Quế Phong: Nhiều hộ nghèo do tư tưởng trông chờ, ỷ lại

(Baonghean.vn) - Tư tưởng trông chờ, ỷ lại; hộ có người mắc tệ nạn ma túy và thiếu sức lao động vì già cả đang là nguyên nhân tỷ lệ nghèo cao ở các xã Tiền Phong và Quế Sơn (Quế Phong). 

Theo ông Sầm Việt Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Tiền Phong (Quế Phong): Một số hộ vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại; người mắc tệ nạn ma túy và thiếu sức lao động do già cả là nguyên nhân tỷ lệ nghèo cao. Đây cũng là vấn đề được nêu với đoàn công tác của HĐND tỉnh theo chương trình giám sát việc thực hiện chương trình quốc gia giảm nghèo bền vững tại huyện Quế Phong sáng 13/4.

Đồng chí Hoàng Viết Đường - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát trao đổi với lãnh đạo UBND xã Tiền Phong (Quế Phong) về thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững tại địa phương. Ảnh: Mai Hoa
Đồng chí Hoàng Viết Đường - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát trao đổi với lãnh đạo UBND xã Tiền Phong (Quế Phong) về thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững tại địa phương. Ảnh: Mai Hoa

Đối với xã Tiền Phong - nơi có 4 dân tộc sinh sống (Thái, Kinh, Khơ mú, Thổ), những năm qua, thông qua các chính sách đối với huyện nghèo, vùng đồng bào dân tộc, xây dựng nông thôn mới..., cơ sở hạ tầng trên địa bàn được đầu tư khá đồng bộ về đường giao thông, điện, trường học, trụ sở làm việc của xã. Hiện cả 5 trường học đều đạt chuẩn Quốc gia; 23/25 bản có điện và hệ thống giao thông cơ bản...

Tuy nhiên, do địa hình phức tạp, hệ thống thủy lợi chưa đáp ứng, ảnh hưởng đến sản xuất lúa nước vào mùa nắng nóng. Có 2 bản Xốp Sành, Na Sành chưa có điện; đường vào 2 bản Xốp Sành và bản Củn còn lầy lội; 15 xóm chưa có nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng.

Về thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, địa phương đã triển khai tích cực như hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở; đào tạo nghề, xuất khẩu lao động; giao đất, giao rừng; xây dựng các mô hình kinh tế trồng mía, chăn nuôi lợn... Bình quân mỗi năm giảm 3 - 4% hộ nghèo. Mặc dù vậy, tỷ lệ hộ nghèo hiện còn cao, chiếm 40,5% và 25% hộ cận nghèo; vẫn còn hộ tái nghèo hàng năm. Cả xã đang còn 100 hộ đang ở nhà tạm bợ.

Đoàn công tác của HĐND tỉnh tặng quà cho hộ nghèo tại bản Piêng Cu I, xã Tiền Phong (Quế Phong). Ảnh: Mai Hoa
Đoàn công tác của HĐND tỉnh tặng quà cho hộ nghèo tại bản Piêng Cu I, xã Tiền Phong (Quế Phong). Ảnh: Mai Hoa

Nguyên nhân của tình trạng này, theo ông Sầm Việt Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã, nhìn chung người nghèo có ý thức vươn lên thoát nghèo, nhưng vẫn còn hộ nghèo do thiếu sức lao động vì tuổi già, sức yếu; một số hộ vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại và một số hộ có người mắc tệ nạn ma túy.

Còn xã Quế Sơn, công tác giảm nghèo được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương, bởi vậy ngoài chủ trương, chính sách chung của cấp trên, xã cũng ban hành một số chính sách riêng. Đồng thời phân công cho các tổ chức, đoàn thể trong hệ thống chính trị và các đơn vị đóng chân trên địa bàn xã giúp đỡ các hộ gia đình thoát nghèo; tạo điều kiện cho các hộ gia đình xây dựng các mô hình, phát triển kinh tế.

Trên địa bàn xã hiện có nhiều mô hình kinh tế phát triển theo hướng hàng hóa cung cấp cho thực phẩm cho cả huyện, như đậu cô ve, dưa chuột, bí xanh; cá, vịt, gà, lợn.... Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo thấp hơn, chiếm 22,27% và 25% hộ cận nghèo, tuy nhiên theo ông Nguyễn Hồng Châu - Chủ tịch UBND xã, có nhiều hộ nghèo sẽ rất khó thoát nghèo, đơn cử có hộ gia đình, bố mẹ chết, giờ chỉ có 1 bà nội già nuôi 4 cháu nhỏ. Số hộ nghèo đang ở trong nhà tạm còn có 60 hộ.

Đoàn công tác của HĐND tỉnh khảo sát mô hình kinh tế có quy mô 1.000 con vịt đẻ; 30 con lợn thịt và 1 ha diện tích nuôi cá của gia đình ông Hồ Đình Châu, xóm Hải Lâm, xã Quế Sơn. Ảnh: Mai Hoa
Đoàn công tác của HĐND tỉnh khảo sát mô hình kinh tế có quy mô 1.000 con vịt đẻ; 30 con lợn thịt và 1 ha diện tích nuôi cá của gia đình ông Hồ Đình Châu, xóm Hải Lâm, xã Quế Sơn. Ảnh: Mai Hoa

Trên cơ sở khảo sát thực tế và làm việc với lãnh đạo 2 xã Tiền Phong và Quế Sơn, thay mặt đoàn công tác, đồng chí Hoàng Viết Đường - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị, bên cạnh vận hành các chủ trương về giảm nghèo của cấp trên, các địa phương cần ban hành chủ trương, chính sách riêng, sát với tình hình của địa phương.

Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý chí thoát nghèo cho người dân; chăm lo xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất, đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân; tăng cường đào tạo nghề, hỗ trợ xuất khẩu lao động. Gắn với đó, phối hợp với các cấp, ngành, tổ chức giải quyết đất sản xuất cho người dân; hỗ trợ xóa nhà ở tạm bợ....

Mai Hoa

TIN LIÊN QUAN

Tin mới