Phan Bội Châu - Con người của một thời đại, một xứ sở

(Baonghean) - Phan Bội Châu (Phan Văn San), sinh ngày 26 tháng 12 năm 1867, tại làng Đan Nhiệm, xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An là nhà cách mạng dân tộc, nhà văn hóa yêu nước, nhà tư tưởng dân chủ lớn nhất Việt Nam đầu thế kỷ XX.

Ông xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo ở một miền quê giàu truyền thống văn hóa và yêu nước, từ thuở niên thiếu sống cùng người dân lao động, thấm đẫm trong dòng chảy văn hóa xứ Nghệ với những câu đò đưa ví giặm “nước sông Lam biết răng là trong là đục, sống cuộc đời biết răng là nhục là vinh” đã dần nuôi lớn tâm hồn, nhân cách và bồi dưỡng ý chí đấu tranh trong con người cậu Nho San.

Đến khi ông đậu đầu xứ, đương thời gọi ông là Đầu xứ San “bảng một tên lừng lẫy chốn làng văn”, thì tinh thần đấu tranh ấy lại càng sục sôi và thôi thúc Phan Bội Châu hơn bao giờ hết, với ý thức “công danh phủi nhẹ, nước non phải đền”. Ông nguyện dâng hiến tất cả cuộc đời mình cho dân tộc, cho đồng bào.

Cụ Phan Bội Châu
Cụ Phan Bội Châu

Trong hành trình thực hiện sứ mệnh cứu nước của mình, Phan Bội Châu từ anh Giải San (Giải nguyên Phan Văn San) xứ Nghệ, sớm trở thành một đại biểu sáng giá nhất trong giai đoạn đầu thế kỷ XX, với một hành trình vượt biên giới đến với nhiều khu vực của Đông Á và Đông Nam Á, khắc phục mọi giới hạn chật hẹp của địa phương và Quốc gia, để biến lòng yêu nước thành tự tôn dân tộc.

Các phong trào yêu nước do Phan Bội Châu phát động như Duy Tân hội, Đông Du, Việt Nam Quang phục hội... đã lôi cuốn, hấp dẫn các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng. Đặc biệt là tầng lớp thanh niên, họ xem cụ Phan như thần tượng, như hình mẫu lý tưởng để phấn đấu. 

Nổi bật là phong trào Đông Du với tư tưởng vượt thời đại của một nhà nho thời bấy giờ. Phan Bội Châu đã làm thay đổi nhận thức của nhiều thanh niên, phải học để đổi mới tư duy, chấn hưng dân khí, dân trí. Đây thực sự là một sự thay đổi tư tưởng, từ tư tưởng học để làm quan nhằm “vinh thân phì gia”, thành học để cứu nước, cứu dân.

Phong trào Đông Du đã đặt nền móng cho những thay đổi sâu sắc của nước ta đầu thế kỷ XX, góp phần đào tạo đội ngũ trí thức sẵn sàng tiếp nhận con đường cách mạng vô sản, nhiều người sau này trở thành những yếu nhân của Cách mạng Việt Nam như Hồ Học Lãm, Đặng Thúc Hứa, Võ Tùng, Nguyễn Đức Công, Nguyễn Thức Đường… 

Toàn cảnh Khu di tích lưu niệm chí sỹ Phan Bội Châu (Nam Đàn). Ảnh: Đức Anh
Toàn cảnh Khu di tích lưu niệm chí sỹ Phan Bội Châu (Nam Đàn). Ảnh: Đức Anh

Phan Bội Châu không chỉ là nhà yêu nước lớn tiêu biểu cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam trong mấy chục năm đầu thế kỷ XX, mà còn là nhà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng có giá trị "thức tỉnh hồn nước", tiếp thêm "Máu nóng" cho cả dân tộc đang trong vòng nô lệ. Ông và sự nghiệp của mình có vị trí rất quan trọng trong lịch sử Việt Nam thời cận đại. 

Trong tiến trình phát triển của lịch sử, không phải lúc nào mọi nỗ lực đều thành công, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh ... và con đường cứu nước mà các ông lựa chọn có tất cả ngọt, bùi, cay đắng và đã trở thành lịch sử, thành trầm tích yêu nước và bài học nhận đường của dân tộc.

Phan Bội Châu không chỉ là nhà đại ái quốc, mà còn là nhà văn hóa lớn, di sản ông để lại cho hậu thế không chỉ là kho tàng trước tác đồ sộ, phong phú chứa đựng một lượng tri thức khổng lồ, mà trước hết và trên hết là tấm lòng kiên trinh với đất nước, là một nhân cách cao đẹp, một phong cách tư duy nhạy bén, mẫn tiệp.

Ông có vị trí xứng đáng, nổi bật trong hệ thống giá trị Việt Nam không chỉ ở thế kỷ XX mà còn cho cả tương lai mai sau. Ông là sứ giả văn hóa giữa hai quốc gia Việt Nam và Nhật Bản. Mối quan hệ thân thiết giữa Phan Bội Châu với những người bạn Nhật Bản, đặc biệt là bác sỹ Asaba Sakirato, trở thành cầu nối giao lưu văn hóa, khoa học, giáo dục giữa hai đất nước, góp phần bồi đắp thêm tình hữu nghị quốc tế Việt Nam - Nhật Bản.

Có thể nói, cả cuộc đời Phan Bội Châu đã cống hiến trọn vẹn cho phong trào giải phóng dân tộc, như lời nhận xét của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Phan Bội Châu là “vị anh hùng, bậc thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập dân tộc, được 20 triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng”.

Khánh thành công trình nhà tưởng niệm cụ Phan Bội Châu vào tháng 10/2016.	Ảnh: P.V
Khánh thành công trình nhà tưởng niệm cụ Phan Bội Châu vào tháng 10/2016. Ảnh: P.V

Không chỉ đất nước, quê hương xứ Nghệ tri ân, tưởng niệm Phan Bội Châu, mà tình cảm của nhân dân Nhật Bản với cụ Phan cũng rất nồng hậu và thân thiết. Các hiệp hội hữu nghị như Hiệp hội Asaba, Hội Hữu nghị Việt - Nhật, Hội Hữu nghị Nhật - Việt đã có nhiều hình thức kỷ niệm đối với Phan Bội Châu, như trao tặng phiên bản bia Asaba, thăm khu lưu niệm Phan Bội Châu, tặng bia kỷ niệm Đông Du, tổ chức hội thảo về Phan Bội Châu và phong trào Đông Du...

Đặc biệt ở thành phố Fukuroi - quê hương của bác sỹ Asaba (người đã có công giúp đỡ Phan Bội Châu và phong trào Đông Du), tình bạn cao đẹp giữa Phan Bội Châu và bác sỹ Asaba Sakirato đã được đưa vào chương trình giáo dục đạo đức cho học sinh tiểu học.  

Tổ chức kỷ niệm 150 năm Ngày sinh chí sỹ Phan Bội Châu, đồng thời long trọng đón bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt khu lưu niệm Phan Bội Châu tại Nam Đàn. Đây là sự tôn vinh, sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với những cống hiến to lớn của Phan Bội Châu đối với lịch sử phát triển dân tộc.

Chúng ta - "phường hậu tử", sẽ tiếp tục bảo vệ, gìn giữ và phát huy tốt nhất, có hiệu quả nhất giá trị của Khu Di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Phan Bội Châu; nơi đây đã và sẽ là một địa chỉ tham quan du lịch hấp dẫn, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho nhân dân, cho thế hệ trẻ, nhằm thúc đẩy sự nghiệp phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội ở Nghệ An trong sự nghiệp đổi mới và xây dựng đất nước.

Đây cũng là dịp để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An khắc nhiệt huyết yêu nước của chí sỹ Phan Bội Châu thức tỉnh thanh niên, đồng bào trong những câu thơ ông viết cách đây gần một thế kỷ, nhưng vẫn còn nguyên giá trị trong giai đoạn hiện nay:

Trời đã mới, người càng thêm đổi mới

Mở mắt thấy rõ ràng tân vận hội

Ghé vai vào xốc vác cựu giang sơn

Như thế, để cùng nhau đồng lòng, nỗ lực phấn đấu "xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn", xây dựng Nghệ An trở thành một trong những tỉnh khá trong cả nước, phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là trung tâm về tài chính, thương mại, du lịch, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao, công nghiệp công nghệ cao của vùng Bắc Trung bộ; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc xứ Nghệ; quốc phòng - an ninh vững chắc, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; hệ thống chính trị vững mạnh, xứng đáng với ước nguyện của các bậc tiền nhân. 

Nguyễn Xuân Đường

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh

TIN LIÊN QUAN

Tin mới