Thông điệp răn đe Mỹ trong cuộc diễn tập chống tên lửa diệt hạm của Trung Quốc

Cuộc diễn tập của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông có thể chuẩn bị khả năng đối phó các vũ khí diệt hạm của Mỹ và đồng minh.
10 tàu hộ vệ lớp Type-056 đến từ các đơn vị hải quân Trung Quốc cuối tuần trước tham gia cuộc diễn tập kiểm tra năng lực đánh chặn tên lửa chống hạm trên Biển Hoa Đông. Bắc Kinh cho biết cuộc diễn tập nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của hải quân Trung Quốc với các đối thủ tiềm tàng trên biển.

Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định cuộc diễn tập này có thể là đòn đáp trả của Trung Quốc trước màn phô diễn hỏa lực diệt hạm (SINKEX) của Mỹ, Nhật và Australia trong diễn tập Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2018 hồi tháng trước, theo Business Insider.

''Đánh chặn tên lửa chống hạm là nhiệm vụ cấp bách khi các mối đe dọa trong khu vực ngày càng gia tăng. Năng lực phòng thủ tên lửa là yếu tố then chốt để xây dựng lực lượng hải quân hiện đại", chuyên gia quân sự Trung Quốc Song Zhongping tuyên bố, dường như muốn phát đi một thông điệp răn đe tới Mỹ và đồng minh.

Trong cuộc diễn tập SINKEX, quân đội Mỹ, Nhật và Australia đã triển khai nhiều máy bay, tàu chiến và tàu ngầm để phát hiện và đồng loạt phóng tên lửa chống hạm tiêu diệt tàu chiến đối phương.

Còn trong cuộc diễn tập trên Biển Hoa Đông vừa diễn ra, mục tiêu đối phó của các tàu hộ vệ Trung Quốc chính là tên lửa diệt hạm đối phương. Tàu Meizhou trang bị cả tên lửa chống hạm và phòng không thuộc hạm đội Nam Hải đã khai hỏa bắn hạ một tên lửa diệt hạm đang bay tới.

Trong khi đó, tàu hộ vệ cùng lớp Tonggren thuộc hạm đội Đông Hải cố tình bắn trượt mục tiêu trong lần khai hỏa đầu tiên, nhằm kiểm tra khả năng tiếp tục theo dõi và bắn hạ tên lửa địch.

Thông điệp răn đe Mỹ trong cuộc diễn tập chống tên lửa diệt hạm của Trung Quốc ảnh 1

Một tàu hộ vệ Type-056 phóng tên lửa diệt hạm trong đợt diễn tập năm 2016. Ảnh: Sina

"Nếu lượt đánh chặn đầu tiên không thành công, các tàu phải cơ động vào vị trí mới để tiếp tục phóng đạn", hải quân Trung Quốc tiết lộ nội dung diễn tập. Ngoài nhiệm vụ đánh chặn tên lửa chống hạm, các tàu chiến cũng thực hiện bài tập chống ngầm, nhằm chuẩn bị cho kịch bản đối đầu với lực lượng tàu ngầm đối phương.

Theo nhà phân tích Ryan Pickrell, cuộc diễn tập thể hiện sự lo ngại cũng như cách Bắc Kinh đối phó với mối đe dọa từ vũ khí diệt hạm hiện đại của Washington.

Những chiếc Type-056 sẽ trở thành lá chắn phòng không và chống ngầm để bảo vệ biên đội tàu sân bay Trung Quốc khỏi vũ khí diệt hạm, trong khi chiến hạm cỡ lớn như Type-054A và Type-052C/D tạo ô phòng không, đánh chặn máy bay mang tên lửa hành trình của đối phương từ xa.

Trung Quốc đang tích cực tăng cường năng lực tác chiến hải quân bằng việc đóng thêm tàu sân bay mới và tuần dương hạm hạng nặng, làm dấy lên lo ngại về những hành động quyết liệt hơn của nước này với các quốc gia láng giềng trong vấn đề tranh chấp trên biển.

Để đối phó với các cuộc diễn tập của Trung Quốc trên Biển Hoa Đông, Nhật Bản cho biết họ sẽ triển khai một đơn vị thủy quân lục chiến tinh nhuệ tham gia các hoạt động diễn tập phòng thủ, tái chiếm đảo xa bờ trong năm nay. Tokyo cũng tái thành lập Lữ đoàn Đổ bộ Triển khai Nhanh, nhằm đối phó với tham vọng của Bắc Kinh tại nhóm đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư tại vùng biển này.

Tin mới