Thông điệp từ Triều Tiên!

(Baonghean) - Màn “đấu súng” lần đầu tiên sau nhiều năm tại khu quân sự liên Triều đúng vào thời điểm nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un “tái xuất” sau 3 tuần vắng bóng dường như là một thông điệp có ẩn ý của Bình Nhưỡng.

Vô tình hay hữu ý?

Dù cả thế giới vẫn đang gồng mình chống đại dịch Covid-19, song bất kỳ biến động nào trên bán đảo Triều Tiên cũng gây sự chú ý không nhỏ. Tiếng súng nổ tại khu vực phi quân sự giữa 2 nước sáng Chủ nhật (3/5) ngay lập tức trở thành tâm điểm theo dõi của truyền thông quốc tế và tất nhiên cả Mỹ và các đồng minh ở khu vực.

Khu phi quân sự giữa biên giới liên Triều được canh gác nghiêm ngặt nhất thế giới. Ảnh: AP
Khu phi quân sự giữa biên giới liên Triều được canh gác nghiêm ngặt nhất thế giới. Ảnh: AP

Theo thông báo của Hàn Quốc, sáng sớm 3/5 nhiều phát súng được bắn từ phía Triều Tiên đã trúng 1 trạm gác của Hàn Quốc tại Khu phi quân sự, khiến lực lượng Hàn Quốc phải đưa ra cảnh báo trên sóng phát thanh và bắn trả 2 lần. Hàn Quốc cho biết, hành động của Bình Nhưỡng đã vi phạm thỏa thuận quân sự năm 2018, theo đó, đình chỉ các hành động thù địch có thể thúc đẩy căng thẳng và xung đột giữa hai bên.

Trong bối cảnh quan hệ liên Triều dù đã có nhiều cải thiện song vẫn đang trong trạng thái chiến tranh vì chưa có một thỏa thuận hòa bình kể từ cuộc chiến 1950-1953, hành động nổ súng trước từ phía Triều Tiên dấy lên nhiều nghi ngại. Câu hỏi được đặt ra nhiều nhất là hành động đó có chủ đích hay chỉ là vô tình?

Xét về thời điểm, vụ nổ súng xảy ra vào thời điểm thời tiết không thuận lợi khi có sương mù dày đặc, vì thế cũng có thể xem là một hành động vô tình. Tuy nhiên, giới chuyên gia quân sự chỉ ra rằng, thông thường, những sự cố vô tình ở khu phi quân sự đều được phía Triều Tiên hồi đáp và giải thích ngay sau đó.

Tuy nhiên, trường hợp vụ nổ súng lần này lại khác, khi Bình Nhưỡng cho đến nay vẫn chưa lên tiếng xác nhận có hay không một hành động “vô tình”. Vậy nên, cũng có thể xem hành động vừa qua của Triều Tiên là có tính toán hoặc tận dụng “sự cố” để chuyển tải một vài ẩn ý.

Truyền thông nhà nước Bắc Triều Tiên công bố hình ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un cắt băng khánh thành nhà máy phân bón ở thành phố Sunchon hôm 1/5. Ảnh: Reuters
Truyền thông nhà nước Bắc Triều Tiên công bố hình ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un cắt băng khánh thành nhà máy phân bón ở thành phố Sunchon hôm 1/5. Ảnh: Reuters

Nhận định này không phải không có cơ sở, bởi vụ nổ súng ở biên giới liên Triều diễn ra ngay sau khi có tin nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un “tái xuất” sau 21 ngày vắng mặt làm dấy lên nhiều đồn đoán về tình trạng sức khỏe của ông.

Những hình ảnh được KCNA công bố cho thấy ông Kim, trong chiếc áo đặc trưng của giới lãnh đạo Bình Nhưỡng, cầm kéo cắt băng đỏ tại buổi lễ khánh thành Nhà máy phân bón Sunchon ở thành phố Sunchon, cách Thủ đô Bình Nhưỡng khoảng 50 km về phía Bắc. Đứng cạnh ông là các quan chức cấp cao Triều Tiên và em gái Kim Yo-jong. Việc truyền thông Triều Tiên đưa tin, hình ảnh về hoạt động của nhà lãnh đạo Kim Jong-un phần nào đã xóa tan những tin đồn trước đó. Và vụ nổ súng ở biên giới được cho sẽ “lái” sự chú ý của dư luận quốc tế theo hướng khác, từ đó hoàn toàn giải tỏa những đồn đoán liên quan đến nhà lãnh đạo của Triều Tiên.

Chưa leo thang căng thẳng

Dù không gây thiệt hại hay thương vong, song giới chức quân sự Hàn Quốc xác nhận vụ Triều Tiên nổ súng ở biên giới làm dấy lên những lo ngại, phát sinh căng thẳng mới có thể làm tổn hại tới các nỗ lực nối lại đàm phán hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, xét về mức độ và tính chất vụ việc, vụ nổ súng vừa qua cũng sẽ không khiến Hàn Quốc và Triều Tiên leo thang căng thẳng hay dẫn đến những hành động quân sự tiếp theo. Bởi trên thực tế, gây căng thẳng với Hàn Quốc lúc này hoàn toàn bất lợi cho Bình Nhưỡng.

Ông Kim Jong-un xuất hiện lần đầu tiên sau hơn 20 ngày vắng bóng. Ảnh: AFP
Ông Kim Jong-un xuất hiện lần đầu tiên sau hơn 20 ngày vắng bóng. Ảnh: AFP

Mặc dù, Triều Tiên vẫn ưu tiên đối thoại trực tiếp với Mỹ, nhưng đến nay các cuộc đàm phán chưa có tiến triển. Hiện nay, nước Mỹ đang tập trung cho cuộc bầu cử vào cuối năm và dù Tổng thống Donald Trump có tái đắc cử hay không thì vấn đề Triều Tiên nhiều khả năng sẽ được Washington gác lại cho đến khi cuộc bầu cử ngã ngũ. Vì vậy, trong thời gian này, Triều Tiên rất cần hợp tác với Hàn Quốc để thúc đẩy phát triển kinh tế. Hơn nữa, duy trì mối quan hệ với Seoul cũng là để chờ thời điểm thích hợp nối lại các cuộc đối thoại Mỹ - Triều.

Bên cạnh đó, về phía Hàn Quốc, kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Moon Jae-in luôn chủ trương giải quyết mối quan hệ liên Triều theo hướng hòa hảo, dựa vào đối thoại, không đối đầu. Việc đảng cầm quyền của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thắng lớn trong cuộc bầu cử hồi giữa tháng 4 vừa qua cũng đảm bảo việc Hàn Quốc duy trì lập trường hòa dịu với Triều Tiên trong thời gian tới. Vậy nên, hai bên chắc chắn sẽ không để những sự cố nhỏ ảnh hưởng đến những quyết sách lớn.

Giới quan sát cho rằng, sự vắng mặt của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, sự trở lại bất ngờ của ông và hành động nổ súng ở biên giới có thể chỉ là những hành động gây sự chú ý của dư luận quốc tế và nhất là với Mỹ. Triều Tiên cho đến nay vẫn là duy trì sự kiềm chế, nhằm tạo bầu không khí đối thoại với Mỹ liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này. Mục đích của Bình Nhưỡng là kêu gọi Washington dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đang kìm kẹp nền kinh tế của quốc gia này.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp nhau tại Bàn Môn Điếm tháng 4/2018. Ảnh: Reuters
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp nhau tại Bàn Môn Điếm tháng 4/2018. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, vì phải dồn sức cho việc chống dịch Covid-19 và những vấn đề đối nội trước cuộc đua vào Nhà Trắng vào cuối năm nay có vẻ chính quyền của Tổng thống Donald Trump không còn đặt ưu tiên đối thoại với Bình Nhưỡng vào thời điểm này, mặc dù cho đến nay Washington vẫn khẳng định mục tiêu là phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên.

Vậy nên, không có gì khó hiểu khi phía Triều Tiên càng ngày càng thêm sốt ruột bởi tình trạng đình trệ đàm phán càng kéo dài thì Triều Tiên càng bị bất lợi. Vì thế, Triều Tiên phải thường xuyên “đánh tiếng” hối thúc Mỹ bằng những vụ phóng tên lửa trước đó hay những hành động gây chú ý thời gian gần đây. 

Tin mới