Phân định rõ trách nhiệm trong quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm

(Baonghean) - Phiên chất vấn tại kỳ họp được cử tri tỉnh nhà hết sức quan tâm.  3 vấn đề được đưa ra chất vấn lần này cho thấy HĐND tỉnh đang hướng mạnh mẽ đến việc làm rõ, giải quyết các vấn đề bức thiết ảnh hưởng đến đời sống dân sinh và mục tiêu phát triển bền vững: An toàn vệ sinh thực phẩm là một trong những ván dề nóng được đông đảo cử tri tỉnh nhà trông chờ theo dõi.
Toàn cảnh kỳ họp hội đồng thứ 15 ngày 19 tháng 12
Toàn cảnh kỳ họp hội đồng thứ 15 ngày 19 tháng 12.
Công tác quản lý, kiểm soát về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đang gặp phải những khó khăn, thách thức mà ngành y tế là đơn vị chủ đạo chịu trách nhiệm. Thực tế, các cơ sở y tế của tỉnh đang ngày càng phát triển nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân; mà nguyên nhân chính là nhà nước chưa quản lý tốt khâu ATTP từ chăn nuôi - chế biến - đến tiêu thụ.
Lực lượng chức năng kiểm tra thực phẩm khô không rõ nguồn gốc.
Lực lượng chức năng kiểm tra thực phẩm khô không rõ nguồn gốc.
Trả lời chất vấn của các đại biểu về (ATVSTP), Giám đốc Sở Y tế Bùi Đình Long cho rằng việc quản lý ATVSTP đang có nhiều bất cập. Thực tế ATVSTP liên quan đến 5 khâu: sản xuất, nhập khẩu vận chuyển, bảo quản chế biến và tiêu dùng thực phẩm. Muốn có ATVSTP ở khâu tiêu dùng thì tất cả các tổ chức, cá nhân phải hành động đúng với tiêu chuẩn ATVSTP . Muốn làm tốt khâu phòng bệnh, trước hết bắt nguồn từ ý thức phòng bệnh của nhân dân và khâu đảm bảo ATVSTP cũng chính là việc đảm bảo sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Về điều này, ngành Y tế đã và đang thực hiện với tần suất lớn hơn, thường xuyên hơn. .
Đại biểu Tôn Thị Cẩm Hà - TP Vinh nêu ý kiến về nguy cơ hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc đang ngày càng có xu hướng gia tăng trên thị trường.
Đại biểu Tôn Thị Cẩm Hà - TP Vinh nêu ý kiến về nguy cơ hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc đang ngày càng có xu hướng gia tăng trên thị trường.

 Các đại biểu Tôn Thị Cẩm Hà, Đỗ Đình Quang (TP. Vinh) gửi đến Giám đốc Sở Y tế chất vấn: Nghệ An có 15.442 cơ sở chế biến thực phẩm, yêu cầu ngành y tế trả lời rõ các cơ sở nào đã được cấp giấy, còn lại bao nhiêu cơ sở chưa được cấp phép kinh doanh nhưng vẫn hoạt động? Về điều này, ông Bùi Đình Long cho biết, ngành y tế quản lý các danh mục nước uống, nhà hàng bếp ăn, có số người ăn trên 200 suất/ngày. Qua kiểm tra, cơ bản các cơ sở đã đáp ứng được, nhưng điều quan trọng ở cấp huyện chỉ mới cấp được 60 - 70% giấy phép cho các cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm. Bên cạnh đó, việc xử phạt và đình chỉ vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Còn cấp xã quản lý các bếp ăn tập thể có suất ăn dưới 50 suất/ngày, đa số chưa thực hiện đúng theo yêu cầu. Đây là vấn đề ngành cũng đang băn khoăn, trăn trở và tiếp tục kiến nghị với Trung ương để ban hành các chế tài xử lý mạnh tay hơn với các trường hợp vi phạm về ATVSTP, đặc biệt nâng cao công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật đến cơ sở. Đồng thời các cấp chính quyền từ tỉnh, huyện đến xã cần tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở chế biến tiêu thụ ngay tại địa bàn mình.

Kiểm tra ATVSTP tại khách sạn Sài Gòn - Kim Liên.
Kiểm tra ATVSTP tại khách sạn Sài Gòn - Kim Liên.

Chế biến tiêu thụ được xem là khâu quan trọng trong chuỗi đảm bảo ATVSTP. Khi vấn đề hàng giả, hàng nhái len lỏi đến tận từng hộ dân, đến cả vùng sâu, vùng xa, và điều quan trọng là người dân không thể nhận biết được đâu là thật, đâu là giả. Và một thực tế “cái chết đến từ từ” từ nguy cơ dùng hàng giả đang ngày càng gia tăng. Đó là băn khoăn lo lắng của đại biểu Tôn Thị Cẩm Hà (TP. Vinh) khi đại biểu này cho biết, với tư cách là một người dân, không biết mua thực phẩm ở đâu thì an toàn. 

Đại diện Sở Công thương- ông Trần Đăng Ninh giải trình ý kiến của cử tri về thực trạng hàng giả, hàng nhái.
Đại diện Sở Công thương- ông Trần Đăng Ninh giải trình ý kiến của cử tri về thực trạng hàng giả, hàng nhái.

 Giải trình về vấn đề này, đại biểu Trần Đăng Ninh - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho rằng: “Về quản lý nhà nước đối với các mặt hàng bán tại chợ, ngành đã phối hợp với các địa phương xây dựng mô hình chợ ATTP và cũng đang trình tỉnh đề án để phê duyệt. Công tác kiểm tra đang được ngành thực hiện rốt ráo, chặt chẽ, tuy nhiên khi các mặt hàng đã lưu thông thì rất khó khăn. Ví dụ khi phát hiện dư lượng thuốc trừ sâu trên rau, củ tiêu thụ tại chợ nhưng số lượng ít nên không thể đình chỉ hay có những chế tài tương tự.

Hay các mặt hàng liên quan đến gia súc, gia cầm, thủy, hải sản cũng chỉ “trông chờ” từ khâu chăn nuôi tại các nông hộ và sự giám sát chặt chẽ của Sở NN&PTNT. Đối với các mặt hàng thịt và các sản phẩm từ thịt lưu thông trên địa bàn từ lâu ngành đã thực hiện công đoạn chốt chặn tại các điểm có nguy cơ tuồn hàng kém chất lượng không rõ nguồn gốc vào lưu hành trên thị trường.

Trong năm 2015, đã bắt giữ và tiêu hủy trên 10 tấn gia súc, gia cầm và 22 tấn nội tạng động vật không rõ nguồn gốc khi đang vận chuyển để “nhả hàng” cho các cơ sở chế biến, 167.000 quả trứng gia cầm từ xuôi chở lên miền núi không qua kiểm dịch. Tuy nhiên, việc bắt giữ này sẽ không giải quyết triệt để tận gốc, khi các cơ sở chế biến thực phẩm vẫn không xuất trình được các giấy tờ, dấu kiểm dịch đối với các mặt hàng này trong các cuộc đoàn liên ngành kiểm tra đột xuất”.

Từ những tồn tại mà các đại biểu và cử tri quan tâm, để thực hiện tốt hơn công tác ATVSTP, Giám đốc Sở Y tế Bùi Đình Long đề xuất hệ thống pháp luật cần được sửa đổi bổ sung với chế tài mạnh như xử lý hình sự, tịch thu các sản phẩm. Các tổ chức, cá nhân vi phạm, ngoài hình thức phạt hành chính cần có cơ chế đình chỉ hoạt động, phải bồi thường các chi phí khám, chữa bệnh, điều trị cho nạn nhân. Ngành Y tế cũng mong muốn liên ngành tiếp tục  thay đổi nhận thức, thái độ hành vi của người dân về ATTP, nâng cao ý thức đạo đức kinh doanh thực phẩm đối với cộng đồng.
Bên cạnh đó, liên ngành, trong đó có Sở Y tế sẽ phối hợp với UBND các cấp, các cơ quan đơn vị chức năng liên quan trong công tác thanh, kiểm tra việc thực hiện ATVSTP, tăng cường kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc hàng hóa trên thị trường và kiểm tra, giám sát lấy mẫu đối với các nguồn cung cấp thực phẩm đầu mối của tỉnh. 
Phải phân định rõ mặt hàng nào thì ngành nào quản lý; có sự phối hợp tốt hơn, chặt chẽ hơn trong quản lý nhà nước nhằm đảm bảo ATVSTP cho nhân dân là đề nghị của Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hiền.
 Thanh Nga

Tin mới