Phân bổ nguồn sự nghiệp du lịch: Thanh Hoá gần 29 tỷ đồng, Nghệ An chỉ hơn 800 triệu

(Baonghean.vn) - Tại phiên thảo luận tổ 7, kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVII, đại biểu thảo luận đề nghị làm rõ các bất cập gây khó khăn cho phát triển như dự án "treo", nợ đọng xây dựng nông thôn mới, bất cập trong quảng bá du lịch.

Tại phiên thảo luận của tổ 7, các đại biểu tham gia đã tiến hành đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2017; nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; các dự thảo nghị quyết trình kỳ họp; hoạt động của HĐND tỉnh và về công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh... Đồng thời, nêu các ý kiến, kiến nghị liên quan đến nhiều lĩnh vực.

Toàn cảnh phiên thảo luận tổ 7. Ảnh: Mỹ Nga
Toàn cảnh phiên thảo luận tổ 7. Ảnh: Mỹ Nga

Tham dự thảo luận tại tổ 7 có các đồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hồ Phúc Hợp - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ.

Thảo luận tại tổ 7 gồm các đại biểu HĐND tỉnh ở các đơn vị bầu cử thị xã Hoàng Mai, thị xã Thái Hoà, thị xã Cửa Lò; lãnh đạo UBMTTQ tỉnh, các sở: Giao thông vận tải, Thông tin và truyền thông, Văn hoá và thể thao, Toà án nhân dân tỉnh, Cục thống kê, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tỉnh.

Ông Nguyễn Hữu Tuy - Phó Bí thư Thị uỷ, Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai chủ trì thảo luận tổ 7.

Đại biểu Trần Duy Ngoãn - Chủ tịch Hội Nhà báo Nghệ An kiến nghị, thị xã Hoàng Mai là một khu đô thị mới, đang trên đà phát triển nhanh. Nhưng nguồn điện đang thiếu và yếu trầm trọng, khiến người dân gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh, sản xuất và sinh hoạt. Đại biểu đề nghị nâng cấp cải tạo  21 trạm biến áp tại Hoàng Mai, xây dựng đường dây điện chắc chắn, đảm bảo an toàn khi chạy qua các khu dân cư.

Trong lĩnh vực giải quyết các dự án "treo", đại biểu cho biết, dự án thép Kobe “tỷ đô” tại khu công nghiệp Đông Hồi, thị xã Hoàng Mai đã được khởi công từ năm 2007-2008, nhưng đến bây giờ vẫn đang ở trạng thái hoang hoá. 

Đại biểu Nguyễn Thị Dung đề nghị rà soát lại các dự án tồn đọng trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Mỹ Nga
Đại biểu Nguyễn Thị Dung đề nghị rà soát lại các dự án tồn đọng trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Mỹ Nga

Cùng chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Dung (đại diện cử tri Cửa Lò) cho biết, hiện tại Thị xã Cửa Lò có 19 dự án với diện tích 84,3 ha, có những dự án cấp giấy đầu tư từ năm 2008 nhưng đến nay hiện trạng “vườn không đất trống”. Hoạt động của các dự án chỉ dừng lại ở việc xây dựng hàng rào bao quanh. Điều này khiến cho sự phát triển kinh tế của thị xã có phần chững lại.

Do đó, các đại biểu kiến nghị trong chỉ đạo điều hành, cần phải quyết liệt kiểm tra các dự án để thu hồi những dự án không có tiềm năng.

Tại lĩnh vực kinh tế, đại biểu Trần Văn Huy - Phó Chủ tịch Liên minh hợp tác xã tỉnh cho biết, ở Nghệ An có 616 hợp tác xã, gỉai quyết việc làm cho hơn 5.000 lao động. Trong 6 tháng đầu năm 2017 mới chỉ đóng góp hơn 5,2% vào GDP của toàn tỉnh, song đã góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, và ổn định xã hội, tạo nền tảng phát triển kinh tế. Đại biểu đề nghị đưa đánh giá lĩnh vực kinh tế tập thể vào bản báo cáo tình hình kinh tế -xã hội.

Dự án Khu Khách sạn nhà nghỉ của Công ty CP Du lịch Hà Nội trên địa bàn Cửa Lò chậm triển khai. Ảnh tư liệu
Dự án Khu Khách sạn nhà nghỉ của Công ty CP Du lịch Hà Nội trên địa bàn Cửa Lò chậm triển khai. Ảnh tư liệu

Trong khi đó, đại biểu Hồ Phúc Hợp - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy lại bày tỏ băn khoăn về việc giải bài toán nợ đọng xây dựng nông thôn mới. Đại biểu cho biết, đến tháng 1/2017, số nợ của toàn tỉnh còn hơn 615 tỷ đồng. Các huyện nợ nhiều là Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu... "Trong vòng 1 năm, xoá nợ đọng chỉ đạt 100 tỷ, chủ yếu là từ ngân sách của UBND tỉnh. Trong khi đó, còn chưa tính đến những yếu tố phát sinh như phải duy trì bền vững các chỉ tiêu, nợ mới phát sinh. Xây dựng nông thôn mới rồi gánh một cục nợ thì thế thì có phải nông thôn mới không?" - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nói, và đề nghị UBND tỉnh và các cấp cần quan tâm đến vấn đề này.

Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ băn khoăn "Xây dựng nông thôn mới rồi gánh một cục nợ thế thì có phải nông thôn mới không?". Ảnh: Mỹ Nga

Trong lĩnh vực văn hoá - xã hội, liên quan chính sách phát triển du lịch, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Giám đốc Sở Du lịch) đánh gía những bước phát triển khởi sắc của du lịch Nghệ An trong thời gian gần đây, thể hiện rõ ở việc thu hút được nhiều dự án du lịch vào tỉnh. Song nguồn ngân sách sự nghiệp phân bổ cho du lịch đang còn nhiều hạn chế so với các tỉnh lân cận, ví dụ ở Thanh Hoá gần 29 tỷ đồng, thì tại Nghệ An chỉ hơn 800 triệu đồng. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực du lịch của Nghệ An vừa thiếu vừa yếu. 

Vị đại biểu còn đề nghị cần có sự thay đổi về hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh du lịch khi tham gia hội chợ thương mại trong nước và quốc tế. 

Du khách tham gia tour du lịch bằng thuyền trên Sông Lam và thưởng thức dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh. Ảnh tư liệu
Du khách tham gia tour du lịch bằng thuyền trên sông Lam và thưởng thức Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Ảnh tư liệu

Đặc biệt quan tâm, xây dựng chính sách thu hút đối với các nhà đầu tư lớn. Ví như Ttập đoàn Vingroup khi vào đầu tư đã mang lại diện mạo hoàn toàn khác cho du lịch Cửa Lò. “Rõ ràng, với những nhà đầu tư lớn, họ có tính chuyên nghiệp, sẽ xây dựng được kế hoạch tốt, mang lại nhiều lợi ích, trong đó có sự thu hút lớn đối với khách quốc tế" - Giám đốc Sở du lịch nói.

Đại biểu đề nghị hỗ trợ cho ngành du lịch để đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực; và tập trung xây dựng chính sách lớn hơn nữa nhằm đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Đại biểu Hồ Mậu Thanh - Giám đốc Sở Văn hoá kiến nghị cần đẩy mạnh hơn nữa việc phát huy tiềm năng các danh thắng bằng cách gắn liền với các tour, tuyến du lịch. Bên cạnh đó, đại biểu bày tỏ những khó khăn vấp phải trong việc tu bổ, sửa chữa các di sản văn hoá. Theo đó, để giải bài toán tu bổ cần một nguồn vốn lớn, trong khi ngân sách của tỉnh mỗi năm chỉ chi cho 2 tỷ đồng. Còn đối với nguồn xã hội hoá khi đã huy động được thì các doanh nghiệp chỉ muốn làm mới để xây dựng thương hiệu riêng, chứ không muốn tu bổ lại.

Clip đại biểu Hồ Mậu Thanh phát biểu:

Phát biểu tại phiên thảo luận, đồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận những kiến nghị sâu sát của các đại biểu, và rút ra vấn đề "nổi cộm" nhất là đang thiếu nguồn lực đầu tư trong tất cả lĩnh vực.

"Muốn phát triển thì cần phải có nguồn lực dồi dào" - Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh.
"Muốn phát triển thì cần phải có nguồn lực dồi dào" - Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh.

Đồng chí Nguyễn Xuân Sơn đã đưa ra một số giải pháp nhằm tăng nguồn lực như: việc thu các quỹ theo quy định, đảm bảo đúng quy trình quy chế dân chủ; tiết kiệm chi tiêu, chống lãng phí;  đẩy mạnh nguồn xã hội hoá; thay đổi cải cách hành chính nhằm thu hút nhiều nguồn đầu tư hơn. Bên cạnh đó, cần phải thực hiện nghiêm túc đề án việc làm, sắp xếp bộ máy tinh giản biên chế...

Mỹ Nga

TIN LIÊN QUAN

Tin mới