Thông báo Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 9/2022

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - UBND tỉnh vừa có Thông báo Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 9/2022.

Ngày 29/9/2022, UBND tỉnh tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 9 dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung. Tham dự phiên họp có các thành viên UBND tỉnh; đại diện Thường trực HĐND tỉnh; các ban của HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị có liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã (trực tuyến).

Toàn cảnh phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 9/2022. Ảnh: Phạm Bằng

Toàn cảnh phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 9/2022. Ảnh: Phạm Bằng

Tại cuộc họp UBND tỉnh đã nghe và cho ý kiến các nội dung: Báo cáo kết quả thực hiện Thông báo kết luận của Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại phiên họp giao ban quý 1/2022 với UBND các huyện, thành phố, thị xã, phiên họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 8, các buổi làm việc chuyên đề trong tháng 8/2022; Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác theo Quyết định số 2416/QĐ-UBND của UBND tỉnh; các Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm 2022 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm 2022; Báo cáo công tác Cải cách hành chính quý III năm 2022 và các nội dung thuộc thẩm quyền.

Sau khi nghe báo cáo của các sở, ngành; UBND các huyện, thành phố, thị xã và ý kiến thảo luận tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung kết luận như sau:

I. Tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2022, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm quý IV năm 2022

1. Kết quả đạt được

- Tình hình kinh tế tiếp tục có chuyển biến tích cực, trong đó:

+ Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) 9 tháng ước tăng 9,23%, trong đó khu vực nông, lâm, ngư nghiệp ước tăng 4,33%, khu vực công nghiệp và xây dựng ước tăng 10,52% (riêng công nghiệp ước tăng 11,66%), khu vực dịch vụ ước tăng 11,53%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước tăng 5,7%.

+ Thu ngân sách 9 tháng ước đạt 15.730 tỷ đồng, bằng 104,9% dự toán (trong đó, thu nội địa đạt 14.618 tỷ đồng; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 1.112 tỷ đồng). Có 18/21 địa phương thu ngân sách vượt dự toán giao, trong đó có một số địa phương thu ngân sách đạt cao như: Thành phố Vinh, huyện Nghi Lộc, huyện Diễn Châu, huyện Yên Thành, huyện Đô Lương, huyện Hưng Nguyên,...

+ Thu hút đầu tư: Tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 32.058,9 tỷ đồng, tăng 41,22% so với cùng kỳ, trong đó cấp mới cho 83 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 18.924,5 tỷ đồng.

- Các lĩnh vực văn hoá - xã hội, an sinh xã hội được quan tâm chỉ đạo. Kiểm soát tốt dịch bệnh, nhất là phòng chống dịch Covid-19, dịch sốt xuất huyết, triển khai tiêm vắc xin cho người dân. Tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ năm học mới 2022 - 2023. Công tác an sinh xã hội được thực hiện kịp thời; hoạt động chăm lo cho các đối tượng chính sách, người nghèo, người lao động được triển khai chu đáo; giải quyết việc làm 40.954 người, tăng 42,4% so cùng kỳ. Tổ chức thành công nhiều hoạt động, sự kiện lớn như: Kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Lê Hồng Phong,...

- Công tác đối ngoại được triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả, nhất là phối hợp tổ chức nhiều hoạt động nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Lào trang trọng, chu đáo…

- Hoàn thành một số nhiệm vụ trọng tâm ở cấp tỉnh theo tiến độ kế hoạch như: Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị;...

- Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, đặc biệt là tổ chức thành công diễn tập khu vực phòng thủ, phòng thủ dân sự tỉnh và 05 huyện đảm bảo chất lượng, an toàn, đúng kế hoạch.

2. Khó khăn, hạn chế

- Tình hình thiên tai, mưa lũ diễn biến phức tạp; dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ.

- Giá cả nguyên vật liệu đầu vào gia tăng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và đời sống người dân.

- Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt thấp.

- Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn bất cập như đất đai, môi trường, khoáng sản, quản lý xây dựng,...

- Tiến độ giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính của một số cơ quan, đơn vị vẫn còn chậm.

3. Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý IV năm 2022

3.1. Tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ, đầu tư,... bám sát kịch bản tăng trưởng để điều hành, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra năm 2022.

- Các cấp, các ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao:

+ Thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, dịch sốt xuất huyết,...; tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêm phòng vắc xin theo kế hoạch.

+ Triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình mới theo tinh thần Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 16/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

+ Chủ động nắm bắt, tháo gỡ, giải quyết dứt điểm, kịp thời những khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp, nhà đầu tư; phối hợp giải quyết các kiến nghị, đề xuất của cơ sở, nhất là các vấn đề được dư luận, cử tri quan tâm.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Phối hợp chặt chẽ với các địa phương tổ chức tốt việc sản xuất nông nghiệp. Tập trung chỉ đạo hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2022.

- Sở Công Thương:

+ Rà soát, đánh giá hoạt động sản xuất công nghiệp; tập trung hỗ trợ thúc đẩy tiến độ các dự án sản xuất công nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thương mại dịch vụ để thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo ổn định các cân đối lớn trên địa bàn tỉnh.

+ Phối hợp với các ngành, địa phương tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát thị trường, phòng, chống các hoạt động gian lận thương mại; đảm bảo cung cầu hàng hoá, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống.

3.2. Tập trung phòng chống thiên tai, lũ lụt, nhất là những tháng cuối năm

- Các cấp, các ngành:

+ Theo dõi, chủ động chuẩn bị tốt các biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả đối với tình hình thiên tai, lũ lụt theo phương châm 4 tại chỗ; tập trung rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét, ngập sâu để kịp thời có phương án sơ tán người dân, đảm bảo an toàn tối đa cho người dân.

+ Tăng cường công tác tuyên truyền, nhắc nhở người dân, nhất là những nơi có nguy cơ sạt lở, lũ quét, ngập sâu vào thời điểm mưa lũ.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung thăm hỏi đồng bào bị thiệt hại do lũ quét ở Kỳ Sơn. Ảnh: Phạm Bằng

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung thăm hỏi đồng bào bị thiệt hại do lũ quét ở Kỳ Sơn. Ảnh: Phạm Bằng

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, tàu thuyền, hoạt động thuỷ sản, nhất là hồ đập xung yếu, hồ đầy nước, các công trình đang thi công, sửa chữa; bảo vệ sản xuất nông nghiệp;...

- Sở Công Thương phối hợp với các địa phương chỉ đạo các nhà máy thuỷ điện trên địa bàn thực hiện nghiêm quy định về quản lý an toàn đập, quy trình vận hành hồ chứa; thông tin kịp thời, bảo đảm an toàn cho người dân, nhất là trong tình huống phải xả lũ khẩn cấp; kiểm tra công tác bảo đảm an toàn hệ thống lưới điện, đặc biệt là đảm bảo điện phục vụ các công trình tiêu úng, thoát lũ,...

3.3. Tập trung giải quyết, hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 10 năm 2022.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư:

+ Khâu nối, phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

+ Phối hợp với Tỉnh ủy, Ban Kinh tế Trung ương để chuẩn bị các nội dung, tham mưu tổ chức Hội thảo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26- NQ/TW của Bộ Chính trị.

- Sở Giao thông Vận tải, Ban quản lý KKT Đông Nam: Chủ động thực hiện, tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh thủ tục thực hiện các công trình trọng điểm: Cảng nước sâu, Sân bay Vinh,...

- Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn thiện, trình UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021 - 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2022 đối với các huyện còn lại. Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

- Sở Xây dựng chủ động tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá tổng thể việc công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng trên địa bàn tỉnh kể từ năm 2021 trở lại đây, đảm bảo công bố sát giá thị trường, công bằng, minh bạch, chống tiêu cực, tham nhũng.

- Sở Giao thông Vận tải phối hợp với các ngành, địa phương khẩn trương rà soát, cập nhật số liệu liên quan đến kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án nâng cấp, mở rộng đường QL1A. Khẩn trương tham mưu văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình Thủ tướng Chính phủ. Phân công 01 Phó Giám đốc chịu trách nhiệm nội dung này để thường xuyên theo dõi quá trình giải quyết công việc.

- Ban quản lý KKT Đông Nam:

+ Tập trung hoàn thành việc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các nội dung: Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam đến năm 2040; chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng KCN Thọ Lộc, KCN Hoàng Mai 2.

+ Tiếp tục phối hợp với các địa phương, nhà đầu tư trong công tác giải phóng mặt bằng; hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện hoàn thành các hồ sơ, thủ tục.

- Sở Văn hóa và Thể thao: Chủ trì phối hợp với Báo Nhân Dân tổ chức Chương trình nghệ thuật “Truông Bồn - Bản hùng ca huyền thoại” kỷ niệm 54 năm chiến thắng Truông Bồn.

3.4. Tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 03 Chương trình mục tiêu Quốc gia và các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn.

- Các sở, ngành, địa phương:

+ Tập trung thực hiện các nhiệm vụ đã được giao tại Hội nghị giao ban về công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đảm bảo đúng tiến độ theo cam kết.

+ Đối với 03 Chương trình mục tiêu Quốc gia, chủ động chuẩn bị các hồ sơ, thủ tục để triển khai sau khi HĐND tỉnh thông qua để kịp thời thực hiện giải ngân vốn, lưu ý phải đảm bảo việc phân bổ vốn tập trung, không dàn trải và cân đối trong phạm vi nguồn vốn được giao, không phê duyệt các dự án vượt khả năng cân đối; việc bố trí vốn phải đảm bảo đúng đối tượng, nguyên tắc và các tiêu chí theo quy định.

3.5. Tập trung chỉ đạo các lĩnh vực văn hóa - xã hội, thực hiện công tác an sinh xã hội, đảm bảo đời sống cho người dân.

- Sở Y tế: Tiếp tục kiểm soát dịch bệnh, tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời các ổ dịch phát sinh. Chủ động có các giải pháp để bảo đảm thuốc chữa bệnh, vật tư, trang thiết bị y tế và các điều kiện khác để phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân.

- Sở Giáo dục và Đào tạo: Tiếp tục chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ dạy và học cho năm học mới; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thu chi đầu năm học tại các cơ sở giáo dục, kịp thời chấn chỉnh tình trạng lạm thu và thu sai quy định.

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Tăng cường kết nối cung cầu lao động, tập trung giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ. Chú trọng thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng.

- Sở Tài chính:

+ Phối hợp với các địa phương tiến hành chi trả dứt điểm phụ cấp phòng, chống dịch Covid-19 cho đội ngũ y tế.

+ Cấp phát và quản lý việc chi trả lương cho giáo viên mầm non hợp đồng lao động theo Nghị quyết số 16/2022/NQ-HĐND ngày 14/7/2022 của HĐND tỉnh đảm bảo kịp thời, đúng chế độ, đối tượng và thanh quyết toán theo quy định.

+ Rà soát, đảm bảo nguồn lực để chi trả kịp thời các chế độ chính sách an sinh xã hội, tiền lương, hỗ trợ khắc phục hậu quả bão lụt,...

3.6. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường công tác quản lý nhà nước; thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính.

- Các cấp, các ngành:

+ Tập trung rà soát các nội dung, nhiệm vụ theo chương trình công tác năm để thực hiện đảm bảo chất lượng, tiến độ theo yêu cầu. Văn phòng UBND tỉnh đôn đốc các sở, ngành nghiêm túc chuẩn bị các nội dung, tham mưu trình Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và kỳ họp HĐND tỉnh đảm bảo đúng thời hạn.

+ Có các giải pháp nhằm thực hiện tốt thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến, hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp với người dân, doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng phục vụ của Trung tâm Phục vụ hành chính công và Bộ phận một cửa các cấp; tiếp tục tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm.

+ Tập trung hoàn thành xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 đảm bảo chất lượng và tiến độ đề ra.

3.7. Đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội; tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy; bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh,...

II. Đối với kiến nghị của các địa phương

Giao các sở, ban, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao để nghiên cứu, tham mưu xử lý kiến nghị, đề xuất của các địa phương theo quy định.

III. Các nội dung thuộc thẩm quyền UBND tỉnh

1. Dự thảo Đề án tăng cường trang bị phương tiện, trang thiết bị bảo đảm yêu cầu công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an Nghệ An giai đoạn 2023-2025.

UBND tỉnh thống nhất thông qua dự thảo Đề án do Công an tỉnh chuẩn bị. Giao Văn phòng UBND tỉnh phối hợp với Công an tỉnh hoàn thiện dự thảo, tham mưu Ban cán sự đảng UBND tỉnh báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh uỷ theo quy định.

2. Dự thảo Đề án “Phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.

UBND tỉnh thống nhất thông qua dự thảo Đề án do Sở Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị. Giao Văn phòng UBND tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện dự thảo, tham mưu UBND tỉnh ban hành theo quy định.

3. Dự thảo Nghị quyết HĐND tỉnh Nghệ An quy định nội dung và mức chi tổ chức lựa chọn sách giáo khoa sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

UBND tỉnh thống nhất thông qua dự thảo Nghị quyết do Sở Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị. Giao Văn phòng UBND tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện dự thảo, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh theo quy định.

4. Báo cáo kết quả 01 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 36/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.

UBND tỉnh thống nhất thông qua dự thảo Báo cáo do Sở Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị. Giao Văn phòng UBND tỉnh phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện dự thảo, tham mưu Ban cán sự đảng UBND tỉnh báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh uỷ theo quy định.

5. Dự thảo Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý các dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

UBND tỉnh thống nhất thông qua dự thảo Nghị quyết do Sở Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị. Giao Văn phòng UBND tỉnh phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện dự thảo, tham mưu Ban cán sự đảng UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo quy định.

6. Dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh về việc cho ý kiến đối với kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

UBND tỉnh thống nhất thông qua dự thảo Nghị quyết do Ban Dân tộc chuẩn bị. Giao Ban Dân tộc phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao và Văn phòng UBND tỉnh hoàn thiện dự thảo, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh theo quy định.

7. Dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh về việc cho ý kiến đối với kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

UBND tỉnh thống nhất thông qua dự thảo Nghị quyết do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuẩn bị. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh hoàn thiện dự thảo, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh theo quy định.

8. Dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh về việc cho ý kiến đối với kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và năm 2024 trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

UBND tỉnh thống nhất thông qua dự thảo Nghị quyết do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chuẩn bị. Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh hoàn thiện dự thảo, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh theo quy định.

9. Đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị Đô Lương, huyện Đô Lương.

UBND tỉnh thống nhất thông qua Đồ án do UBND huyện Đô Lương chuẩn bị. Giao UBND huyện Đô Lương phối hợp với Sở Xây dựng và Văn phòng UBND tỉnh hoàn thiện Đồ án, tham mưu Ban cán sự đảng UBND tỉnh trình xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo quy định.

10. Đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Đô Lương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

UBND tỉnh thống nhất thông qua Đồ án do UBND huyện Đô Lương chuẩn bị. Giao UBND huyện Đô Lương phối hợp với Sở Xây dựng và Văn phòng UBND tỉnh hoàn thiện Đồ án, tham mưu Ban cán sự đảng UBND tỉnh trình xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo quy định.

Nhộn nhịp phố đêm ở thị trấn Đô Lương. Ảnh: P.V

Nhộn nhịp phố đêm ở thị trấn Đô Lương. Ảnh: P.V

11. Dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh về phê duyệt bổ sung tổng số người làm việc hưởng lương từ ngân sách trong các đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên.

UBND tỉnh thống nhất thông qua dự thảo Nghị quyết do Sở Nội vụ chuẩn bị. Giao Văn phòng UBND tỉnh phối hợp với Sở Nội vụ hoàn thiện dự thảo, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh theo quy định.

12. Chủ trương thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện công trình, dự án trên địa bàn huyện Nghi Lộc và huyện Con Cuông.

UBND tỉnh thống nhất thông qua chủ trương thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa. Giao Văn phòng UBND tỉnh phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh theo quy định.

Trên đây là kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung tại phiên họp thường kỳ tháng 9 năm 2022, UBND tỉnh thông báo để các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã biết và triển khai thực hiện./.

Tin mới