Doanh nghiệp Hàn Quốc đang có xu hướng đầu tư vào Nghệ An, Đà Nẵng

(Baonghean) -Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam, ngài Lee Hyuk khẳng định các doanh nghiệp Hàn Quốc đang có xu hướng chuyển dịch đầu tư vào khu vực miền Trung như Đà Nẵng và Nghệ An.

Mở rộng hướng hợp tác

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 18 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Hàn Quốc, tổng vốn cam kết đầu tư là 99,34 triệu USD với đa dạng ngành nghề như sản xuất linh kiện điện tử, thiết bị viễn thông, sản xuất thực phẩm, dự án khu vui chơi giải trí...

Theo đánh giá của tỉnh Nghệ An, các dự án của nhà đầu tư Hàn Quốc tại Nghệ An hoạt động rất hiệu quả và tuân thủ đầy đủ luật pháp, chính sách của tỉnh như: Sản xuất linh kiện điện tử BSE, Dự án Sản xuất thực phẩm của Công ty liên doanh xuất, nhập khẩu thực phẩm Việt Nam - Hàn Quốc Vivina, Trung tâm Marketing và tư vấn đầu tư Việt Hàn...

Lĩnh vực thu hút nhiều nhà đầu tư là lĩnh vực dệt may với các dự án may xuất khẩu như Nhà máy may Haivina Kim Liên, Nhà máy sản xuất sản phẩm da và dệt may của Công ty TNHH Prex Vinh, Nhà máy sản xuất hàng may sẵn và trang phục do Công ty TNHH Nam Sung Vina…

Đại sứ Lee Hyuk thăm cơ sở vật chất Cao đẳng nghề Kỹ thuật CN Việt Nam - Hàn Quốc.
Đại sứ Lee Hyuk thăm cơ sở vật chất Cao đẳng nghề Kỹ thuật CN Việt Nam - Hàn Quốc.

Những dự án nói trên đã đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu của Nghệ An sang thị trường Hàn Quốc. Trên cơ sở những kết quả bước đầu đó, trong động thái mang tính chủ động cao để tiếp cận các nhà đầu tư Hàn Quốc, UBND tỉnh đã ký Thỏa thuận hợp tác với Công ty KV Holdings về việc thu hút đầu tư vào tỉnh Nghệ An.

Tại buổi làm việc với ngài Lee Hyuk, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường cho biết, sắp tới tỉnh sẽ phối hợp với Công ty KV Holdings tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Nghệ An tại Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Sở Ngoại vụ Nghệ An cho biết, Công ty KV Holdings cũng sẽ phối hợp với tỉnh để xây dựng phim quảng bá về tiềm năng của tỉnh với sự tham gia của các nghệ sỹ Hàn Quốc. Đây là những bước đi được kỳ vọng sẽ tạo ra làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc vào Nghệ An.

Dây chuyền may hiện đại tại Công ty Haivina Kim Liên - Nam Đàn. Ảnh: Mai Hoa
Dây chuyền may hiện đại tại Công ty Haivina Kim Liên - Nam Đàn. Ảnh: Mai Hoa

Để khẳng định quyết tâm của tỉnh trong việc thu hút các nhà đầu tư Hàn Quốc vào Nghệ An, tại buổi làm việc cả Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường đều bày tỏ tâm huyết mong muốn ngài Đại sứ Lee Hyuk giới thiệu các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hàn Quốc vào khảo sát đầu tư tại Nghệ An vì hiện nay tiềm năng và thế mạnh của tỉnh về công, nông nghiệp rất lớn cho các nhà đầu tư nước này.

“Nghệ An đã thực hiện cải cách hành chính và có các chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư. Nghệ An cũng đang nằm trên nhiều tuyến đường cao tốc quan trọng đã có chủ trương xây dựng, cảng biển nước sâu đang đầu tư xây dựng, khi hoàn thành là cửa ngõ ra Thái Bình Dương của nhiều nước. Nghệ An cũng có lĩnh vực tài chính ngân hàng phát triển”, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, đồng thời gợi ý thêm một số lĩnh vực mà Hàn Quốc có thể đầu tư, hợp tác là giáo dục - đào tạo, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao ở miền Tây Nghệ An.

Đại sứ Hàn Quốc trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An.
Đại sứ Hàn Quốc Lee Hyuk trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An.

Trao đổi của ngài Lee Hyuk cho biết, tính đến hết tháng 6/2016, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư 48,5 tỷ USD vào Việt Nam với hơn 5.000 doanh nghiệp hoạt động đa dạng trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, phần lớn số vốn này đang được đầu tư tại các địa phương ở miền Nam và miền Bắc, trong khi khu vực miền Trung chưa nhiều.

Theo đánh giá của ngài đại sứ, các doanh nghiệp Hàn Quốc đang có xu hướng chuyển dịch đầu tư vào khu vực miền Trung như Đà Nẵng và Nghệ An. Trong bối cảnh, các địa phương của Việt Nam đều rất quyết liệt trong thu hút nguồn vốn FDI đòi hỏi mỗi tỉnh phải tìm hướng thu hút phù hợp với thế mạnh của mình. 

Đối với Nghệ An, ngài Lee Hyuk đánh giá cao điều kiện tự nhiên, con người và cũng như có những nỗ lực để thu hút đầu tư nước ngoài như cải cách hành chính, xây dựng chính sách chế độ ưu đãi dành cho các nhà đầu tư nước ngoài hay tăng cường hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông.

“Khi các thông tin như thế được chuyển tải tới các nhà đầu tư thì họ sẽ rất quan tâm tới tỉnh Nghệ An. Khi một nhà đầu tư lớn như Samsung, LG, Posco… đầu tư vào địa phương nào thì sẽ tạo ra hiệu quả tuyên truyền lôi kéo được các nhà đầu tư khác vào tỉnh đó. Tôi hy vọng tỉnh Nghệ An sẽ tiếp cận với các nhà đầu tư lớn để thu hút đầu tư vào tỉnh”, Đại sứ Lee Hyuk gợi ý và hy vọng tỉnh Nghệ An nỗ lực để cùng nhà đầu tư Posco của Hàn Quốc sớm triển khai xây dựng dự án Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 2, tại thị xã Hoàng Mai. 

Cùng giải quyết vấn đề lao động bất hợp pháp

Việc giải quyết các tồn tại liên quan đến lao động bất hợp pháp của Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng đang làm việc tại Hàn Quốc cũng được hai bên quan tâm bàn thảo. Thực hiện chương trình đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (gọi tắt là Chương trình EPS), từ năm 2005 đến tháng 6 năm 2016, toàn tỉnh Nghệ An đã có hơn 7.000 lao động đi làm việc tại Hàn Quốc.

Bình quân hàng năm có từ 500 - 700 người lao động của tỉnh được các doanh nghiệp Hàn Quốc lựa chọn, nhận sang làm việc. Mức tiền lương hàng tháng của lao động tại Hàn Quốc dao động từ 1.000 - 1.200 USD/người, góp phần vào việc giải quyết việc làm, xoá đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng và tăng nguồn thu ngoại tệ cho tỉnh.

Học nghề tại Trường trung cấp nghề Yên Thành.
Học nghề tại Trường trung cấp nghề Yên Thành. Ảnh: Mai Hoa

Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2011 phát sinh tình trạng người lao động Việt Nam sau khi hết hạn hợp đồng lao động không về nước mà ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Do đó, từ tháng 8/2012 đến 31/12/2013, phía Hàn Quốc đã tạm dừng thực hiện Chương trình EPS.

Từ ngày 31/12/2013 đến nay, phía Hàn Quốc đã nối lại Chương trình EPS đối với Việt Nam và Nghệ An, đã có gần 2.000 lao động đạt kỳ kiểm tra trong năm 2011, 2012 tiếp tục được các doanh nghiệp Hàn Quốc lựa chọn sang Hàn Quốc để làm việc.

Tuy nhiên, tỷ lệ người lao động Nghệ An lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc còn cao nên hiện nay, có 11/21 huyện, thành, thị có số lượng từ 60 lao động bất hợp pháp trở lên bị tạm dừng tuyển chọn lao động năm 2016.

Trao đổi với ngài Đại sứ Lee Hyuk về thực trạng này, các đồng chí lãnh đạo tỉnh hết sức trăn trở vì sự vi phạm của một số ít lao động đã lấy đi cơ hội việc làm của nhiều lao động trong nước có nhu cầu làm việc tại Hàn Quốc.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường đề nghị ngài Đại sứ với cương vị của mình quan tâm và khuyến khích các doanh nghiệp Hàn Quốc tạo điều kiện cho người lao động của Nghệ An được xuất khẩu lao động sang làm việc tại Hàn Quốc. Đối với các lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Nghệ An đang tích cực tuyên truyền và có những hình thức giải quyết để giảm được số lượng lao động này...

Đăng ký xuất khẩu lao động tại Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh. Ảnh: Minh Quân
Đăng ký xuất khẩu lao động tại Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh. Ảnh: Minh Quân

Đề cập đến vấn đề trên, ngài Đại sứ Lee Hyuk cho biết, thời gian tới, chính phủ hai nước sẽ phải tiếp tục phối hợp để giảm tỷ lệ lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

“Bản thân tôi với cương vị là đại sứ, trong nhiệm kỳ của mình cũng sẽ nỗ lực hết sức mình để phối hợp với chính phủ Việt Nam trong vấn đề lao động và kiến nghị với chính phủ Hàn Quốc tăng hạn ngạch đối với người lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc”, ngài Đại sứ Lee Hyuk khẳng định.

Nhật  Lệ - Vũ Phan

TIN LIÊN QUAN

Tin mới