Cần linh hoạt cả 2 cách dạy học truyền thống và VNEN

(Baonghean.vn) - Tiếp tục chương trình làm việc tại huyện Yên Thành, chiều 25/10, đoàn khảo sát của HĐND tỉnh đã khảo sát tình hình thực hiện dạy học theo mô hình VNEN tại Trường THCS Hoàng Tá Thốn và Trường Tiểu học Long Thành.

Tham gia đoàn khảo sát có bà Nguyễn Thị Thành An - Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh làm trưởng đoàn cùng đại diện UBND huyện Yên Thành và các ban, ngành, đơn vị liên quan.

1
Đoàn khảo sát làm việc với đại diện Trường Tiểu học Long Thành và THCS Hoàng Tá Thốn.

Tại cuộc làm việc, thầy Trần Văn Hải - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Long Thành cho biết, phương pháp dạy học theo mô hình VNEN giúp học sinh phát triển tốt các kỹ năng nhóm, hoạt động tập thể và tự tin trong giao tiếp, hòa đồng với xã hội. Sau một thời gian triển khai dạy học theo mô hình này cơ bản phụ huynh, học sinh đều đồng tình.

Đại diện phụ huynh và giáo viên Trường Tiểu học Long Thành đề xuất được hỗ trợ thêm về cơ sở vật chất để phục vụ việc dạy và học. Về vấn đề này nhà trường đang dần cân đối và sắp xếp để bổ sung dần.

Thầy Trần Văn Hải kiến nghị về việc điều động giáo viên chưa hợp lý, như luân chuyển giáo viên dạy ở trường không áp dụng mô hình VNEN đến dạy tại trường áp dụng mô hình VNEN và ngược lại đã gây khó khăn cho các nhà trường trong áp dụng mô hình VNEN. 

Đối với Trường THCS Hoàng Tá Thốn, cô Dương Thu Hà - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường đã thực hiện dạy học theo mô hình VNEN được 2 tháng, cơ bản học sinh tự giác trong học tập, năng động, đáp ứng được yêu cầu đổi mới của phương pháp dạy học mới này.

3B
Học sinh lớp 3B, Trường Tiểu học Long Thành thảo luận nhóm.

Tuy nhiên, chương trình tập huấn cho giáo viên còn quá ít; quy định hiệu trưởng không được kiểm tra sổ chuẩn bị bài của giáo viên cũng như đánh giá dự giờ, và giáo viên không phải soạn giáo án nên phần nào ảnh hưởng đến việc quản lý chất lượng dạy học trong nhà trường.

Bên cạnh đó, một số kiến thức trong sách giáo khoa trình bày không chính xác, câu hỏi không hợp lý. Phần đánh giá học sinh theo nhận xét còn nhiều bất cập, do giáo viên THCS phải quản lý, dạy nhiều lớp. Phòng học thiếu, diện tích hẹp, học sinh đông nên gây khó khăn trong hoạt động nhóm, giáo viên không thể bao quát hết để hướng dẫn sát sao cho học sinh trong giờ học.

Đối với sách giáo khoa theo mô hình VNEN phần hình thành kiến thức có một số bộ môn không phân định tiêu đề và quá dài gây khó cho giáo viên và học sinh. Một số câu hỏi dạng mở rộng khiến học sinh khó khăn tìm đáp án.

Học sinh lớp 2A, Trường Tiểu học Long Thành thảo luận nhóm.
Học sinh lớp 2A, Trường Tiểu học Long Thành thảo luận nhóm.

Thực tế dạy theo mô hình này yêu cầu giáo viên phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo và tâm huyết mới có thể đáp ứng yêu cầu bài dạy. Tuy nhiên, việc chuẩn bị các phương tiện, thiết bị dạy học hầu hết đều do giáo viên hoặc học sinh phải chuẩn bị nên gây tốn kém cho giáo viên và học sinh do trường không có kinh phí hỗ trợ.

Đồng quan điểm với cô Dương Thu Hà, thầy Mai Văn Ngoạn dạy bộ môn Lý - Hóa - Sinh, Trường THCS Hoàng Tá Thốn cũng cho biết, lượng kiến thức quá nhiều, trong khi số tiết dạy lại quá ít nên gây khó khăn cho giáo viên và học sinh trong truyền tải và tiếp thu kiến thức khi áp dụng phương pháp VNEN. 

Qua thực tế dạy học, thầy Mai Văn Ngoạn cho biết, để học sinh tiếp thu được cần vận dụng linh hoạt cả hai chương trình dạy học theo kiểu truyền thống và mô hình VNEN.

Cô Dương Thu Hà - Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Tá Thốn phát biểu tại cuộc làm việc.

Cô Dương Thu Hà - Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Tá Thốn phát biểu tại cuộc làm việc.

Một bất cập khác khi dạy học theo mô hình VNEN là công tác đánh giá học sinh khi thực hiện theo nhận xét; do quy định không được công khai đánh giá nhận xét nên không khuyến khích được phong trào thi đua học tập của học sinh. Bên cạnh đó nhà trường còn nhiều lúng túng trong sử dụng phần mềm đánh giá nhận xét học sinh theo mô hình VNEN.

Cô Dương Thu Hà cũng cho biết, về kinh phí dạy học, sau khi không còn sự hỗ trợ của dự án thí điểm thì trường gặp nhiều khó khăn trong trang bị cơ sở vật chất cũng như mua sắm các trang thiết bị dạy học cho học sinh và giáo viên.

Thay mặt cán bộ, giáo viên nhà trường, cô Hà đề xuất cần giảm bớt sĩ số học sinh; các trường dạy học theo VNEN cần có tiêu chí đánh giá, khảo sát riêng, không áp dụng thi chung chương trình với các trường dạy theo mô hình truyền thống. 

Thầy Mai Văn Ngoạn
Thầy Mai Văn Ngoạn, giáo viên bộ môn Lý - Hóa - Sinh, Trường THCS Hoàng Tá Thốn cho biết để kết quả dạy học đạt chất lượng vẫn phải áp dụng cả 2 phương pháp dạy học truyền thống và VNEN.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Hoàng Danh Truyền - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành đồng tình với những phản hồi của giáo viên các trường về tình hình áp dụng dạy học theo mô hình VNEN; các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, khảo sát kỹ lưỡng trong việc quyết định áp dụng mô hình dạy học nào trên cơ sở phù hợp với điều kiện thực tiễn các địa phương nhằm nâng cao chất lượng dạy và học trên địa bàn tỉnh./.

Hoài Thu

TIN LIÊN QUAN

Tin mới