ĐB Nguyễn Hữu Cầu: Mọi trường hợp thu giữ tài sản đều được quay camera

(Baonghean.vn) - Phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, các đại biểu Đoàn ĐBQH Nghệ An tiếp tục có các ý kiến đáng quan tâm.

Ngày 12/6, thực hiện chương trình làm việc của kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, tiếp tục thảo luận về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (Đoàn ĐBQH Nghệ An) cho rằng về cơ chế xử lý tranh chấp, hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình thu giữ, xử lý tài sản, đại biểu chưa yên tâm về nội dung này.

Giải trình của báo cáo 134 chỉ đúng một phần khi xảy ra tranh chấp giữa tổ chức tín dụng và người vay. Song sẽ có những trường hợp trong thực tiễn không phải là tranh chấp giữa tổ chức tín dụng và người vay mà là người vay hoặc những người liên quan như người đồng sở hữu, người thừa kế, người đang thuê tài sản sẽ đề nghị xử lý đối với tổ chức tín dụng trong quá trình thu giữ xử lý tài sản đảm bảo. Đối chiếu với pháp luật dân sự hiện hành tôi thấy cơ chế xử lý vấn đề này chưa được quy định một cách đầy đủ hoặc rõ ràng.  

Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang tham gia ý kiến tại phiên thảo luận tại hội trường ngày 12/6/2017. Ảnh: Huyền Thương
Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang tham gia ý kiến tại phiên thảo luận tại hội trường ngày 12/6/2017. Ảnh: Huyền Thương

Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang cho rằng hiện nay Nghị quyết giao cho tổ chức tín dụng một quyền năng rất lớn, thu giữ và xử lý tài sản đảm bảo. Đây không phải cơ quan Nhà nước, không có quyết định hành chính, hành vi hành chính thì đương nhiên không đặt ra quyền khiếu nại tố cáo theo Luật tố cáo và Luật khiếu nại. 

Về việc kê biên tài sản của bên phải thi hành án, đại biểu xin phép tiếp tục làm rõ điểm chưa phù hợp tại Điều 11 dự thảo quy đinh: tài sản đảm bảo khoản nợ xấu tại ngân hàng không bị kê biên để thực hiện nghĩa vụ khác theo quy định pháp luật về THA - có nghĩa là không bị kê biên để thực hiện quyết định, bản án của Tòa án. Điều 90 Luật THADS hiện hành đã quy định đảm bảo quyền lợi của bên nhận thế chấp. Nếu vì tính cấp bách của xử lý nợ xấu mà phải quy định tiếp tục nội dung này tại dự thảo NQ thì cần xem xét, cân nhắc thấu đáo:

Trường hợp, tài sản có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng tiền vay thì quy định như dự thảo là hợp lý. Trường hợp tài sản bảo đảm có giá trị lớn hơn tiền vay tại tổ chức tín dụng, thì quy định không cho kê là không hợp lý vì tiền vay chỉ một phần giá trị của tài sản nhưng tổ chức tín dụng được phép giữ toàn bộ tài sản, dù người vay còn có các nghĩa vụ khác đã được tòa án nhân dân xác định.

Đại biểu mong được Quốc hội xem xét nghiên cứu quy định lại điều 11 theo hướng: Tài sản đảm bảo khoản nợ xấu tại ngân hàng không bị kê biên để thực hiện nghĩa vụ khác theo quy định của luật thi hành án dân sự; trừ trường hợp giá trị tài sản đảm bảo lớn hơn khoản vay tại tổ chức tín dụng hoặc trường hợp kê biên theo bản án quyết định của tòa án về bồi thường thiệt hại sức khỏe, tính mạng, danh dự, tiền nuôi con, tiền công tiền trợ cấp thất nghiệp, bảo hiểm xã hội.

Tham gia thảo luận và góp ý, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Giám đốc Công an Nghệ An – Đoàn ĐBQH Nghệ An) cho rằng toàn bộ 18 điều trong Nghị quyết không có điều khoản nào phủ nhận bản án và quyết định của tòa án. Bản án và quyết định của tòa án là cao nhất không ai phủ nhận được.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cho rằng Công an chỉ bảo đảm an ninh trật tự khi thực hiện quyết định về thu hồi nợ, chứ không phải cơ quan đi đòi nợ. Ảnh: Huyền Thương
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cho rằng Công an chỉ bảo đảm an ninh trật tự khi thực hiện quyết định về thu hồi nợ, chứ không phải cơ quan đi đòi nợ. Ảnh: Huyền Thương

Vấn đề thứ hai là khi có tranh chấp, thí dụ như liên quan đến người thứ ba, liên quan đến tài khoản khác, thì đã có 2 cơ chế để xử lý. Thứ nhất là khi có tranh chấp chúng ta giải quyết theo thủ tục tại tòa án. Thứ hai là đã có thông báo trước 15 ngày, trong 15 ngày đó người nợ có quyền phản bác lại. Nếu tất cả vấn đề phức tạp nảy sinh ở cơ sở thì chính quyền cơ sở giải quyết rồi. Nếu liên quan đến thi hành án, thi hành án phản ánh lại thì tổ chức tín dụng không ra quyết định để thi hành.

Về điều 7, cần xác định rõ cơ quan công an không phải là cơ quan đi đòi nợ cho các tổ chức tín dụng, mà chỉ đảm bảo an ninh trật tự khi đi thu hồi nợ xấu. Đảm bảo an ninh trật trật tự thì có 3 cấp độ, nếu bình thường thì cấp xã thực hiện, nếu phức tạp hơn thì cấp huyện và có thể cấp tỉnh. Nên để mở chứ không nên phân cấp cứng là cấp nào tham gia, như thế sẽ cứng nhắc.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nhấn mạnh, trong mọi trường hợp thu giữ tài sản đều được quay camera đảm bảo tính khách quan minh bạch. Nếu sau này có vấn đề gì thì mở camera ra để kiểm tra, xem xét.

Nhóm PV-CTV

TIN LIÊN QUAN

Tin mới