Thôi thúc từ những phận đời cơ cực

(Baonghean.vn) - Cuộc đời làm báo, rong ruổi ở những huyện vùng cao, tôi được chứng kiến nhiều cảnh đời khốn khó, cơ cực. Nhiều người thậm chí phải đánh cược với mạng sống, khi chấp nhận đi vào chốn “địa ngục trần gian” để mưu sinh. Đó cũng là lý do thôi thúc tôi đi tìm câu trả lời, cũng như đồng hành với họ.

Hành trình với phu vàng xứ Nghệ

Tôi không phải là người sinh ra và lớn lên ở Nghệ An. Trước khi về Báo Nghệ An công tác gần 4 năm trước, tôi chưa từng một ngày sống ở địa phương. Nhưng, những câu hỏi về vùng quê này lại có trong đầu tôi từ nhiều năm trước. Đó là những ngày còn làm phóng viên ở tỉnh Quảng Nam.

Quảng Nam, được mệnh danh là thủ phủ vàng của cả nước. Ở các huyện vùng cao của tỉnh này, dường như “đâu đâu cũng có vàng”. Hàng loạt bãi vàng trái phép tồn tại ở đây từ hơn nửa thế kỷ qua luôn là tâm điểm của tình hình mất an ninh trật tự trên địa bàn. Cũng chính vì sự khắc nghiệt, ở đây vẫn còn được gọi với cái tên “địa ngục trần gian”. Nhưng, có một điều đặc biệt, hầu hết phu vàng đang làm việc tại nơi này đều cùng quê xứ Nghệ.

Phóng viên trong một đường hầm khai thác vàng ở Quảng Nam. Ảnh: HS
Phóng viên trong một đường hầm khai thác vàng ở Quảng Nam. Ảnh: HS

Ngày còn làm phóng viên thường trú của một tờ báo điện tử ở Quảng Nam, cứ dăm bữa, nửa tháng, tôi lại nhận được tin báo “có sự vụ từ bãi vàng”. Những sự vụ đó chủ yếu là sập hầm vàng; các phu vàng bị hành hạ, đánh đập; tranh giành lãnh địa, thanh trừng nhau hay những phu vàng bỏ trốn... Hầu hết, các nhân vật chính trong những sự vụ đó đến từ các huyện miền Tây Nghệ An. Được nghe kể về sự tàn khốc ở trong bãi vàng, hàng loạt câu hỏi luôn hiện ra trong đầu tôi, thôi thúc đi tìm câu trả lời.

Tôi luôn tự hỏi: “Tại sao những lao động miền Tây Nghệ An lại đổ xô vào Quảng Nam làm phu vàng? Ở quê hương của họ, vì thiếu kế sinh nhai, hay còn những nguyên nhân nào khác mà họ bất chấp tính mạng, liều lĩnh bước vào chốn “địa ngục trần gian”? Cuộc sống ở trong bãi vàng khắc nghiệt như thế nào? Tại sao họ bỏ trốn...”. Nhưng, những câu hỏi không dễ để tìm câu trả lời. Bởi, bãi vàng là nơi “không phải ai muốn vào cũng được”. Chưa kể là làm thế nào để tiếp cận những phu vàng đến từ xứ Nghệ, những chủ bãi, những người liên quan đang làm việc ở bãi vàng và thậm chí, cả cơ quan chức năng, nhằm tìm ra sự thật.

Cho đến khi về công tác ở Báo Nghệ An cuối năm 2016, tôi vẫn luôn ấp ủ đề tài này. Vì tình trạng lao động cưỡng bức ở các bãi vàng còn nhức nhối. Để triển khai tuyến bài, trong những chuyến công tác miền Tây Nghệ An, tôi luôn tìm mọi cách lân la, hỏi chuyện nhằm tìm ra những đường dây đưa lao động vào làm việc ở các bãi vàng Quảng Nam.

Mãi đến tháng 5/2019, tôi mới tiếp cận được “những kẻ săn đầu người”. Họ là những người được chủ bãi vàng cử tới các huyện vùng cao để tìm lao động. Vì được trả công theo đầu người tuyển được, họ được gọi với cái tên đầy rùng rợn. Sau khi nắm bắt được thông tin về chuyến xe khách sẽ chở những lao động từ Tương Dương vào làm việc ở “địa ngục trần gian”, để đảm bảo bí mật, tôi quyết định xin cơ quan nghỉ phép, rồi âm thầm bắt chuyến xe đó để đồng hành cùng họ. Để rồi, theo chân họ rong ruổi khắp nhiều bãi ở các huyện vùng cao của Quảng Nam. Phải mất 1 tuần, tôi mới có thể hoàn thành được chuyến đi này.

Phóng viên Báo Nghệ An phỏng vấn ông Lê Trí Thanh, hiện nay là Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam để thực hiện loạt bài “Phu vàng xứ Nghệ ở địa ngục trần gian”.
Phóng viên Báo Nghệ An phỏng vấn ông Lê Trí Thanh, hiện nay là Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam để thực hiện loạt bài “Phu vàng xứ Nghệ ở địa ngục trần gian”.

Loạt bài phóng sự điều tra “Phu vàng xứ Nghệ ở địa ngục trần gian” sau đó được đăng tải trên Báo Nghệ An cả báo in lẫn điện tử. Sau loạt bài đó, ông Lê Trí Thanh - hiện là Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã có nhiều động thái tích cực, nhằm nỗ lực xóa sổ các bãi vàng trái phép, cũng như chấn chỉnh tình trạng cưỡng bức lao động, đặc biệt là lao động trẻ em; đảm bảo an ninh trật tự, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, làm ô nhiễm môi trường do khai thác vàng gây ra... Còn ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn thậm chí còn rốt ráo “triệu tập” toàn bộ chủ bãi vàng trên địa bàn huyện để chấn chỉnh ngay sau khi Báo Nghệ An đăng tải loạt bài.

Động lực thôi thúc 

Chuyến công tác miền núi đầu tiên của tôi ở Nghệ An là một lần đi theo Đoàn đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri ở 5 huyện dọc Quốc lộ 7 một ngày cuối năm 2016. Tôi khá sửng sốt khi mà hầu hết ý kiến cử tri ở các huyện vùng cao đều tỏ ra bức xúc về các bất cập liên quan đến những dự án thủy điện trên địa bàn. Sau chuyến đi đó, tôi bắt đầu tìm hiểu về những hệ lụy của thủy điện.

Những ngôi nhà tan hoang vì nhà máy thủy điện ở miền Tây Nghệ An.
Những ngôi nhà tan hoang vì nhà máy thủy điện ở miền Tây Nghệ An.

Có mặt tại nhiều bản, làng nơi thượng nguồn sông Lam, thay vì cuộc sống êm đềm, những ngôi làng “đẹp như tranh vẽ” nằm bên sông của quá khứ như lời kể của người dân địa phương, thì tôi được chứng kiến cảnh tan hoang, những ngôi nhà chờ sập, lơ lửng trước miệng tử thần. Họ phấn khởi nhường đất cho dự án thủy điện theo chủ trương của Nhà nước, nhưng thứ họ nhận được bây giờ chỉ là một cuộc sống cơ cực, thiếu kế sinh nhai. Cũng như tính mạng, tài sản đang ngày đêm bị đe dọa và sự thờ ơ đến từ các chủ đầu tư thủy điện.

Những mảnh đời cơ cực đó chính là động lực, thôi thúc tôi thực hiện hàng loạt bài viết về hệ lụy từ các dự án thủy điện nhằm phản ánh chân thực nhất cuộc sống khốn khổ của người dân, góp tiếng nói lên cơ quan có thẩm quyền. Trong số đó, có loạt phóng sự điều tra “Phía sau hào quang của thủy điện” được đăng tải trên Báo Nghệ An vào tháng 8/2019.

Tác giả tác nghiệp trong một đường hầm khai thác khoáng sản.
Tác giả tác nghiệp trong một đường hầm khai thác khoáng sản.

Sau những loạt bài phản ánh về hệ lụy, thay vì thái độ thờ ơ như trước đây, may mắn, nhiều chủ đầu tư dự án thủy điện đã chịu nhận một phần trách nhiệm, dù như thế vẫn là chưa đủ. Họ cũng đã phải chịu bỏ tiền để hỗ trợ người dân sau những thiệt hại về tài sản và tính mạng của người dân do chính họ gây ra. Thậm chí, Công an Nghệ An cũng đã huy động một lực lượng chưa từng có để điều tra về các sai phạm của thủy điện. Một số nhân viên nhà máy thủy điện đã bị khởi tố, bắt giam vì xả lũ làm chết người...

2 tác phẩm kể về phu vàng xứ Nghệ An ở “địa ngục trần gian” và “phía sau hào quang của thủy điện” đã may mắn đạt giải Báo chí tỉnh Nghệ An năm nay. Và động lực lớn nhất để tác giả thực hiện những loạt bài đó, cũng như những tác phẩm khác chính là sự thôi thúc từ hình ảnh những phận đời khốn khó.

Tin mới