Chỉ đạo, điều hành nổi bật tuần qua của Chính phủ, Thủ tướng

(Baonghean.vn) - Thủ tướng chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp; Thủ tướng Chính phủ chỉ thị tăng cường phòng, chống xâm hại trẻ em; Danh mục hàng hóa phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập; Kiểm tra thực trạng tem truy xuất nguồn gốc;... là những chỉ đạo, điều hành nổi bật tuần qua của Chính phủ, Thủ tướng.

1. Thủ tướng chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan khẩn trương nghiên cứu, xây dựng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp để kịp thời giải quyết các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp về việc vẫn còn có quá nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra trong cùng một năm; tạo điều kiện hỗ trợ, phát triển và bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp; báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 17/5/2017.

Thủ tướng Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Kiểm toán Nhà nước rà soát để sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi các quy định trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra, kiểm toán; không để xảy ra sự chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán gây phiền hà, khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trong quý II/2017.

2. Thủ tướng Chính phủ chỉ thị tăng cường phòng, chống xâm hại trẻ em

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Để tăng cường giải pháp phòng, chống và xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em, giảm tối đa các tổn hại và bảo đảm quyền, lợi ích của trẻ em, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đôn đốc, kiểm tra các bộ, ngành, địa phương thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ trẻ em.

Đặc biệt là việc phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em và kịp thời can thiệp, hỗ trợ cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội tổ chức thực hiện tốt quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.

3. Danh mục hàng hóa phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Từ ngày 1/7/2017 các hàng hóa sau nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập gồm: Thuốc lá điếu, xì gà và chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm (mã hàng 2401, 2402, 2403); rượu (mã hàng 2204, 2205, 2206, 2207, 2208); bia; xe ô tô chở người dưới 16 chỗ ngồi; tàu bay, du thuyền; xăng các loại; điều hoà nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống; hàng hóa phải kiểm dịch động vật, hàng hóa phải kiểm dịch thủy sản theo Danh mục do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định; phế liệu theo Danh mục do Thủ tướng Chính phủ quy định ...

Quyết định nêu rõ, hàng hóa không thuộc Danh mục trên được làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập hoặc các địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu nhập theo quy định của Luật hải quan, Nghị định số 8/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015 của Chính phủ. Trường hợp hàng hóa có nhiều chủng loại (thuộc Danh mục và không thuộc Danh mục), chung vận đơn thì phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập. 

4. Kiểm tra thực trạng tem truy xuất nguồn gốc

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Văn phòng Chính phủ đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra thực trạng tem truy xuất nguồn gốc.

Trước đó, báo Tiền phong ngày 13/4/2017 phản ánh việc các hợp tác xã, đơn vị kinh doanh rau củ quả tại Thành phố Hồ Chí Minh nêu thực trạng tem truy xuất nguồn gốc là do các Hợp tác xã và siêu thị tự in ấn, dán nhãn, kiểm tra...; có nơi phải in nhiều loại tem theo yêu cầu của doanh nghiệp, siêu thị; dẫn đến người tiêu dùng lo lắng trước nhiều loại tem truy xuất nguồn gốc. 

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra vấn đề này, gửi báo cáo về Văn phòng Chính phủ trong tháng 5/2017 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

5. Lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội 4,8%/năm

Ảnh minh h ọa.
Ảnh minh họa.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 630/QĐ-TTg về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Cụ thể, lãi suất cho vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội đối với các đối tượng quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội trong năm 2017 là 4,8%/năm (0,4%/tháng).

Định kỳ hàng năm, Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện sơ kết, đánh giá; đề xuất, kiến nghị điều chỉnh lãi suất cho phù hợp.

6. Giải quyết khiếu nại về đất đai của công dân

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đồng ý kết luận của Thanh tra Chính phủ và ý kiến của các cơ quan: UBND huyện Từ Liêm cưỡng chế thu hồi đất của gia đình ông Nguyễn Vinh Hòa nhưng không ban hành quyết định thu hồi đất và không bồi thường phần đất 1.582 m2 (thuộc thửa số 293 mà gia đình ông Nguyễn Vinh Hòa đủ điều kiện được bồi thường), chỉ hỗ trợ công tôn tạo đất là không đúng quy định của pháp luật.

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo UBND quận Nam Từ Liêm ban hành quyết định thu hồi thửa đất số 147, số 261 của gia đình ông Nguyễn Vinh Hòa; thực hiện bồi thường đối với các thửa đất này và phần đất 1.582 m2 thuộc thửa số 293 cho gia đình ông Nguyễn Vinh Hòa và hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm theo đúng quy định của pháp luật.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu UBND thành phố Hà Nội báo cáo các nội dung trên lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/8/2017.

7. Xây dựng các thiết chế công đoàn tại KCN, KCX

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Mục tiêu là đầu tư xây dựng nhà ở, nhà trẻ, siêu thị và các công trình văn hóa, thể thao tại các khu công nghiệp, khu chế xuất nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp hành động của các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội để tạo điều kiện nâng cao đời sống công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất và để tổ chức công đoàn nâng cao hơn nữa vị thế của mình trong các mối quan hệ chính trị giữa Đảng, chính quyền và công đoàn, đây cũng là phương thức để tập hợp và phát triển đoàn viên trong tình hình mới.

Đề án phấn đấu từ năm 2017 đến năm 2018 hoàn thành 10 thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; từ năm 2018 - 2020 hoàn thành và đưa vào sử dụng 40 thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Và  đến năm 2030, phấn đấu tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước đều có thiết chế của công đoàn, từ đó nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho đoàn viên và công nhân lao động bằng những việc làm cụ thể và thiết thực.

8. Ba định hướng phát triển ngành dược liệu Việt Nam

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Một là, phải nhìn nhận lại vai trò của dược liệu trong phạm vi quốc gia, từng địa phương và từng ngành, lĩnh vực, đặc biệt là ngành y tế để chú trọng phát triển. Phát triển công nghiệp dược với nguyên liệu là dược liệu trong nước phải là một chiến lược của ngành y tế.

Hai là, phát triển dược liệu phải gắn với nhu cầu thị trường, trước hết là đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu. Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện phát triển ngành dược liệu không đồng nghĩa với bao cấp đối với việc nuôi trồng, chế biến, sử dụng dược liệu. Phải đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ, tổ chức quản lý sản xuất theo chuỗi, chế biến sâu, bảo đảm chất lượng; tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn để phát triển các doanh nghiệp trong lĩnh vực dược liệu; đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm dược liệu.

Ba là, phải tổ chức lại ngành dược liệu trong tất cả các khâu, trong đó chú ý khâu sản xuất, chế biến, sử dụng; tiếp tục khuyến khích khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại.

9. Lập quy hoạch Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nghệ An

Quê ngoại Bác Hồ.
Quê ngoại Bác Hồ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý chủ trương giao UBND tỉnh Nghệ An chủ trì, lập Quy hoạch di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn.

Phó Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức thẩm định Nhiệm vụ quy hoạch và Đồ án Quy hoạch di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại quê hương, nay thuộc địa bàn xã Kim Liên và xã Nam Giang, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, nơi đến nay còn lưu giữ được không gian văn hóa, lịch sử và nhiều tài liệu, hiện vật gắn liền với tuổi thơ của Người, bao gồm 2 cụm di tích chính (cụm di tích tại quê nội - làng Sen, xã Kim Liên và Cụm di tích tại quê ngoại - làng Hoàng Trù, xã Kim Liên), với 14 di tích thành phần.

10. Rà soát lại việc bố trí trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình giao Bộ Giao thông vận tải tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát lại việc bố trí các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ trên toàn quốc, có phương án giải quyết thỏa đáng quyền và lợi ích của người dân khu vực lân cận các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ.

Đồng thời, phối hợp với Bộ Công an và UBND các địa phương có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng có hành vi cố ý gây rối an ninh trật tự và an toàn giao thông trên địa bàn.

Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng theo quy định tại Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg ngày 27/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, Bộ Giao thông vận tải đề xuất biện pháp xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thái Bình

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới