để lại nhà mẹ già, vợ trẻ, con thơ với lời nhắn nhủ của một người trai khi đất nước có ngoại xâm. Được cụ Trần Thị Trâm bố trí cùng Lê Hồng Sơn bí mật sang Xiêm, rồi sang Trung Quốc gặp Phan Bội Châu, Hồ Ngọc Lãm. Sau khi từ Thái Lan đến Quảng Châu, Hồ Tùng Mậu đã tích cực tham gia những hoạt động yêu nước. Không tán thành với đường lối cứu nước của các bậc sĩ phu lớp trước, ông cùng những thanh niên yêu nước thành lập (Tân Việt Thanh niên Đoàn).

Khi Nguyễn Ái Quốc từ Liên Xô đến Quảng Châu (11/1924), ông là người đảm nhận vai trò liên hệ Nguyễn Ái Quốc với Phan Bội Châu. Tháng 12/1924, ông đã giúp Nguyễn Ái Quốc gặp gỡ, trao đổi với các thành viên chủ chốt của: Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lâm Đức Thụ, Lê Hồng Phong, Lê Quảng Đạt…

Cuộc gặp gỡ tạo nên bước ngoặt căn bản trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Tùng Mậu. Ông và những người cùng chí hướng trong nhanh chóng trở thành những người học trò, những người cộng sự tin cậy của Nguyễn Ái Quốc trong thời gian Người hoạt động ở Quảng Châu (1924-1927). Nguyễn Ái Quốc đã chọn Hồ Tùng Mậu là 1 trong 5 thành viên đầu tiên của Cộng sản Đoàn, hạt nhân để xúc tiến mở rộng tổ chức cách mạng của người Việt Nam ở Quảng Châu sau này.

Bác Hồ và Hồ Tùng Mậu với đại biểu phụ nữ dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (tháng 3.1951)
Bác Hồ và Hồ Tùng Mậu với đại biểu phụ nữ dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (tháng 3.1951)

Từ đó, Hồ Tùng Mậu đã kiên định con đường cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Quá trình từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác - Lênin của Hồ Tùng Mậu là con đường của sự phát triển biện chứng và tất yếu. Cuối năm 1925, Hồ Tùng Mậu về Hải Phòng mở hiệu sách làm đầu mối liên lạc giữa Tổng bộ Thanh niên ở Quảng Châu với các cơ sở cách mạng ở trong nước.

Trở lại Quảng Châu, Hồ Tùng Mậu tích cực giúp Nguyễn Ái Quốc tổ chức các lớp huấn luyện và hoạt động cùng các đồng chí cộng sản Trung Quốc. Năm 1927, ông bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt và giam giữ 3 lần; năm 1931 bị bắt và trục xuất; bị tòa án Pháp xử tử hình 2 lần, sau giảm xuống khổ sai chung thân.

Nhưng lao tù không ngăn được bước chân cách mạng; sự lôi kéo, mua chuộc của các phe phái cũng không làm chệch hướng con đường cách mạng; và hoàn cảnh dẫu có khó khăn đến mấy cũng không làm Hồ Tùng Mậu thay đổi mục tiêu và con đường đấu tranh đã lựa chọn. Hồ Tùng Mậu là người nhạy bén trước tình thế. Sự nhạy bén đó đã làm thất bại âm mưu của chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương, cứu thoát hai lãnh tụ lớn nhất của phong trào yêu nước và cách mạng ở Việt Nam trong thế kỷ XX là Phan Bội Châu và Nguyễn Ái Quốc.

Ngày 11/5/1925, mật thám Pháp bắt Phan Bội Châu ở ga Bắc Thượng Hải rồi bí mật đưa về giam tại nhà lao Hỏa Lò. Biết tin, Hồ Tùng Mậu viết bài báo ký tên Hồ Mộng Tống tố cáo âm mưu ám hại cụ Phan trên báo chí Trung Hoa kêu gọi các nhân sĩ và tổ chức tiến bộ lên tiếng bảo vệ nhà yêu nước Phan Bội Châu.

Bài báo đó đã làm phá sản mưu đồ của thực dân Pháp, đồng thời là phát súng mở đầu một phong trào đấu tranh rộng lớn dấy lên ở các địa phương đòi thả Phan Bội Châu. Sự nhạy bén trước tình thế còn thể hiện ở trường hợp ông đã báo cáo đồng chí của mình kịp thời việc Nguyễn Ái Quốc bị bắt giam trái phép. Vì thế, chính quyền Anh ở Hồng Kông không thể thực hiện được âm mưu cấu kết với chính quyền Pháp ở Đông Dương.

Cuối năm 1929, vừa mới thoát khỏi sự giam cầm của chính quyền Tưởng Giới Thạch, Hồ Tùng Mậu nhận rõ nguy cơ chia rẽ của những nhóm cộng sản Việt Nam đã đấu tranh tích cực loại trừ nguy cơ đó. Ông cùng Châu Văn Liêm và một số đồng chí khác đã tích cực vận động chống sự phân liệt giữa các tổ chức cộng sản, đồng thời cử người sang Thái Lan thông báo cho Nguyễn Ái Quốc. Nhờ đó, Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng họp tại Hương Cảng (từ ngày 6/1-7/2/1930) diễn ra kịp thời an toàn và thành công.

  Lăng mộ cụ Hồ Tùng Mậu ở xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu).
Lăng mộ cụ Hồ Tùng Mậu ở xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu).

Chiều 23/7/1951, trên đường đi công tác qua thị trấn Còng (Thanh Hóa), đoàn cán bộ của Hồ Tùng Mậu bị máy bay giặc Pháp phát hiện và đuổi bắn. Và người cán bộ lãnh đạo ngành Thanh tra Chính phủ đã hy sinh giữa lúc còn tràn đầy năng lực cống hiến. Có một cụ già ở địa phương đã nhường cỗ quan tài hậu sự của mình bằng gỗ vàng tâm cho ông. Thi hài Hồ Tùng Mậu được đưa về quê hương an táng.

Thương tiếc nhân cách một người cộng sản kiên trung, Bác Hồ đã tự tay viết điếu văn hết sức cảm động. Nhân dân Quỳnh Đôi chọn vị trí trang trọng nhất để đặt hài cốt của ông. Sau thời gian bôn ba hoạt động cách mạng, Hồ Tùng Mậu lại trở về mảnh đất quê hương yên nghỉ trong niềm tôn kính, yêu thương người dân Quỳnh Đôi.

Trọn cuộc đời hiến dâng cách mạng, Hồ Tùng Mậu từ một người yêu nước đã trở thành một chiến sĩ cộng sản. Dù ở cương vị nào, ông cũng luôn thể hiện là một cán bộ cương trực, trung hậu, sẵn sàng làm nhiệm vụ với trách nhiệm cao, làm việc quên mình với tác phong chan hòa, bình dị, khảng khái, có uy tín lớn trong nhân dân. Cho đến phút cuối đời, Hồ Tùng Mậu luôn xứng đáng với lòng tin của nhân dân, của Đảng, của Hồ Chủ tịch gửi gắm.

Thái Bình (Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới