Cân nhắc vận động sức dân hợp lý trong xây dựng nông thôn mới

(Baonghean.vn) – Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, xây dựng nông thôn mới cần gắn với các đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để xây dựng mô hình sản xuất rõ nét hơn.

Chiều 29/9, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII họp phiên thứ 4 nghe và cho ý kiến kết quả sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 03 – NQ/TU ngày 6/6/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, khóa XVII về đẩy mạnh thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 -2020 (Nghị quyết 03).

Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Xuân Đường – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Quang Huy – Phó Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Thông – Phó Bí thư Tỉnh ủy và các đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.  

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh chủ trì cuộc làm việc.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh chủ trì cuộc làm việc.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 03, Nghệ An có 117 xã đạt 19/19 tiêu chí, trong đó có 112 xã đã được UBND tỉnh quyết định công nhận, đạt 26,5% số xã, đứng thứ 3 toàn quốc về số lượng xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thị xã Thái Hòa đạt chuẩn nông thôn mới cấp huyện.

Về tiêu chí bình quân năm 2010 cả tỉnh mới đạt 3,64 tiêu chí/xã nhưng đến ngày 31/8/2016 số bình quân tiêu chí toàn tỉnh đã đạt 12,73 tiêu chí/xã, tăng 9,09 tiêu chí/xã. Toàn tỉnh có 58 xã đạt từ 15 -18 tiêu chí, 140 xã đạt 10 -14 tiêu chí, 109 xã đạt từ 5 -9 tiêu chí và 7 xã dưới 5 tiêu chí.

Tổng nguồn vốn huy động, lồng ghép thực hiện Chương trình sau 5 năm gần 21.000 tỷ đồng, trong đó vốn nhân dân đóng góp hơn 6.500 tỷ đồng, chiếm 31%; người dân cũng hiến được trên 5,2 triệu m2 đất, 4,2 triệu ngày công để xây dựng nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn đã tăng đáng kể từ 1,2 triệu đồng/người/tháng năm 2010, đến nay đã đạt 1,63 triệu đồng/người/tháng.

Tuy nhiên, kết quả thực hiện xây dựng nông sau 5 năm cho thấy vẫn còn có sự chênh lệch khá lớn giữa các vùng miền. Ở 9 huyện đồng bằng đạt 80/228 xã, đạt 35%; 11 huyện miền núi mới chỉ đạt 32/203 xã, đạt 15,7%.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường phát biểu tại cuộc làm việc.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường phát biểu tại cuộc làm việc.
Làm đường giao thông nông thôn ở xã Hùng Sơn ( Anh Sơn), ảnh tư liệu Huyền Trang
Làm đường giao thông nông thôn ở xã Hùng Sơn ( Anh Sơn), ảnh tư liệu Huyền Trang

Liên quan đến nội dung này, đồng tình với kết quả xây dựng nông thôn mới, tuy nhiên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường cho biết: Trong đợt giám sát vừa qua của Thường trực HĐND tỉnh tại các huyện Con Cuông, Nam Đàn, Thanh Chương qua giám sát một số đơn vị được công nhận về đích nông thôn mới song còn nợ tiêu chí; một số địa phương thực hiện các tiêu chí chưa bền vững; một số địa phương nợ xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới. Việc xây dựng mô hình sản xuất có một số nơi quan tâm nhưng có một số nơi chưa rõ nét.

“Cần rà soát đánh giá tốt, rõ, mức khó khăn từng tiêu chí đối với từng xã, từng huyện trên cơ sở đó xây dựng lộ trình chính xác hợp lý và cân đối nguồn lực thực hiện trong thời gian tới”, đồng chí Hoàng Viết Đường đề nghị.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng trình bày các báo cáo tại cuộc họp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng trình bày các báo cáo tại cuộc họp.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường phát biểu tại cuộc làm việc.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường phát biểu tại cuộc làm việc.

Trong khi đó, đồng chí Vi Văn Định - Bí thư Huyện ủy Nghĩa Đàn đánh giá những xã càng về sau càng khó khăn, nên đề nghị tỉnh hỗ trợ dần các xã đang khó khăn về tiêu chí thực hiện dần các tiêu chí.  

Hội nghị cũng đã nghe đánh giá 2 năm thực hiện Đề án: Phát triển cây, con chủ yếu, gắn với cơ chế quản lý đất đai, tạo vùng nguyên liệu chế biến phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020”, nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2016 -2020 và Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Nghệ An theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2013 -2020.

Theo đó, tính đến năm 2015, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 4,72%; cơ cấu kinh tế nội ngành chuyển dịch tích cực: nông nghiệp: 78,69%, lâm nghiệp: 6,89%, thủy sản: 14,41%. Trong nông nghiệp thuần, tỷ trọng trồng trọt giảm dần, tỷ trọng chăn nuôi và dịch vụ tăng khá. Sản lượng lương thực cây có hạt đạt 1,214 triệu tấn, cao nhất từ trước đến nay.

Một góc cụm trang trại số 1 thuộc tập đoàn sữa TH. Ảnh tư liệu Sỹ Minh
Một góc cụm trang trại số 1 thuộc tập đoàn sữa TH. Ảnh tư liệu Sỹ Minh

Góp ý kiến về 2 đề án này, Giám đốc Sở KH & CN Trần Quốc Thành, đề nghị ngành nông nghiệp nghiên cứu chuỗi trong sản xuất các sản phẩm nông nghiệp để chỉ ra mắt xích còn yếu để điều chỉnh; đồng thời hình thành một số dự án chuỗi và kêu gọi doanh nghiệp tham gia các chuỗi đó; thực hiện tốt cả hỗ trợ đầu vào và đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.

Mặt khác, Giám đốc Sở KH &CN tỉnh cũng đề nghị, nên có một khung pháp chế để vừa định hướng, vừa để người dân cảm thấy đảm bảo trong việc doanh nghiệp thuê đất của người dân để sản xuất. Qua đó khuyến khích tích tụ ruộng đất trong nông nghiệp nhằm sản xuất theo hướng hàng hóa.

Thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng đã trao đổi, làm rõ những nội dung liên quan như hướng trả nợ xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới, giải pháp nâng cao hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Cơ giới hóa nông nghiệp ở xã Tiến Thành, Yên Thành. Ảnh tư liệu Báo Nghệ An
Cơ giới hóa nông nghiệp ở xã Tiến Thành, Yên Thành. Ảnh tư liệu Báo Nghệ An

Kết luận phiên làm việc chiều nay, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, trong điều kiện nguồn lực còn khó khăn cần sử dụng ngân sách hợp lý, hiệu quả để hỗ trợ xây dựng nông thôn mới; đồng thời tính toán, cân nhắc kỹ để vận động sức dân; tính toán các cơ chế, phương án để kêu gọi doanh nghiệp nhằm làm tốt công tác xã hội hóa trong xây dựng nông thôn mới. Đối với vấn đề nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới, tỉnh cần rà soát số liệu nợ của mỗi cấp, qua đó có phương án xử lý.

Đặc biệt, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy lưu ý, việc xây dựng nông thôn mới cần gắn với các đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để xây dựng mô hình sản xuất rõ nét hơn; cũng như ưu tiên xây dựng hạ tầng để phát triển sản xuất trước; tiếp tục có giải pháp thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Mặt khác, ngành nông nghiệp cần nghiên cứu kỹ để có giải pháp chuyển giao, hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật hiệu quả.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh kết luận cuộc làm việc.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh kết luận cuộc làm việc.

Đối với vấn đề tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cần có giải pháp để thực hiện tốt tích tụ ruộng đất; đồng thời phải gắn với các mô hình sản xuất, liên kết người nông dân trong hợp tác xã và kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; liên kết các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp gắn thị trường, khi đó thị trường quyết định cơ cấu cây trồng, vật nuôi. 

Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị, sau cuộc họp này, UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT làm việc cụ thể với các địa phương để bàn cách triển khai cụ thể trên cơ sở quy hoạch các vùng sản xuất.

Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh cũng thể hiện sự thống nhất đối với nội dung Đề án: Phát triển cây, con chủ yếu, gắn với cơ chế quản lý đất đai, tạo vùng nguyên liệu chế biến phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020”.

Thành Duy

TIN LIÊN QUAN

Tin mới