Cần tách bạch hoạt động quản lý nhà nước với hoạt động doanh nghiệp kinh doanh đường sắt

(Baonghean.vn)- Đó là ý kiến của đại biểu Trần Văn Mão - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An tại phiên thảo luận tại hội trường (kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV) về dự thảo Luật đường sắt sửa đổi diễn ra vào sáng 30/5

Theo đại biểu Trần Văn Mão, trách nhiệm quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt tại điều 21 của Luật nên giao cho Tổng công ty đường sắt Việt Nam thực hiện nhằm đảm bảo tính chủ động, phù hợp với cơ chế tự chủ của doanh nghiệp công ích. Đồng thời tách bạch giữa hoạt động quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải và UBND cấp tỉnh với hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh đường sắt. Tránh sự xáo trộn về chính sách, làm phát sinh bộ máy quản lý nhà nước cũng như tác động đến doanh nghiệp nhà nước trong thực hiện việc bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt.

Về biểu đồ chạy tàu, đại biểu Trần Văn Mão cho rằng: các quy định như trên dự thảo luật còn chồng chéo, mâu thuẫn và chưa thống nhất. Chẳng hạn như, tại khoản 4 điều 43 quy định: doanh nghiệp xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt công bố biểu đồ chạy tàu trên tuyến đường sắt của mình quản lý, trong khi đó tại khoản 3 điều 4 về nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đường sắt lại quy định: Điều hành thống nhất tập trung hoạt động giao thông vận tải đường sắt.

Đại biểu Trần Văn Mão- Phó trưởng đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Nghệ An phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường sáng 30/5. Ảnh: Thanh Loan
Đại biểu Trần Văn Mão - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường sáng 30/5. Ảnh: Thanh Loan

Bên cạnh đó, tại điểm D khoản 2 điều 51 quy định về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt lại nêu rõ: tổ chức điều hành giao thông vận tải đường sắt theo hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị khi được nhà nước giao… “Để tránh dẫn đến các tai nạn giao thông đường sắt và phát sinh thêm thủ tục hành chính, đề nghị dự thảo luật quy định rõ việc xây dựng, quản lý biểu đồ chạy tàu cho một doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia thực hiện thống nhất, giảm thủ tục hành chính”, đại biểu Trần Văn Mão bày tỏ.

Liên quan đến các hành vi về các hành vi bị cấm trong hoạt động đường sắt, đại biểu Trần Văn Mão đề nghị bổ sung khoản quy định về “Dừng, đỗ trái phép phương tiện giao thông đường bộ trên đường sắt, trong phạm vi khổ giới hạn an toàn đường sắt, dừng, đỗ, neo đậu trái phép phương tiện giao thông đường thủy trong phạm vi bảo vệ công trình cầu đường sắt…". Bởi “trong thực tế có nhiều phương tiện giao thông khác đã đỗ sát với đường sắt vi phạm hành lang an toàn chạy tàu,  một số tàu thuyền neo đậu sát với mố cầu đường sắt rất dễ xảy ra va đập gây sập cầu tương tự như vụ sập Cầu Gềnh năm 2016 vừa qua”, đại biểu này lí giải.

Bên cạnh đó đại biểu Trần Văn Mão cũng đề nghị cần bổ sung sửa đổi các quy định liên quan để làm rõ hơn trách nhiệm của tập thể, cá nhân nhất là trưởng tàu, phụ lái và nhân viên trong trường hợp xảy ra tai nạn đường sắt.

Về chính sách hỗ trợ vận tải đường sắt, tại khoản 4, điều 73 dự thảo Luật đường sắt sửa đổi quy định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh: “ Ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách hỗ trợ giá vận tải đường sắt đô thị”. Đại biểu Trần Văn Mão đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ ràng, cụ thể hơn như trường hợp nào thì UBND tỉnh ban hành, trường hợp nào thì trình cấp có thẩm quyền ban hành?.

Mặt khác tại khoản H điểm 8 điều 30 của Luật Ngân sách nhà nước (bắt đầu có hiệu lực từ năm 2017) quy định HĐND tỉnh có nhiệm vụ, quyền hạn quyết định các chế độ chi ngân sách đối với một số nhiệm vụ chi có tính chất đặc thù ở địa phương. Ngoài các tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách do Chính phủ, Bộ Tài chính ban hành để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn phù hợp với khả năng cân đối ngân sách địa phương.

Đại biểu Trần Văn Mão cho rằng: Căn cứ quy định trên việc quyết định chi ngân sách đối với một số nhiệm vụ chi có tính chất đặc thù ở địa phương thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh. Vì vậy đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu chỉnh sửa lại để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật./.

Dự thảo Luật đường sắt trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này gồm 10 chương, 90 điều. Dự thảo có các quy định về tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường sắt đã được Thủ tướng Chính phủ  phê duyệt; các chính sách nhà nước về khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân đầu tư, kinh doanh đường sắt

Phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường sáng 30/5, các đại biểu Quốc hội cho rằng dự thảo cần quy định cụ thể về tỷ trọng đầu tư từ ngân sách nhà nước cho đường sắt, các định hướng thu hút vốn đầu tư phát triển hạ tầng đường sắt, thu hút các cơ chế đầu tư vào hoạt động đường sắt để người dân hưởng những dịch vụ tốt nhất do đường sắt mang lại, bổ sung các quy định cụ thể nhằm hạn chế tai nạn giao thông đường sắt…

Nhóm PV-CTV

TIN LIÊN QUAN

Tin mới