Chỉ đạo, điều hành nổi bật tuần qua của Chính phủ, Thủ tướng

(Baonghean.vn) - Lập BCĐ 896 tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ tướng yêu cầu xử lý dứt điểm "cò" đặc sản lộng hành; Thủ tướng yêu cầu ngăn chặn tình trạng xe quá tải; Đẩy mạnh ứng dụng CNTT tại các cơ quan nhà nước;... là những chỉ đạo, điều hành nổi bật tuần qua của Chính phủ, Thủ tướng.

1.Lập BCĐ 896 tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình (ảnh quochoi.vn).
Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình (ảnh quochoi.vn).

Ban Chỉ đạo Đề án 896 tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Ban Chỉ đạo Đề án 896 cấp tỉnh) do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập, là tổ chức phối hợp liên ngành, có chức năng giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, điều hành và phối hợp hoạt động giữa các sở, ban, ngành trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 896.

Chủ tịch UBND cấp tỉnh làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Ba Phó Trưởng ban bao gồm: Giám đốc Công an cấp tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp và Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Trong đó, Giám đốc Công an cấp tỉnh là Phó Trưởng ban thường trực.

Thành viên Ban Chỉ đạo bao gồm lãnh đạo các Sở: Thông tin và Truyền thông; Nội vụ; Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư; Lao động-Thương binh và Xã hội; Giáo dục và Đào tạo; Y tế; Giao thông vận tải; Văn hóa, Thể thao và Du lịch (hoặc Văn hóa và Thể thao); Tài nguyên và Môi trường; Khoa học và Công nghệ; lãnh đạo Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh và lãnh đạo Cơ quan bảo hiểm cấp tỉnh.

2. Thủ tướng yêu cầu ngăn chặn tình trạng xe quá tải

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về kiểm soát xe chở quá tải trọng và cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Về thông tin trên báo Vietnamplus phản ánh việc các doanh nghiệp vận tải bức xúc về tình trạng xe chở hàng quá tải, cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến giá cước biến động làm cho một số doanh nghiệp làm ăn chân chính đứng bên bờ vực phá sản.

Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo quyết liệt, cụ thể để ngăn chặn.

3. Thủ tướng yêu cầu xử lý dứt điểm "cò" đặc sản lộng hành

"Cò" du lịch mồi chài du khách mua đặc sản khi vừa đến Đà Lạt . Ảnh Báo Người lao động
"Cò" du lịch mồi chài du khách mua đặc sản khi vừa đến Đà Lạt . Ảnh Báo Người lao động

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo, kiểm tra xử lý dứt điểm tình trạng "cò" đặc sản lộng hành.

Trước đó, báo điện tử Người lao động ngày 6/6/2017 đăng bài "Đà Lạt: "Cò" đặc sản lộng hành". Theo phản ánh, hình ảnh một Đà Lạt thân thiện đã trở nên xa lạ khi tình trạng "cò" du lịch ngày một nhiều, luôn chèo kéo, thậm chí hành hung du khách; tại các điểm "cò" thường xuyên tập kết là Vườn hoa thành phố và các trục đường Mai Anh Đào, Nguyên Tử Lực, Trần Quốc Toản, Phù Đổng Thiên Vương... Mỗi nơi có gần chục "cò" (độ tuổi từ 15-40) lượn lờ để tìm con mồi...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo, kiểm tra xử lý dứt điểm tình trạng này, bảo vệ an ninh, trật tự xã hội, an toàn cho người dân và du khách; khôi phục hình ảnh, uy tín, thương hiệu du lịch Đà Lạt.

4. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT tại các cơ quan nhà nước

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa có ý kiến chỉ đạo các bộ, ngành địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT).

Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai, thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử, Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 6/2/2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020 và các văn bản có liên quan.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trưởng tổ chức nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về Đề án tăng cường quản lý nhà nước về cơ sở dữ liệu quốc gia trong quý III/2017.

5. Khuyến khích phát triển thương hiệu ô tô Việt

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp ô tô trở thành ngành công nghiệp chủ lực.
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp ô tô trở thành ngành công nghiệp chủ lực.

Phải sớm có ô tô mang thương hiệu Việt Nam với chất lượng tốt, giá cả phù hợp với khả năng chi trả của người dân và cạnh tranh trong thị trường khu vực, thế giới.

Đó là nội dung trong thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về tình hình phát triển ngành Công nghiệp ô tô Việt Nam.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, cần tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp ô tô trở thành ngành công nghiệp chủ lực, có sức cạnh tranh, góp phần tạo động lực thúc đẩy sự nghiệp CNH-HĐH đất nước; phát huy năng lực của các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô trong nước gắn với khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tập đoàn sản xuất ô tô lớn trên thế giới để phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng.

6. Đề xuất giải pháp tiếp tục nâng cao chỉ số đổi mới sáng tạo

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục nâng cao chỉ số đổi mới sáng tạo trong thời gian tới.

Báo Thanh niên ngày 15/6/2017 đưa tin về việc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố bảng xếp hạng toàn cầu về chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) 2017, Việt Nam đã vượt 12 bậc so với năm 2016, vươn lên xếp thứ 47/127 quốc gia, nền kinh tế. Đây là thứ hạng cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, làm rõ nguyên nhân góp phần Việt Nam tăng 12 bậc; đề xuất nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục nâng cao chỉ số đổi mới sáng tạo trong thời gian tới.

7. Tái cơ cấu ngành trồng trọt, chăn nuôi theo hướng hiện đại

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình mục tiêu Tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư.

Chương trình được thực hiện với tổng mức vốn thực hiện 306.660 tỷ đồng từ năm 2016 đến hết năm 2020 với 3 nhiệm vụ chính: hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp; hỗ trợ phòng chống giảm nhẹ thiên tai; hỗ trợ ổn định đời sống dân cư.

Cụ thể, Chương trình sẽ thực hiện nâng cấp các cơ sở giống ở trung ương và địa phương; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ cho một số vùng sản xuất giống trọng điểm; sản xuất giống gốc, giống siêu nguyên chủng, giống nguyên chủng, cây đầu dòng, giống cụ kỵ, giống ông bà, đàn hạt nhân; hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư về các lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư (xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; xây dựng cơ sở chăn nuôi gia súc; xây dựng cơ sở sấy lúa, ngô, khoai, sắn, chế biến cà phê; xây dựng cơ sở chế tạo thiết bị cơ khí bảo quản, chế biến nông sản)....

8. Cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Sông Con

Chế biến cao su ở Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Sông Con. Ảnh tư liệu
Chế biến cao su ở Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Sông Con. Ảnh tư liệu

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng ý phương án sắp xếp Công ty TNHH một thành viên Nông nghiệp Sông Con theo hình thức chuyển thành công ty cổ phần, Nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu UBND tỉnh Nghệ An có trách nhiệm xác định tỷ lệ vốn Nhà nước cần nắm giữ khi cổ phần hóa Công ty TNHH một thành viên Nông nghiệp Sông Con theo quy định tại Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp và tình hình thực tế.

Bên cạnh đó, phê duyệt Phương án cổ phần hóa Công ty TNHH một thành viên Nông nghiệp Sông Con theo thẩm quyền và khẩn trương triển khai các bước cổ phần hóa theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.

Thái Bình

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới