Nguồn vốn triển khai các dự án hỗ trợ sản xuất theo chương trình 135 và 30a còn chậm

(Baonghean.vn) - Đây là vấn đề được chỉ ra trong cuộc giám sát của Thường trực HĐND tỉnh với Sở NN&PTNT trong triển khai các dự án hỗ trợ sản xuất thuộc Chương trình 135 và 30a.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường chủ trì cuộc giám sát. Ảnh:Thành Duy
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường chủ trì cuộc giám sát. Ảnh:Thành Duy

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, giai đoạn 2012 -2015, Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình 135 có tổng vốn đầu tư thực hiện 114.850 triệu đồng và năm 2016 là 31.323 triệu đồng. Chương trình này thực hiện các hạng mục như: tập huấn và hỗ trợ các hoạt động khuyến nông, lâm,ngư; hỗ trợ mua giống cây trồng, vật nuôi, mua trang thiết bị máy móc, xây dựng mô hình sản xuất…

Chiều 5/5, Thường trực HĐND tỉnh làm việc với Sở NN&PTNT tỉnh về thực hiện chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Nghệ An từ năm 2012 -2016. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường chủ trì cuộc giám sát.

Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Lập, nguồn vốn thực hiện chương trình thông báo chậm làm ảnh hướng đến giao chỉ tiêu kế hoạch hàng năm.

“Thường đến cuối tháng 5 mới giao xong kế hoạch. Trong lúc sản xuất nông nghiệp mang tính thời vụ, cây con giống cấp vào những tháng cuối năm gặp rét sinh trưởng, phát triển kém”, ông Lập cho biết.

Còn việc thực hiện chương trình Hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế thuộc Chương trình 30a; tổng kinh phí thực hiện giai đoạn 2012 -2016 là hơn 256.562 triệu đồng với việc thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển rừng như: khoanh nuôi, bảo vệ rừng, hỗ trợ lần đầu giống cây lâm nghiệp, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất…

Tại cuộc làm việc các thành viên đoàn giám sát và đại diện Sở NN&PTNT cũng tập trung làm rõ những mặt khó khăn như nguồn lực đầu tư còn hạn chế. Ví dụ theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số mức hỗ trợ phát triển sản xuất, trong đó có mục hỗ trợ đến hai lần tiền mua giống gia cầm hoặc một lần tiền mua giống gia súc.

“Tuy nhiên, mức hỗ trợ không quá 10 triệu đồng/hộ, mức này đối với giống gia cầm là thực hiện được nhưng đối với giống trâu, bò khó thực hiện”, đại diện Sở NN&PTNT cho biết trong cuộc giám sát và đề nghị nghiên cứu tăng mức hỗ trợ lên 15 triệu đồng/hộ để các hộ dân nghèo có đủ khả năng thực hiện.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Tại cuộc làm việc, đoàn giám sát cũng tập trung làm rõ nguyên nhân việc nhân rộng các mô hình sản xuất còn ít, công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng cung cấp giống, nhất là giống vật nuôi đầu vào, trách nhiệm của cơ quan, địa phương liên quan…

Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường khẳng định ý nghĩa chương trình 135, 30a trong công tác xóa đói, giảm nghèo, trong đó Sở NN&PTNT có vai trò lớn trong hỗ trợ phát triển sản xuất; đồng thời đánh giá cao lãnh đạo Sở NN&PTNT và các ngành của Sở đã bám sát chặt chẽ, sâu sát thực tế và tham mưu cho tỉnh xây dựng các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo để triển khai trên địa bàn tỉnh kịp thời.

Người đứng đầu đoàn giám sát cũng đánh giá: Sở NN&PTNT cũng đã tham mưu thực hiện phân bổ, phân khai bố trí nguồn vốn các dự án thuộc Chương trình 135, 30a đảm bảo đúng đối tượng, mục đích, kịp thời trong điều kiện có thể; bám sát chỉ đạo thực hiện khá tốt vấn đề xây dựng các mô hình kinh tế, mô hình sản xuất; tập trung chỉ đạo giải ngân chương trình tốt, chưa phát hiện sai phạm xảy ra; qua đó cùng với các địa phương góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cũng đã chỉ ra các tồn tại như: chưa quan tâm nhiều công tác kiểm tra, thanh tra để đánh giá chất lượng thực hiện chương trình chặt chẽ hơn, nhất là vấn đề kiểm tra, kiểm soát nguồn lực đầu tư cho các hạng mục như: xây dựng mô hình kinh tế...

Mô hình trồng chanh leo ở Tương Dương. Ảnh tư liệu
Mô hình trồng chanh leo ở Tương Dương. Ảnh tư liệu

Vốn sự nghiệp Chương trình 135 đầu tư cho hỗ trợ phát triển sản xuất và các chương trình khác nhìn chung còn manh mún, suất đầu tư không cao, hiệu quả chưa rõ nét.

“Chưa phối hợp thật tốt với các sở, ngành liên quan để xác định mô hình kinh tế trọng điểm nhằm nhân rộng; vấn đề phân bổ kinh phí nhìn chung chậm, dàn trải, chưa xác định rõ khâu, lĩnh vực cần ưu tiên hỗ trợ cho người dân”, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh.

Trưởng đoàn giám sát cũng cho rằng, Sở NN&PTNT chưa đánh giá rõ năng lực quản lý chủ đầu tư ở cơ sở đối với việc tham gia thực hiện chương trình.

Chỉ ra những mặt hạn chế, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường đề nghị, Sở NN&PTNT cần khắc phục; đồng thời đề nghị đơn vị này tiếp thu đầy đủ các ý kiến nhằm bổ sung đầy đủ số liệu thực hiện các dự án thuộc Chương trình 135, 30a gửi lại Thường trực HĐND tỉnh.

Thành Duy

TIN LIÊN QUAN

Tin mới