Trưởng Ban Nội chính Trung ương: Tăng cường 'cho cần câu', giảm 'cho con cá'

(Baonghean.vn) - Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cho biết, tiến tới Chính phủ tăng cường “cho cần câu”, giảm “cho con cá”, tức là tăng hỗ trợ gián tiếp, giảm hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo.

Sau khi nghe đại diện ĐBQH tỉnh thông báo lịch làm việc của kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XIV, và hoạt động của đoàn ĐBQH Nghệ An, cử tri bày tỏ sự tin tưởng, nhất trí cao trước những đổi mới của Quốc hội, Chính phủ; đồng thời kiến nghị nhiều vấn đề quan tâm.

Ông Phan Đình Trạc - Uỷ viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương cùng đại biểu Quốc hội tổ bầu cử số 2 tiếp xúc cử tri tại Quỳ Châu. Ảnh: Mỹ Nga
Ông Phan Đình Trạc - Uỷ viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương cùng đại biểu Quốc hội tổ bầu cử số 2 tiếp xúc cử tri tại Quỳ Châu. Ảnh: Mỹ Nga
Chiều 20/4, ông Phan Đình Trạc - Uỷ viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương cùng các đại biểu thuộc tổ bầu cử số 2 có buổi tiếp xúc cử trí tại cụm xã Châu Hội-Châu Bình-Châu Nga, huyện Quỳ Châu.

Đối với người dân miền núi, đời sống kinh tế chủ yếu dựa vào rừng. Nhưng việc giao đất, giao rừng cho bà con nhân dân đang gặp rất nhiều khó khăn.

Các cử tri cho rằng, trên thực tế người dân phát rừng cũng chỉ vì mục đích mưu sinh. Trong khi Nhà nước có chủ trương giao đất giao rừng cho người dân, nhưng người dân vẫn chưa được hưởng đủ chế độ chính sách.

Cử tri Lữ Quang Việt, Chủ tịch Mặt trận tổ quốc xã Châu Nga kiến nghị, cần đẩy nhanh thực hiện chính sách giao đất giao rừng cho người dân.

Trưởng phòng NN&PTNT UBND huyện Quỳ Châu Lê Hải Lý đề nghị Quốc hội xem xét lại Luật bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là chủ thể quản lý. Ví như ở Quỳ Châu, chủ thể quản lý quá nhiều, nhưng hiệu quả bảo vệ rừng quá thấp.

Thêm vào đó, chi trả dịch vụ môi trường rừng là chính sách mới nhưng quá trình triển khai gặp không ít khó khăn, phức tạp. Cử tri cho rằng, mức chi trả thấp, trong khi thủ tục làm hồ sơ để nhận hỗ trợ thì quá rườm rà, phức tạp.

Do đó, cử tri cũng đề nghị Chính phủ tăng phí trả dịch vụ môi trường rừng cũng như có những chính sách hỗ trợ hợp lý nhằm tạo động lực cho nhân dân, đòn bẩy đưa công tác bảo vệ rừng đạt kết quả tốt.

Cử tri Lê Hải Lý tham gia kiến nghị về việc xem xét lại Luật bảo vệ và phát triển rừng. Ảnh: Mỹ Nga.
Cử tri Lê Hải Lý tham gia kiến nghị về việc xem xét lại Luật bảo vệ và phát triển rừng. Ảnh: Mỹ Nga

Đề cập đến công tác xoá đói giảm nghèo, cử tri Kim Văn Duyên (xã Châu Bình) bày tỏ lo ngại rằng, Chính phủ có rất nhiều chương trình hỗ trợ cho người nghèo, nhưng đến nay dường như không còn phát huy hiệu quả.

Nguyên nhân ở chỗ, người dân miền núi luôn có tâm lý “trông chờ ỷ lại” vào các chế độ chính sách mà không tự biết vươn lên, tự tăng gia sản xuất. 

Cử tri Quỳ Châu còn kiến nghị một số vấn đề như: hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả từ trận lũ quét lịch sử vào tháng 9/2014; hỗ trợ xây dựng nông thôn mới; giải quyết chính sách cho người có công với cách mạng; bố trí khu tái định cư cho nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng trực tiếp từ thuỷ điện bản Mồng đến nơi ở ổn định; trả lưới điện cho người dân.

Liên quan đến những chính sách cho người dân trồng rừng, ông Phan Đình Trạc cho biết, đây là một trong những vấn đề nổi cộm hiện nay tại vùng miền núi trên toàn quốc. Ông cũng chia sẻ với khó khăn của nhân dân khi chính sách vẫn chưa thực sự tạo cho người dân sống dựa vào rừng có cuộc sống ổn định, phát triển, dẫn đến tình trạng phá rừng.

Do đó, Trưởng Ban Nội chính Trung ương đề nghị, đối với người dân, rừng chính là nguồn sống, khi có “sự phá rào” đều phải nhìn nhận một cách bình tĩnh, nhìn nhận thấu đáo vấn đề, không nên rập khuôn những quy định để đưa vào thực tế một cách cứng nhắc, khiến nhân dân chịu thiệt thòi.

Khai thác rừng trồng ở huyện Quỳ Châu. Ảnh tư liệu
Khai thác rừng trồng ở huyện Quỳ Châu. Ảnh tư liệu

Ông cũng cho biết, kỳ họp thứ 3 này, Quốc hội sẽ tiến hành lấy ý kiến sửa đổi Luật bảo vệ và phát triển rừng. Ông mong muốn nhân dân Quỳ Châu từ thực tiễn vướng mắc của cuộc sống người làm rừng, tham gia góp phần xây dựng Luật bảo vệ rừng chặt chẽ, đầy đủ hơn, để cuộc sống “gắn với rừng” trở nên tốt đẹp hơn. 

Về vấn đề xoá đói gỉảm nghèo cho người dân miền núi, Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết, hàng năm Chính phủ đều có chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, với mục đích "cho con cá, cho cần câu”.

Ông đề nghị, nhân dân không nên lạm dụng những chính sách để có tâm lý ỷ lại. Tiến tới, Chính phủ tăng cường “cho cần câu”, giảm “cho con cá”, tức là tăng hỗ trợ gián tiếp, giảm hỗ trợ trực tiếp, với mong muốn người dân phải biết sử dụng kinh phí hỗ trợ để làm ăn, phát triển kinh tế từ nội lực, nhằm thay đổi cuộc sống của chính bản thân và tham gia xây dựng đời sống xã hội ngày một tốt hơn.

Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc bày tỏ mong muốn lãnh đạo và nhân dân Quỳ Châu phấn đấu, quyết tâm đưa Quỳ Châu trở thành một huyện khá của tỉnh./.

Mỹ Nga

TIN LIÊN QUAN

Tin mới