Chủ tịch Hồ Chí Minh với Quân đội Nhân dân Việt Nam

(Baonghean.vn) - Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ thiên tài của nhân dân Việt Nam, là người Cha thân yêu của các lực lượng vũ trang cách mạng. Người đã trực tiếp sáng lập, tổ chức, giáo dục và rèn luyện Quân đội nhân dân Việt Nam.

Với tầm nhìn chiến lược và nhạy bén, ngay từ những năm 1920, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tích cực chuẩn bị cho sự ra đời của một quân đội cách mạng. Người trực tiếp mở các lớp đào tạo cán bộ, lựa chọn các học viên đi học ở Trường Quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc). Đồng thời, viết, xuất bản nhiều sách, báo về lĩnh vực quân sự. Giữa năm 1940, Người đã giới thiệu đồng chí Võ Nguyên Giáp đi học Trường Quân chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Diên An và căn dặn “cố gắng học thêm quân sự”.

22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân thành lập.
Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân thành lập.

Sau 30 năm bôn ba khắp năm châu, bốn bể tìm đường cứu nước, ngày 28/1/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng  (Cao Bằng) trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam và xây dựng Cao Bằng thành căn cứ địa cách mạng đầu tiên của cả nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Người vẫn tiếp tục cử đồng chí Võ Nguyên Giáp ở lại Trung Quốc học tập “Chú Văn (tên gọi khác của Đại tướng Võ Nguyên Giáp) phải chú trọng thêm quân sự”.

Tại Pác Bó, từ ngày 10 - 19/5/1941, Người chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ VIII quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh, xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang để chuẩn bị tranh thủ thời cơ đi từ “khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương” để “mở đường cho một cuộc tổng khởi nghĩa to lớn giành chính quyền trong cả nước”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh quan sát đồn Đông Khê tại Chiến dịch Biên giới 1950.
Chủ tịch Hồ Chí Minh quan sát đồn Đông Khê tại Chiến dịch Biên giới 1950.

Tháng 10/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ cho các đồng chí Lê Thiết Hùng, Lê Quảng Ba, Hoàng Sâm có nhiệm vụ phối hợp với nhau cùng mở lớp huấn luyện quân sự tập trung đầu tiên tại Pác Bó để tiến tới thành lập đội vũ trang cách mạng. Người trực tiếp tham gia huấn luyện cho các đội viên. Để có tài liệu giảng dạy, Người đã biên soạn các tài liệu quân sự quan trọng như: “Mười điều kỷ luật”; “Cách đánh du kích”; “Những hiểu biết cơ bản về quân sự”; “Kinh nghiệm du kích Nga”... 

Được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp chỉ đạo, lực lượng cách mạng phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ. Từ việc xây dựng đội quân chính trị của quần chúng, giác ngộ về đường lối cứu nước giải phóng dân tộc, từ các đội du kích vũ trang bảo vệ cơ sở, chống cướp phá của địch, lực lượng vũ trang tập trung dần dần hình thành. Đặc biệt, căn cứ địa Cao Bằng đã mở nhiều lớp huấn luyện quân sự về lý luận chiến tranh giải phóng, về cách đánh du kích đã trang bị cho lớp cán bộ đầu tiên của Quân đội ta những kiến thức quân sự cơ bản.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm đơn vị “quyết tử” của Hà Nội đầu năm 1947.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm đơn vị “quyết tử” của Hà Nội đầu năm 1947.

Giữa năm 1944, tình hình thế giới có nhiều chuyển biến nhanh chóng. Tháng 8/1944, Trung ương Đảng kêu gọi nhân dân “Cầm vũ khí, đuổi thù chung”. Không khí chuẩn bị khởi nghĩa sôi sục khắp nơi. Cuối năm 1944, nhân dân vùng Cao - Bắc - Lạng sẵn sàng hưởng ứng khởi nghĩa. Lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Bây giờ thời kỳ cách mạng hòa bình phát triển đã qua nhưng thời kỳ toàn dân khởi nghĩa chưa tới... Cuộc đấu tranh bây giờ phải từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự. Song hiện nay, chính trị còn trọng hơn quân sự. Phải tìm ra một hình thức thích hợp thì mới có thể đẩy phong trào tiến lên”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đại tướng Võ Nguyên Giáp nghiên cứu phương án tác chiến chiến dịch Biên Giới, năm 1950.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghiên cứu phương án tác chiến chiến dịch Biên giới, năm 1950.

“Hình thức thích hợp” lúc bấy giờ, theo lãnh tụ Hồ Chí Minh là thành lập đội quân giải phóng - đội quân chủ lực đầu tiên - Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân (VNTTGPQ). Trong Chỉ thị thành lập Đội do Người soạn thảo, Người nói rõ:“Tên Đội VNTTGPQ nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự”, nguyên tắc tổ chức lực lượng là “sẽ chọn lọc trong hàng ngũ những đội du kích Cao - Bắc - Lạng số cán bộ và đội viên kiên quyết, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội chủ lực”; về chiến thuật “vận dụng lối đánh du kích, bí mật, nhanh chóng, tích cực, nay Đông mai Tây, lai vô ảnh, khứ vô tung”.

Người bày tỏ sự tin tưởng: “Đội VNTTGPQ là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội đàn em khác. Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam chúng ta”. Trung ương Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp tổ chức lãnh đạo và tuyên bố thành lập đội. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh huấn thị cho một đơn vị bộ đội trong chiến dịch Cao - Bắc - Lạng tại hang Nhị Thanh - tỉnh Lạng Sơn năm 1950.
Chủ tịch Hồ Chí Minh huấn thị cho một đơn vị bộ đội trong chiến dịch Cao - Bắc - Lạng tại hang Nhị Thanh - tỉnh Lạng Sơn năm 1950.

Thực hiện Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Nguyên Giáp và đồng chí Lê Quảng Ba cùng Liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng họp bàn, tích cực khẩn trương chuẩn bị việc chọn người và tập trung vũ khí, thống nhất kế hoạch tổ chức cụ thể.

Ngày 22/12/1944, Lễ thành lập Đội VNTTGPQ được cử hành trọng thể tại triền núi Dền Sinh, nhánh núi Slam Cao thuộc dải Khau Giáng (rừng Trần Hưng Đạo), tổng Hoàng Hoa Thám (xã Tam Kim), châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Tham dự buổi lễ có đại biểu Liên Tỉnh ủy Cao Bằng - Bắc Kạn - Lạng Sơn, đại diện các đoàn thể Cứu quốc và đại biểu tiêu biểu đại diện cho nhân dân các dân tộc: Tày, Nùng, Dao, Mông của châu Nguyên Bình, Cao Bằng, Bắc Kạn. Đội gồm 34 chiến sĩ với 34 khẩu súng các loại, có chi bộ Đảng lãnh đạo, do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy. Trong số 34 chiến sĩ đầu tiên của Đội có 25 chiến sĩ là con em các dân tộc tỉnh Cao Bằng (trong đó, đồng chí Xích Thắng tức Dương Mạc Thạch làm Chính trị viên).

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong trên đường về tiếp quản thủ đô tại đền Giếng, Đền Hùng, Phú Thọ, ngày 19/9/1954
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các chiến sỹ Đại đoàn Quân Tiên Phong trên đường về tiếp quản thủ đô tại đền Giếng, Đền Hùng, Phú Thọ, ngày 19/9/1954.

Từ đội quân chủ lực đầu tiên, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã không ngừng phát triển, thể hiện đội quân vững vàng về chính trị, tài giỏi về quân sự, chiến đấu và chiến thắng trong Cách mạng Tháng Tám, trong 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược. Đó là Đội quân Anh hùng của Dân tộc Anh hùng. Quá trình hình thành, phát triển của Quân đội Nhân dân Việt Nam gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh nên Quân đội ta đã được nhân dân gọi với cái tên rất thân mật nhưng cũng rất đỗi tự hào “Bộ đội Cụ Hồ”. 

Thái Bình

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN
                              

Tin mới