Những nhân chứng sống của chiến thắng lịch sử 30/4

Trong các câu chuyện của nhân chứng, có thanh niên xung phong bị bom vùi lấp, anh em bới lên rồi ngồi nghỉ một lúc rồi lại tiếp tục làm nhiệm vụ

Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, đại thắng mùa Xuân năm 1975 là một trong những chiến công chói lọi nhất, thu non sông về một mối. Nhưng để có được cuộc sống hòa bình như ngày hôm nay, biết bao người con của dân tộc Việt Nam đã hy sinh tuổi thanh xuân và cả xương máu của mình.

Câu chuyện của những người trong cuộc luôn được coi là những tư liệu lịch sử sinh động nhất, chân thật nhất. Lật giở lại những bức ảnh chụp cùng đồng đội năm xưa, ký ức về cuộc chiến hào hùng như những thước phim quay chậm hiện ra trước mắt người cựu chiến binh Bùi Ngọc Chiến (ở quận Đống Đa, Hà Nội).

Chiến sĩ Bàng Nguyên Thất (bìa phải) áp giải Dương Văn Minh ra Đài phát thanh để đọc lời tuyên bố đầu hàng. (Ảnh tư liệu)
Chiến sĩ Bàng Nguyên Thất (bìa phải) áp giải Dương Văn Minh ra Đài phát thanh để đọc lời tuyên bố đầu hàng. (Ảnh tư liệu)

Ngày ấy, khi cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc đang bước vào giai đoạn ác liệt nhất, tháng 7/1966, cũng như hàng triệu thanh niên khác, chàng thanh niên mới vừa tròn 18 tuổi Bùi Ngọc Chiến đã xếp bút nghiên, đăng ký lên đường nhập ngũ và vào chiến trường miền Nam để chiến đấu.

Ông Chiến kể rằng, “Đi B” không chỉ là khát khao của mọi lớp thế hệ, mà còn là niềm kiêu hãnh của cán bộ, chiến sĩ vì sự sống còn của Tổ quốc trong bối cảnh hai miền Nam - Bắc còn chia cắt.

Tiểu đoàn hơn 600 người tập luyện ở thị trấn Chi Nê, huyện Lạc Thủy, Hòa Bình, ngày ngày, ai cũng phải vác chiếc ba lô nặng trịch mang đầy gạch để mà hành quân qua các địa hình rừng núi, sông suối giả định, đi xuyên đêm... 

Sau 3 tháng tập luyện, tiểu đoàn lên đường hành quân qua dãy Trường Sơn đi vào chiến đấu tại chiến trường Quảng Ngãi. Hành trình gian nan ấy, cùng với hành trang của người lính còn là lòng quyết tâm sẽ đánh thắng giặc Mỹ để đất nước thống nhất, nhà nhà được sum vầy.

Ông Bùi Ngọc Chiến kể: “Chúng tôi hành quân một tiểu đoàn từ ngoài này vào hơn 600 đồng chí. Nhưng mà bất thường đơn vị đặc công của Nông trường 3 lên tuyển chọn 12 người bổ sung cho đơn vị đặc công. Chiến đấu của đặc công rất căng thẳng vì khi đánh nhau đặc công bao giờ cũng là đánh điểm, tức là phải vào chính tâm điểm của trận ấy còn bộ binh thì phối hợp đánh bên ngoài. Quan trọng nhất là làm sao bộ binh giữ được bí mật cho đặc công vào tiếp cận được tâm điểm ấy”.

Cựu chiến binh Bùi Ngọc Chiến, ở quận Đống Đa, Hà Nội.
Cựu chiến binh Bùi Ngọc Chiến, ở quận Đống Đa, Hà Nội.

Luôn kề vai sát cánh cùng quân đội trong kháng chiến là lực lượng thanh niên xung phong. Hàng vạn chàng trai, cô gái thanh niên xung phong ngày ấy mới 18 đôi mươi, nhưng đã mang trong mình tinh thần quyết tâm “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

Vinh dự là đứng trong hàng ngũ đó, bà Nguyễn Thị Bích Liên, nhớ lại: Vừa tròn 17 tuổi, ở miền quê lúa Thái Bình, bà hăng hái lên đường gia nhập đội thanh niên xung phong.

Đội thanh niên xung phong của bà rời quê hương hành quân vào Trường Sơn, ròng rã suốt hơn tháng trời, đêm đi ngày nghỉ để tránh máy bay giặc phát hiện. Trong những tháng ngày gian khó ấy, những người nữ thanh niên xung phong vẫn luôn luôn lạc quan. Đội văn nghệ xung kích của Ban Xây dựng 67 được thành lập gồm 20 người. Một thời gian sau, Đội được sáp nhập vào Đội văn công của Bộ Giao thông Vận tải thành Đoàn văn công “Tiếng hát át tiếng bom”.

Và bà Liên chính là một trong những hạt nhân tích cực nhất trong Đội, tham gia miệt mài với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ. Ngày làm văn công, đảm bảo giao thông chiến hào, tối trở thành cô giáo dạy chữ…

Bà Nguyễn Thị Bích Liên chia sẻ: “Có hôm chúng tôi bị bom vùi lấp, anh em bới lên rồi ngồi nghỉ một lúc chúng tôi lại tiếp tục làm nhiệm vụ. Lúc bấy giờ lý tưởng cao cả lắm, có cái gì đấy thôi thúc ghê gớm lắm. Những bài hát ví dụ như “Cô gái mở đường”, “Trên đỉnh Trường Sơn”… cứ hát lên là thấy khí thế hào hùng, không bao giờ nghĩ đến cái chết, mình cứ đi làm, hoàn thành nhiệm vụ trên yêu cầu để cho đoàn xe chở hàng đi phía trước được nhiều thì mình thấy phấn khởi”.

Trong hành trình đấu tranh giải phóng dân tộc, thời khắc khiến những người được chứng kiến không thể nào quên là ngày 30/4/1975, ông Bàng Nguyên Thất - Trung đoàn Bộ binh 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 – chiến sĩ trực tiếp áp giải Tổng thống Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu tuyên bố đầu hàng quân giải phóng tại Dinh Độc Lập.

Ông Thất xúc động nhớ lại, ngày 26/4/1975, tại rừng cao su Long Khánh toàn Trung đoàn bộ binh 66 được phổ biến kế hoạch, chuẩn bị tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh.

Sau khi đánh chiếm được căn cứ Nước Trong, trường Thiết giáp huấn luyện quân thiết giáp tinh nhuệ của quân địch án ngữ ngay cửa ngõ vào Sài Gòn, rạng sáng 30/4/1975, Trung đoàn bộ binh 66 được giao là mũi chủ công cùng với Lữ đoàn xe tăng 203, quân đoàn 2, tiến thẳng theo xa lộ Biên hòa vào Sài Gòn.

Trên đường tiến vào Sài Gòn, địch nhiều lần chặn đánh, chống trả quyết liệt nhưng nhanh chóng bị lực lượng quân giải phóng vô hiệu hóa cho đến ổ đề kháng cuối cùng.

Khoảng 9 giờ 30 phút, sau khi chiếc xe tăng thứ 2 húc tan cổng chính, cả đoàn quân bộ binh đi tiến thẳng vào tiền sảnh Dinh Độc lập. Trước thế chủ động của quân giải phóng, Tổng thống Dương Văn Minh, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu cùng toàn bộ Nội các của chính quyền Sài Gòn bị tước vũ khí và yêu cầu đầu hàng vô điều kiện.

Ông Bàng Nguyên Thất kể: “Với mục đích, tránh giao tranh của hai quân đội cũng như đồng bào, đồng chí cả nước, sau khi hội ý chợp nhoáng, đồng chí Phạm Xuân Thệ phải đưa Tổng thống Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu ra đài phát thanh để tuyên bố đầu hàng.

Việc tôi và toàn bộ ê kíp thọc sâu của quân đoàn 2, mà Trung đoàn bộ binh 66 làm nhiệm vụ, vinh dự và tự hào có mặt trong giờ phút lịch sử ngày 30/4/1975, những ký ức đó tôi không bao giờ quên. Mặc dù có những đồng đội, đến giờ phút chiến thắng mà còn hy sinh”./.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN

Tin mới