Câu chuyện xúc động về gia đình lập Bàn thờ Bác Hồ tại nhà ở Lào

Đối với người dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh là anh hùng dân tộc vĩ đại, Người đã cùng dân tộc Việt Nam viết nên những trang lịch sử chói lọi của thế kỷ 20, do vậy, việc người dân Việt Nam lập bàn thờ Bác cũng là chuyện rất thường tình. Tuy nhiên, việc một người nước ngoài, đặc biệt lại là một Hoàng thân, ở một quốc gia mà Phật giáo vốn không có phong tục lập bàn thờ trong nhà, lập bàn thờ Bác Hồ tại gia đình có lẽ là chuyện có một không hai trên thế giới.

Bà Nhotkeomaly Suphanouvong và con gái chuẩn bị đồ lễ thắp hương tại Bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Khu lưu niệm Chủ tịch Suphanouvong ở thủ đô Vientiane. (Ảnh: Phạm Kiên/Vietnam+)
Bà Nhotkeomaly Suphanouvong và con gái chuẩn bị đồ lễ thắp hương tại Bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Khu lưu niệm Chủ tịch Suphanouvong ở thủ đô Vientiane. (Ảnh: Phạm Kiên/Vietnam+)

Nằm nép mình bên một con đường lớn gần Trung tâm thủ đô Vientinane, Khu lưu niệm của Chủ tịch Suphanouvong khiêm tốn, giản dị, nằm ẩn dưới những hàng cây rợp bóng trong khu vườn nhỏ. Đây từng là nơi ở của Chủ tịch Suphanouvong và gia đình lúc Người còn sống. Sau khi Chủ tịch mất vào năm 1995, đến năm 2006, gia đình đã bàn giao khu nhà cho Nhà nước để làm Khu lưu niệm.

Nhân kỷ niệm 40 năm ngày hai nước ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác và 55 năm ngày 2 nước thiết lập quan hệ ngoại giao, chúng tôi đến Khu lưu niệm của Chủ tịch Suphanouvong với mục đích quay lại một số hình ảnh tư liệu để phục vụ cho công tác tuyên truyền về quan hệ hữu nghị giữa hai nước. 

Vừa đến cổng, chúng tôi bất ngờ gặp bà Nhotkeomaly Suphanuvong, con gái thứ 5 của Hoàng thân Suphanouvong, cùng con gái Nhotkhammaly Suphanuvong đang lễ mễ bê rất nhiều hoa quả, hương và nến để vào Khu lưu niệm. Đây là một điều rất lạ, bởi theo phong tục, người Lào thờ Phật và không thắp hương.

Hỏi ra, chúng tôi mới biết trong Khu lưu niệm mà chúng tôi đã đến rất nhiều lần và tưởng như biết rất rõ này, có nơi thờ Bác Hồ. Chúng tôi càng ngạc nhiên hơn khi biết bàn thờ đã được chính là Hoàng thân Suphanuvong lập từ năm 1978 và vẫn hương khói lúc sinh thời. 

Giải thích về nguyên nhân Chủ tịch Suphanouvong lập bàn thờ Bác, bà Nhotkeomaly Suphanuvong cho biết lúc sinh thời, cha bà rất kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh và thường xuyên kể về Bác cho con cháu trong gia đình nghe, đặc biệt là những kỷ niệm sâu sắc về Hồ Chủ tịch trong cuộc gặp đầu tiên giữa hai người vào năm 1945 - cuộc gặp đã khiến ông từ bỏ con đường vinh hoa phú quý, quyết tâm dấn thân vào con đường cách mạng, cũng như những ấn tượng đặc biệt của ông trong những lần làm việc với Bác hoặc gặp Bác. 

Người thường căn dặn con cháu rằng: “Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam là người bạn tốt nhất của nhân dân Lào chúng ta, luôn đồng cam cộng khổ, cùng chiến đấu giải phóng đất nước với người Lào."

Chính vì vậy, khi biết tin Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mãi mãi đi xa vào năm 1969, Hoàng thân Suphanouvong đã rất buồn và luôn nhớ tới Bác.

Bà Nhotkeomaly Suphanouvong nói: “Bố tôi nói, phải lập bàn thờ của Chủ tịch Hồ Chí Minh để chúng ta mãi không bao giờ quên công ơn của Chủ tịch đối với nhân dân Lào nói chung và với gia đình Suphanouvong nói riêng."

Tuy nhiên, lúc đó do hoàn cảnh đất nước còn chiến tranh nên ý nguyện trên chưa thể trở thành hiện thực.

Sau khi nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào được thành lập vào tháng 12/1975 và được bầu làm Chủ tịch nước đầu tiên của Lào, năm 1976, Chủ tịch Suphanouvong và gia đình ông được nhà nước bố trí chỗ ở tại Khu lưu niệm Chủ tịch Suphanouvong hiện nay. 

Theo bà Nhotkeomaly Suphanouvong, khi cả gia đình chuyển về nơi ở mới, được sống cùng một nhà với cha, bà mới cảm nhận được hết nỗi nhớ thương của Hoàng thân Suphanouvong dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người luôn được ông coi là người bạn vĩ đại của nhân dân Lào, luôn chấp nhận hy sinh và cống hiến trọn đời giúp cho cách mạng Lào. Chính vì vậy, sau khi sửa sang nhà cửa và ổn định chỗ ở, năm 1978, cha bà đã lập bàn thờ Bác Hồ trên tầng hai của ngôi nhà và vẫn hương khói cho Bác đến khi khuất núi.

Bà Nhotkeomaly Suphanouvong cho biết sau khi cha mất, mẹ bà cùng con cháu trong gia đình vẫn duy trì việc thắp hương và dâng hoa cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau này, khi bàn giao tòa nhà trên cho Nhà nước làm Khu lưu niệm vào năm 2006, hằng năm, cứ mỗi dịp kỷ niệm ngày sinh của Bác Hồ; ngày sinh của Chủ tịch Suphanouvong; Quốc khánh Lào và Việt Nam; hoặc là các ngày lễ quan trọng khác, các thành viên trong gia đình bà vẫn đến thắp nhang, nến, cúi đầu trước bàn thờ bày tỏ lòng thành kính, sự nhớ thương anh linh hương hồn Bác và các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập của hai nước. 

Sở dĩ gia đình bà làm như vậy là bởi đối với gia đình Suphanouvong, Bác Hồ giống như một thành viên trong gia đình, một nhà lãnh đạo vĩ đại đã cống hiến trọn đời không chỉ đất nước Việt Nam mà còn cho sự nghiệp giải phóng đất nước Lào. 

Bản thân bà cũng đã được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh 4 lần, và lần gặp nào cũng để lại cho bà những kỷ niệm sâu sắc, vì vậy, bà sẽ tiếp tục cùng các thành viên trong nhà dâng hương, hoa cho Bác giống như những gì cha mẹ bà đã làm lúc sinh thời. 

Bà nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì việc hương khói là bởi chúng tôi muốn bày tỏ lòng kính yêu, sự kính trọng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam, Người đã cống hiến trọn đời cho đất nước, cho nhân dân và vì sự nghiệp giải phóng đất nước Lào của chúng tôi. Bác là nhà cách mạng lỗi lạc không chỉ của riêng Việt Nam, là người bạn tốt của Lào và của thế giới. Vì vậy, chúng tôi vô cùng kính trọng Người, không bao giờ quên công ơn của Người và chúng tôi sẽ tiếp tục thắp nhang vái lạy Người để bày tỏ tấm lòng thành kính trước linh hồn Người."

Bà Nhotkeomaly Suphanouvong và con gái đang thắp hương tại Bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Khu lưu niệm Chủ tịch Suphanouvong ở thủ đô Vientiane. (Ảnh: Phạm Kiên/Vietnam+)
Bà Nhotkeomaly Suphanouvong và con gái đang thắp hương tại Bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Khu lưu niệm Chủ tịch Suphanouvong ở thủ đô Vientiane. (Ảnh: Phạm Kiên/Vietnam+)

Là cháu gái của Hoàng thân, con gái của bà Nhotkeomaly, ngay từ nhỏ Nhotkhammaly Suphanuvong đã thường xuyên được ông bà hướng dẫn và sau này vẫn tiếp tục theo mẹ về thắp hương và dâng hoa lên Bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đối với em, việc dâng hương cho Bác và những người có công với đất nước là điều đương nhiên, bởi không có quá khứ, sẽ chẳng có hiện tại và tương lai.

Cô Nhotkhammaly: "Sau khi ông bà tôi mất, mẹ tôi vẫn luôn dạy tôi từ lúc tôi còn nhỏ cho đến bây giờ rằng phải luôn biết ơn các thế hệ đi trước, bởi có các thế hệ đi trước thì mới có chúng ta hôm nay. Phải có quá khứ, hiện tại thì mới có tương lai. Vì vậy, cứ mỗi dịp lễ quan trọng của Lào, của Việt Nam, mẹ dạy tôi phải đốt nến thắp nhang cho Bác Hồ, cho các vị anh hùng, những người có công với đất nước và tôi sẽ tiếp tục duy trì truyền thống này của gia đình."

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Suphanouvong đều có những câu khắc họa rất hay về quan hệ đặc biệt Lào-Việt Nam. Nếu Hồ Chí Minh có câu “Yêu nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua. Việt-Lào hai nước chúng ta. Tình sâu hơn nước Hồng Hà-Cửu Long" thì Chủ tịch Suphanouvong cũng có câu: “Cao hơn núi, dài hơn sông, rộng hơn biển cả, đẹp hơn trăng rằm, ngát hương thơm hơn bất cứ đoá hoa nào thơm nhất.”

Với nền tảng quan hệ sâu rộng, có thể tin rằng, dù tình hình khu vực và thế giới có biến đổi, quan hệ đặc biệt giữa hai nước Việt-Lào anh em sẽ tiếp tục được vun đắp, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, mãi mãi trường tồn với thời gian./.
 

Chủ tịch Suphanouvong có tất cả 10 người con, 8 trai, 2 gái. 

Bà Nhotkeomaly Suphanouvong là con gái 5 của Người. Hiện bà đang làm Thứ trưởng, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Phó Chủ tịch Mặt trận Lào Xây dựng Đất nước.

Theo Vietnamplus

TIN LIÊN QUAN

Tin mới