Chủ tịch UBND tỉnh: Năm 2018 Nghệ An sẽ triển khai nhiều dự án quan trọng

(Baonghean.vn)- Phát biểu tại phiên thảo luận tổ 5, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường cho biết nhiều dự án quy mô và triển vọng sẽ triển khai và đi vào hoạt động tại Nghệ An trong năm tới.

Chiều 18/12, các đại biểu HĐND tỉnh thuộc tổ 5 gồm các đơn vị bầu cử huyện Đô Lương, Nam Đàn và Anh Sơn có phiên thảo luận sôi nổi xoay quanh nhiều vấn đề nóng.

Dự phiên thảo luận có các ông: Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh; Hoàng Viết Đường - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh. Ông Đặng Thanh Tùng - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Anh Sơn điều hành phiên thảo luận. Ảnh: T.G
Dự phiên thảo luận có các ông: Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh; Hoàng Viết Đường - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh. Ông Đặng Thanh Tùng - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Anh Sơn điều hành phiên thảo luận. Ảnh: T.G

Nhiều trăn trở về xây dựng nông thôn mới

Nhiều ý kiến phát biểu tại tổ 5 xoay quanh các vướng mắc, bất cập trong xây dựng nông thôn mới. Ông Trần Văn Hường - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh, đại biểu tại đơn vị bầu cử huyện Nam Đàn nêu thực trạng nhiều xã đã về đích nông thôn mới nhưng hiện có nhiều tiêu chí manh nha xuống cấp.

“Các xã đã về đích nông thôn mới không nên dựa vào ngoại lực, dễ nảy sinh phụ thuộc, thay vào đó cần phải có chiến lược phát triển toàn diện về kinh tế-xã hội, văn hóa,… nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Có thế mới mong nông thôn mới bền vững được”, đại biểu Hường nêu quan điểm.

Cũng đề cập vấn đề trên, đại biểu Hoàng Nghĩa Hùng - Chủ tịch UBND xã Nam Lộc, Nam Đàn kiến nghị cần tập trung hơn nữa trong công tác xây dựng nông thôn mới, nhất là cần có chính sách hỗ trợ các xã đã đạt chuẩn.

Đại biểu Ngọc Kim Nam - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đô Lương cho rằng quan điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh “thoáng” hơn, thực chất hơn, nhưng các địa phương vẫn nặng áp lực. Ảnh: T.G
Đại biểu Ngọc Kim Nam - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đô Lương cho rằng quan điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh 'thoáng' hơn, thực chất hơn, nhưng các địa phương vẫn nặng áp lực. Ảnh: T.G

Trong khi đó, đại biểu Ngọc Kim Nam - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đô Lương thẳng thắn nhìn nhận, quan điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh “thoáng” hơn, thực chất hơn, nhưng các địa phương vẫn nặng áp lực. 

“Nghị quyết đại hội đảng bộ huyện đã ban hành rồi, không thực hiện được thì đương nhiên sẽ phải kiểm điểm, nên các huyện áp lực. Tôi cho rằng tỉnh cần có chỉ đạo chung để việc thực hiện xây dựng nông thôn mới đảm bảo ổn định và vững chắc hơn”, ông Nam lý giải và đề xuất.

Trao đổi thêm về vấn đề hỗ trợ xi măng cho các xã, ông Đinh Xuân Quế - Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn kiến nghị tỉnh xem xét điều chỉnh chính sách này. “Với những xã đã phấn đấu về đích, tỉnh hỗ trợ xi măng không nên cào bằng, mà có thể theo tỷ lệ đường nông thôn của xã đó để hỗ trợ. Xã 6-7 chục cây số cũng được hỗ trợ như xã 10 cây số, như vậy là thiếu công bằng”, ông Quế lấy ví dụ.

Lãnh đạo huyện Nam Đàn cũng đề xuất tỉnh có cơ chế hỗ trợ tích tụ ruộng đất, để các hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ gia đình,... thuê đất phát triển nông nghiệp công nghệ cao quy mô lớn.

Người dân xã Nam Hưng, huyện Nam Đàn đóng góp công sức làm đường giao thông nông thôn. Ảnh tư liệu
Người dân xã Nam Hưng, huyện Nam Đàn đóng góp công sức làm đường giao thông nông thôn. Ảnh tư liệu

Clip Đại biểu Trần Văn Hường - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh kiến nghị về xây dựng nông thôn mới:

Vướng khi hoàn trả tài sản lưới điện hạ áp nông thôn

Các đại biểu cũng tập trung thảo luận vấn đề hoàn trả tài sản lưới điện hạ áp nông thôn, vốn được đề cập nhiều trong các phiên tiếp xúc cử tri trước kỳ họp. Đại diện Công ty Điện lực Nghệ An, Phó Giám đốc Bành Hồng Hiển đã giải trình khá kỹ lưỡng nội dung này.

Ông Hiển khẳng định, Điện lực Nghệ An nhận thức rõ trách nhiệm về vấn đề cử tri bức xúc, song nhấn mạnh ngành điện thực hiện hoàn trả trên cơ sở các văn bản pháp luật, trong đó bất cập nằm ở Thông tư 32/2013/TTLT-BCT-BTC Hướng dẫn giao, nhận và hoàn trả vốn đầu tư tài sản lưới điện hạ áp nông thôn.

“Công ty Điện lực Nghệ An đã nhiều lần báo cáo với UBND tỉnh và đoàn ĐBQH tỉnh để có ý kiến thay đổi Thông tư 32. Đoàn ĐBQH tỉnh đã gửi văn bản chất vấn đến Bộ Công thương nhưng 4 năm rồi chưa có trả lời cụ thể. Đến thời điểm này, Nghệ An còn 81 xã chưa được hoàn trả lưới điện theo Thông tư này. 21 đơn vị đã lập hồ sơ gửi ngành điện, chỉ 4 đơn vị đến làm việc để bổ sung đầy đủ hồ sơ, chứng từ, tuy nhiên trình ra Tổng công ty Điện lực miền Bắc thì bị trả về”, ông Hiển cho biết.

Vị đại biểu này cũng thẳng thắn chỉ rõ tính không khả thi của việc lập hồ sơ theo Thông tư 32, cho rằng nếu vẫn thực hiện theo tinh thần thông tư này, thì “không ko chỉ năm 2018, mà những năm tiếp theo cũng không thể thực hiện được” việc hoàn trả tài sản cho địa phương.

Phó Giám đốc Công ty Điện lực Nghệ An cho rằng cần tiếp tục kiến nghị Bộ Công thương thay đổi, điều chỉnh một số điểm của Thông tư 32 để tạo thuận lợi hơn cho công tác hoàn trả tài sản cho người dân.

Cũng liên quan đến phạm vi trách nhiệm của ngành điện, đại biểu Hiển làm rõ thêm vấn đề di dời cột điện nằm trên đường nông thôn mới. Sau khi hơn 170 xã xây dựng nông thôn mới, mở rộng đường thì cột điện nằm giữa đường, cử tri bức xúc, lo ngại về an toàn giao thông và an toàn lưới điện. UBND tỉnh đã làm việc với Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, thống nhất việc xử lý những cột điện nằm giữa đường trên tinh thần phối hợp giữa ngành điện và các địa phương.

“Ngành điện chịu trách nhiệm từ lập phương án, cắt điện, cung cấp vật tư thiết bị điện,… địa phương bố trí quỹ đất, đào móng, đúc móng, nhân công để làm cột điện mới”, ông Bành Hồng Hiển trả lời.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường phấn khởi chia sẻ với các đại biểu về những triển vọng phát triển của Nghệ An trong năm 2018. Ảnh: T.G
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường phấn khởi chia sẻ với các đại biểu về những triển vọng phát triển của Nghệ An trong năm 2018. Ảnh: T.G

Năm 2018 có nhiều dự án hứa hẹn

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến báo cáo tình hình phát triển kinh tế-xã hội của Nghệ An năm 2017, đặc biệt là các vấn đề thu chi, phân bổ ngân sách.

Về triển vọng năm tới, người đứng đầu chính quyền tỉnh cũng thông tin thêm đến các đại biểu: “Năm 2018 chúng ta sẽ triển khai và thực hiện một số dự án lớn mà năm nay đang làm thủ tục, ví dụ như dự án của các tập đoàn FLC, Hemaraj (Thái Lan), Vingroup, T&T…”

Bên cạnh những thế mạnh sẵn có, cùng sự quan tâm, tạo điều kiện của Trung ương, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường cho rằng các địa phương, các cấp, ngành cần tích cực vào cuộc để hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đặt ra, song cần cẩn trọng trước những khó khăn, thách thức đặt ra.

Cũng tại buổi thảo luận, các đại biểu kiến nghị một số nội dung khác cần quan tâm giải quyết trong thời gian tới như: chỉ tiêu giảm tỷ lệ sinh và lao động qua đào tạo đặt ra khó đạt nếu thiếu giải pháp cụ thể; làm rõ trách nhiệm trong thực hiện Nghị quyết số 56/2016/NQ-HĐND ngày 16/12/2016 của HĐND tỉnh để xử lý vấn đề tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông; xử lý rác thải và nước thải ở nông thôn; giảm và bố trí các cuộc họp, tập huấn, tổng kết hợp lý, tránh chồng chéo, dày đặc; quyết liệt hơn thu hồi các dự án quá thời hạn; nguồn lực thực hiện chính sách phát triển nông nghiệp…

Các ý kiến này được tổng hợp, tiếp thu đầy đủ, trình phiên họp sáng mai (19/12) của HĐND tỉnh.

Thu Giang

TIN LIÊN QUAN

Tin mới