Ông Phan Đình Trạc, Nguyễn Xuân Thắng được bầu vào Ban Bí thư

Trưởng ban Nội chính Phan Đình Trạc và Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng vừa được bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đảng.

» Đồng chí Phan Đình Trạc làm Trưởng ban Nội chính T.Ư

» Ông Nguyễn Xuân Thắng giữ chức Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Ngày 6/10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại Hội trường. Ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đọc Tờ trình của Bộ Chính trị về việc bầu bổ sung Ủy viên Ban Bí thư khoá XII.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng thảo luận và đã bầu bổ sung 2 ủy viên Ban Bí thư khoá XII gồm: ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.

Ông Nguyễn Xuân Thắng và Ông Phan Đình Trạc.
Ông Nguyễn Xuân Thắng và Ông Phan Đình Trạc.

Ông Phan Đình Trạc (sinh ngày 25/8/1958, quê quán Diễn Lộc, Diễn Châu, Nghệ An) là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, XII; đại biểu Quốc hội 3 khóa. Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An khóa XIII...

Tốt nghiệp Đại học An ninh nhân dân, ông Trạc có thời gian ngắn công tác ở Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) trước khi gắn bó với ngành công an ở tỉnh Nghệ An. Năm 2001 ông giữ chức Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An và trở thành Chủ tịch tỉnh này 4 năm sau đó. 

Tháng 10/2010, ông được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An (nhiệm kỳ 2010-2015). Từ tháng 1/2013, ông đảm nhiệm cương vị Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương khi ban này tái lập. Sau khi được bầu lại vào Ban chấp hành Trung ương Đảng, tháng 2/2016, ông giữ chức Trưởng ban Ban Nội chính Trung ương.

Cùng quê Nghệ An, ông Nguyễn Xuân Thắng (sinh ngày 18/12/1957) là giáo sư, tiến sĩ kinh tế; Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương. Ông Thắng có thời gian dài gắn bó với ngành khoa học xã hội. Năm 2007, ông là Phó chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) và trở thành Chủ tịch 4 năm sau đó.

Từ năm 2016, ông giữ chức Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Ngoài hai ông Trạc và ông Thắng, 10 thành viên của Ban Bí thư gồm: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng; Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh; Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trần Quốc Vượng; Trưởng ban Tổ chức Phạm Minh Chính; Trưởng ban Tuyên giáo Võ Văn Thưởng; Trưởng ban Dân vận Trương Thị Mai; Trưởng ban Kinh tế Nguyễn Văn Bình; Chủ nhiệm Tổng cục chính trị QĐND Việt Nam Lương Cường; Chánh văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên và Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình.

Theo Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Bí thư lãnh đạo công việc hằng ngày của Đảng, chỉ đạo và kiểm tra hoạt động của các tổ chức đảng và đảng viên trong việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng; chỉ đạo công tác xây dựng đảng, công tác cán bộ và công tác quần chúng; tổ chức chỉ đạo việc chuẩn bị các vấn đề đưa ra Bộ Chính trị thảo luận và quyết định.

Ban Bí thư được thành lập bởi Ban Chấp hành Trung ương, gồm một số ủy viên Bộ Chính trị do Bộ Chính trị phân công và một số bí thư Trung ương do Ban Chấp hành Trung ương bầu. Số lượng bí thư Trung ương do Ban Chấp hành Trung ương quyết định.


Theo Zing

TIN LIÊN QUAN

Tin mới