Phó Ban dân tộc HĐND tỉnh: Vì sao sinh viên cử tuyển tốt nghiệp 7 năm không có việc làm?

(Baonghean.vn) - Trong tuyển dụng công chức, viên chức người dân tộc thiểu số tại Thanh Chương, có chuyên ngành thiếu cán bộ nhưng không có nguồn để tuyển, trong khi nhiều sinh viên dân tộc thiểu số tốt nghiệp không có cơ hội vì chuyên ngành không phù hợp hoặc chỉ tiêu quá ít.

Chiều 16/5, đoàn giám sát Ban Dân tộc HĐND tỉnh có buổi làm việc tại huyện Thanh Chương về việc thực hiện chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số. Bà Lô Thị Kim Ngân - Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh làm trưởng đoàn.

Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo huyện Thanh Chương, đại diện các phòng, ban cấp huyện.

Thanh Chương là huyện miền núi phía Tây Nam của tỉnh, gồm 39 xã và 1 thị trấn, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 5% dân số toàn huyện. Số cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) là người dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện đa phần công tác tại các cơ quan, đơn vị tại 2 xã tái định cư Ngọc Lâm và Thanh Sơn.

Từ tháng 1/2014 đến tháng 1/2016, UBND huyện tổ chức 4 đợt tuyển dụng công chức, viên chức bằng hình thức thi tuyển và xét tuyển, thực hiện các chế độ ưu tiên, đãi ngộ trong tuyển dụng người DTTS theo đúng quy định. Số công chức, viên chức người DTTS được tuyển dụng là 7 người. Đến hết năm 2016, huyện đã tiếp nhận và bố trí công tác cho 1/8 người DTTS hệ cử tuyển.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Thu Giang
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Thu Giang

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chế độ chính sách cho CBCCVC người DTTS tại Thanh Chương còn tồn tại một số hạn chế, vướng mắc, đơn cử như công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBCCVC người DTTS chưa gắn với nhu cầu thực tế.

Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Đình Thanh thẳng thắn nhìn nhận: “Một số chuyên ngành thiếu cán bộ, nhưng không có nguồn để tuyển dụng như bác sỹ chuyên khoa, cử nhân luật, kinh tế, kỹ thuật,…, trong khi vẫn còn tỷ lệ khá lớn học sinh, sinh viên người DTTS tốt nghiệp không có cơ hội tham gia dự tuyển, do chuyên ngành đào tạo không phù hợp hoặc có tuyển dụng nhưng chỉ tiêu quá ít”.

Cũng theo ông Thanh, tình trạng sinh viên được cử đi đào tạo theo chế độ cử tuyển hoặc tạo nguồn sau khi tốt nghiệp không được bố trí việc làm gây áp lực lớn cho địa phương. Vì thế, Phó Chủ tịch UBND huyện kiến nghị UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo giải quyết vấn đề sinh viên cử tuyển là người DTTS đã tốt nghiệp mà chưa được bố trí công tác.

Công chức xã Ngọc Lâm thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Ảnh: Thu Giang
Công chức xã Ngọc Lâm thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Ảnh: Thu Giang

Trao đổi tại buổi làm việc, bà Lục Thị Liên - Phó Ban Dân tộc HĐND tỉnh cho rằng huyện nên dành nhiều quan tâm hơn nữa đến các xã có đồng bào DTTS sinh sống, có cơ chế, chính sách cụ thể, đặc thù cho 2 xã Ngọc Lâm và Thanh Sơn về công tác cán bộ.

Lưu ý vấn đề giải quyết việc làm cho sinh viên cử tuyển, bà Liên nêu trường hợp sinh viên cử tuyển Vi Thi Nhàn đã tốt nghiệp 7 năm nay nhưng chưa được bố trí việc làm. “Em Nhàn từng viết tâm thư cho lãnh đạo Sở Nội vụ bày tỏ nguyện vọng thiết tha được bố trí công việc phù hợp với bằng cấp của mình. Khi đi học là Tương Dương cử đi, nhưng học về thì thuộc địa bàn Thanh Chương, tại sao đến nay Thanh Chương vẫn chưa giải quyết được?”

Trả lời câu hỏi này, đại diện Phòng Nội vụ UBND huyện cho biết, 100% trường hợp sinh viên cử tuyển là do Tương Dương cử đi học, nhưng sau khi tốt nghiệp họ không báo với chính quyền địa phương hay UBND tỉnh xem xét giải quyết theo quy định. Khi Thanh Chương có đợt tuyển dụng, bằng cấp của họ không phù hợp với các vị trí cần tuyển dụng, lại không có cơ chế, chính sách riêng đối với việc tuyển dụng người DTTS ngoài ưu tiên cộng 10-20 điểm, nên khó cạnh tranh với nhiều trường hợp ngoài diện cử tuyển.

Chia sẻ với đoàn công tác của Ban dân tộc HĐND tỉnh, ông Nguyễn Cao Thanh - Trưởng Phòng Nội vụ cũng trăn trở về chất lượng CBCCVC là người DTTS trên địa bàn: “Như ở Thanh Sơn, hầu như tháng nào huyện cũng phải về giúp đỡ xã. Cán bộ, công chức xã còn trì trệ, kéo theo công việc cũng kém hiệu quả. Vừa qua, Thanh Sơn khuyết 1 cán bộ địa chính, chúng tôi đã tìm trong số cán bộ 5 xã Tương Dương về tái định cư tại đây nhưng không ai đáp ứng về chuyên môn, nên buộc phải bố trí cán bộ từ Hạnh Lâm sang”.

Ông Lương Thanh Hải - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh đề nghị huyện Thanh Chương tiếp tục giúp đỡ đồng bào 2 xã Ngọc Lâm và Thanh Sơn nhiều hơn nữa. Ảnh: Thu Giang
Ông Lương Thanh Hải - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh đề nghị huyện Thanh Chương tiếp tục giúp đỡ đồng bào 2 xã Ngọc Lâm và Thanh Sơn nhiều hơn nữa. Ảnh: Thu Giang

Ông Lương Thanh Hải - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho rằng cần chia sẻ với những khó khăn của 2 xã tái định cư: “Trước đây, dụng cụ sản xuất của bà con chỉ gồm 1 hòn đá và 1 con dao, sáng sớm mài dao xong thì xách dao vào rừng. Về đây, tập quán của bà con phải thay đổi, mà điều này cần rất nhiều thời gian, chứ không hẳn các xã trì trệ. Vì vậy, huyện cần quan tâm giúp bà con nhiều hơn nữa”.  

Các thành viên dự họp cũng dành nhiều thời gian trao đổi kỹ về vấn đề cấp đất canh tác cho đồng bào DTTS tại 2 xã tái định cư, bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao năng lực của CBCCVC là người DTTS, đảm bảo kịp thời chế độ, chính sách cho CBCCVC người DTTS…

Kết luận buổi làm việc, bà Lô Thị Kim Ngân - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh ghi nhận những thuận lợi và kết quả đạt được đối với công tác CBCCVC người DTTS tại Ngọc Lâm và Thanh Sơn thời gian qua. Bên cạnh đó, Trưởng đoàn giám sát cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trên địa bàn, lưu ý những nội dung mà huyện cần tập trung chỉ đạo, thực hiện trong thời gian tới liên quan đến công tác CBCCVC là người DTTS.

Đoàn giám sát tổng hợp các ý kiến góp ý, trao đổi của các đại biểu dự họp, phục vụ nghiên cứu, đề xuất giải pháp cho UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan, góp phần tạo chuyển biến tích cực tại các xã có đông đồng bào DTTS của Thanh Chương, giúp họ phát triển kịp với các địa phương khác của huyện.

Các thành viên trong đoàn giám sát trao đổi với CBCCVC người DTTS tại xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương. Ảnh: Thu Giang
Các thành viên trong đoàn giám sát trao đổi với CBCCVC người DTTS tại xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương. Ảnh: Thu Giang

Trước đó, sáng cùng ngày, đoàn giám sát có buổi làm việc tìm hiểu thực tế triển khai chế độ, chính sách cho CBCCVC người DTTS tại trụ sở xã Ngọc Lâm - địa bàn sinh sống của 5 dân tộc: Thái, Khơ Mú, Ơ Đu, Thổ và Kinh./.

Thu Giang

TIN LIÊN QUAN

Tin mới