Chỉ đạo, điều hành nổi bật tuần qua của Chính phủ, Thủ tướng

(Baonghean.vn) - Chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ; Khẩn trương hoàn thiện các phương án xây dựng tuyến cao tốc Bắc-Nam;Kiện toàn Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính; Mức phạt hành vi khai thác cát trái phép;... là những chỉ đạo, điều hành nổi bật tuần qua của Chính phủ, Thủ tướng.

1. Chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 34/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 34/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định34/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ.

Theo đó, Bộ Nội vụ là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực: Tổ chức hành chính, sự nghiệp nhà nước; chính quyền địa phương, địa giới hành chính; cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; đào tạo, bồi dưỡng về chuyên ngành hành chính và quản lý nhà nước; hội, tổ chức phi chính phủ; thi đua, khen thưởng; tôn giáo; văn thư, lưu trữ nhà nước; thanh niên và quản lý nhà nước đối với các dịch vụ công thuộc lĩnh vực quản lý của bộ theo quy định của pháp luật.

Trong đó, về chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện việc chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; kiểm tra, đôn đốc UBND các cấp thực hiện các quy định của pháp luật về bầu cử, các văn bản hướng dẫn của Hội đồng bầu cử quốc gia và của các cơ quan trung ương, định kỳ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo tiến độ thực hiện công tác bầu cử.

2. Khẩn trương hoàn thiện các phương án xây dựng tuyến cao tốc Bắc-Nam

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về phương án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam.

Thông báo kết luận nêu rõ, Bộ Giao thông vận tải đã rất khẩn trương chuẩn bị các phương án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Với mục tiêu đến năm 2020 nước ta có khoảng 2.000 km đường bộ cao tốc như Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/1/2012 tại Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã đề ra, Chính phủ quyết tâm thực hiện đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam theo hình thức PPP, với tinh thần quyết liệt, minh bạch, không tham nhũng, lãng phí, đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải rà soát, nghiên cứu điều chỉnh Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 theo hướng điều chỉnh quy mô quy hoạch tuyến cao tốc Bắc - Nam thành 6 - 10 làn xe cho phù hợp với tình hình phát triển thực tế của đất nước; thực hiện cắm mốc lộ giới để quản lý quỹ đất theo quy hoạch.

3. Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo đó, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực theo quy định của Luật THTK, CLP. Trong năm 2017, thực hiện siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước; bảo đảm chi ngân sách nhà nước tiết kiệm, hiệu quả và theo dự toán được Quốc hội thông qua. Triệt để tiết kiệm ngay từ khâu lập, phân bổ, giao dự toán ngân sách năm 2017 cho các bộ, cơ quan, đơn vị.

Phấn đấu tiết kiệm tối thiểu 12% các khoản kinh phí chi hội nghị, hội thảo, tọa đàm, họp, chi tiếp khách, khánh tiết, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm, sử dụng xăng xe, điện, nước, văn phòng phẩm, sách, báo, tạp chí; hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài; tiết kiệm tối thiểu 15% chi đoàn ra, đoàn vào, không bố trí đoàn ra trong chi thường xuyên các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng cơ bản, trừ các công trình quan trọng quốc gia, công trình dự án nhóm A, công trình có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của địa phương.

4. Kiện toàn Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định kiện toàn Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ. Theo Quyết định, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ là Chủ tịch Hội đồng.

Hội đồng có nhiệm vụ tư vấn, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ các sáng kiến cải cách về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân; đánh giá việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương. 

Các thành viên của Hội đồng có trách nhiệm cử đại diện lãnh đạo chủ chốt tham gia các hoạt động của Hội đồng, cử cán bộ đầu mối và thành lập các nhóm công tác để triển khai nhiệm vụ do Chủ tịch Hội đồng phân công hoặc theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng.

Văn phòng Chính phủ là cơ quan thường trực Hội đồng, có trách nhiệm điều phối, bảo đảm các điều kiện làm việc của Hội đồng và huy động các cơ quan, đơn vị khác có liên quan tham gia các hoạt động của Hội đồng; nghiên cứu các sáng kiến cải cách quy định hành chính do các thành viên Hội đồng đề xuất trước khi Chủ tịch Hội đồng báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

5. Mức phạt hành vi khai thác cát trái phép

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi khai thác cát trái phép được quy định cụ thể tại Nghị định số 33/2017/NĐ-CP của Chính phủ.

Cụ thể, Nghị định trên quy định phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng đối với hành vi khai thác cát, sỏi trên sông, hồ gây sạt, lở lòng, bờ, bãi sông, hồ.

Đối với hành vi khai thác cát để làm vật liệu xây dựng thông thường không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp với khối lượng khai thác từ 50 m3 trở lên mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì bị phạt từ 100 - 200 triệu đồng.

Đối với hành vi khai thác khi giấy phép khai thác đã hết hạn hoặc khai thác trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép khai thác bị phạt từ 50-70 triệu đồng.

Nghị định nêu rõ tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả. Mức phạt trên áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt đối với hộ kinh doanh áp dụng như đối với mức phạt của cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

6. Triển khai thi hành Luật đấu giá tài sản

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo kế hoạch, quý II/2017 sẽ hoàn thành tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến hoạt động đấu giá tài sản; xây dựng báo cáo kết quả rà soát và đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật.

Xây dựng 7 văn bản quy định chi tiết Luật; sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để đảm bảo phù hợp với Luật. Trong đó, Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì xây dựng Nghị định quy định chi tiết việc thẩm định giá khởi điểm của khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu và việc thành lập Hội đồng đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đối với khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có giá trị lớn. Bộ Tài chính chủ trì xây dựng thông tư hướng dẫn chế độ tài chính trong hoạt động đấu giá tài sản.

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp sẽ chủ trì xây dựng và vận hành trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản. Việc xây dựng trang thông tin điện tử phải hoàn thành vào Quý IV năm 2017.

7. Phó Thủ tướng chỉ đạo chỉnh sửa bất hợp lý trong thu phí trạm Bến Thủy

Trạm thu phí Bến Thủy.
Trạm thu phí Bến Thủy.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn giao thông tại khu vực trạm thu phí cầu Bến Thủy, tỉnh Hà Tĩnh.

Phó Thủ tướng phê bình các cơ quan chức năng đã không giải quyết dứt điểm kiến nghị của người dân, làm kéo dài tình trạng mất an ninh, trật tự và an toàn giao thông khu vực trạm thu phí Bến Thủy 1 và Bến Thủy 2, tỉnh Hà Tĩnh.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1504/VPCP-CNngày 21/2/2017; đồng thời rà soát lại hết các bất hợp lý để kịp thời chỉnh sửa, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 10/4/2017.

8. Phát triển đồng bộ các phương thức vận tải

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thủ tướng yêu cầu phát triển đồng bộ các phương thức vận tải, trong đó tập trung phát triển vận tải thủy nội địa, các tuyến vận tải thủy ven biển; đẩy mạnh vận tải đa phương thức.

Bộ Giao thông vận tải cần tập trung phát huy truyền thống "đi trước mở đường", tính sáng tạo của Ngành để có các giải pháp phát triển giao thông vận tải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; tiếp tục tập trung thực hiện Chiến lược phát triển giao thông vận tải, Nghị quyết số 13-NQ/TW.

Đồng thời huy động chủ yếu nguồn lực từ xã hội để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải. Nhà nước tạo cơ chế, chính sách và một phần vốn để hỗ trợ (dựa trên quan điểm "vốn mồi") tăng tính khả thi của dự án để khuyến khích các nhà đầu tư (kể cả các công trình giảm ùn tắc và tai nạn giao thông); sắp xếp thứ tự ưu tiên để đầu tư có hiệu quả; mọi cấp, mọi ngành tìm kiếm nguồn vốn cho đầu tư phát triển, kể cả nguồn thu từ cổ phần hóa, cho thuê, chuyển nhượng hạ tầng...; tập trung nghiên cứu đầu tư các công trình hưởng lợi cho nhiều người, như các tuyến Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đường ven biển và các phương thức vận tải khác như đường sắt, đường thủy nội địa.

9. Tạo ra cuộc cách mạng về chất cho hạt gạo Việt

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chỉ đạo trên của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc được nêu trong Thông báo số 180/TB-VPCP.

Nước ta có tiềm năng lợi thế lớn về sản xuất lúa gạo, nhất là tại đồng bằng sông Cửu Long. Lúa gạo có vai trò không thể thay thế của nông nghiệp Việt Nam và cây lúa vẫn sẽ là sinh kế quan trọng của đa số nông dân. Phát triển sản xuất lúa gạo ở Việt Nam, đặc biệt vùng đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục được khẳng định trong an ninh lương thực tầm quốc gia và quốc tế. Đây là một nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách vừa mang tính chiến lược lâu dài.

Để lúa gạo đem lại giá trị gia tăng tốt nhất dựa trên việc đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn về dinh dưỡng và dược liệu. Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục đổi mới, với tư duy kiến tạo, toàn diện, từ nền tảng thể chế, chính sách, pháp luật đến cấu trúc vận hành, phương thức quản trị và công nghệ sản xuất lúa gạo; tạo ra cuộc cách mạng về chất, một tầm nhìn mới, đi kèm với hoạch định chiến lược, phù hợp với xu thế toàn cầu hóa để gạo Việt Nam đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng ở Châu Á và thế giới, từ đó đem lại giá trị gia tăng cao hơn cho người trồng lúa và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo.

10.Tăng cường quản lý đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 3/4/2017 về việc tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Chỉ thị nêu rõ, thời gian qua các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã quan tâm triển khai đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây mới công sở; một số địa phương đã triển khai thủ tục và thực hiện đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung nhằm đáp ứng yêu cầu hoạt động, cải thiện điều kiện làm việc, tạo điều kiện thuận lợi trong việc phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp; góp phần chỉnh trang đô thị.

Tuy nhiên, trong công tác đầu tư xây dựng công sở và khu hành chính tập trung còn có một số tồn tại, hạn chế: Một số dự án đầu tư chưa phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương; việc xử lý, sắp xếp các trụ sở cũ và huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước để tạo nguồn vốn đầu tư chưa hiệu quả; quy mô đầu tư chưa phù hợp với các tiêu chuẩn, định mức sử dụng theo quy định, gây lãng phí.

Thái Bình

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới