Thông điệp tinh tế ẩn sau chân dung Tổng thống Pháp Macron

Ảnh chân dung chính thức của ông Emmanuel Macron được cho là phá vỡ truyền thống và ẩn chứa nhiều thông điệp tinh tế về xuất thân và con người của tân tổng thống 39 tuổi.

Pháp đã công bố bức chân dung chính thức của tân tổng thống nước này, Emmanuel Macron, vào ngày 29/6. Bức ảnh đơn giản chụp cảnh ông Macron đứng trong văn phòng tại Điện Elysee ở Paris do Soazig de la Moissonnière, 35 tuổi, người từng làm việc cho tân tổng thống kể từ chiến dịch tranh cử, thực hiện.

Tuy nhiên, ảnh chân dung của các chính trị gia thường ẩn chứa nhiều biểu tượng và bức ảnh đơn giản này cũng không phải ngoại lệ.

Đồ vật biểu tượng

Đối với Macron, một chính trị gia trung dung 39 tuổi, cựu nhân viên ngân hàng, người đã chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử tổng thống và bầu cử quốc hội năm nay, bức chân dung là cơ hội gửi gắm thông điệp tinh tế về vị trí lãnh đạo của ông.

Thong diep tinh te an sau chan dung Tong thong Phap Macron hinh anh 1
Bức ảnh chân dung chính thức của Tổng thống Emmanuel Macron được chụp tại Cung điện Elysee ở Paris. Ảnh: AP.

Thông điệp rõ ràng nhất là những lá cờ ở bên cạnh. Quốc kỳ của Pháp và cờ của Liên minh Châu Âu (EU) được đặt ngang bằng nhau là dấu hiệu cho thấy quan điểm ủng hộ EU của ông Macron.

Trên bàn làm việc là những đồ vật mang ý nghĩa biểu tượng được xếp đặt cẩn thận. Một chiếc đồng hồ chỉ 8h20 vào thời điểm bức ảnh được chụp thể hiện điều mà ông Macron từng nói về việc làm chủ thời gian và lịch trình của riêng ông. Phía bên trái bức ảnh là lọ mực có hình gà trống Gaulois, con vật biểu tượng của nước Pháp.

Ba cuốn sách được đặt trên bàn, trong đó có một cuốn được mở ra. Báo chí Pháp cho biết cuốn sách này là hồi ký của Charles de Gaulle, nhân vật quyền lực nắm giữ vị trí lãnh đạo nước Pháp sau Thế chiến II.

Hai cuốn sách còn lại là "Đỏ và đen" của Stendhal và "Dưỡng chất trần gian" của Andre Gide. "Đỏ và đen" là cuốn tiểu thuyết thế kỷ 19 kể về câu chuyện của một chàng trai tỉnh lẻ đầy tham vọng trong giai đoạn căng thẳng chính trị dẫn tới cuộc cách mạng năm 1830. Cuốn sách còn lại là một tập thơ được xuất bản lần đầu năm 1897.

Bên cạnh đó, sự hiện diện của hai chiếc điện thoại di động trên bàn làm việc cũng rất đáng chú ý. Trong video do Sibeth Ndiaye, phát ngôn viên Điện Elysee, đăng tải lên Twitter, ông Macron đã cẩn thận đặt hai chiếc điện thoại này lên bàn. Đây có lẽ là lần đầu tiên điện thoại di động được đưa vào ảnh chụp của tổng thống Pháp.

Phá vỡ truyền thống

Bối cảnh của bức ảnh cũng góp phần quan trọng vào thông điệp. Các tổng thống Pháp từ lâu đã chụp ảnh chân dung chính thức nhưng bối cảnh của mỗi bức chân dung lại khác nhau.

Nicolas Sarkozy và Francois Mitterrand chụp ảnh trong thư viện lớn của Điện Élysée để có bức hình trang trọng và quyền uy theo phong cách cổ điển. Jacques Chirac và Francois Hollande chụp ảnh ngoài trời để có bức hình giản dị hơn.

Tuy nhiên, ảnh chân dung năm 2012 của ông Hollande đã không đem lại hiệu quả như ý muốn. Dù được nhiếp ảnh gia nổi tiếng Raymond Depardon chụp, bức ảnh vẫn trở thành đề tài chế nhạo của công chúng.

"Đây không phải ảnh chụp tổng thống, đây là ảnh chụp một gã nào đó trong khu vườn", một người gửi bình luận tới tờ báo địa phương.

Thong diep tinh te an sau chan dung Tong thong Phap Macron hinh anh 2
Bức ảnh chân dung chính thức của Tổng thống Pháp François Hollande được chụp bởi nhiếp ảnh gia Raymond Depardon vào năm 2012. Ảnh: AFP/Getty.

Ông Macron không đứng trong thư viện hay trong vườn mà chọn đứng trong văn phòng với cửa sổ mở ra khu vườn bên ngoài. Điều này không chỉ phá vỡ truyền thống mà còn khéo léo đưa được cả 2 yếu tố bên trong và bên ngoài vào bức ảnh.

Bình luận trên Le Figaro, Jacky Isabello, đồng sáng lập hãng truyền thông Coriolink, cho biết cách ông Macron đứng dựa vào bàn làm việc gợi nhớ tới hình ảnh của một doanh nhân, có lẽ để thể hiện khuynh hướng ủng hộ giới kinh doanh của ông.

Bức ảnh của Macron có thể không giống với bức ảnh của các tổng thống Pháp khác nhưng một số nhà báo lại chỉ ra rằng nó trông giống bức chân dung của Tổng thống Barack Obama năm 2012. Điều này cũng khá hợp lý vì ông Obama từng thể hiện sự ủng hộ đối với ông Macron hồi tháng 5.

Ngoài ra, ông Obama cũng là một nhân vật được yêu mến tại Pháp. Bởi vậy, nếu tân tổng thống mô phỏng chân dung của cựu tổng thống Mỹ thì đây cũng là điều dễ hiểu. 

Theo Zing.vn

TIN LIÊN QUAN

Tin mới