Người Việt đầu tiên ứng cử chức Tổng Giám đốc UNESCO có gì đặc biệt?

Đại sứ Phạm Sanh Châu - ứng cử viên cho chức vụ Tổng Giám đốc UNESCO - được biết đến là người có công đưa di sản Việt Nam ra thế giới.
Đại sứ Phạm Sanh Châu - Người Việt Nam đầu tiên thi làm Tổng Giám đốc UNESCO
Thông tin đại diện của Việt Nam – ông Phạm Sanh Châu (Vụ trưởng Vụ Văn hóa và UNESCO thuộc Bộ Ngoại giao) được đề cử làm ứng viên cho chức danh Tổng giám đốc nhiệm kỳ 2017 - 2021 của UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc) hiện được dư luận vô cùng quan tâm. Lần đầu tiên một nhà ngoại giao của Việt Nam ứng cử chức danh này.
Đại sứ Phạm Sanh Châu (bên trái). (Nguồn ảnh trên trang Facebook đại sứ Pham Sanh Chau). 
Đại sứ Phạm Sanh Châu (bên trái). (Nguồn ảnh trên trang Facebook đại sứ Pham Sanh Chau). 
Sau cuộc phỏng vấn kéo dài 90 phút chiều 27/4 tại Paris (Pháp), Đại sứ Phạm Sanh Châu thông báo ông đã xuất sắc lọt vào vòng 3 cho cuộc tranh cử.
Ngày 28/4/2017, đại sứ chia sẻ sẽ tiếp tục tham gia vòng thi phụ: trình bày cương lĩnh tranh cử bằng tiếng Pháp trước 70 nước thành viên nhóm Pháp ngữ. 
Tranh cử vị trí tổng giám đốc UNESCO lần này có 9 ứng cử viên trên toàn thế giới. Quá trình phỏng vấn lần lượt từng ứng viên diễn ra trong hai ngày 26-27/4, trong đó ông Phạm Sanh Châu là người thứ 6 bước vào cuộc thi.
Cuộc bỏ phiếu kín bầu tân tổng giám đốc UNESCO sẽ được tiến hành đợt 1 (gồm 5 vòng) vào tháng 10/2017 tại Hội đồng Chấp hành UNESCO và đợt 2 vào tháng 11/2017, tại Đại hội đồng UNESCO. Nhiệm kỳ của tổng Giám đốc UNESCO kéo dài 4 năm. Tổng giám đốc UNESCO sẽ quản lý ngân sách 676 triệu USD, 2.500 nhân sự thuộc 200 quốc tịch và gần 70 văn phòng, trung tâm thuộc UNESCO.
Phạm Sanh Châu - nhà ngoại giao văn hóa tâm huyết
Đại sứ Phạm Sanh Châu sinh ngày 19/9/1961 tại Myanmar, nguyên quán tại xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.  Ông là con của Đại sứ Phạm Ngọc Quế, Tổng lãnh sự đầu tiên của Việt Nam tại Sri Lanka. Ông sử dụng thành thạo tiếng Anh, tiếng Pháp và từng là phiên dịch cho nhiều lãnh đạo cấp cao của Việt Nam trong giai đoạn 1986-1996.
Ngày 14/11/2016, ông được bổ nhiệm là Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Cũng trong năm 2016, ông Phạm Sanh Châu được bổ nhiệm là Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về các vấn đề UNESCO.
Ông Phạm Sanh Châu bắt đầu sự nghiệp ngoại giao từ năm 1983 với trách nhiệm theo dõi các hoạt động chung của Liên hợp quốc và vấn đề về nhân quyền. Ông được Nhà nước Việt Nam cử làm Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, Đại Công quốc Lúc-xăm-bua và Trưởng đoàn Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu (2011-2014).
Năm 1999-2003, ông là người trẻ tuổi nhất được bổ nhiệm làm Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Thường trực nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bên cạnh UNESCO, Paris, Cộng hòa Pháp, đồng thời, được Nhà nước Việt Nam cử làm Đại diện của Chủ tịch nước Việt Nam tại Cộng đồng Pháp ngữ (2000-2003).
Đại sứ Phạm Sanh Châu từng tham gia soạn thảo Công ước 2003 về di sản văn hóa phi vật thể, làm Phó chủ tịch Hội đồng chấp hành UNESCO năm 2001 và Chủ tịch nhóm soạn thảo Công ước 2005 về đa dạng biểu đạt văn hóa.
Từng là Chủ tịch nhóm các Đại sứ khu vực Châu Á-Thái Bình Dương tại UNESCO (2002), ông tham gia điều phối quan hệ giữa các quốc gia thành viên với tổ chức UNESCO và góp phần tạo đồng thuận để triển khai trên thực tế các ý tưởng của UNESCO.
Đại sứ Phạm Sanh Châu được biết đến là người có công đưa di sản Việt Nam ra thế giới. Ông cũng chính là người đã có công đóng góp để Việt Nam có được 6 Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới. Đại sứ cũng là người có đóng góp lớn trong hành trình đưa Phong Nha - Kẻ Bàng trở thành di sản thiên nhiên của thế giới. Ông là người đề xuất ý tưởng cho chuyến thám hiểm hang Sơn Đoòng với sự tham gia của đoàn Đại sứ các nước vào năm 2016.
Dự án "Ngoại giao văn hóa Việt bằng tranh", với hình thức quảng bá văn hóa đất nước ta ra thế giới bằng cách giới thiệu tranh của các họa sĩ Việt tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng là ý tưởng của đại sứ.
Ông Phạm Sanh Châu cùng Đại sứ các nước chinh phục Sơn Đoòng. (Ảnh trên trang Facebook cá nhân Đại sứ ).
Ông Phạm Sanh Châu cùng Đại sứ các nước chinh phục Sơn Đoòng. (Ảnh trên trang Facebook cá nhân Đại sứ ).
Từ năm 2007 đến 2011 và từ 2014 đến 2016, ông đồng thời giữ chức vụ Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Vụ trưởng, Vụ Văn hóa Đối ngoại và UNESCO, Bộ Ngoại giao. Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam là cơ quan điều phối của 6 Bộ, ngành: Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Khoa học Công nghệ và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ông Phạm Sanh Châu là chuyên gia về di sản của Việt Nam, trực tiếp tham gia xây dựng các hồ sơ di sản.
Ông vừa là nhà quản lý của Việt Nam trong các lĩnh vực của UNESCO, vừa là người truyền bá, trực tiếp giảng dạy, góp phần đưa các ý tưởng lớn của UNESCO về giáo dục, khoa học, thông tin như xóa mù chữ, học tập suốt đời, xã hội học tập, thúc đẩy bình đẳng giới, chung tay vì di sản, mô hình tăng trưởng xanh... vào thực tiễn ở Việt Nam.

Theo Kinthuc.net.vn

TIN LIÊN QUAN

Tin mới