Thông điệp 'Bình An' nơi rẻo cao biên giới Nghệ An

(Baonghean.vn) - Câu chuyện của vợ chồng ông Lương Văn Nhưn ở bản Piêng Lau, xã Na Loi lâu nay không chỉ gây sự chú ý của bà con nơi đây, mà còn lan ra nhiều địa phương khác... Đó là một câu chuyện lan tỏa thông điệp về sự kỳ diệu của tình nhân ái nơi biên viễn quê hương...

Ước mơ của ông Nhưn

Ông Lương Văn Nhưn và vợ là Lương Thị Phênh sống cùng nhau trong ngôi nhà nằm cuối bản Piêng Lau của xã Na Loi, huyện biên giới Kỳ Sơn. Trong số 92 hộ của bản Piêng Lau thì hộ ông Nhưn thuộc vào diện đặc biệt khó khăn. Ngôi nhà của vợ chồng ông, ngoài những tấm phên nứa bạc thếch, mái nhà lợp bằng fibro xi-măng đã thủng lỗ chỗ và chiếc mâm ăn cơm bằng nhôm đã méo mó thì không có gì khác có giá trị.

Tuy nhiên, thiếu cơm ăn, áo mặc chưa phải là nỗi khổ lớn nhất của vợ chồng ông. Ông Lương Văn Nhưn sinh năm 1965, bà Phênh vợ ông sinh năm 1975. Ở cái tuổi này, những người cùng trang lứa với ông đã làm ông làm bà, nhiều người cháu đã sắp đến tuổi lấy chồng lấy vợ. Ấy vậy mà, thời điểm chúng tôi gặp vợ chồng ông bà là trước Tết nguyên đán 2020 hai người vẫn chưa có lấy một mụn con, mặc dù trước đó ông Lương Văn Nhưn đã trải qua 9 lần “có vợ”. Bà Lương Thị Phênh là người thứ 10 chung sống với ông Nhưn, nhưng là người đầu tiên ông đăng ký kết hôn cùng.

Cho biết thêm về hoàn cảnh của ông Lương Văn Nhưn, Bí thư Đảng ủy xã Na Loi Vi Văn Khuôn thông tin thêm, việc ông có nhiều vợ thực ra chỉ là cách gọi, bởi những người trước đây được ông gọi là vợ là theo cách gọi thân tình, khi gặp nhau thấy ưng cái bụng thì về ở cùng, được một thời gian thấy không còn ưng cái bụng thì lại đường ai nấy đi. Khi chưa xảy ra dịch Covid -19, ông Lương Văn Nhưn thường xuyên đi sang Lào tìm việc làm, bươn chải lo cho cuộc sống, và trong một lần sang bên đó ông gặp bà Lương Thị Phênh, là vợ của ông bây giờ.

Bà Lương Thị Phênh là người gốc Việt, nhưng sinh ra và lớn lên ở đất nước Lào do bố mẹ của bà di cư sang Lào đã lâu, sinh sống tại bản bên kia biên giới, giáp với bản Na Khướng của xã Na Loi. Ngày ngày vợ chồng dắt nhau lên rẫy, hoặc vào rừng thu hái lâm sản phụ. Trước sự chăm chỉ và khao khát xây dựng tổ ấm của ông bà, nhiều người dân trong bản, trong xã dù cùng gia cảnh nghèo như nhau nhưng thi thoảng vẫn mang gạo, thức ăn sang cho, động viên vợ chồng tiếp tục cố gắng vươn lên. Sự động viên ấy cũng khiến ông Nhưn và vợ thêm quyết tâm ở lại Na Loi sinh sống, không di cư sang Lào, và không từ bỏ mơ ước cái mái ấm gia đình đúng nghĩa.

“Phép màu” đến với gia đình nghèo

Sau hơn 3 năm lấy nhau, tưởng chừng vợ chồng ông Lương Văn Nhưn sẽ ở với nhau như vậy đến hết cuộc đời, và mãi mãi sẽ chẳng thoát được sự nghèo đói, cô đơn, không con cái. Ấy vậy mà, “phép màu” đã bất ngờ đến với gia đình ông, để giờ đây ngày 2/6/2021, hai người vừa vui mừng đón đứa con trai về với quê hương Na Loi sau 10 ngày bà Lương Thị Phênh sinh mổ tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Nam Nghệ An. Hơn thế nữa, thay vì ở trong căn nhà rách nát xưa kia, nay vợ chồng ông đã có một ngôi nhà ngói khang trang, vững chãi, có sàn lát gạch hoa đúng như mơ ước mà ông Nhưn đã ấp ủ hơn nửa đời người.

Nguyên do dẫn đến sự đổi đời của vợ chồng ông Lương Văn Nhưn xuất phát từ một cuộc làm thiện nguyện của anh Lô Khánh Khang, một thành viên chủ chốt của Câu lạc bộ Thiện nguyện Kỳ Sơn. Anh Lô Khánh Khang cho biết, giữa năm 2020 anh cùng một số bạn bè vào xã Na Loi trao quà từ thiện cho các gia đình nghèo nơi đây. Qua những câu chuyện cùng bà con, anh Khang biết được hoàn cảnh của vợ chồng ông Lương Văn Nhưn nên đã trực tiếp đến để thăm ông bà. Sau chuyến công tác ấy, anh Khang đã quyết định kêu gọi các nhà hảo tâm quyên góp xây nhà cho vợ chồng ông Lương Văn Nhưn. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, Đoàn thiện nguyện Ươm mầm xanh Thiện Tâm (Hà Nội) đã đồng ý tài trợ 50 triệu đồng xây nhà mới cho vợ chồng ông Lương Văn Nhưn.

Sau khi đón Tết nguyên đán 2020 xong, ngôi nhà tình nghĩa tặng vợ chồng ông Nhưn đã được khởi công, giúp đôi vợ chồng không còn trẻ đã tràn ngập vui tươi như những đứa trẻ khi được bàn giao ngôi nhà mới. Như lời ông Lương Văn Nhưn bộc bạch thì “ngôi nhà còn to lớn, đẹp hơn nhiều lần so với ngôi nhà trong giấc mơ”. Và khoảng 1 tháng sau khi dọn về ngôi nhà mới, “phép màu” lại một lần nữa đến với gia đình nhỏ này khi bà Lương Thị Phênh thông báo mình đã mang thai.

Lan tỏa thông điệp “Bình An”

Việc ông Nhưn, một người dân được các đoàn thể, xã hội dang tay giúp ổn định cuộc sống khiến chính quyền thôn bản ở Na Loi hết sức vui mừng. Song, để có được những “phép màu” đến với gia đình ông Nhưn, là nhờ sự cưu mang, thương yêu của cả cộng đồng xã hội. Sức mạnh nhân ái đã nâng cánh ước mơ của ông Lương Văn Nhưn, chắp thêm động lực để xã hội có thêm một gia đình hạnh phúc.

Trước đây, ngôi nhà cũ của đôi vợ chồng nghèo khó này nằm ở cuối bản Piêng Lau, cách khá xa trung tâm bản, địa thế chật hẹp. Sau khi có nhà tài trợ ủng hộ xây nhà, ông Nhưn muốn chuyển đến xây nhà mới ở vị trí rộng rãi, thuận tiện hơn. Để đáp ứng nguyện vọng của ông, chính quyền xã đã cử người khảo sát, tìm địa điểm thích hợp, rồi vận động kinh phí thuê máy san gạt nền nhà để bàn giao cho các nhà hảo tâm xây dựng. Vị trí mà gia đình lựa chọn để xây nhà mới nằm trên đỉnh một quả đồi thoai thoải, khá rộng rãi thoáng mát. Song, để có được ngôi nhà như hiện tại, việc vận chuyển nguyên vật liệu xây nhà là cả một việc nan giải. Bằng sự kêu gọi của chính quyền địa phương, bản thân lãnh đạo Đảng ủy, chính quyền xã và các đoàn thể nơi đây cùng với anh Lô Khánh Khang là những người đã nhiệt tâm trực tiếp tham gia giúp đỡ vợ chồng ông Nhưn xây nhà mới.

Không chỉ là chuyện xây nhà, việc ra đời của cậu bé Lương Bình An, con trai của vợ chồng ông Lương Văn Nhưn cũng để lại bao hồi ức vui vẻ cho người dân nơi đây, cho những người tạo nên “phép màu” cho đôi vợ chồng này. Và suốt 9 tháng 10 ngày bà Lương Thị Phênh mang thai, cùng với nguồn tài trợ sữa dinh dưỡng nhà hảo tâm ở Hà Nội, chính quyền và các đoàn thể ở Na Loi cũng cắt cử người thường xuyên đến nhà thăm hỏi, giúp đỡ bà Phênh chăm sóc sức khỏe. Thời gian bà Phênh mang thai, ông Lương Văn Nhưn được chính quyền và người dân tạo điều kiện giúp đỡ nhận thêm nương rẫy để ông trồng lúa, ngô và tranh thủ đi làm thuê kiếm tiền.

Ngày bà Lương Thị Phênh đến kỳ sinh nở, vì bị bướu cổ phải mổ đẻ, bệnh viện huyện đề nghị chuyển tuyến để đảm bảo an toàn cho mẹ con sản phụ. Trong quá trình bà Phênh đến viện sinh con, toàn bộ chi phí đều do các nhà hảo tâm hỗ trợ.  

“Tôi đặt tên cho con trai của vợ chồng ông Nhưn là Lương Bình An, hy vọng cháu sẽ có một đời bình an may mắn. Câu chuyện của ông Nhưn thực sự đã lan tỏa được ý nghĩa của lòng yêu thương, giúp đem lại niềm tin vào sự tốt đẹp của cuộc sống, cho thấy cuộc đời vẫn còn thật nhiều những tấm lòng thơm thảo. Thời gian tới đây, chính quyền và các đoàn thể sẽ tiếp tục quan tâm, giúp đỡ gia đình của bé Bình An. Song, với chặng đường còn dài, rất mong sẽ có thêm nhiều tấm lòng đến với người dân Na Loi, đến với gia đình nhỏ của bé Bình An, để cháu lớn lên trong tình thương yêu của cộng đồng như bố mẹ cháu đã được nhận”, Chủ tịch UBND xã Na Loi Pịt Thị Hà tâm sự.

Tin mới